“CÙNG ĐI HỌC, SAO EM NGƯỜI TA ĐƯỢC ĐIỂM 10 CÒN EM MÌNH NGU THẾ?"
Đấy là câu mình sẽ hông bao giờ nói với em trai mình, hi. Giả sử có một vũ trụ song song mà ở đó, thay vì hô hào học Toán Văn Anh,...
Đấy là câu mình sẽ hông bao giờ nói với em trai mình, hi.
Giả sử có một vũ trụ song song mà ở đó, thay vì hô hào học Toán Văn Anh, người ta lại tin rằng phải nói chuyện với Tiên và học tiểu sử của Tiên mới thành con ngoan trò giỏi. Lò luyện mọc khắp nơi, học trò ra rả thuộc ngày sinh, ngày Tiên bị táo rơi vào đầu, những lần Tiên mắc lỗi chính tả, các thói quen hàng ngày… Thi thoảng các bạn ngồi chửi Tiên là đứa chết dẫm nào mà tao phải học về nó vậy.
"Con nhà người ta cũng đi học, cũng chỉ có 24 tiếng, sao nó làm bài về Tiên được 10 còn mài kém thế," một chị gái nói với em.
"Nhưng em thấy vô bổ vcl. Tiên là cái gì mà phải học từng lời nó nói??"
"Môn đấy là bắt buộc để vào cấp 3. Mài cố mà học đi dốt quá rồi. Bạn hàng xóm hôm nào cũng bật Youtube nghe Tiên nói, đêm về nó mở Facebook Tiên đọc lại từng status. Người yêu Tiên tối nào cũng gọi điện mấy tiếng có ai kêu ca đâu."
"Nhưng bọn nó thích Tiên còn em thì không?? 😃 ??"
"Bọn nó thích được sao mài không thích được? Lắm mồm, học đi không tao cắt wifi."
KHÔNG CÓ NGƯỜI LƯỜI, CHỈ CÓ NGƯỜI BỊ ĐAU
Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép yêu Tiên. Nói thế ai mà thích Tiên cho nổi. Cơ mà, xã hội lại dùng cách nói tương tự khi muốn “khuyến khích" các bạn học Toán Văn Anh v.v.. Không thích môn học, không thích việc học nói chung là một trong những nguyên nhân lớn khiến người ta trì hoãn (Procrastination). Thật ra trì hoãn là cơ chế tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với một việc khó chịu. Nếu bạn sợ môn Toán, việc học Toán gắn với cảm xúc sợ hãi, mỗi lần thấy bài tập Toán cơ thể bạn thấy khó chịu. Một cách tự nhiên, cơ thể sẽ có cơ chế trốn tránh (Avoidance) khiến bạn chỉ muốn gập vở lại. Gập vở lại rồi, cảm giác khó chịu biến mất, bạn thấy dễ chịu hơn, giống như đang đau được tiêm thuốc vậy. Vậy là lần sau cứ thấy bài tập Toán bạn lại muốn "tiêm giảm đau", tức là cất sách vở trốn tránh việc học.
Sự trì hoãn kéo dài kèm theo bài tập ngày càng khó, bạn lâm vào lo lắng cực độ, sợ trượt. Nhưng một mặt việc học Toán vẫn khiến bạn vô cùng "đau", cảm giác mỗi lần đọc đề đã khó thở muốn ngất. Chỉ đến đêm trước ngày kiểm tra, nỗi sợ trượt quá lớn lấn át nỗi sợ đề Toán, bạn mới bắt ép bản thân vừa khóc vừa học bài. Tim đập, tay run, đầu tự trách mình sao lười học thế đồ thất bại.
Trong khi đó, với học sinh “yêu Toán" thì bài tập gắn với sự vui vẻ, có thể từ nhỏ họ hay được điểm cao, hoặc điểm thấp nhưng mọi người động viên không sao đâu em, cứ chăm chỉ bài sau sẽ tốt hơn. Mỗi lần mở vở họ không hề thấy “đau", cơ thể họ không hối thúc cất bài tập đi mà thích thú ngồi làm. Đến kì thi, họ tự tin làm bài và tiếp tục được điểm cao (hoặc tiếp tục được động viên). Niềm tin mình giỏi (hoặc ngày nào đó sẽ giỏi) càng được củng cố, học Toán luôn gắn với cảm giác hạnh phúc.
