---------------
Dịch, tham khảo và tổng hợp từ:

Ảnh: từ Internet.
* Bài dài và khô, khuyến nghị uống kèm nhiều nước khi đọc. Đối tượng của bài viết có phạm vi rất rộng và mang nhiều ý kiến trái chiều, do vậy khó tránh khỏi sai sót trong khâu chuyển ngữ cũng như những thông tin không chính xác. Rất mong sẽ nhận được sự góp ý của mọi người.
Méo.
---------------

Nói đến những bí ẩn trong Y học, thì có lẽ lạ kỳ và khó hiểu nhất chính là hiệu ứng giả dược - placebo effect, hay còn được biết đến qua thuật ngữ "sức mạnh của không gì cả" - "the power of nothing".

Xuất hiện lần đầu tiên trong từ điển Y khoa vào năm 1785, từ "placebo" ban đầu mang ý nghĩa dùng để chỉ những chiêu trò chữa bệnh "lạ mà độc" của phường lang băm. Hiện nay, "placebo" đã được xem như một liệu pháp Y khoa và được áp dụng khá rộng rãi, mặc dù vấp phải không ít sự ngờ vực và cái nhìn thiếu thiện cảm từ giới chuyên môn. Bản thân khái niệm "placebo" rất khó để có thể diễn giải, và cách dịch "giả dược" cũng chỉ mang tính chất tương đối. Đại khái, đây là một phương pháp điều trị bổ sung/thay thế, trong đó sử dụng các phương pháp, kỹ thuật hoàn toàn không có tác dụng về mặt y khoa, ví dụ như kê đơn những viên con nhộng bọc đường trông y xì đúc những viên thuốc thật. Dù vậy, những phương pháp, kỹ thuật này vẫn được các bác sĩ điều trị áp dụng theo kiểu "trông như thiệt" - nhằm đánh lừa bệnh nhân về mặt tâm lý. 
Kỳ diệu ở chỗ, dù chỉ là "giả", chúng lại thực sự mang đến những thay đổi tích cực đối với tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Một ví dụ minh họa thế này: Trong một thí nghiệm gần đây của Trường Y khoa Havard, một nhóm các bệnh nhân mắc chứng đau lưng kinh niên đã được kê thêm "một số loại thuốc mới", bổ sung vào các liệu pháp hiện tại của họ. Và ngạc nhiên chưa ?! Các bệnh nhân cho biết họ cảm thấy triệu chứng đau nhức giảm đi trung bình 30% so với trước đây, khi chưa dùng thêm loại "thuốc mới" kia.

Không chỉ là những viên kẹo Bốn mùa Bibica hay các hợp chất chất trơ (không có tác dụng y khoa, không gây bất kỳ tác động nào lên cơ thể người) được tạo hình khéo léo, phương pháp giả dược còn bao gồm các dung môi tiêm truyền, việc cấy ghép các viên tinh thể, và thậm chí là cả... phẫu thuật giả (sham surgery). Tất nhiên, chúng đều ít nhiều đem đến những kết quả tích cực. Kể cả đối với trường hợp phẫu thuật giả, các bệnh nhân được điều trị thương tổn sụn đầu gối sau khi "ngủ một giấc" cho biết họ cảm thấy rõ rệt sự phục hồi, thậm chí là tận một năm sau "ca mổ". Hẳn là anh Quảng Nguyên Tử cũng sẽ phải hét lên: Thật không thể tin được, quá tuyệt vời !!!

Những bí ẩn thú vị xung quanh giả dược: 

Khá lý thú khi cùng một loại giả dược nhưng ở hai vai trò khác nhau lại đem đến tác dụng trái ngược hoàn toàn. Trong một thí nghiệm, các đối tượng nghiên cứu được cho biết họ đang được dùng một loại chất kích thích. Sau khi dùng thuốc, nhịp tim và huyết áp của họ tăng lên, đồng thời tốc độ phản ứng cũng được cải thiện. Vẫn với viên thuốc đó, nhưng khi được giới thiệu là thuốc giúp ngủ ngon, thuốc lại cho tác động ngược với thử nghiệm trước. Các đối tượng cho biết họ cảm thấy dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn khi dùng thuốc.

Vì giả dược chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức nên các yếu tố tác động đến nhận thức có thể làm tăng cường độ của hiệu ứng giả dược. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng màu sắc và kích thước của viên giả dược có thể tạo sự khác biệt rõ rệt. Những viên thuốc có gam màu nóng như hồng hoặc đỏ có tác dụng kích thích mạnh hơn; trong khi thuốc có gam màu lạnh như xanh dương hay tím lại thể hiện tác động tốt hơn đối với chứng trầm cảm. Viên nang tỏ ra có hiệu quả hơn viên nén, viên thuốc càng lớn thì tác dụng càng mạnh, bệnh nhân dùng giả dược nhiều lần trong ngày hơn thì cảm thấy tình trạng bệnh được cải thiện nhanh chóng và rõ ràng hơn, thương hiệu của thuốc cũng có ảnh hưởng đáng kể.
Nếu chỉ xét trên phương diện đánh lừa tâm lý, tính ứng dụng của hiệu ứng giả dược có lẽ không chỉ dừng lại ở việc trị bệnh. Một nhóm sinh viên được chiêu đãi thức uống trong căn phòng trang trí như một hộp đêm. Một nửa số sinh viên được cho biết trước rằng họ đang được uống vodka, số còn lại thì được nói rằng đây chỉ là những thức uống không có cồn - nhưng thực tế, tất cả chỉ là... thuốc bổ dạng nước. Kết quả, nhóm đầu tiên có biểu hiện xay xỉn và có kết quả kiểm tra trí nhớ tệ hơn so với nhóm còn lại. Trong một thí nghiệm khác, các đối tượng được cung cấp một loại kem sữa. Một nửa được cho biết rằng - yên tâm đi, đây là loại kem sữa tách béo dùng cho người ăn kiêng. Nữa còn lại thì - đây, ngon lắm, béo lắm, sữa tươi nguyên chất chăm phần chăm, thử đi nào. Qua một tuần, nhóm dùng loại kem sữa "nguyên chất" cho biết họ có cảm giác no và ngấy nhanh hơn dù tiêu thụ ít hơn nhóm dùng loại kem sữa "dành cho người ăn kiêng". Kết quả cân đo, dĩ nhiên cho thấy họ tăng cân ít hơn so với nhóm đối tượng tin rằng mình dùng loại kem sữa ít béo, dù rằng cả 2 chỉ là một. 

Lý giải về hiện tượng này,  giới nghiên cứu đa phần cho rằng nó bắt nguồn từ khía cạnh tâm lý và cơ chế sinh hóa của não bộ, cụ thể là nhờ việc tiết endorphins - thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể, cũng như một số hợp chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng tích cực khác.

Kết luận rằng giả dược thực sự có tác dụng dựa trên các phản ứng sinh hóa có thể cân đo đong đếm và quan sát được là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều hợp chất có lợi sẽ được sản sinh trong cơ thể khi não bộ phản ứng với các tác nhân tích cực - như việc nhận được sự quan tâm chăm sóc, tận tình điều trị. Các đối tượng trong những thí nghiệm giả dược thường có lượng endorphins trong máu cao hơn hẳn bình thường. Và để kiểm chứng, người ta đã thay thế chất trơ trong giả dược bằng naloxone - chất gây ức chế tiết endorphins - quả nhiên, tác dụng trước đó mà giả dược mang lại hoàn toàn mất đi.

Cũng từ cơ sở trên, một số giả thiết khác đã được đưa ra, nhưng tựu trung đều dẫn đến một nhận định mơ hồ rằng: bản thân chúng ta có khả năng tự phục hồi và chữa bệnh. Có thể đó là do sự kỳ vọng (expectation effect, hoặc expectancy hypothesis) của đối tượng, họ tin rằng giả dược sẽ có tác động đến bệnh tình của bản thân, và hy vọng sẽ có một sự tiến triển xảy ra. Khá thú vị là dựa trên thuyết này thì sự nghi ngại hay lo lắng của người bệnh khi dùng giả dược; trên thực tế hoàn toàn có thể sẽ dẫn tới sự phản tác dụng và các triệu chứng không mong muốn khác, gọi là nocebo effect. Giả thiết về sự kỳ vọng, thực ra chính là thiên kiến xác nhận (confirmation bias) trong tâm lý học: Khi tin vào một điều gì đó, bạn sẽ luôn cố tìm bằng chứng để chứng minh cho niềm tin của mình. Theo đó, điều tối quan trọng là bệnh nhân phải có sự tin tưởng, phải luôn nghĩ rằng mình có khả năng làm được những điều tuyệt vời (sounds like "self-help", eh ?)Giả thiết về sự liên kết giữa "linh hồn và thể xác" (mind-body connection) cũng từa tựa như thế, nhưng ở một mức độ ảo diệu và mang hơi hướng siêu nhiên nhiều hơn.
Lý giải về tác dụng kéo dài của giả dược, người ta đưa ra lý thuyết về sự hồi tưởng (remembered wellness theory). Thuyết này cho rằng nếu lần đầu tiên sử dụng giả dược mang lại hiệu quả tích cực (thường là do kèm theo việc dùng giả dược, bệnh nhân được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, v.v - và đây mới thực sự là nguyên nhân giúp cải thiện bệnh tình), thì ở những lần sử dụng tiếp theo, "viên kẹo" mà họ uống vào chính là công tắc giúp họ hồi tưởng về những tháng này tươi đẹp. Endorphins theo đó mà tuôn trào, khiến người bệnh cảm thấy khá hơn. Giả dược lại một lần nữa phát huy tác dụng "thần thánh" của mình. 
Tính điều kiện (conditions effect) lại càng làm người ta ngạc nhiên hơn, bởi thuyết này cho thấy tác dụng của giả dược không phụ thuộc vào phản ứng của não bộ và cơ thể trước một kích thích mà não bộ đã học được (liên hệ kiến thức về Phản xạ có điều kiện và thí nghiệm chú chó tiết nước bọt khi nghe tiếng chuông trong chương trình Sinh học lớp 8). Trong giai đoạn đầu của thí nghiệm - liên quan đến giả dược giảm đau - nhóm A được cho dùng thuốc thật, còn nhóm B thì dùng giả dược X. Cả 2 nhóm sau đó đều cho biết thuốc có tác dụng, cơn đau của họ thực sự đã suy giảm. Sang ngày tiếp theo, cả 2 nhóm cùng được cho sử dụng giả dược X; và nhóm A đã đưa ra những phản hồi tích cực hơn hẳn so với nhóm B, biết rằng giả dược X trông hệt như thuốc thật trước đó. Ở bước kế tiếp, người ta thay thuốc giảm đau bằng một chất có khả năng kích ứng tăng nồng độ một loại hóc-môn nào đó trong máu. Đây là một điều hoàn toàn mới lạ mà các đối tượng tham gia chưa từng trải qua, đồng thời cũng rất khó có thể nhận ra; so với kinh nghiệm đã biết về tác dụng giảm đau. Cách thức tiến hành tương tự như thí nghiệm với giả dược giảm đau đã nêu. Không thể tin được là, nhóm A khi dùng giả dược vẫn có mức tăng nồng độ hóc-môn gần bằng với khi dùng thuốc thật, còn nhóm B thì không có bất kỳ sự thay đổi nào ở cả 2 lần thử; dù rằng họ cũng đã được cho biết trước về "tác dụng" của giả dược.
Tất nhiên cũng có những quan điểm khác, cho rằng hiệu quả của giả dược không thực sự đáng tin cậy. Xét trong những thí nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (Randomized Controlled Trials) - RCTs đã được tiến hành để nghiên cứu hiện tượng giả dược. Mặc dù đã áp dụng phương pháp mù đôi (double-blinding, nghĩa là cả đối tượng tham gia thí nghiệm lẫn các bác sĩ làm công tác kiểm tra, thăm khám sau đó đều không biết rằng thuốc mà người bệnh dùng là giả dược) để loại bỏ bất kỳ sự kỳ vọng và những nhận định chủ quan nào khác, thì vẫn có thể nhìn thấy rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả thí nghiệm. Không như việc điều trị bình thường, các đối tượng của RCTs sẽ nhận được sự theo dõi chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn hẳn. Việc đánh giá tình trạng của bệnh nhân thường được diễn ra khá tỉ mỉ trong nhiều giờ mỗi tuần, hay thậm chí là mỗi ngày để đảm bảo không bỏ sót một sự thay đổi nào. Điều này giải thích cho hiệu quả đặc biệt cao - có khi hơn 50% so với thông thường - của phương pháp giả dược trong điều trị trầm cảm, khi mà đối tượng nhận được khá nhiều sự quan tâm và lắng nghe, chia sẻ. Ngoài mối tương tác bác sĩ - bệnh nhân khá gắn kết, các đối tượng RCTs đa số đều được trả tiền khi tham gia thí nghiệm, dù không nhiều. Hơn nữa, việc dự phần vào một nghiên cứu y khoa, đặc biệt trong trường hợp điều trị các chứng bệnh dai dẳng mà họ đang phải chịu đựng, thực sự là điều rất đáng biết ơn. Những điều này ít nhiều đã tác động đến nhận thức chủ quan của họ, từ đó làm móp méo kết quả thí nghiệm. Vậy thì, có thể nói rằng người được điều trị bằng giả dược đã nhận được "không gì cả" hay không ?

Và có lẽ cũng không quá khó hiểu khi biết rằng giả dược không có khả năng trị dứt bệnh. Phương pháp này chỉ phần nào làm giảm thiểu các triệu chứng, cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh ở một mức độ nhất định mà thôi. Thêm một vấn đề nữa là, việc dùng giả dược xét cho đến cùng không khác gì một trò bịp, một sự lừa dối bệnh nhân, kể cả là khi nó có tác dụng tích cực. Khá gay gắt, nhưng cũng không thể phủ nhận hoàn toàn. Đây là điều khó có thể chấp nhận, đi ngược lại hoàn toàn đạo đức hành nghề của giới Y khoa. Vậy thì nếu không lừa dối, liệu giả dược có thể được chính thức công nhận hay không ?
Một thí nghiệm khác do Giáo sư Ted Kaptchuk  thuộc Trường Y khoa Harvard tiến hành trên các bệnh nhân mắc phải hội chứng ruột kích thích (IBS) - một rối loạn thường gặp ở ruột già, gây đau và co thắt bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón (ewww): Trong thí nghiệm, các đối tượng được cho biết rằng thứ thuốc mà họ dùng là giả dược, không có bất cứ tác dụng nào. Rất thẳng thắn và thành thật, không hề có sự giấu diếm hay lừa gạt nào. 80 đối tượng sau khi dùng thuốc trong 3 tuần đã có những chuyển biến tích cực. "Thật tuyệt vời, thật không thể tin được. Tôi biết đó chỉ là những viên đường, nhưng tôi đã lại có thể ra ngoài gặp gỡ bạn bè và đi dẩy đầm." - trích lời cô Linda Buonanno, người đã có 15 năm chung sống và chịu đựng chứng IBS. Thực không may cho cô khi các triệu chứng đã quay lại không lâu sau đó, nhưng thí nghiệm cũng phần nào cho thấy tác dụng tích cực của giả dược; kể cả trong trường hợp người bệnh biết về nó ("open-label" placebo). Thí nghiệm này hiện vẫn đang phải hứng chịu khá nhiều phản bác và tranh cãi, mặc cho những kết quả thực tế mà nó đã chỉ ra.

Kết:


Không phản ứng phụ, có thể giúp giảm thiểu chi phí điều trị, và quan trọng là giả dược thực sự có tác dụng. Hiện ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc điều trị bằng giả dược có thể có tác động tích cực đến một loạt các vấn đề, bao gồm rối loạn dạ dày, hội chứng ruột kích thích, hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh Parkinson, bệnh vẩy nến và các rối loạn trên da khác, dị ứng, chứng đau nửa đầu, trầm cảm và rối loạn lo âu... mặc cho giới nghiên cứu vẫn còn loay hoay đi tìm cơ chế hoạt động của hiệu ứng này. 



Nhưng tranh cãi để làm gì, khi mà chính tên gọi của hiện tượng này còn chưa được hiểu và giải thích một cách thỏa đáng ?! Giả hay thật - thật hay giả, ngay đến các vị đứng đầu ngành Y đôi khi còn không phân biệt được thì nói gì đến bệnh nhân - những người chỉ quan tâm đến việc có thể chữa khỏi bệnh hay không. Tạm bỏ qua vấn đề Y đức, thay vì giữ cái nhìn nghi hoặc và ác cảm, chúng ta nên xem xét hiệu ứng giả dược như là một phương pháp điều trị tích cực - dù chỉ là phương pháp bổ sung, bên cạnh những phương pháp chính thống thực sự. Ngoài ra, tập trung vào nghiên cứu tiềm năng của các phương pháp trị liệu dựa trên sự kỳ vọng hay thiên kiến xác nhận cũng là một hướng đi có nhiều triển vọng, từ cơ sở của hiệu ứng giả dược.
P/s: Rất cám ơn nếu bạn đọc đến tận đây. Salute !