Đốn Ngộ: Hiện tượng tinh thần giúp bạn giải quyết mọi vấn đề bế tắc
Đã bao giờ bạn đã rơi vào bế tắc khi tự mình giải quyết một vấn đề nào đó rồi chợt nảy ra một ý tưởng đột phá chưa? Có thể bạn là một...
Đã bao giờ bạn đã rơi vào bế tắc khi tự mình giải quyết một vấn đề nào đó rồi chợt nảy ra một ý tưởng đột phá chưa? Có thể bạn là một nhân viên IT đang ngồi thơ thẫn trước một vấn đề đã đi vào ngõ cụt, một tay viết đối diện với file word trống trải và không biết bản thân muốn viết chủ đề tiếp theo là gì, hoặc là một học sinh đang công phá một bài toán khó nhưng vẫn không bao giờ nhìn thấy kết quả. Vì quá mệt mỏi, bạn quyết định lười biếng một lúc để quên đi vấn đề rắc rối trước mắt. Nhưng được một lúc, một giải pháp gỡ rối vấn đề chợt xuất hiện trong đầu của bạn. Trong sự vui sướng, bạn hét lên “Ah ha, giải pháp là đây!!!”, rồi quay lại bàn làm việc để công phá vấn đề trước mắt.

Nguồn: https://business.wisc.edu/centers/marketing-leadership/blog/ah-ha-moments/
Theo tạp chí Psychologs, Đốn ngộ, khoảnh khắc A ha! hay hiệu ứng Eureka là các thuật ngữ được sử dụng để giải thích hiện tượng sáng suốt đột ngột trong khi cố gắng hiểu một tình huống hoặc giải quyết một vấn đề. Sự rõ ràng mà nó mang lại đi kèm với niềm hạnh phúc và phấn khích. (Psychologs Magazine 2024). Tất nhiên, hiện tượng tinh thần này đem lại rất nhiều lợi ích cho người lao động tri thức, vì nó giúp chúng ta thúc đẩy sáng tạo, giải quyết vấn đề, tăng cường hiểu biết và cuối cùng là tạo động lực học tập (Mai Nguyệt Anh 2024).
Vậy, hiện tượng này là gì? Nó vận hành ra sao? Nếu nó có lợi trọng việc giải quyết vấn đề, thì làm cách nào để chúng ta có thể chủ động kiểm soát hiện tượng này trong mọi công việc tri thức?
Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng ta cần ôn lại câu chuyện kinh điển về khoảnh khắc Eureka của nhà vật lý người Hy Lạp cổ đại Archimedes (Ác-si-mét).
Eureka! Câu chuyện về sự Đốn Ngộ của Archimedes
Chuyện kể lại rằng vào thời kỳ trị vì của vua Hiero II (thuộc thế kỷ 3 trước công nguyên). Nhà vua Hiero II đã yêu cầu một thợ kim hoàn chế tác ra một chiếc vương miện bằng vàng, với hình dạng vòng nguyệt quế, để dâng lên các vị thần. Ông giao cho người thợ một lượng vàng đã được cân chính xác, sau đó yêu cầu người thợ phải hoàn thành vương miện theo đúng kỳ hạn. Nhưng nhà vua đã tỏ ra hoài nghi về việc tên thợ này đã ăn cắp một lượng vàng nhất định bằng cách pha thêm một chút bạc thay thế cho lượng vàng đã mất từ chiếc vương miện. Tuy nhiên, nhà vua không có cách nào để chứng minh rằng người thợ đã gian lận, ông đã nhờ người bạn thân Archimedes giải quyết vấn đề này.

Archimedes được vua Hiero II yêu cầu kiểm tra vàng trong chiếc vương miện. Nguồn: Medium
Archimedes biết rằng vàng và bạc có khối lượng riêng khác nhau, nghĩa là một khối vàng có cùng thể tích, kích thước và hình dạng với khối bạc sẽ nặng gần gấp đôi khối bạc. Vấn đề ở đây là số vàng và bạc đã bị trộn lẫn giờ đây đã trở thành một chiếc vương miện - một vật thể biến dạng - không ai có thể tạo ra một chiếc vương miệng bằng vàng (hoặc bạc) nguyên chất có cùng thể tích, kích thước và hình dạng một cách chuẩn xác để làm đối trọng trên bàn cân. Chính tình huống này đã đẩy Archimedes và tình trạng bế tắc trong một khoảng thời gian.
Trong khi đang trăn trở về vấn đề này, Archimedes đến nhà tắm công cộng thư giãn đầu óc. Khi ông bước vào bồn tắm, nước tràn ra ngoài. Archimedes bất ngờ nhảy ra khỏi bồn tắm, thân trần như nhộng và chạy lăng quăng trên phố. Vừa chạy, ông vừa hét lớn “Eureka!”.
Nhưng tại sao ông lại phấn khích đến vậy? Đó là lượng nước tràn ra khỏi bồn tắm. Archimedes nhận ra lượng nước bị tràn ra ngoài phải có thể tích bằng đúng thể tích của ông. Và nếu biết được thể tích chính xác của chiếc vương miện, ông có thể dễ dàng tính toán khối lượng của nó. Tất cả những gì Archimedes cần làm là nhúng vương miện vào nước để lấy được thể tích của vương miện. Sau đó lấy một khối vàng đối trọng có cùng thể tích với lượng nước của vương miện, rồi đặt cả hai lên bàn cân. Nếu chiếc vương miện nhẹ hơn khối vàng, điều đó chứng tỏ người thợ kim hoàn đã pha thêm bạc.
Kết cuộc của câu chuyện thì chúng ta đã biết. Người thợ kim hoàn đã bị phát giác hành vi gian lận và bị nhà vua xử phạt.
Tuy nhiên, không dừng lại ở việc trực giác của ông đã phát hiện ra chân lý "lượng nước bị tràn sẽ bằng thể tích của vật nhúng vào bồn nước". Archimedes tiếp tục nghiên cứu từ phát hiện này và đi đến nguyên lý lực đẩy Archimedes.(The University of Akron)
Kết thúc câu chuyện, chúng ta nhận thấy trải nghiệm đốn ngộ của Archimedes đã trải qua 4 giai đoạn: Chuẩn bị, ấp ủ, khai sáng, và xác minh kết quả. Vào năm 1926, trong quyển sách The Art of Thought, nhà tâm lý học xã hội Graham Wallas đã đúc kết công thức cho hiện tượng Eureka của Archimedes như sau.
- Giai đoạn 1 chuẩn bị: Giải quyết vấn đề cho tới khi bị mắc kẹt.
- Giai đoạn 2 ấp ủ: Gác vấn đề qua một bên và nghỉ ngơi hoặc tiếp tục để tâm trí tự do lang thang về vấn đề bế tắc.
- Giai đoạn 3 khai sáng: Các ý tưởng giải quyết vấn đề lũ lượt ùa về.
- Giai đoạn 4 xác minh lại kết quả. (Carey 2022, tr.200 - tr.202)
Để hiểu sâu sắc hơn về hiện tượng tinh thần này, hãy cùng tôi đào sâu và tìm hiểu chi tiết qua từng giai đoạn.
4 BƯỚC ĐẠT ĐỐN NGỘ
Giai đoạn I: Chuẩn bị
Đầu tiên, bạn phải vật lộn với vấn đề trong sự tập trung. Sự tập trung là điều cần thiết, vì trong giai đoạn này, bộ não của bạn đang dùng tư duy hội tụ tổ chức và cấu trúc các ý tưởng và thông tin theo một chuỗi bước logic nhất định để đạt đến một giải pháp duy nhất.

Nguồn: Internet
Khi Henri Poincaré cố gắng xác định các thuộc tính của một loại hàm số được gọi là hàm Fuchs, ông đã viết lại chi tiết về trải nghiệm vật lộn với bài toán như sau. "Thường khi một người giải quyết câu hỏi khó, cú công phá đầu tiên không thể đạt được kết quả tốt đẹp" (Carey 2022, tr.198)
Trong thời gian viết kịch bản Định Mệnh, Quentin Tarantino tự nhận mình là người có lối sống của một tay viết nghiệp dư điên khùng tập trung nhào nặn bản thảo - cái mà ông gọi là “những thứ vớ vẩn của tôi”. Tarantino thức dậy vào đầu giờ trưa “khoảng 10:30, hoặc 11:00, hoặc 11:30, rồi ngồi xuống viết”. Cứ thế, “Giống như một ngày làm việc bình thường, tôi sẽ ngồi viết đến khoảng 4, 5, 6, hoặc 7 giờ. Khoảng thời gian đó, tôi sẽ dừng lại.”. Ông chia sẻ. Thỉnh thoảng, ông sẽ tiếp tục viết “vào ban đêm hoặc đến một nhà hàng", nơi ông sẽ "gọi một ít thứ chết tiệt và uống rất nhiều cà phê, và ở đó trong 4 giờ với tất cả những thứ vớ vẩn” của ông ta (Newport 2021)
Nhà toán học Henri Poincaré và đạo diễn Quentin Tarantino là hai người có thói quen sử dụng tư duy hội tụ khi làm việc. Người này vật lộn với các con số trên trang giấy, còn người kia cố gắng xây dựng thế giới giả tưởng bên trong bản thảo của mình. Nhưng tựu trung, cả hai đều tập trung sâu vào công việc nhằm vật lộn với các trận tự logic cho vấn đề cần giải quyết trước mắt.