Còn bạn học sinh sợ Toán ngày càng trì hoãn nhiều hơn, thêm nhiều lần ôn bài trong đau khổ, thêm nhiều cảm giác lo lắng hổ thẹn gắn với Toán. Nếu để lâu dài, bạn í sẽ có nguy cơ mắc Rối loạn lo âu (Anxiety Disorder). Ở người mắc rối loạn này, lo lắng sợ hãi có-căn-cứ (“Tuần sau thi Toán rồi, lo quá”) phát triển thành lo lắng vô-căn-cứ (nhắc đến Toán đã khó thở, hoặc nhắc đến tên bệnh thôi các triệu chứng liền xuất hiện).
NÃO NGHĨ NGỢI & NÃO CẢM XÚC
Trở lại ví dụ đầu bài, có người sẽ nghĩ so sánh đó là linh tinh. Tự dưng bắt yêu Tiên thì vớ vẩn thật, nhưng bắt học Toán rõ ràng là để “ấm vào thân". Học Toán giúp phát triển tư duy, giúp tăng khả năng tập trung, giúp mở rộng cánh cửa Đại học, du học… Ừ, có thể đúng.
Nhưng thuyết phục người ta yêu Toán kiểu đó không hiệu quả. Không bao giờ.
Trong cuốn “Everything is F***”, tác giả Mark Manson có một hình dung khá hay giải thích chuyện này. Theo Manson, mọi hành động là kết quả của Não Nghĩ Ngợi và Não Cảm Xúc. Ta cứ tưởng Não Nghĩ Ngợi là phần não giúp ta quyết định mọi thứ, nhưng không, nó chỉ ngồi ghế sau trên chiếc xe hơi. Kẻ lái xe là Não Cảm Xúc, mọi việc ta làm đều phải dựa vào Não Cảm Xúc. Nếu nó thấy kinh khủng khi nghĩ về làm bài Toán, nó sẽ đòi quẹo ngay hướng khác (gập vở lại). Khi ta cố kiết bắt ép Não Cảm Xúc làm bài tập, có thể sẽ bắt được, nhưng chắc chắn hai não sẽ choảng nhau chí choé (vừa khóc vừa sợ vừa làm bài như tra tấn). Cố thêm vài lần báo hại thằng người mắc Rối loạn lo âu cmnl :))
Dông dài vậy để nói rằng, những sự thuyết phục yêu Toán bằng lí lẽ khô khan (phát triển tư duy, cánh cửa Đại học bla blô…) chỉ có Não Nghĩ Ngợi là hiểu. Học sinh thừa biết. Luôn. Luôn. Cực. Kì. Vô. Cùng. Đủ. Thông. Minh. Để. Biết. các tác dụng của Toán. Nhưng nghĩ về Toán khiến họ “đau", vì thế việc học với họ cực khó khăn.
“Thưa cô em bị đau chân, xin phép cô cho em kiến tập thể dục ạ.”
“Ô kê.”
“Thưa cô em bị Rối loạn lo âu, việc học Toán khiến em lo lắng kinh khủng quá, cô cho em dời hạn nộp bài 1 tuần được không ạ?”
“Không.”
Có thể viễn cảnh không tới mức đó bởi hồi xưa mình chưa bao giờ mở mồm xin như vậy (và cũng nghĩ tất cả lỗi do mình lười dốt). Nhưng kì này mình đã thử đề nghị thầy Đại học dời bài tập phỏng vấn, bảo mình có Anxiety [đã đi khám], quá sợ gặp người lạ nên làm mãi không xong. Thầy chấp nhận ngay, còn linh hoạt đề bài hơn cho dễ thở. Thầy còn gợi ý mình đăng kí chương trình cho sinh viên gặp vấn đề tâm lý, từ sau xin nộp bài muộn sẽ nhanh hơn.
GAME
Trốn tránh học tập là do não bị “đau" khi nghĩ đến bài tập. Vậy mà, chúng ta lại cố gắng bắt học sinh chăm học bằng cách khiến họ “đau” hơn.
“Con nhà người ta chăm chỉ như thế, con mình đã dốt còn lười.”
“Mỗi ngày làm cho xong 10 bài Toán cho tao.”
“Em học hành thế này à, tôi ghi vào sổ đầu bài.”
“Nếu lần này thi không được trên 8 điểm tao cắt game.”
Trong khi nhiều người loay hoay không biết làm sao để con em chăm học thì các nhà phát triển game như trêu ngươi họ! Chả hiểu sao game “vô bổ” thế, toàn mấy thứ bắn nhau bạo lực mà bọn nó mê mẩn bỏ học hành. Học thì quên được mà cày game 3 ngày không mệt mỏi. Lũ hư đốn!
Thứ nhất, game “nói chuyện” được với Não Cảm Xúc của người chơi.
