Việc ra mắt chiếc smartphone Pixel với mức giá nằm ở phân khúc cao cấp, Google đảm nhiệm mọi khâu từ thiết kế cho đến phần mềm và cả phân phối, chỉ duy nhất khâu sản xuất nên thành phẩm là outsource - cho thấy Google đang muốn cạnh tranh trực tiếp với Apple.

Pixel tuy chỉ là một chiếc điện thoại nhưng thực chất là chìa khoá để mở ra cả hệ sinh thái của Google. Nó như một mảnh ghép cuối gia nhập gia đình nhà G để kết nối tất cả. Một bước đi chiến lược mới của Google, hứa hẹn vùng trời smartphone sẽ không còn chỉ của Apple vs Samsung.

---------------------------------------------

Google PixelPixel XL nhìn ở ngoài cũng tựa tựa như những chiếc Nexus trước đây, cũng do Google hợp tác với một công ty bên thứ ba sản xuất. Tuy nhiên, thực tế thì Pixel lại là đại diện cho một sự thay đổi rất lớn về cách mà Google kinh doanh phần cứng. Giờ đây Google nắm gần như tất cả mọi khía cạnh của việc làm ra một sản phẩm cứng, từ khâu thiết kế, phát triển phần mềm cho đến kiểm soát chuỗi cung ứng, kí kết với nhà mạng và phân phối đến tay người dùng. Thứ duy nhất Google nhờ bên ngoài làm đó là khâu sản xuất. Và nếu bạn nghe cách kinh doanh này quen quen thì đúng rồi đấy, đó chính là cách mà Apple đang hoạt động.

Mọi phần cứng đều được phát triển bởi một bộ phận duy nhất

Bộ phận phần cứng mới của Google được dẫn dắt bởi Rick Osterloh, người từng là chủ tịch Motorola Mobility trước khi Google bán Motorola cho Lenovo. Dưới sự lãnh đạo của Osterloh, bộ phận này hoạt động giống hệt như một công ty làm thiết bị công nghệ truyền thống. Mục đích chính là nhằm kiểm soát chặt lý do mà sản phẩm ra đời, nó giúp gì cho tương lai và cho việc kinh doanh của Google, đồng thời đảm bảo các yếu tố thiết kế sẽ đồng nhất xuyên suốt nhiều thiết bị.

Thật vậy, tất cả những sản phẩm được Google ra mắt tối hôm qua tạo cho chúng ta cảm giác là chúng đến từ cùng một công ty, với cùng một ngôn ngữ thiết kế. Pixel sẽ là chiếc điện thoại trung tâm, nó sẽ dùng mạng do Google Wi-Fi phát ra, nó sẽ kết nối với loa Google Home để thực hiện các chức năng thông minh, và nó cũng sẽ đóng vai trò điều khiển cục Chromecast Ultra khi gắn vào TV 4K. Trên Pixel và Home, người ta có thể sử dụng các dịch vụ mới của Google một cách đầy đủ và mạnh mẽ nhất. Nói cách khác, mỗi sản phẩm đều có nhiệm vụ riêng song vẫn phục vụ cho mục đích lớn: giúp Google đưa các dịch vụ của họ tới người dùng.

Google_Pixel_Pixel_XL_1.jpg
Với những sản phẩm mang tính cách mạng nhưng ẩn chứa rủi ro cao, Google đẩy nó qua X - công ty con của Alphabet chuyên làm những thứ như thế. Google không thể tiếp tục thử nghiệm những sản phẩm liều lĩnh như vậy nữa, mà hãng cần phải biết chính xác mình đang làm gì. Osterloh chia sẻ: "Về cơ bản, chúng tôi tin vào sự sáng tạo và thứ chúng tôi cần làm là kiểm soát trải nghiệm của người dùng từ đầu đến cuối. Chúng tôi cần xây dựng một hệ thống chạy hoàn hảo. Mục tiêu của chúng tôi là đưa đến người dùng trải nghiệm tốt nhất có thể".

Và nếu nhìn sang Apple, chúng ta sẽ thấy cách làm tương tự. Apple tự mình làm phần cứng và cả hệ điều hành cho điện thoại - Google cũng đã làm tương tự. Apple sản xuất các thiết bị mạng để smartphone, PC của hãng truy cập vào - Google cũng chẳng khác. Lý do được Apple đưa ra giống như Google: hãng muốn đảm bảo trải nghiệm người dùng luôn tốt, và Apple tin rằng họ không thể đạt được điều này nếu không tự làm phần cứng, phần mềm và hệ sinh thái. Tới thời điểm hiện tại triết lý đó vẫn đang mang đến lợi ích lớn cho Apple, vậy nên việc Google làm theo là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được.

Nói cách khác, bây giờ là thời điểm mà Google cạnh tranh mạnh mẽ nhất với Apple từ trước đến nay, với cùng mô hình kinh doanh và cách định giá sản phẩm.

Chiếc điện thoại "rất Google"

Giờ hãy nói riêng về chiếc Pixel mới xuất hiện. Bạn sẽ không tìm được bất kì dấu vết nào cho thấy HTC là đơn vị gia công Pixel. Lật mặt sau, chúng ta chỉ thấy mỗi logo biểu tượng G và dòng chữ "Made By Google". iPhone hiện nay cũng y hệt như vậy, không có thứ gì chỉ ám chỉ tới công ty đã thật sự sản xuất ra chiếc điện thoại bằng xương bằng thịt mà bạn đang cầm trên tay. HTC bây giờ đang thực hiện đúng vai trò của một ODM. Và nếu bạn chưa biết, HTC cũng từng là ODM chuyên làm điện thoại cho các công ty khác trước khi họ bắt đầu tự làm smartphone mang thương hiệu của chính mình.

phone_buy-module_buy-image_1440_2x.png
Google không chỉ thiết kế phần cứng của Pixel mà hãng còn bắt tay với các nhà mạng và nhà bán lẻ. Verizon là đối tác duy nhất ở Mỹ tính đến thời điểm này, và cũng hợp lý thôi khi mà Verizon đang là nhà mạng lớn nhất ở nước này với 142,8 triệu thuê bao tính đến tháng 7/2016. Tất nhiên, Google vẫn sẽ bán bản unlock của Pixel và Pixel XL trên cửa hàng của họ giống như các máy Nexus từ trước đến nay.
Nghe vụ bắt tay với nhà mạng và phân phối có vẻ khá nhẹ nhàng nhưng thực chất đây lại là hai công đoạn rất khó khăn trong chuỗi cung ứng điện thoại, nhất là tại thị trường Mỹ. Ở Mỹ, nhà mạng là một thế lực mạnh mẽ vô cùng (mượn lời @cuhiep) và để được bán điện thoại trong các cửa hàng của họ không phải là chuyện đơn giản. Ngay cả một công ty với sức ảnh hưởng lớn như Apple mà cũng chỉ có thể đưa iPhone vào một nhà mạng duy nhất ở thời điểm dòng sản phẩm này mới ra mắt lần đầu tiên. Việc bán hàng cũng tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để lên kế hoạch cho đúng và không làm phật lòng người dùng khi bị giao trễ hay hư hỏng thiết bị trong khâu vận chuyển giữa.

Bù lại, một khi đã bắt tay được với nhà mạng, chiếc smartphone của bạn sẽ được đem tới hàng trăm cửa hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ, chưa kể những điểm bán nhỏ lẻ khác trong các chuỗi siêu thị hay trung tâm mua sắm lớn. Độ phủ của Pixel sẽ tăng lên như tên lửa. Ngoài ra, nó cũng thiết lập nền tảng để Google tiếp tục bắt tay với Verizon và mở rộng sang các nhà mạng khác trong tương lai.

Google_Pixel_Pixel_XL.jpg
Để thật sự cạnh tranh với Apple, Google cần phải làm tốt hơn về mặt hỗ trợ người dùng. Khi bạn gặp khó khăn với chiếc iPhone, bạn sẽ chạy tới Apple Store hay các điểm bảo hành ủy quyền. Còn khi bạn gặp vấn đề với Pixel, bạn sẽ vào Settings và bắt đầu gọi điện cho đơn vị hỗ trợ. Google dành hẳn một đội chăm sóc khách hàng hoạt động 24/7 để chiều lòng những vị khách đã bỏ tiền ra mua Pixel.

Về giá, nếu như các máy Nexus trước đây có giá rẻ thì Pixel lại đi ngược hẳn với mức giá nằm ở phần khúc tầm cao, ngang với iPhone hay Samsung. Pixel 32GB có giá 649$ và đắt nhất là 869$ cho chiếc Pixel XL 128GB. Osterloh thừa nhận rằng các linh kiện được dùng trong Pixel có giá cao. "Chúng tôi không muốn làm hỏng trải nghiệm người dùng theo bất kì cách nào. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn phân khúc cao cấp cho Pixel".

Tất nhiên, Osterloh biết rõ rằng Pixel sẽ không bán được quá nhiều nếu tính theo doanh số hay doanh thu. "Đây là một sự khởi đầu của chúng tôi". Thước đo của Google để biết Pixel có thành công hay không không dựa vào thị phần, mà dựa vào mức độ hài lòng của người dùng lẫn các mối quan hệ với nhà mạng và chuỗi bán lẻ mà Google có thể tận dụng trong tương lai. Bạn sẽ không nghe những con số triệu triệu về Pixel như khi đọc báo cáo của Apple, đó là điều chắc chắn, nhưng đừng quên đây chỉ mới là bước đi đầu tiên.

Sẽ gia tăng kiểm soát hơn nữa trong tương lai

Hiện Google đang nhờ HTC làm Pixel cho mình và sử dụng các linh kiện sẵn có, ví dụ như chip Snapdragon 821 chẳng hạn. Nhưng trong tương lai, theo trang Engadget, Google sẽ đi thêm bước nữa và tự tạo ra những con chip của riêng mình. Đây là cách duy nhất để Google có thể kiểm soát tới mức cao nhất trải nghiệm người dùng trên thiết bị của mình, cũng như cách mà Apple dùng chip A-Series cho iPhone, iPad. SoC là đầu não xử lý mọi thứ cho thiết bị, vậy nên một con chip tốt sẽ làm được rất nhiều thứ, cho cả công ty lẫn khách hàng, từ sức mạnh cho đến thời lượng pin, bảo mật và các tính năng phụ trội.

Google_Pixel_Daydream_VR.jpeg
Bạn cũng không phải quá lo về chuyện Google ưu ái hơn cho Pixel khi mà hãng vừa làm Android mà vừa cạnh tranh với các hãng smartphone khác. Có một "tường lửa" nằm chắn giữa bộ phận phần cứng với bộ phận Android nên Osterloh không thể biết được Samsung, LG và các nhà sản xuất khác đang làm gì. Google nói rõ rằng Pixel cũng được đối xử y hệt như những OEM khác.

Nhưng nói gì thì nói, Pixel vẫn là con ruột của Google, và ít nhất nó sẽ được update phần mềm nhanh hơn so với các đối thủ Android khác. Hãy nhìn vào Nexus mà xem, chúng đã được cập nhật Android 7.0 từ đời nào rồi trong khi các máy Samsung, LG, Sony vẫn còn lẹt đẹt Android 6.0.

Kết

Việc Google chuyển mô hình kinh doanh phần cứng theo cách mà Apple làm không phải là chuyện xấu hay đáng phê phán. Ngược lại, nó mang tới rất nhiều cơ hội cho Google trong việc kiểm soát trải nghiệm trọn vẹn và thúc đẩy hệ sinh thái đi về phía trước. Nó cũng giúp tăng độ phủ cho các dịch vụ của Google, từ đó tăng doanh thu quảng cáo cho công ty. Pixel đánh dấu một bước tiến rất logic của Google trong việc kiếm thêm nguồn thu và thêm người dùng. Nó không còn là một thiết bị tham chiếu như Nexus nữa. Nó là thiết bị để Google kiếm tiền, và hướng tới sẽ là kiếm rất nhiều tiền nếu hãng thành công với chiến lược mới của mình!https://tinhte.vn/threads/voi-pixel-cuoi-cung-google-cung-da-bat-dau-canh-tranh-truc-tiep-voi-apple.2647699/page-2