Một khi trật tự logic giải quyết vấn đề trở nên bế tắc, Poincaré sẽ nghỉ ngơi thư giãn đầu óc. Một lúc sau, ông quay lại với bài toán để tái công phá nó. Cũng vậy, Tarrantino sẽ nhảy xuống hồ bơi, thả mình trôi nổi giữa làn nước ấm áp và rồi “suy nghĩ về mọi thứ vừa viết, làm thế nào để cải thiện nó, và điều gì có thể xảy ra tiếp theo trước khi bối cảnh kết thúc.” Tóm lại, Poincaré và Tarrantino đã kết thúc giai đoạn chuẩn bị và bước vào giai đoạn ấp ủ.
Giai đoạn II: Ấp Ủ
Giai đoạn thứ hai là ấp ủ. Trong giai đoạn này có hai cách khác nhau để thực hiện ấp ủ.
- Một là lợi dụng tư duy tiềm thức. Khi gặp bế tắc, bạn nên gác vấn đề qua một bên, làm những công việc vặt vãnh không đòi hỏi nhiều tư duy, mục đích chính là lợi dụng tiềm thức xử lý vấn đề thay cho ý thức.
- Hai là cho phép ý thức được tự do trăn trở, lang thang, "xoay vần với những thông tin nó có trong tay và bổ sung một hoặc hai ý tưởng nó đã có sẵn nhưng không nghĩ tới việc sử dụng lúc đầu." Nói cách khác, ở trong ý thức, "những yếu tố cấu thành nên vấn đề sẽ phải được tập hợp lại, tách ra rồi tập hợp lại lần nữa. Đến một thời điểm nào đó, "thông tin quá khứ", có thể là kiến thức [...] mà lúc đầu chúng ta không nhớ, chợt hiện ra." (Carey 2022, tr.200 đến tr.202)
Chúng ta có thể thấy rằng, giai đoạn ấp ủ có thể dùng theo hai cách: tiềm thức hoặc ý thức lang thang. Tuy nhiên, tư duy theo cách nào sẽ tốt hơn?
Tư duy tiềm thức: Gác vấn đề qua một bên để Tiềm thức giải quyết mọi chuyện.

Nguồn: Internet
Đầu tiên, hãy nói về việc sử dụng tiềm thức để ấp ủ. Đối với ai đã đọc nhiều sách về năng suất nói chung, chắc các bạn sẽ biết đến thí nghiệm chọn xe ô tô bằng tiềm thức của nhà tâm lý học người Hà Lan, Ap Dijksterhuis. Người đã khẳng định rằng "có những quyết định tốt hơn là hãy để cho vô thức giải quyết. Nói cách khác, việc chủ động tính toán để đưa ra các quyết định sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ hơn là cập nhật các thông tin liên quan rồi chuyển chú ý sang một điều gì đó và để cho các tầng tư duy tiềm thức xử lý mọi việc" (Newport, 2022, tr.199).
Để đi đến kết luận kể trên, Ap Dijksterhuis thực hiện quy trình thí nghiệm như sau.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu của Ap Dijksterhuis đã cung cấp thông tin về đặc tính của các chiếc xe ô tô cho hai nhóm đối tượng.
- Nhóm thứ nhất được yêu cầu dùng tư duy bằng ý thức của mình để cân nhắc về các đặc tính xe, rồi đưa ra quyết định lựa chọn xe nào là tốt nhất.
- Nhóm còn lại sẽ dùng tiềm thức. Ban đầu, họ được yêu cầu đọc qua các đặc tính xe. Sau đó, họ nghỉ ngơi trong sự phân tâm, tức là làm việc gì khác để tránh nghĩ về các đặc tính của xe. Cuối cùng là đưa ra quyết định chọn xe ngay lập tức để tránh sự cân nhắc bằng ý thức.
Kết quả cho thấy, nhóm thứ hai - nhóm dùng tiềm thức để nung nấu thông tin - đưa ra quyết định đúng đắn hơn so với nhóm thứ nhất - nhóm đang dùng ý thức.
Tuy nhiên, vào năm 2023, Ben Newell - Giáo sư Khoa học Hành vi tại Khoa Tâm lý học thuộc UNSW Sydney - đã đưa ra quan điểm chống lại những khẳng định của Dijksterhuis. Ông nhận định việc đưa ra quyết định bằng tiềm thức (sleepers), bằng phán đoán chớp nhoáng (blinkers) hay bằng ý thức (thinkers) đều cho ra kết quả ngang nhau.
”Nhiều nhà nghiên cứu (bao gồm cả chúng tôi) nhận thấy rằng họ thường không tìm thấy sự khác biệt nào về các lựa chọn của thinkers, blinkers, và sleepers.” (Newell 2023)
Newell không đồng tình rằng tiềm thức có khả năng suy luận, ông coi đó là một sự hiểu lầm do trực giác gây ra. Trực giác là kết quả của việc hình thành mối liên kết giữa các thông tin có sẵn để tạo nên những sáng kiến mới và thường bỏ qua bước suy luận trung gian. Cho nên, người ta thường cho rằng tiềm thức có khả năng tư duy. Thực chất, hiện tượng liên kết các thông tin có sẵn lại là một phần của quá trình ấp ủ bằng một ý thức lang thang.
Tư duy ý thức: Ấp ủ vấn đề bằng những dòng suy tư lang thang trên tầng ý thức

Nguồn: Internet
Trong tác phẩm Tình người của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư đã kể về việc ông đã giải đề tài Công án bằng một tâm trí lang thang phân tán. Công án thường là những câu hỏi khó hiểu mà người thầy giao cho người học trò, sự khó hiểu này làm người nhận đề tài thao thức ngày đêm với nó. Cảm giác khó hiểu này được thiền sư mô tả là "một mũi tên cắm sâu vào người hành giả, khiến người này đau nhức, thao thức ngày đêm với nó." Lúc này, tâm trí của học trò như một cái nồi hầm nung nấu những dòng suy nghĩ trôi nổi để tìm ra đáp án thích hợp. (Thích Nhất Hạnh, 1973, tr.63).
Điều tương tự cũng xảy ra với những nhà khoa học lỗi lạc, trong phần lớn thời gian nghiên cứu của họ, ngoài việc tập trung cao độ cho vấn đề, họ còn dành thời gian thư giãn để đầu óc được lang thang (Ahrens 2022). Thực vậy, Archimedes đã có thói quen để tâm trí lang thang khi rơi vào vấn đề bế tắc. Thậm chí cho đến lúc chết, ông cũng không dứt bỏ thói quen này.

Archimedes bị giết chết bởi một người lính La Mã trong lúc ông đang suy tư - Nguồn: Google
Sự lang thang của tâm trí là một quá trình các dòng suy nghĩ trôi nổi tự do, phi tuyến tính bên trong ý thức. Trong trạng thái đó, ý thức của chúng ta không gắng sức tư duy, mà thay vào đó, các dòng suy nghĩ sẽ tạo nên vô số “cuộc thử nghiệm” cho vấn đề đang bị mắc kẹt. "Các cuộc thử nghiệm" sẽ diễn ra cho đến khi những “tín hiệu” phù hợp kích hoạt đúng thông tin nằm trong trí nhớ dài hạn (Ahrens, 2022). Hoặc quét quanh môi trường bên ngoài, nắm bắt bất kỳ gợi ý nào có thể hữu ích cho một giải pháp (Carey, 2022, tr.207). Cuối cùng là kết nối chúng lại với nhau tạo thành các sáng kiến đột phá có thể giải quyết vấn đề. Một khi các sáng kiến đột phá xuất hiện, bạn đã bước vào gian đoạn khai sáng.
Giai đoạn III: Khai Sáng
Giai đoạn khai sáng, hay còn được gọi là khoảnh khắc ah ha – là khoảnh khắc mây mù trong tâm trí được tan đi và giải pháp xuất hiện tức thời (Carey 2022, tr.202).

Archimedes' Eureka - nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Eureka_%28word%29
Trải nghiệm khai sáng này tuyệt vời theo nhiều cách khác nhau. Một số mô tả khoảnh khắc khai sáng là trải nghiệm sáng suốt đột ngột. Sự rõ ràng mà nó mang lại luôn đi kèm với niềm hạnh phúc, phấn khích và ngạc nhiên. Số khác thì nói, đó là "Sự hài lòng khi một thứ gì đó rơi vào đúng vị trí." (Psychologs Magazine, 2024). Hoặc là “nó phát lộ toàn thân trên tâm thức mình, và cố nhiên là cả trên mặt phẳng ý thức.” (Thích Nhất Hạnh, 1973, tr.63). Hay như, cảm thấy như được cứu rỗi, cơ thể rung lên và toát mồ hôi, sự mù mờ tăm tối của tâm trí giờ đây đã được khai sáng (Herrigel, 1971, tr.47)
Tuy nhiên, một số người cho rằng, các ý tưởng hư cấu phi thực tế cũng đem lại khoảnh khắc khai sáng, chúng giúp một người giải quyết vấn đề, nhưng các ý tưởng như vậy chưa chắc đã là sự thật. Ví như đạo diễn Tarrantino, tất cả các sáng kiến của ông thu thập được trong giờ giải lao, chỉ là những ý tưởng giải quyết vấn đề bên trong một kịch bản hư cấu.
Vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là, trải nghiệm khai sáng có thực sự đáng tin cậy hay không? Và làm thế nào để biết được đáp án đến từ trải nghiệm khai sáng là đáng tin cậy?
Giai đoạn IV: Kiểm chứng
Thực tế, đã có một cuộc thí nghiệm do Ruben Laukkonen và đồng nghiệp thực hiện tại Vrije Universiteit Amsterdam, đã chứng minh đáp án đến từ khoảnh khắc khai sáng không đủ tin cậy.
Để kiểm tra hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã cung cấp cho những người tham gia nghiên cứu một loạt các câu chứa các từ có từ khoá bị xáo trộn. Một ví dụ về loại câu hỏi được đặt ra trong nghiên cứu là: “ithlium là kim loại nhẹ nhất trong tất cả các kim loại.” (Từ khoá bị xáo trộn là “lithium.”) Trong thí nghiệm, người tham gia có 20 giây để giải chữ cái xáo trộn và sau đó trả lời liệu câu nói đó có đúng hay không. (Campbell 2020)
Những người trải qua khoảnh khắc khai sáng sẽ được giao nhiệm vụ đánh giá lại mức độ chính xác về các đáp án của họ. Kết quả cho thấy, những người trải qua khoảnh khắc khai sáng có xu hướng tuyên bố đáp án của họ là hoàn toàn đúng, ngay cả khi nó sai.
Nhưng cuộc thí nghiệm đã không cho tình nguyện viên có thời gian để hoài nghi về khoảnh khắc khai sáng của mình. Cụ thể hơn, đối tượng nghiên cứu chỉ có vỏn vẹn 20 giây để giải các chữ cái bị xáo trộn, đồng thời ngay lập tức, họ phải tự xác nhận liệu câu trả lời vừa rồi có đúng hay không. Nếu cho ‘một người nảy ra khoảnh khắc khai sáng liên tục’ có đủ thời gian suy nghĩ, thì người đó phải phát sinh sự hoài nghi. Nếu có cảm giác hoài nghi, người đó chắc chắn sẽ tự tìm đến sự kiểm chứng để thống nhất cảm nhận chủ quan với sự thật khách khách quan (Nishida, 2021, tr.55). Nhưng kiểm chứng bằng cách nào?

Hãy kiểm chứng và thách thức ý tưởng của bạn. Nguồn: Internet
“Một số nhà khoa học có trực giác mạnh mẽ, họ cảm nhận cái đó trước. Rồi tìm cách chứng minh cái đó sau.” (Làng Mai 2022). Nhà khoa học Zeigarnik đã trực nhận được hiệu ứng tâm lý được đặt theo tên của bà trong một lần ăn trưa với đồng nghiệp, sau đó bà đã tiến hành một cuộc thí nghiệm mô phỏng lại những gì bà đã kinh nghiệm để chứng minh trực giác của bà là hoàn toàn chính xác.
Câu chuyện kể rằng bà đã đi ăn trưa với đồng nghiệp và rất ấn tượng với khả năng ghi nhớ chính xác của người bồi bàn—họ có thể nhớ ai đã gọi món gì mà không cần ghi chép lại. Người ta nói rằng bà đã phải quay lại nhà hàng để lấy chiếc áo khoác mình bỏ quên. Nhưng thật ngạc nhiên, người bồi bàn mà bà vừa ngưỡng mộ vì trí nhớ tuyệt vời của anh ta lại không hề nhận ra bà. Khi được hỏi về điều mà bà cho là một sự mâu thuẫn, anh ta giải thích rằng tất cả bồi bàn đều có thể ghi nhớ đơn hàng và ghép chúng với thực khách tại bàn mà không gặp khó khăn. Nhưng ngay khi khách rời khỏi nhà hàng, họ lập tức quên hết và tập trung vào nhóm khách tiếp theo. Zeigarnik đã thành công trong việc tái hiện lại hiện tượng mà ngày nay được gọi là “hiệu ứng Zeigarnik”: Những nhiệm vụ chưa hoàn thành có xu hướng chiếm giữ trí nhớ ngắn hạn của chúng ta—cho đến khi chúng được hoàn thành. (Ahrens, 2022)
Đương nhiên, sự kiểm chứng không dừng lại ở việc thí nghiệm, mà còn diễn ra bên trong các cuộc tranh luận sôi nổi. Trong trường phái triết học Kyoto, các triết gia thường không ngần ngại phê bình tác phẩm của nhau.
“Nhóm các triết gia gắn bó với Trường phái Kyoto trong lịch sử gần 100 năm của trường này rất đa dạng. Các thành viên thường đến từ những hoàn cảnh xã hội rất khác nhau. Đồng thời, trong cuộc tranh luận trí tuệ sôi nổi họ không ngần ngại phê bình tác phẩm của nhau.”(“Kyoto School” 2023)
Giống như các triết gia, đa số nhà văn viết sách phi hư cấu đều thích đem những ý tưởng của mình ra thử lửa trước độc giả khó tính. Trước khi viết sách, các ý tưởng đóng góp vào quyển sách sẽ được trình bày công khai trước độc giả dưới dạng các bài viết ngắn như báo khoa học, bài tiểu luận, blog, hay các bài đăng trên mạng xã hội. Mục đích chính của nhà văn là để độc giả và đồng nghiệp phê bình ý tưởng của mình. Cứ như vậy sau nhiều năm, hàng ngàn bài viết ngắn đã được thử lửa bởi vô số lời phê bình của độc giả sẽ góp phần tạo nên một quyển sách hoàn chỉnh.
Thực vậy, Michael Hyatt – tác giả có nhiều sách phi hư cấu bán chạy nhất - đã liên tục kiểm chứng những ý tưởng cho các quyển sách của mình trên trang blog cá nhân trong suốt 9 năm (Hyatt, 2022, tr.25). Issac Newton đã viết hơn mười triệu từ trên các bài báo, chủ yếu trình bày các ý tưởng của mình trải dài trên các lĩnh vực toán học, vật lý, thuật giả kim, thiên văn học và thần học để thu hút những lời phê bình từ đồng nghiệp (“Isaac Newton” 2025).
Nói tóm, ý tưởng đến từ khoảnh khắc khai sáng chưa phải là giải pháp cho vấn đề thực tiễn. Hãy dành ra một chút thời gian để "thách thức các ý tưởng và sự sáng trí của bạn. Kiểm tra mọi thứ với các nguồn có uy tín. Chất vấn suy nghĩ của bạn. Đọc và lắng nghe nhiều đánh giá khác nhau. Hãy phê bình những gì bạn nhìn thấy và nghe thấy. Và đừng tin vào tất cả những gì bạn nghĩ." (Campbell 2020)
KẾT: Làm Cách Nào Để Phát Huy Khoảnh Khắc Đốn Ngộ Nhiều Hơn Trong Công Việc Và Học Tập?