Việc chơi game khiến người ta hưng phấn bởi nhà sản xuất đã ứng dụng đủ kiến thức tâm lý, thiết kế sao cho gây thích thú, gây nghiện nhất có thể (còn sách vở trên lớp thì…ẹ...). Trong cuốn “Irresistible” tác giả Adam Alter chỉ ra: Thí nghiệm quét não cho thấy hoạt động trong não của người đang chơi game World of Warcraft nhìn gần như giống hoạt động trong não một người hít heroin. Facebook cũng được thiết kế tương tự. Steve Jobs, nhà sáng lập Apple, quá hiểu độ gây nghiện của sản phẩm Apple, ông luôn đảm bảo trẻ con trong nhà không được bén mảng đến những chiếc iPad.
Thứ hai, chính chúng ta đang đẩy các bạn về phía chất gây nghiện.
Trong khi hàng ngày đứa trẻ luôn bị chê lười, hư, ngu bẩm sinh… thì trong game nó trở thành anh hùng. Nó thắng hết ván này tới ván khác, chiến hữu tung hô nó có tài. Cuối cùng nó cũng gặp một thứ mà liên tục khiến nó vui vẻ. Một đứa trẻ sẽ khó mà hiểu rằng game được thiết kế gây nghiện, càng nghiện càng chơi nhiều, tất nhiên càng chơi nhiều càng giỏi. Não Cảm Xúc của một người sẽ chỉ hiểu hai điều:
Học = Tra tấn
Game = Hạnh phúc
Càng mắng bạn í vì học ngu, việc học càng gắn với đau buồn, xấu hổ, tra tấn đầu óc. Game thì lại là thuốc giảm đau xịn gấp trăm lần việc “gập vở". Mắng mỏ, chì chiết chuyện học chỉ càng khiến bạn học sinh cần nhiều hơn những liều thuốc giảm đau, thành ra ngày càng nghiện game.
Vì thế, bạn học sinh nào bỏ được game để học là một anh hùng. Bạn đã cố gắng gấp 1000 lần người khác.
Còn nếu không bỏ được, đừng tự trách mình, bạn cũng là con người có cảm xúc chứ không phải robot chỉ biết phân tích, tính toán. Tìm đúng phương pháp, rồi bạn sẽ tiến bộ.
GIẢI PHÁP
Tất nhiên là một môi trường thân thiện vl. Nói không với con nhà người ta. Nói không với mày ngu thế. Chả có ai ngu cả, chỉ có thích hay không, vui vẻ hay tra tấn thôi.
Hãy gắn việc học của con em bạn với cảm giác vui vẻ hào hứng. Bằng mọi giá.
Thứ nhất
Nếu được điểm cao, hãy khen bạn đã rất “chăm chỉ" [chứ không phải “thông minh", cái này giải thích rất rõ trong cuốn “Mindset” của Carol Dweck] Bởi IQ là thứ không thay đổi, hãy khen bạn í chăm chỉ để bạn í hiểu được điểm cao do mình cố gắng. Nếu chỉ khen IQ, bạn sẽ nghĩ bạn giỏi rồi cần gì học nữa. Nếu điểm thấp, hãy động viên bạn và nói không sao, lần sau chúng ta làm tốt hơn, em đã cố gắng hết sức rồi.
Thứ hai
Không cần “cấm”. Có thể việc cấm mang tác dụng tạm thời, khiến bạn học sinh xa game trong 3 tháng ôn thi. Nhưng thi đỗ rồi, được bố mẹ “thả" cho chơi xả hơi, khả năng “tái nghiện” là cực cao. Game vẫn được gắn với sự vui vẻ phê pha, học vẫn dính liền cảm giác đáng sợ - càng được khẳng định bằng tiếng thở phào của gia đình: Mấy tháng ôn thi địa-ngục-thật-đấy, thôi cho con chơi-game-xả-hơi.
Theo Mark Manson, ta có thể thay đổi điều này bằng cách khiến bạn í nghĩ lại về giá trị từng thứ. Ta không thể làm game bớt gây nghiện, nhưng có thể khiến game bớt “quý giá" với các bạn, khiến game chỉ còn là một thú vui nhẹ nhàng - thay vì “một thú vui bị cấm đoán phải ra net chơi trộm".
Game, Facebook sẽ cực quý giá nếu bạn học sinh phải dựa dẫm vào những chiến thắng ảo, những like share để thấy bản thân không phải đồ vô dụng và vui hơn một chút. Tại sao các bạn lại thấy vô dụng? Vì chúng ta chê bạn ngu, lười học, mắng bạn vì thi trượt, so sánh bạn với con nhà người ta. Việc cần làm không phải là cấm chơi game, cấm lướt web. Việc cần làm chính là cấm chúng ta chì chiết các bạn.
Các bạn í không ngu, chỉ chưa đến lúc các bạn bừng nở mà thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất