Tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết định không viết chủ đề cuối cùng này như dự kiến. Đó là về sự viên tịch của một nhà sư tôi rất kính trọng. Tôi nhận ra nó hơi khó hiểu đối với đa số mọi người. Vì vậy, có lẽ, việc dừng-viết-đúng-lúc cũng quan trọng như việc viết. Dù vậy, trải nghiệm này là một phần trong tôi, và bằng việc theo dõi các bài viết, tôi tin rằng bạn đã đọc được nó rồi.
Thay vào đó, tôi sẽ lan man một chút về hồi tôi tiếp cận, rồi ra khỏi Phật giáo thế nào.
Cá nhân tôi cho rằng việc rời bỏ thế giới hiện tại để tìm kiếm một thế giới tốt hơn là hết sức bình thường, xét trên dòng lịch sử của con người. Chúng ta từ một loài ăn lông ở lỗ, đột nhiên tạo ra vô vàn chuẩn mực xã hội và triết lý sống vượt xa khỏi thế giới ban đầu. Vì vậy, cũng bình thường khi một người tiếp tục hành trình đó để tiến vào một thế giới mới, nơi mà họ tin rằng nó tốt đẹp hơn. Chẳng phải chúng ta cũng luôn cố nhào nặn thế giới này thành theo ý mình bằng những phát minh công nghệ và ý niệm ngày càng phức tạp hơn đó sao?
Tôi thấy mọi người có một ám ảnh hài hước là “Nếu ai cũng đi tu thì lấy ai ship hàng hay bán cơm cho thế giới ăn?”
Giả sử có 1 tỷ người lập tức xuất gia, thì nền kinh tế sẽ chịu cú đấm đầu tiên vì mất nguồn cung lao động. Thực phẩm, các dịch vụ trở nên đắt đỏ và chẳng còn thiện nam tử, thiện nữ nhân nào còn tâm trí để bố thí hay nghe pháp nữa. Các hành giả sẽ ăn cỏ để tu, theo đúng nghĩa đen. Kinh tế học, sinh học, tâm lý học sẽ làm nhiệm vụ của nó và hàng trăm triệu người tự động hoàn tục. Nói như một giảng viên hồi đại học: “Đừng nghĩ ra những thứ ngàn năm có một rồi dành thời gian giải quyết nó.”
Vậy thì, đối với những con người “rời bỏ thế giới”, thực tế chúng ta chỉ cần tạo điều kiện tối đa để: 1. Họ đi con đường họ muốn 2. Khó có thể đi lệch ra ngoài
Mọi sự sau đó sẽ tự động cân bằng.
Hiện tại, cái dở của cộng đồng là, chúng ta kính trọng họ một cách vô điều kiện, nhưng không biết kiến thức căn bản để khiến họ kính trọng con đường họ đi. Điều đó góp phần làm tha hoá giới tăng lữ. Shakyamuni nói kính trọng các Sa-môn, nhưng cũng nói, không phải ai ăn mặc như Sa-môn cũng là Sa-môn.
Không cho họ tặng phẩm có giá trị. Không gần gũi, đụng chạm, ăn mặc gợi dục trước họ. Thay vì sùng bái cá nhân, chỉ dành cho họ sự kính trọng tối thiểu và tập trung vào pháp mà họ truyền đạt. Luôn thờ ơ để tặng họ sự yên tĩnh mà họ cần. Đây là những “món quà pháp” hết sức quý giá mà ai cũng có thể tặng, chỉ bằng việc tìm hiểu kiến thức căn bản.
Như bạn thấy, dù muốn nghiêm túc hay muốn thế giới này nghiêm túc, rốt cuộc, chúng ta cũng vẫn phải bắt đầu từ chính mình.
Rồi một ngày nọ, khi đời sống gia đình và kỷ luật bắt đầu va chạm nhau, tôi nghĩ, ở một thời điểm, chỉ nên go hard hoặc go home, nên tôi đã đặt nó xuống. Vậy đó, đôi khi không thể “cấm”, hãy chuyển sang “bắt buộc làm thật nghiêm túc”, mọi thứ sẽ tự cân bằng.
Tôi kết thúc khoảng thời gian này ở đây, một khoảng thời gian rất đẹp.
Chúc bạn luôn cẩn thận với Phật giáo.
img_0
Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.
Bài viết này thuộc series Hãy cẩn thận với Phật giáo nếu các bạn muốn xem nhiều hơn.