Bốn giai đoạn của sự đốn ngộ từ chuẩn bị, ấp ủ, khai sáng, cho đến kiểm chứng, có thể giúp bạn sắp xếp suy nghĩ và tiếp cận các vấn đề phức tạp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thứ tự thực hiện của các bước này không quá cứng nhắc, đây là hướng dẫn để khuyến khích giải quyết vấn đề chứ không phải là một tập hợp các quy tắc. Một số người có thể dành nhiều thời gian hơn cho gian đoạn này, ít hơn ở giai đoạn kia, một số sẽ quay lại xem xét các giai đoạn trước đó, trong khi những người khác có thể thông suốt nhanh chóng mà không cần quay lại. (the InnerDrive team).
Nếu như các quy tắc này không cứng nhắc, làm thế nào để chúng ta thực hiện bốn bước này trong thực tiễn? Chìa khoá quan trọng ở đây đó là làm ra làm, chơi ra chơi. Những người đoạt giải nobel, cũng như các nhà khoa học lỗi lạc thường không tập trung liên tục khi giải quyết vấn đề. Tâm trí họ luôn xen kẽ giữa hai hoạt động làm việc tập trung cao độ và nghỉ ngơi trong sự sáng tạo. "Một mặt, những người có đầu óc lang thang, mất tập trung, giống trẻ con dường như là những người sáng tạo nhất; mặt khác, có vẻ như việc phân tích và ứng dụng mới là điều quan trọng. Câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này là những người sáng tạo cần cả hai… Chìa khóa của sự sáng tạo là khả năng chuyển đổi giữa một tâm trí rộng mở, vui tươi và một khung phân tích hẹp.” (Ahrens, 2022).
Công ty phát triển phần mềm Basecamp triển khai dự án theo chu kỳ tập trung sâu và nghỉ ngơi sâu. Một chu kỳ làm việc tập trung kéo dài từ 6 - 8 tuần. Kết thúc chu kỳ tập trung, họ chuyển qua chu kỳ nghỉ ngơi kéo dài 2 tuần. Trong thời gian này, nhân viên Basecamp có thể nạp năng lượng, đồng thời khắc phục sự cố nhỏ hậu chu kỳ làm việc và quyết định việc gì cần giải quyết tiếp theo (Newport, 2024). Tất nhiên, chúng ta có thể linh động hơn về quy mô của nhịp độ tập trung – nghỉ ngơi. Có người sẽ chọn quy mô theo giờ bằng phương pháp pomodoro. Có người theo quy mô tuần, dành ra 1 - 3 ngày để tập trung vào công việc yêu cầu chất lượng cao, số ngày còn lại để giải quyết việc vặt vãnh. Đương nhiên, sẽ có những dự án với quy mô kéo dài đến hàng chục năm.
Trong lúc tập trung giải nén vấn đề hóc búa, hãy làm việc như Quentin Tarantino và Henri Poincaré - vật lộn với các nút thắt logic, công phá bức tường khó nhằng để đạt tới giải pháp duy nhất. Khi mọi thứ trở nên phức tạp, bạn phải nghỉ ngơi.
Thời gian nghỉ ngơi là lúc dành cho bản thân khoảnh khắc để suy ngẫm, nung nấu những kiến thức mà bạn đã cố gắng vật lộn trước đó. Nếu bạn để ý kỹ thì hầu hết các ý tưởng đột phá thường xuất hiện trong giai đoạn này, đây là lúc mà não bộ cảm thấy thoải mái nhất, ký ức được sắp xếp lại làm ý tưởng mạch lạc tuông trào. Đừng để những ý tưởng này tuột mất, hãy chuẩn bị một cuốn sổ tay, ứng dụng ghi chú trên điện thoại để nắm bắt chúng ngay lập tức, chắc chắn những thứ này sẽ có ích trong những lần tập trung công phá tiếp theo.
Đôi khi bạn sẽ cảm thấy dù có nghỉ ngơi như thế nào đi chăng nữa, thì ý tưởng vẫn không trồi lên. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã cạn kiệt kiến thức. Đừng ngoan cố quay lại công phá con boss mà không có bất kỳ vũ khí nào trong tay. Thời gian này là thời gian để nghiên cứu. Hãy đọc thêm kiến thức từ sách báo, tham vấn những người có kinh nghiệm. Chắc chắn đáp án sẽ xuất hiện, vì não bộ trong giai đoạn ấp ủ rất nhạy cảm với bất kỳ gợi ý nào.
Đương nhiên, đừng quên kiểm chứng lại ý tưởng của mình. Một ý tưởng bạn cho là đột phá cũng có thể là một thiên kiến. Nếu cảm thấy ý tưởng bạn đã nắm bắt không đem lại cảm giác chắc chắn, hãy kiểm nghiệm và thách thức nó trong thực tiễn.
Tài Liệu Tham Khảo
Ahrens, Sönke. 2022. How to Take Smart Notes: One
Simple Technique to Boost Writing, Learning and Thinking – for Students, Academics and Nonfiction Book Writers. Edited by Drouin-Keith Kathy. Hamburg, Germany: Independently published by Sönke Ahrens.
Campbell, Polly. 2020. “Beware of the ‘Aha’ Moment | Psychology Today.” November 11, 2020. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/imperfect-spirituality/202011/beware-of-the-aha-moment.
Carey, Benedict. 2022. Chúng Ta Học Thế Nào : Sự Thật Khó Tin về Việc Học Nó Diễn Ra Khi Nào, ở Đâu, và Tại Sao. Translated by Trọng Hải Minh Trần. Hà Nội: NXB. Thế Giới.
Herrigel, Eugen. 1971. Sống Thiền | the Method of Zen. Translated by Thích Nữ Trí Hải. Sài Gòn: An Tiêm.
“Kyoto School.” 2023. In Wikipedia. https://en.wikipedia.org/w/index.php title=Kyoto_School&oldid=1188152305.
Làng Mai. 2022. Võ Tắc Thiên Học Phật | TS Thích Nhất Hạnh(31-01-2008, Xóm Hạ, Làng Mai).
https://www.youtube.com/watch?v=uRYYv4ox4gg.
Mai Nguyệt Anh. 2024. “Khoảnh Khắc AHA: Cách Đảm Bảo Độc Giả Sẽ Nhớ Mãi Nội Dung Cuốn Sách Của Mình.” July 3, 2024. https://www.mainguyetanh.com/p/khoanh-khac-aha-dam-bao-doc-gia-nho-mai.
Newell, Ben. 2023. “What the Science Actually Says About Unconscious Decision Making.” The MIT Press Reader (blog). September 22, 2023. https://thereader.mitpress.mit.edu/what-the-science-actually-says-about-unconscious-decision-making/.
Newport, Cal. 2021. “Notes on Quentin Tarantino’s Writing Routine.” Cal Newport. June 30, 2021. https://calnewport.com/notes-on-quentin-tarantinos-writing-routine/.
Newport, Cal. 2022. DEEPWORK - Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi. Translated by Mai Anh. NXB Công Thương.
Newport, Cal. 2024. Slow Productivity: The Lost Art of Accomplishment Without Burnout. Portfolio.
Nishida, Kitaro. 2021. Cái Thiện: Hành Trình Kiếm Tìm Tự Ngã Chân Chính. NXB. Tổng hợp TP. HCM.
Psychologs Magazine. 2024. “Psychology Behind Aha! Moment.” Psychologs Magazine | Mental Health Magazine | Psychology Magazine | Self-Help Magazine (blog). January 9, 2024. https://www.psychologs.com/psychology-behind-aha-moment/.
the InnerDrive team. n.d. The Psychology of ‘Aha!’ Moments: 5 Ways to Develop Insight | InnerDrive.” Accessed March 30, 2025. https://www.innerdrive.co.uk/blog/ways-to-develop-insight/.
The University of Akron. n.d. “Eureka! The Story of Archimedes.” Accessed December 7, 2024. https://www.uakron.edu/polymer/agpa-k12outreach/professional-development-modules/pdf/float_your_boat_archimedes.pdf.
Thích Nhất Hạnh. 1973. Tình người. Lá Bối. https://thuvienhoasen.org/images/file/2JAWwp1G0QgQADYO/tinh-nguoi.pdf.
Hyatt, Michael. 2022. Rèn luyện tâm lý tập trung. Translated by Hải Yến. Hà Nội: Nhà xuất bản Công Thương.
“Isaac Newton.” 2025. In Wikipedia tiếng Việt. https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Isaac_Newton&oldid=72177137.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất