Ở phần đầu chúng ta đã thấy được tầm nhìn của Pyotr I đại đế khi ông đến các nước Tây Âu để học hỏi và những cải cách sau khi về nước.
Văn hóa, khoa học, giáo dục
Một mình Pyotr I đại đế đến với các nước Tây Âu là chưa đủ, ông còn phái các du học sinh đến các nước Tây Âu để học hỏi, quy định các con em quý tộc đều phải đi học và phải giỏi một ngoại ngữ. Nếu không được như vậy sẽ bị tước đoạt quyền thừa kế, thậm chí ông quy định học sinh nào không tốt nghiệp sẽ không được phép kết hôn. Pyotr I đại đế cho rằng đối tượng giáo dục không chỉ hạn chế trong giới quý tộc mà ông cho phép con em dân thường cũng được đi học. Ông cho dịch hàng ngàn cuốn sách khoa học kỹ thuật và lịch sử các quốc gia khác; ông cho cải cách chữ viết để tiện cho việc giảng dạy; bỏ những câu từ cổ, sáo rỗng. Ông cho in sách giáo khoa hình học, văn học và các sách lịch sử ca ngợi những anh hùng nước ngoài, trong đó có Alexander đại đế. Điều này thực sự là một cải cách lớn vì từ xưa đến nay người Nga chỉ tôn thờ anh hùng dân tộc của họ mà rất ít khi coi trọng người nước ngoài. Tiếp tục ông cho in những tờ báo chủ yếu đưa tin từ chiến trường nhưng cũng kiểm soát chặt chẽ, biến báo chí thành loa tuyên truyền chống lại những luận điệu thù địch đối với ông. Cung điện mệnh danh "Điện Versailles của Nga" được khởi công xây dựng năm 1714 và hoàn thành vào năm 1728 do kiến trúc sư người Ý Domenico Trezzini thiết kế và phong cách ông sử dụng đã trở thành nền tảng cho phong cách Baroque Pyotr được ưa chuộng khắp St.Peterburg. Pyotr I cấm bọn lang băm đi bán thuốc dạo mà chỉ cho những cửa hàng Y dược được phép bán. Đặc biệt ông cấm diệt trẻ sơ sinh vì lý do dị tật, trước đây khi trẻ sơ sinh dị tật người ta thường làm cho nó ngạt thở ngay sau khi sinh. Pyotr I đại đế còn cho xây dựng các bảo tàng, những xưởng in, những thư viện và kịch viện đầu tiên ở Nga. Những năm 1700 tờ báo đầu tiên của nước Nga được phát hành mang tên Vedomosti. Để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, ông cho xây nhà hát nhân dân ở Moscow và mời nhà quản lý người Đức làm việc tại nhà hát này. Qua việc này người ta mới thấy mặc dù hấp thụ gần như toàn bộ văn minh Tây Âu nhưng ông cũng biết chọn lọc những cái tốt và những cái chưa tốt. Ông bỏ bớt mọi nghi lễ rườm rà, phiền phức cho người dân. Năm 1701 ông cho phép thần dân không cần quỳ gối và phủ phục trước đấng Quân Vương. Bộ mặt đời sống xã hội, tâm linh của nước Nga thay đổi từng ngày, bởi vậy khi những người Tây Âu đến với nước Nga họ không có cảm giác bị lạc lõng nữa và những người Nga đến với Tây Âu họ cũng chẳng còn là những người quê mùa.
Bộ máy hành chính
Pyotr I xóa bỏ viện Duma quý tộc- cơ quan ngày càng bất mãn trước những cải cách của ông. Ông xóa bỏ bộ máy là nhà nước cồng kềnh, trách nhiệm không rõ ràng; xây dựng chính quyền tối cao tập quyền, tự mình lập ra viện tham nghị gồm 9 thành viên do ông chỉ định và 9 hội đồng có tính chất quản lý toàn quốc chịu trách nhiệm về các lĩnh vực khác nhau. Một trong những trường hợp điển hình của việc phát hiện và trọng dụng nhân tài của Sa Hoàng chính là việc đưa một người thợ làm bánh lên làm tổng đốc thành phố St.Peterburg. Người thợ này có tên là Menshikov lên làm Tổng đốc thành phố Sankt-Peterburg và sau này Menshikov trở thành một trong những nhân vật có tiếng trong nước.
Quân sự
Cải cách xã hội xong Pyotr I bắt tay vào cải cách lực lượng quân đội. Sau này khi giành lại ngai vàng ông có thù hận với không chỉ quân Cấm vệ mà với cả Moscow. Vì thế ông đã quyết tâm dời dô đến St.Peterburg và không bao giờ đặt chân về Moscow dù St.Peterburg có nguy cơ sụp đổ trước quân Thụy Điển. Ở một giai đoạn trong lịch sử Pyotr I đã cắt hết đất Estonia và Latvia cho Thụy Điển chứ nhất quyết không bỏ thủ đô. Vốn có ấn tượng không tốt với quân Cấm vệ từ trước nên khi cải cách Peter tìm mọi cách giải tán "kiêu binh" này. Sau khi giải quyết xong cái gai sau lưng, đại đế đã cho tăng nguồn quân phí để phục vụ chiến tranh, cải cách chế độ quân dịch và các điều lệ quân sự, mua sắm những loại vũ khí tiên tiến ở nước ngoài. Cuộc cách mạng quân đội của Pyotr I đại đế có công rất lớn của những người Anh được ông thuê về. Nhận thấy không thể phát triển mà không có hải quân, ông chiếm lấy vùng đầm lầy khu vực sông Neva đổ ra biển và xây dựng lên thành phố St.Peterburg. Trong cuộc chiến với Thụy Điển có những lúc ông thua tan tác nhưng không nản chí, ông rút kinh nghiệm, xây dựng lại quân đội, chỉnh đốn hàng ngũ, thuê những sĩ quan chỉ huy giỏi và cuối cùng cũng mang về chiến thắng Poltava vĩ đại- đánh dấu sự khởi đầu của một đế quốc mới chuyển mình theo kịp phương Tây và vươn lên ngang hàng với các cường quốc khác trên thế giới.
Tư tưởng
Sau khi từ Pháp trở về tiếp thu tư tưởng mới, Pyotr I "giải phóng" phụ nữ khỏi bốn bức tường, khỏi những tư tưởng bảo thủ của chính thống Nga. Ông cho phép mở tiệc và mời mọi người cùng tham dự. Ông khuyến khích những người phụ nữ chửa hoang sinh con và nuôi con, cấm những hành động phân biệt đối xử với họ.
Thương mại
Về thương mại, ngoài việc mở đường biển ra Baltic ông còn cho mở những con đường thương mại đến Ba Tư, đến Trung Hoa nhưng do hai quốc gia này không cởi mở nên giá trị trao đổi các hàng hóa cũng không cao và dần dần những con đường thương mại này cũng không phát triển nữa.
Một vài nét tương đồng với Julius Caesar:
+) Trong lịch sử La Mã cổ đại, Julius Caesar là nhà lãnh đạo đầu tiên tự phong mình làm "hoàng đế". Còn trong lịch sử Nga, Pyotr I là vị vua đầu tiên trở thành "hoàng đế".
+) Vào năm 46 trước Công nguyên, Julius Caesar đã đề xướng cải tổ về lịch. Kết quả của cuộc cải tổ này là người La Mã xem ngày 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm. Tương tự với Caesar, ngày 15 tháng 12năm 1699 Pyotr I Đại đế ban bố Thánh chỉ về việc thiết lập những loại lịch mới.
+) Julius Caesar và Pyotr I Đại đế đều là những ông vua quan tâm đến việc quân sự. Họ đã đặt ra Bộ Tham mưu cùng với những cơ quan có trách nhiệm với vấn đề đường sá, kỹ thuật,…
Vị hoàng đế "Lowkey"
Trong những năm cuối đời Pyotr I vẫn tiếp tục cải cách, năm 1721- ít lâu sau khi Nga kí hòa ước với Thụy Điển ông được tôn làm hoàng đế nước Nga. Một số người đề nghị ông xưng là "hoàng đế của phương Đông" nhưng ông đã từ chối. Dù có công nhận hay không thì Pyotr I đại đế vẫn là người tạo nên những khúc ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử nước Nga.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất