Có những hành trình khởi đầu từ toan tính kỹ lưỡng, có những hành trình bắt đầu vì cơ duyên ngẫu nhiên, nhưng cũng có những hành trình chỉ đơn giản là vì… không biết sợ. Câu chuyện của FPT Software – công ty con của tập đoàn FPT – thuộc về loại thứ ba. Vào năm 1999, giữa lúc người Việt vẫn còn bận cắm dây điện thoại và phần mềm chỉ là một khái niệm mơ hồ với đại đa số người dân, những con người ở FPT đã nuôi một giấc mơ ngông cuồng: xuất khẩu phần mềm ra thế giới.
Họ bắt đầu với một bàn tay trắng: không kinh nghiệm quốc tế, không khách hàng, không quy trình, không thương hiệu. Thứ duy nhất họ có là tinh thần Đek biết gì cũng tiến. Và nhờ tinh thần ấy, từ những con số doanh thu vài nghìn USD đầu tiên, FPT Software đã kiên trì (có nhiều khi chật vật) tiến bước, để rồi hơn hai thập kỷ sau ghi tên mình vào câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm doanh thu tỷ đô đầu tiên của Việt Nam. Họ đã làm điều đó như thế nào, và chúng ta với tư cách là những cá nhân hoặc doanh nghiệp, có thể học được gì từ hành trình này?
Bài viết này được đúc kết và truyền cảm hứng từ cuốn sách “Đek biết gì cũng tiến” của tác giả Nguyễn Thành Nam và các đồng tác giả Phan Phương Đạt, Dương Thành Nhân, Nguyễn Thanh Nga, Bùi Anh Tuấn. Vốn cũng “mang tiếng” là một người làm khởi sự kinh doanh với Spiderum tới nay đã tròn 10 năm, mình cực kỳ đồng cảm với những câu chuyện mà anh Nam và các tác giả chia sẻ trong cuốn sách này. Trong hành trình kinh doanh, nhiều khi chúng ta có rất ít dữ kiện trong tay và chỉ biết tiến lên bằng trực giác và lòng quả cảm. Mọi sai lầm để phải trả giá bằng tiền, hoặc… rất nhiều tiền.
“Đek biết gì cũng tiến” không phải tiểu thuyết hay giáo trình, mà là một cuốn sử ký cuốn hút về câu chuyện kinh doanh của những người Việt tiên phong, kể lại hành trình từ zero tới 1 tỷ đô doanh thu bằng giọng văn tự trào, dí dỏm nhưng cực kỳ duyên dáng. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về sách TẠI ĐÂY nhé.
img_0

Phần 1: Những năm đầu gian khó (1998–2003) – Ra trận tay không

"Hội nghị Diên Hồng" và quyết tâm "xuất hay là chết"

Cuối năm 1998, FPT đứng trước một ngã ba đường sống còn. Sau một thập kỷ phát triển chủ yếu dựa vào kinh doanh thiết bị công nghệ nhập khẩu, công ty đối mặt với nguy cơ chững lại khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á làm lung lay nền kinh tế khu vực. Trong bối cảnh đó, chuyến đi công tác tới Bangalore, Ấn Độ của ông Trương Gia Bình và các lãnh đạo cấp cao đã mang lại một cú thức tỉnh: nếu một quốc gia nghèo như Ấn Độ có thể trở thành trung tâm gia công phần mềm cho thế giới, tại sao Việt Nam lại không?
Trở về nước, trong Hội nghị Chiến lược FPT diễn ra tại Đồ Sơn (Hải Phòng) vào cuối năm 1998, anh Nguyễn Thành Nam đã đứng lên đọc bản tham luận ngắn gọn nhưng gây chấn động: "Xuất (khẩu phần mềm) hay là chết". Bài tham luận mở đầu bằng một câu chuyện: Cách đây hơn 100 năm, vào cuối thế kỷ 20, ở đất nước nọ hình con giun, có một cuộc họp bộ lạc. Một ông béo đứng lên buồn bã “Thưa bà con, năm nay đói kém, ngoài đồng không có gì mọc được, không khéo phải ăn c. thôi”. Tiếng kêu la thảm thiết trong dân chúng. Bỗng một ông còi reo lên: “Bà con ơi, có tin vui. Tôi đã tìm ra được một đống rất to”. Đống đó chính là “xuất khẩu phần mềm”, Nguyễn Thành Nam kết luận trong sự giận dữ xen lẫn khoái trá của cử tọa.
Sự táo bạo của thông điệp ấy, cộng với sự đồng thuận hiếm có của gần 50 lãnh đạo tham dự, đã biến hội nghị này thành một sự kiện lịch sử, được ví như "Hội nghị Diên Hồng" của FPT. Một quyết định mang tính chiến lược đã được đưa ra: FPT sẽ đầu tư 1 triệu USD, một con số khổng lồ so với doanh thu phần mềm nội địa chỉ khoảng 400.000 USD lúc đó, để thực hiện chiến dịch "mang chuông đi đánh xứ người".
Đội ngũ FPT những ngày đầu
Đội ngũ FPT những ngày đầu
Đội hình tiên phong của FPT Software được tuyển chọn khắt khe, bao gồm những cá nhân hội đủ phẩm chất: giỏi lập trình, thành thạo tiếng Anh, có kỹ năng kinh doanh và đặc biệt là khả năng sinh tồn trong môi trường quốc tế. Những cái tên như Hoàng Việt Anh, Hùng Henry, Bùi Hoàng Tùng… sau đó sẽ trở thành những nhân chứng sống cho những tháng ngày vừa hào hùng, vừa gian truân của hành trình xuất khẩu phần mềm Việt Nam.
Tháng 6 năm 1999, lễ tiễn đoàn quân FSOFT ra nước ngoài được tổ chức tại trụ sở 89 Láng Hạ (Hà Nội) trong không khí vừa hào sảng vừa cảm động. Người sang Mỹ được gọi vui là thực hiện "Chinh Tây" – chinh phục phương Tây. Người sang Ấn Độ được ví von là "Thỉnh Kinh" – đi học bí kíp từ đất nước được coi là thánh địa của ngành phần mềm.
Nhưng thực tế ngoài kia không đẹp như tranh. Sau gần một năm đứng chờ ở "chợ phần mềm" Bangalore, chi nhánh FPT tại Ấn Độ vẫn không giành được bất kỳ hợp đồng nào. 
Tại Mỹ, những câu chuyện hậu trường như Hùng Henry và đồng nghiệp Hồng Sơn phải ăn mì gói sống qua ngày, ngủ giường tầng, mò mẫm khắp cộng đồng người Việt ở California để tìm khách hàng... đã trở thành những huyền thoại bi hài. Khách hàng đầu tiên mà họ giành được là chủ một chuỗi tiệm phở Việt Nam, ký hợp đồng phát triển phần mềm quản lý chuỗi nhà hàng với trị giá chỉ... 2.500 USD. Mặc dù đã thuê cả giám đốc marketing người Mỹ, mở văn phòng ngay tại Silicon Valley, trái tim của ngành công nghệ thế giới, nhưng FPT Software cũng không ký được hợp đồng nào đáng kể. Martin Geiger, người đã được mời về với mức lương ngất ngưởng 7.000 USD ở thời điểm đó (trong khi lương của thành viên FPT Young Talents lúc đó chỉ mới khoảng 1 triệu đồng/tháng), đã bức xúc đánh giá thế này: “Công ty này được thành lập bởi những ảo tưởng sai của các lãnh đạo FPT về năng lực vận hành, bán những sản phẩm sai vào những khách hàng sai trong một thị trường cũng sai nốt!”. 
Thậm chí, báo chí địa phương còn đăng những bài giật tít giễu cợt kiểu: "Việt Cộng đã sang Mỹ làm phần mềm rồi". Những điều đó, thay vì khiến người FPT nản lòng, lại càng tôi luyện trong họ một tinh thần sắt đá: đã ra trận thì không có đường lùi.

Thất bại đau đớn, bài học đầu tiên và vực dậy từ nội lực

Tháng 6 năm 2000, FPT phải ra quyết định đóng cửa chi nhánh Ấn Độ, chuyển hoạt động thành văn phòng đại diện, rồi sau đó rút lui hoàn toàn. Tại Mỹ, văn phòng Silicon Valley lặng lẽ đóng cửa sau chưa đầy một năm khai trương. Chiến dịch "Chinh Tây" tưởng như đầy lạc quan bỗng dưng trở thành bài học đau đớn về thực tế phũ phàng: để thành công ở sân chơi quốc tế, chỉ có lòng quyết tâm thôi là chưa đủ.
Những nguyên nhân thất bại đã dần được mổ xẻ một cách nghiêm túc:
- FPT Software thiếu hiểu biết về nhu cầu thực tế của khách hàng nước ngoài. Cái mà đội ngũ kỹ sư Việt Nam biết thì thị trường không cần; còn cái thị trường cần thì họ chưa làm được.
- Khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, phong cách làm việc chuyên nghiệp – tất cả đều quá non so với các đối thủ quốc tế.
- Đội ngũ nhân sự với cái tôi “cao ngút trời” còn e ngại việc làm "gia công" hoặc "làm thuê", một định kiến cần phải vượt qua để thực sự bước ra thế giới.
Chính Trương Gia Bình sau này cũng từng thừa nhận: "Thời kỳ đó, chúng tôi giống như những người cưỡi ngựa ra biển lớn, không bản đồ, không la bàn, chỉ có lòng quả cảm."
Một trong những bài học đắt giá nhất mà FSOFT rút ra từ giai đoạn đầu tiên này là: không ai có thể đi hộ mình trên hành trình chinh phục thế giới. Mặc dù từng thuê những chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tại Mỹ và Ấn Độ với mức đãi ngộ cao, nhưng rốt cuộc, chỉ có những người FPT, những người "cùng thuyền, chung mộng", mới có đủ quyết tâm và kiên nhẫn để theo đuổi những hợp đồng khó khăn đến cùng.
Các chuyên gia nước ngoài giỏi, nhưng họ thiếu sự thấu cảm với văn hóa FPT, thiếu niềm tin sâu sắc vào khả năng của những kỹ sư Việt Nam còn non trẻ. Trái lại, những Bùi Hoàng Tùng, Hoàng Việt Anh, Hùng Henry, Hồng Sơn… tuy còn bỡ ngỡ với thế giới, nhưng nhờ sự kiên trì, sự hiểu mình, hiểu đồng đội, và đặc biệt là niềm tin không gì lay chuyển vào giấc mơ xuất khẩu phần mềm, đã từng bước giành lấy những khách hàng đầu tiên.
Tinh thần ấy – dám làm cái chưa từng làm, dám bước vào cái chưa từng biết, dám thất bại để trưởng thành – sau này được Nguyễn Thành Nam đúc kết thành một câu nói bất hủ, trở thành kim chỉ nam cho cả một thế hệ người FSOFT: "Đek biết gì cũng tiến."

Phần 2: Vượt sóng lớn (2003–2015) – Bước chân thần tốc trên đất Nhật

Sau những thất bại đau đớn ở Mỹ và Ấn Độ, FPT Software đứng trước một lựa chọn sinh tử: hoặc tiếp tục "giậm chân tại chỗ" trên những thị trường khổng lồ nhưng quá cạnh tranh, hoặc tìm ra một hướng đi khác phù hợp hơn với năng lực thực tế của mình. Và rồi Nhật Bản, một nền kinh tế công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng lại đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực CNTT, đã trở thành mục tiêu mới.
Nhật Bản không phải là miền đất dễ dàng. Ngôn ngữ là một rào cản khổng lồ; văn hóa kinh doanh Nhật yêu cầu sự chính xác, kiên nhẫn và chuẩn mực cao đến mức gần như "không thể chịu nổi" đối với một công ty trẻ như FPT Software. Ban đầu, rào cản ngôn ngữ khiến FPT gặp không ít tình huống “dở khóc dở cười”. Chủ tịch Trương Gia Bình kể rằng: “Trong giai đoạn đầu tiếp cận khách hàng Nhật Bản, vì không biết tiếng Nhật nên chúng tôi bị nói khéo: ‘Chúng tôi rất muốn hợp tác với FPT nhưng các bạn chờ chúng tôi học xong tiếng Anh đã’”. Hiểu được ẩn ý, ông Bình khẳng định ngay: “Chúng tôi sẽ học tiếng Nhật và quay lại bàn chuyện hợp tác với các bạn bằng tiếng Nhật”​.
Ngay từ năm 2001, FPT đã có những khách hàng Nhật đầu tiên. Những thành công bước đầu tại Nhật Bản đến từ các dự án nhỏ nhưng giàu ý nghĩa. Một kỷ niệm đẹp được người FPT nhắc mãi là khi 120 kỹ sư phần mềm Việt đã “vá” hàng nghìn lỗi cho dự án số hóa bản đồ của khách hàng Nhật chỉ trong hơn 3 tháng, đổi lại hơn 500 nhân viên người Nhật đã gửi lời tri ân đặc biệt đến đội dự án​.
Và năm 2002, FPT cùng các doanh nghiệp phần mềm lớn trong nước thành lập Hiệp hội Phần mềm Việt Nam VINASA với mục tiêu đoàn kết lực lượng, cùng nhau xây dựng thương hiệu phần mềm Việt trên trường quốc tế.
Chặng đường tiếp cận thị trường Nhật Bản không hề bằng phẳng. Những năm đầu tiên, đội ngũ FSOFT phải chấp nhận làm những dự án gia công nhỏ bé, sửa lỗi phần mềm, gỡ bug hệ thống – những công việc mà ngay cả các công ty Nhật nhỏ cũng "không muốn làm". Nhưng với tinh thần "khách giao gì làm nấy", kiên trì bám trụ và chất lượng làm việc bền bỉ, từng bước, FPT Software đã chinh phục được lòng tin của các khách hàng khó tính bậc nhất thế giới.
Một trong những bài học lớn khác mà người FPT nhận ra từ hành trình “xuất khẩu phần mềm”, đó là luôn cần những bàn tay chìa ra, những “ông chú” giúp đỡ những bước đi ban đầu.
Ông Ichiba-san, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nissen là một trong những “ông chú” như vậy. Không chỉ ký hợp đồng với FPT Software vào năm 2001, ông Ichiba còn trực tiếp hỗ trợ đào tạo đội ngũ FPT cách làm outsourcing theo chuẩn Nhật: từ cách viết email, cách tổ chức meeting, cho đến phong cách làm việc chỉn chu. Ông thậm chí còn "vừa làm vừa dạy", kiên nhẫn uốn nắn từng kỹ sư trẻ người Việt.
Chính những người "ông chú" như Ichiba-san đã giúp FPT Software vượt qua những rào cản đầu tiên về văn hóa và quy trình. Họ không chỉ là khách hàng, mà còn là những người thầy lớn – những người đã đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp bền vững của FPT Software tại thị trường Nhật.
Ngày 13 tháng 11 năm 2005, FPT chính thức thành lập FPT Japan tại Osaka, đánh dấu sự hiện diện pháp lý đầu tiên của một công ty công nghệ Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là một bước ngoặt mang tính chiến lược: từ việc chỉ làm gia công thuê, FPT Software bắt đầu chủ động xây dựng mạng lưới khách hàng, đội ngũ nhân sự bản địa và thậm chí tham gia sâu vào chuỗi cung ứng công nghệ của Nhật.
Không dừng lại ở Osaka, FPT nhanh chóng mở rộng hiện diện tại Tokyo, Nagoya – những trung tâm công nghiệp lớn nhất Nhật Bản. Đến năm 2012, FPT Japan đã trở thành công ty phần mềm Việt Nam lớn nhất tại Nhật, với hàng trăm nhân sự người Việt và Nhật Bản cùng làm việc. Tính đến năm 2015, thị trường Nhật Bản chiếm tới gần 50% doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT Software – một thành tích đáng nể với bất kỳ công ty CNTT nào tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Thành công ở Nhật Bản không chỉ mang lại doanh thu, mà còn giúp FPT Software học hỏi và nội lực hóa những chuẩn mực quản lý khắt khe nhất, tạo tiền đề để chinh phục các thị trường khó tính khác như Mỹ, châu Âu sau này.

Phần 3: Từ Outsourcing đến Digital Transformation và những thương vụ M&A (2015–2023)

Sau khoảng một thập kỷ kiên trì, những hoài nghi ban đầu về hướng đi “xuất khẩu phần mềm” dần được xóa bỏ. Mốc năm 2007-2008 đánh dấu sự thay đổi lớn về tầm vóc: các lãnh đạo FPT lúc này mới thực sự tin rằng “phần mềm có thể kiếm được nhiều tiền”. Doanh thu từ thị trường nước ngoài năm 2012 chiếm gần 1/6 tổng doanh thu FPT, cho thấy hoạt động toàn cầu hóa đã trở thành trụ cột chứ không còn là “phép thử” nữa.
Bước vào thập kỷ 2010, thế giới công nghệ bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Xu thế chuyển đổi số (Digital Transformation) với các công nghệ mới như Cloud Computing, Big Data, AI, IoT... trở thành xu thế tất yếu.
Nhìn thấy nguy cơ bị mắc kẹt ở "bẫy outsourcing giá rẻ", ban lãnh đạo FPT Software đã quyết định thực hiện một bước chuyển mình chiến lược: dịch chuyển từ công ty gia công phần mềm thuần túy sang công ty cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể, với trọng tâm là chuyển đổi số. Hướng đi này sớm cho “trái ngọt”: chỉ 5 năm sau (2018), doanh thu chuyển đổi số của FPT từ thị trường nước ngoài đã gấp 5 lần, chiếm khoảng 50% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023.
Quyết định này không dễ dàng, bởi nó yêu cầu thay đổi gần như toàn bộ năng lực cốt lõi: từ kỹ năng nhân sự, mô hình kinh doanh, tới quan hệ khách hàng. Nhưng với tinh thần "Đek biết gì cũng tiến" đã ăn sâu vào DNA của mình, FPT Software một lần nữa lao vào học hỏi, thử nghiệm và tiến hóa.
Để tăng tốc, FPT Software chủ động tiến hành những thương vụ M&A lớn ở nước ngoài – một chiến lược mà trước đó chưa công ty công nghệ Việt Nam nào dám mạnh tay thực hiện.
Năm 2014, FPT Software mua lại RWE IT Slovakia, công ty CNTT thuộc tập đoàn năng lượng hàng đầu nước Đức RWE, qua đó chính thức bước chân vào lĩnh vực công nghệ tiện ích (Utilities IT) tại châu Âu. Đây là thương vụ M&A đầu tiên ở nước ngoài trong ngành phần mềm Việt Nam, tạo tiếng vang lớn và mở đường cho các hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD.
Năm 2018, FPT tiếp tục thực hiện thương vụ M&A đình đám hơn: mua 90% cổ phần Intellinet, một công ty tư vấn chiến lược công nghệ hàng đầu tại Atlanta, Mỹ. Thương vụ này không chỉ mang về khách hàng lớn, mà quan trọng hơn, bổ sung cho FPT Software năng lực tư vấn cấp chiến lược – mảnh ghép còn thiếu để hoàn thiện dịch vụ chuyển đổi số trọn gói cho khách hàng Fortune 500.
Nhờ chiến lược chuyển đổi đúng hướng, từ năm 2015 đến 2023, FPT Software tăng trưởng trung bình trên 25% mỗi năm về doanh thu quốc tế. Nếu như năm 2012, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT Software chỉ chiếm 15% tổng doanh thu Tập đoàn, thì đến năm 2023, con số này đã vượt mốc 1 tỷ USD, đóng góp hơn một nửa vào doanh thu quốc tế của toàn FPT.
Số lượng nhân sự cũng bùng nổ mạnh mẽ, từ khoảng 5.000 người năm 2013 lên hơn 30.000 người thuộc 70 quốc tịch vào năm 2023, hiện diện tại hơn 30 quốc gia và phục vụ gần 100 khách hàng thuộc Fortune 500.
Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghệ cao như hàng không vũ trụ, ô tô tự lái, ngân hàng số..., FPT Software đã thực sự ghi dấu ấn: các tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới đều sử dụng phần mềm có code do kỹ sư Việt Nam viết; nhiều hãng xe Đức, Mỹ, Nhật cũng dùng giải pháp phần mềm Automotive của FPT.

Phần 4: FSOFT đã áp dụng “chiến tranh nhân dân” như thế nào?

Nếu phải tìm một sợi chỉ đỏ xuyên suốt suốt hành trình hơn hai thập kỷ của FPT Software, thì đó chính là tinh thần "Đek biết gì cũng tiến" – một tinh thần chiến đấu kiểu "chiến tranh nhân dân" trong thời đại toàn cầu hóa. Trong lịch sử Việt Nam, "chiến tranh nhân dân" là chiến lược quân sự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc kết: lấy toàn dân làm lực lượng chiến đấu, lấy sự dẻo dai, sáng tạo của con người để đối đầu với kẻ địch mạnh hơn nhiều lần về vũ khí và kỹ thuật.
Cụ thể, những trụ cột của “chiến tranh nhân dân” là:
- Không trông chờ vào vũ khí tối tân.
- Không đợi điều kiện hoàn hảo mới chiến đấu.
- Tận dụng mọi nguồn lực, địa hình, hoàn cảnh để chiến thắng từng bước nhỏ, tích lũy dần thành chiến thắng lớn.
Thời điểm cuối thập niên 90 – đầu 2000, FPT Software thực chất rơi vào tình thế giống như một "đội du kích" trong chiến trường công nghệ quốc tế: Không tiền nhiều; Không thương hiệu mạnh; Không hậu thuẫn lớn từ quốc tế; Không sở hữu công nghệ lõi đặc biệt.
Nếu đi theo mô hình "quân đội chính quy" (tức là đợi đủ nguồn lực, trang bị, rồi mới tấn công), FPT Software chắc chắn sẽ bị nghiền nát ngay từ vòng ngoài bởi các "đại gia" outsourcing như Infosys, Wipro (Ấn Độ) hay Fujitsu, Hitachi (Nhật). Do đó, lãnh đạo FPT đã sớm thống nhất: FPT phải đánh theo kiểu chiến tranh nhân dân.
Đầu tiên là nguyên lý toàn dân ra trận. FPT Software tổ chức lực lượng theo đúng tinh thần "mỗi người là một chiến sĩ", "mỗi nhóm là một đơn vị tác chiến". Không ai đứng ngoài trận địa: từ sinh viên thực tập, lập trình viên mới ra trường, cho đến các trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, tất cả đều phải trực tiếp ra thị trường, gặp khách hàng, tham gia triển khai dự án. Trong những năm 2000–2005, những kỹ sư trẻ như Bùi Hoàng Tùng, Hoàng Việt Anh không chỉ ngồi code trong văn phòng, mà còn trực tiếp xách laptop đi thuyết trình chào bán dịch vụ cho khách Mỹ, Nhật, Singapore, đôi khi chỉ bằng vốn tiếng Anh còn lơ lớ. Việc thành lập các văn phòng quốc tế đầu tiên của FPT Software – tại Mỹ, Nhật, Singapore – đều do các nhóm nhỏ từ 5 đến 10 người tự tổ chức, không chờ đợi các "đạo quân chính quy" hay sự hậu thuẫn tài chính lớn.
Tiếp theo là nguyên lý vừa chiến đấu vừa học hỏi. FPT Software không chờ có đủ kinh nghiệm rồi mới nhận dự án. Ngược lại, họ chủ động nhận trước những công việc thách thức – như phát triển phần mềm automotive cho các hãng xe Đức năm 2008, xây dựng nền tảng AI cho khách Mỹ năm 2015 – rồi tự tổ chức học hỏi thần tốc. Khi chưa rành automotive, họ mở lớp nội bộ. Khi thiếu kỹ năng về cloud, họ mời chuyên gia về dạy ngay trong công ty. Các lỗi kỹ thuật bị khách Nhật mắng thẳng mặt được FSOFT ghi lại, mổ xẻ chi tiết, biến thành tài liệu training cho toàn đội. Nhờ vậy, FSOFT tạo ra một quy trình tiến hóa liên tục: nhận việc, vấp ngã, học hỏi, cải tiến, thắng lớn hơn.
Cuối cùng là nguyên lý tích lũy chiến thắng nhỏ để tiến tới thắng lợi lớn. FSOFT không mơ mộng "chộp giật" những hợp đồng hàng triệu USD ngay từ đầu. Họ bắt đầu từ những hợp đồng rất nhỏ: phát triển phần mềm quản lý cho tiệm phở Việt kiều tại Mỹ (2.500 USD), sửa lỗi phần mềm cho một hãng nhỏ tại Nhật (vài chục nghìn USD). Mỗi chiến thắng nhỏ đó đều được tích lũy, củng cố danh tiếng, xây dựng case study, để từ đó từng bước tiếp cận các khách hàng lớn hơn. Tinh thần "không chê chiến thắng nhỏ" đã giúp FPT Software bám trụ thị trường quốc tế trong những năm khó khăn nhất, để sau này đủ uy tín nhận những dự án chuyển đổi số hàng chục triệu USD với các tập đoàn Fortune 500.
Thuật ngữ “fractal” được ông Trương Gia Bình sử dụng để miêu tả nghệ thuật “chiến tranh nhân dân” áp dụng trong FPT. Fractal nghĩa là “hình phân dạng”, là một cấu trúc hình học đặc biệt có tính chất tự đồng dạng, nghĩa là mỗi phần của nó có hình dạng tương tự như toàn bộ cấu trúc nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Để vượt qua những vấn đề phức tạp trong tổ chức một đội ngũ lớn, FSOFT áp dụng triệt để chiến lược “đại đội độc lập”, trao quyền cho các đơn vị nhỏ được dẫn dắt bởi các cá nhân có cá tính. Bản thân FSOFT đã được tổ chức mô phỏng mô hình “làng nghề”: mỗi “làng” hoạt động độc lập nhưng sử dụng chung các hệ thống hạ tầng, marketing, logistics… 
Tinh thần "Đek biết gì cũng tiến" không phải sự liều lĩnh mù quáng. Đó là một tư duy học hỏi thực chiến: nhận việc khó, học bằng mọi giá, vấp ngã thì đứng dậy, sửa sai cho đến khi thành thục. Nhờ vậy, FSOFT đã tiến hóa từ một đội du kích IT thành một quân đoàn công nghệ đẳng cấp thế giới. Hành trình của FPT Software không trải đầy hoa hồng: đó là chặng đường ngập tràn thất bại, sai lầm, và những pha "bầm dập" không thương tiếc. Nhưng chính từ đó, những bài học thực sự có giá trị đã được đúc kết: 
Bài học 1: Khát vọng phải lớn hơn nỗi sợ
FSOFT không phải không sợ thất bại. Họ chỉ quyết tâm không để nỗi sợ đó cầm tù hành động. Ngay cả khi thua đau tại Ấn Độ, bị từ chối ở Mỹ, họ vẫn tìm đường khác – như chuyển hướng sang Nhật Bản.
Bài học 2: Đừng đợi sẵn sàng mới bắt đầu
Nếu đợi khi giỏi tiếng Nhật mới làm dự án Nhật, đợi khi có chứng chỉ mới nhận dự án quốc tế, FSOFT sẽ không bao giờ đi được. Họ nhận việc trước, rồi vừa làm vừa học, vừa thi lấy chứng chỉ quốc tế CMMi, ISO.
Bài học 3: Xây nội lực trước khi tìm kiếm bệ đỡ bên ngoài
FSOFT từng thuê chuyên gia Mỹ, Ấn nhưng thất bại vì thiếu gắn kết. Chỉ khi tập trung đào tạo đội ngũ "người nhà", biến kỹ sư Việt Nam thành chiến binh toàn cầu, FSOFT mới bứt phá.
Bài học 4: Văn hóa làm việc quyết định sống cònTinh thần "khách giao gì làm nấy", "thất bại không đổ lỗi" đã cứu FSOFT qua vô vàn dự án chết hụt. Văn hóa đó không tự nhiên sinh ra; nó được tôi luyện từ những ngày đầu tiên chịu nhục, chịu thua, chịu làm việc gấp nhiều lần đối thủ.
Bài học 5: Sai lầm là bình thường, nhưng sửa sai mới là phi thường
FSOFT sai không ít: chọn sai thị trường, dự phóng sai nhu cầu, quản lý sai giai đoạn tăng trưởng nóng. Nhưng điểm khác biệt là: họ không đổ lỗi, không chôn vùi sai lầm, mà xem đó như "bài tập" bắt buộc để trưởng thành.
Bạn đọc có thể thấy rằng FPT Software ngày nay với doanh thu hơn 1 tỷ USD, hơn 30.000 nhân viên toàn cầu là một thành tựu ấn tượng. Nhưng thành tựu đó, nếu nhìn cho sâu, không chỉ nằm ở con số. Cái FSOFT để lại giá trị hơn, chính là một triết lý sống và làm việc: "Không biết thì học. Ngã thì đứng dậy. Sai thì sửa. Thua thì làm lại. Không đợi điều kiện hoàn hảo. Không đổ lỗi cho hoàn cảnh."
***
Một ngày trời Hà Nội gió mát rượi cách đây đã nhiều năm, trên con phố Kim Mã tím ngắt bằng lăng, tác giả Nguyễn Thành Nam chở ông Trương Gia Bình trên một chiếc xe máy. Trương Gia Bình nói: “Điều duy nhất anh tiếc là sẽ không trẻ mãi để được đam mê”. Sao vậy anh – Nam hỏi. “Nhiều người bảo anh nổ, có người bảo anh điên”. 
Sau này, Nguyễn Thành Nam chia sẻ lại trong cuốn sách “Đek biết gì cũng tiến”, anh tin rằng phẩm chất lớn nhất của Trương Gia Bình là “cực viển vông”. Dù có thể điên, có thể viển vông, nhưng anh Trương Gia Bình luôn là người xắn tay để biến điều viển vông đó thành hiện thực.
Nếu bạn là một người đang startup với 1.001 câu hỏi không ai trả lời, một nhà quản lý đang tìm cách tối ưu quy trình và truyền lửa cho đội ngũ, hay chỉ đơn giản là những cá nhân đang cần tìm kiếm “ngọn lửa” trong công việc và kinh doanh; thì mình tin rằng “Đek biết gì cũng tiến” không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một người bạn đồng hành.
“Giấc mơ phần mềm của FPT bắt đầu từ ngày 13/9/1988... Và đó là một giấc mơ ngớ ngẩn.” – Nguyễn Thành Nam.
Ngớ ngẩn, nhưng tiến.
Và họ đã tiến thật.
Còn bạn thì sao?