Có một kiểu người sống theo trường phái lệch múi giờ | Tuổi Trẻ Cười -  cuoi.tuoitre.vn
Chuyện giấc ngủ - Nguồn ảnh: Tuổi trẻ cười
Tôi cá là ở trong này cũng có nhiều ông giống như tôi, ngày thì ngủ gà ngủ gật, xỉu lên xỉu xuống vì thiếu ngủ, nhiều khi chỉ mong sao cho nhanh hết ngày để còn về nhà, leo lên giường mà đánh một giấc cho thật đã. Nhưng khổ nỗi cứ tới khi tối trời thì bằng một cách thần kỳ nào đó cơn buồn ngủ lại biến mất, có cố mấy cũng không níu kéo lại được. Cơ thể thì cứ kêu than rằng: "Nay mệt lắm rồi, làm ơn đi ngủ đi" nhưng rồi nằm một hồi mắt cũng chả nhắm được, thế là lại bật dậy nghịch điện thoại, lướt MXH cho hết thời gian, miệng thì thầm nhủ: "Chơi xíu rồi ngủ thôi". Nhưng éo le một chỗ là, thường thì khi tôi bắt đầu bước vào trạng thái buồn ngủ sẽ có một thằng bạn ất ơ nào đó gọi tôi và hỏi tôi về một chiếc deadline nào đó mà tôi chả có tí ký ức nào trong đầu cả. Và vâng, chiếc deadline từ trên trời rơi xuống đó chính là tác nhân giúp tôi tỉnh ngủ mà không cần tí cafe nào, nó thức cùng tôi và chạy task cùng tôi tới một hai giờ sáng. Không biết từ khi nào, chuyện thiếu ngủ, ngủ muộn đã dần trở thành một thói quen khó bỏ trong cuộc sống của tôi!
Kể từ ngày lên thành phố học, chả có mấy hôm tôi đi ngủ sớm cả (sớm ở đây là trước mười một giờ đêm), tôi bây giờ mà nói đã trở thành một con cú đêm chính hiệu, có thể thức tới một hai giờ sáng mà vẫn tỉnh táo như thường (ít nhất là tôi nghĩ vậy). Trước tôi cũng thử nhiều cách để giúp bản thân mình ngủ đúng giờ hơn như duy trì thói quen tập thể dục, uống nước ấm trước khi đi ngủ hay nghe các bài nhạc thư giãn trên youtube, hoàn thành deadline trước mỗi giờ đi ngủ,... nhưng kết quả cuối cùng cũng chả ăn thua. Dẫu biết rằng việc thiếu ngủ, ngủ muộn kéo dài sẽ mang lại vô số ảnh hưởng và tác hại cho sức khỏe nhưng tôi có cảm giác bản thân không thể nào đi ngủ sớm được vậy. Nhiều khi nằm trên giường cố gắng ngủ mấy nhưng cuối cùng cũng chẳng thể ngủ được, thế là tôi lại bò dậy kiếm chuyện khác để mà làm (thường thì sẽ là lướt facebook, instagram, youtube,...). Chuyện này lâu dần đang ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe của tôi vì vậy hôm nay, sau khi kinh qua 7749 ngày tìm tòi học hỏi bác Google, tôi xin mạn phép viết một bài bàn về chuyện giấc ngủ.

1. Ngủ bao nhiêu là đủ?

Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm: Ngủ bao nhiêu là đủ? Nhiều người nghĩ rằng ngủ 8h/ngày tức là ngủ đủ giấc, tuy nhiên mỗi ngày ngủ bao nhiêu giờ là đủ thực tế có thể thay đổi theo thể trạng của từng người. Lượng thời gian ngủ của hầu hết mọi người là khoảng từ 7 đến 9 giờ. Tuy nhiên, khi bạn già đi, số giờ ngủ trung bình của giấc ngủ giảm còn 7 đến 8 giờ, với một số người thậm chí ngủ ít giờ hơn. Theo các tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ uy tín trên thế giới, người trong độ tuổi thanh thiếu niên từ 14 - 17t cần khoảng 8 đến 10 tiếng ngủ một ngày, với thanh niên và người trưởng thành (18 - 65t) là 7 đến 9h/ngày. Tuy rằng thời gian cần để ngủ đủ giấc của mỗi người là khác nhau nhưng ai cũng nên duy trì một thời lượng ngủ hợp lý, không nên ngủ quá ít so với thời gian cơ thể bạn cần để nghỉ ngơi.

Đọc thêm:

2. Thời gian ngủ tốt nhất cho cơ thể là mấy giờ?

Ngủ đủ giấc thôi là không đủ, bạn phải ngủ đúng giờ thì mới đảm bảo được hiệu quả tối đa mà giấc ngủ mang lại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vào buổi tối từ 21 giờ, cơ thể con người bắt đầu cần được thư giãn để đi vào giấc ngủ say sau 1 – 2 tiếng đồng hồ. Nghĩa là khoảng thời gian ngủ phù hợp nhất với cơ thể là khoảng từ 21 đến 23 giờ tối.

3. Lợi ích của việc ngủ đủ giấc?

Việc có một giấc ngủ ngon và đủ giấc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Trên thực tế, nó quan trọng như việc ăn uống lành mạnh và thường xuyên luyện tập thể dục vậy. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc đảm bảo một giấc ngủ ngon và đủ giấc sẽ giúp cuộc sống bạn trở nên tốt đẹp hơn, nó giúp bạn giảm căng thẳng, lo âu về tâm lý; cải thiện sự tập trung và năng xuất làm việc; duy trì sức khỏe và cân nặng ổn định; tăng sức đề kháng,.... và vô số những lợi ích khác mà việc ngủ đủ giấc mang lại cho bạn. Chính vì vậy hãy tập cho mình một thói quen ngủ đúng giờ, đúng giấc để có một sức khỏe và một tinh thần thật tốt nhé! 

Đọc thêm:

4. Ảnh hưởng của việc ngủ không đủ giấc đến sức khỏe là gì?

Mặt lợi ích đã có rồi, vậy đâu là những tác hại của việc không ngủ đủ giấc và nó ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của chúng ta? 
Tác hại mà trước mắt ta có thể ngay lập tức cảm nhận được đó là sự mệt mỏi vào sáng hôm sau. Nếu chỉ thiếu 1 hoặc 2 giờ ngủ trong một khoảng thời gian ngắn như lúc bạn ôn thi hay lâu lâu overnight với bạn bè thì đó không phải là vấn đề gì quá to lớn. Tuy nhiên nó có thể sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, năng lượng hoạt động và khả năng xử lý các công việc phức tạp của bạn vào ngày hôm sau. Vì thế, nếu không phải là tình thế bắt buộc, hãy căn nhắc thật kỹ sự lựa chọn của mình để chắc rằng mọi thứ vẫn sẽ ổn nếu bạn làm vậy!
Nhưng nếu nó diễn ra trong 1 khoảng thời gian dài thì sao? Theo như tôi đọc được ở trên mạng, nếu tình trạng đó kéo dài, bạn dần sẽ trở nên khó tập trung, thiếu tỉnh táo và trí nhớ bị suy giảm đi ít nhiều; các hoạt động của cơ thể cũng sẽ trở nên khó khăn hơn và việc suy giảm sức khỏe là điều dễ dàng thấy được. Ví dụ như chính bản thân tôi, trước đây mức tạ tôi thường nâng là 20 kg (mỗi bên) cho 5-6 lần đẩy tạ, nhưng dạo gần đây tôi chỉ có thể nâng được mức 17,5 kg cho chừng đó lần đẩy tạ thôi, sự suy giảm rõ ràng đó khiến tôi cực kỳ quan ngại với sức khỏe của bản thân mình. 
Ngoài những tác hại đó ra thì bạn sẽ dễ trở nên cáu gắt hơn, dễ mắc bệnh hơn và nguy cơ bị các bệnh về tim, cao huyết áp, béo phì cũng cao hơn,... Thậm chí có nhiều trường hợp dẫn đến cả bênh trầm cảm. Đó đều là những ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần của bản thân và chả ai trong số chúng ta muốn nhận lấy cả. Vậy mới thấy việc ngủ đủ giấc quan trọng đến nhường nào!

5. Bàn về chuyện ngủ

Chuyện thiếu ngủ không phải chỉ xảy ra đối với mỗi mình tôi mà rất rất nhiều bạn bè của tôi cũng đang trải qua tình trạng tương tự, thậm chí tụi nó còn "trâu" hơn cả tôi, thức một mạch đến hai, ba giờ sáng. Lắm đứa thức để hoàn thành bài tập, làm xong task, nhưng cũng không thiếu đứa thức chỉ để đánh cho xong con game hay cày hết bộ phim đang coi dở, hóng drama và vô vàn lý do thức đêm thức đêm khác. Hỏi ra thì đứa nào cũng nói rằng giờ này còn sớm ngủ không được, không quen. Tụi nó cũng cú đêm giống tôi, quen cái cảm giác thức khuya rồi, bỏ khó lắm. Giờ để mà kêu 9, 10 giờ đắp chăn đi ngủ thì họa may hôm đó đuối lắm thì mới nằm ngủ được, chứ lũ bạn tôi lúc bình thường thì là không rồi đó. 
Không ai mà không biết việc thiếu ngủ là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần của bản thân, nhưng tại sao vẫn có rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ rơi vào tình trạng đó. Cuộc sống hiện đại đang buộc những người trẻ chúng ta phải quay cuồng vào học tập và công việc. Áp lực từ bài thi, deadline... làm hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích, điều này gây ảnh hưởng rất lớn thói quen thức đêm của chúng ta. Ngoài ra việc sử dụng máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử lâu dài và thường xuyên trước khi đi ngủ, không gian phòng ngủ không đủ oxi hay thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của chúng ta cũng là những tác nhân ảnh không nhỏ dẫn đến hiện tượng đó. Bây giờ để khuyên mọi người đi ngủ sớm thì gần như là bất khả thi. Vậy chỉ còn mỗi một cách là làm sao để hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng tiêu cực của thiếu ngủ đến bản thân chúng ta mà thôi. Dưới đây là những giải pháp rất hay mà tôi đề xuất bạn nên tham khảo qua:
a) Nếu không thể tăng thời lượng giấc ngủ, bạn hoàn toàn có thể tăng được chất lượng của nó, hãy cố gắng ngủ một giấc liền mạch, sâu, không đứt quãng, mộng mị. Trên internet có rất nhiều bài chia sẻ, video, clip hướng dẫn cách làm sao để có một giấc ngủ thật sâu. Hãy lên mạng và tìm hiểu một chút về nó. Đảm bảo rằng khi áp dụng xong thì bạn sẽ nhận ra sự khác biệt một cách rõ ràng đấy. 
b) Hãy chia thời gian ngủ của bạn thành hai giấc ngủ khác nhau, một cái ngắn và một cái dài. Ví dụ như bạn buộc phải đi ngủ lúc 2h và thức dậy lúc 6h30 (giấc dài - 4h30) thì hãy tranh thủ ngủ trưa thêm một khoảng 30p cho đến 1h nữa (giấc ngắn), việc chia giấc ngủ ra như vậy sẽ hạn chế sự mệt mỏi xuống mức thấp nhất, giúp bạn lấy lại tinh thần nhanh chóng, tăng năng suất lao động và duy trì sự tỉnh táo cho buổi chiều. Vì vậy, nếu có khả năng thì hãy bắt tay vào thực hiện ngay đi nhé.
c) Có chế độ sống, sinh hoạt, ăn uống lành mạnh. Nếu bạn đã thất bại trong việc có một giấc ngủ lành mạnh, thì hãy cố gắng duy trì sự lành mạnh ở những mặt còn lại, vì ít nhất thì cơ thể bạn cũng sẽ có cái để mà bù đắp phần nào những tổn thương do thiếu ngủ, ngủ muộn gây ra. Duy trì một chế độ ăn lành mạnh, uống nhiều nước, dùng các thực phẩm lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao và giải tỏa áp lực cuộc sống bằng những thói quen tốt,... sẽ giúp bạn hạn chế đi những ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên cơ thể bạn.
d) Xây dựng giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý. Việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của cơ thể, khiến nó dễ trở nên mệt mỏi và xử lý mọi thứ một cách chậm chạp hơn, vì vậy hãy cho thêm các khoảng thời gian nghỉ ngơi vào lịch trình làm việc để tuốt lại sự tỉnh táo nhé!
Trên là những giải pháp cho người giống tôi, thường xuyên làm việc thức khuya. Hãy áp dụng những biện pháp kể trên để có thể thức khuya một cách hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng nó mà thay đổi nhịp sống thường nhật, vì sau tất cả, ngủ đủ giấc, ngủ đúng cách vẫn luôn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân bạn. 
Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn, trân trọng!