Chuyện kể vào một ngày nọ, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như những người cùng ngồi chung một bàn ăn đều tình cờ hết pin điện thoại cùng một lúc. Họ sẽ có thể cùng nhau nói chuyện, chia sẻ những khoảnh khắc của một ngày dạo quanh Phố Đi Bộ, nơi vừa diễn ra ngày hội văn hóa Nhật Bản Kanagawa rất sôi động và đầy màu sắc, với nhau.
Nhưng điều họ làm ngay lập tức sau khi an tọa đó là mở chiếc điện thoại lên, và chia sẻ những hình ảnh, những câu chuyện bắt gặp hôm đó lên mạng xã hội.
Ngay lập tức, tôi nhận ra cảnh tượng Phubbing tràn ngập trước mắt.
Chú giải: Phubbing là hành vi phớt lờ những con người xung quanh mà chỉ hướng sự tập trung vào chiếc điện thoại.
Tôi liền tự vấn: "Phải chăng họ không muốn tốn công tốn sức chia sẻ một câu chuyện nhiều lần, nên sẵn tiện tài khoản mạng xã hội của những con người ngồi chung mâm ấy đã kết nối với nhau, thế nên đăng một bức hình kèm vài dòng trạng thái là coi như được “một công đôi việc.”" Những người ngồi gần mình cũng sẽ nhìn thấy khi họ lên mạng xã hội, mà những người bạn khác không ngồi gần mình hiện tại, cũng có cơ hội thưởng ngoạn.
Bật điện thoại là ngắt kết nối giữa người với người 
(Nguồn: https://pride.kindness.sg/phubbing-phone-turn-off-relationships/)
Bật điện thoại là ngắt kết nối giữa người với người (Nguồn: https://pride.kindness.sg/phubbing-phone-turn-off-relationships/)
Thế nhưng điều đáng nói ở đây là, những dòng trạng thái đó chỉ là những con chữ vô hồn vô cảm, chúng không truyền tải đúng và đủ những cảm xúc mà lời nói có thể truyền tải. Những dòng trạng thái “Đang cảm thấy...” hay những biểu tượng cảm xúc không thể thay thế được nét mặt của con người, không thể thay thế được giọng điệu, cử chỉ và các sắc thái phi ngôn ngữ đầy tinh tế của chúng ta. Trên hết, những dòng trạng thái ấy không có “đôi mắt.” Vì sao trong những cuộc đàm phán, người ta chú trọng đến cả những cử động nhỏ nhất của đôi mắt? Bởi vì chỉ cần nhìn vào cử động mắt thôi, họ sẽ thấu ngay tâm can của người khác. Trong kĩ thuật NLP (tạm dịch là Lập trình ngôn ngữ giao tiếp) đề cập đến việc thấu hiểu suy nghĩ thông qua những chuyển động tự nhiên của mắt. Ví dụ: Ánh mắt không tập trung vào một điểm cụ thể hay “nhìn xa xăm” – Đang suy tư về hình ảnh hoặc vấn đề hiện hữu; Nhìn các hướng bên trái – Đang suy nghĩ thiên về tưởng tượng; Nhìn các hướng bên phải – Đang suy nghĩ thiên về hồi tưởng. Chúng ta có thể truyền đạt cảm xúc một cách hiệu quả nếu như giao tiếp mặt đối mặt, nhưng dường như màn hình điện thoại đang hấp dẫn đôi mắt của ta nhiều hơn ta tưởng.
“Đôi mắt chính là cửa sổ của tâm hồn” – William Shakesphere –
Tôi tự hỏi: Nếu như năm nay là năm 1992, khi điện thoại thông minh còn chưa được phổ cập rộng rãi với quần chúng, thì liệu những người ngồi ở bàn ăn này có thể nói chuyện với nhau không? Có lẽ việc tương tác bằng lời nói còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi người, những người hoạt ngôn thì sẽ chủ động mở lời, còn những người trầm tính thì ít khi bắt đầu một chủ đề. Hay có xui có rủi nào, hôm đó quanh tôi toàn là những con người trầm tính, ít nói chăng?
Nhưng hãy thử nghĩ sâu một chút. Liệu rằng “khi điện thoại thông minh chưa được phổ cập, tôi có nhiều cơ hội để gặp được những người ít trầm tính hơn hay không?”
Diễn giải ra, tôi muốn nói rằng “Liệu điện thoại có khiến con người ta trở nên ngại giao tiếp hơn không?” Nếu đúng là thế, thì chúng ta cũng không thể đổ hết trách nhiệm cho chiếc điện thoại được (làm thế tội nó). Chẳng phải là ở thời nào, thì cũng luôn có những con người với tính cách khác nhau, đúng không nào? Năm 1992, chưa có điện thoại nhưng hẳn cũng có sách có vở, là thế giới biệt lập hoàn hảo cho những người ngại giao tiếp thời đó trốn vào, và rồi thời đó sinh ra cụm từ “Mọt sách” để mô tả những con người như vậy.
Quán cà phê gây sốt một thời tại Hà Nội
(Nguồn: https://kenh14.vn/giua-ha-noi-co-mot-quan-cafe-dang-gay-sot-vi-tam-bien-hieu-o-day-khong-co-wifi-hay-noi-chuyen-voi-nhau-nhu-nam-1992-20170708213808187.chn)
Quán cà phê gây sốt một thời tại Hà Nội (Nguồn: https://kenh14.vn/giua-ha-noi-co-mot-quan-cafe-dang-gay-sot-vi-tam-bien-hieu-o-day-khong-co-wifi-hay-noi-chuyen-voi-nhau-nhu-nam-1992-20170708213808187.chn)
Nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng, từ khi chiếc điện thoại được phổ cập rộng rãi, những vấn đề về tâm lý con người lại trở nên nổi trội, trở thành một chiếc bánh ngon cho nhiều nhà tâm lý học mổ xẻ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, những người sử dụng điện thoại nhiều có xu hướng mắc các chứng bệnh PSU (tạm dịch là Lạm dụng điện thoại thông minh), và có thể dẫn đến các biến chuyển tiêu cực về tâm lý, cũng như nhạy cảm hơn với các bệnh lý lo âu (Social Anxiety). Tham khảo: The Relationship between Social Anxiety, Smartphone Use, Dispositional Trust, and Problematic Smartphone Use: A Moderated Mediation Model
Mà thôi, chẳng cần đào sâu vào nghiên cứu khoa học chi cho mệt óc. Chỉ cần nghe vài bản tin, đọc vài bài báo, không hiếm để bắt gặp những tựa đề như: “Đừng để mạng xã hội ngắt kết nối gia đình” “Mạng xã hội và những khoảng cách vô hình trong gia đình”. Ảnh hưởng của điện thoại thông minh và mạng xã hội lên đời sống sinh hoạt thời nay rất dễ để quan sát thấy, chúng ta hoàn toàn nhận thức được, nhưng không phải tất cả chúng ta muốn nỗ lực xóa bỏ những khoảng cách vô hình ấy.
Thú thực, tôi không phải người bài trừ mạng xã hội, tách rời điện thoại thông minh khỏi cuộc sống. Tôi vẫn hiểu những tác dụng có ích mà mạng xã hội đem lại, đó là cho tôi gặp những người bạn mới, cho tôi một phương thức để củng cố những mối quan hệ, điều mà tôi luôn trân trọng. Nhưng tôi không bao giờ thả trôi bản thân chìm vào thế giới trên điện thoại, tôi tự đặt ra giới hạn cho thời gian online không quá 30 phút một ngày. Ngoài ra, những khoảng thời gian gặp mặt mọi người, tôi sẽ đặt điện thoại xuống, và tìm cơ hội để tương tác trực tiếp.
Hồi tôi còn là một cậu thiếu niên ngây dại, trớ trêu là tôi lại có được những cơ hội để đi ra nước ngoài mà ở thời điểm hiện tại, có mơ tôi cũng chẳng dám cầu một chuyến đi như thế xảy đến lần thứ hai. Sao tôi lại dùng từ “trớ trêu”? Vì chàng thanh niên ngày đó vẫn còn yêu chiếc điện thoại của mình lắm, chứ chưa biết mở rộng đôi mắt để nhìn ra thế giới bao la. Đặt chân đến những vùng đất mới, với bao nhiêu điều lạ có thể học hỏi, thì chàng trai ấy vẫn giới hạn tầm nhìn nội trong chiếc màn hình điện thoại mà thôi.
Ảnh chụp tại Paris khi Notre Dame chưa cháy (Năm 2017)
(Nguồn: Tác giả)
Ảnh chụp tại Paris khi Notre Dame chưa cháy (Năm 2017) (Nguồn: Tác giả)
Thời gian để lướt điện thoại thì có nhiều lắm.
Nhưng thời gian để gặp một người, thì ít lắm. Hữu duyên lắm mới có thể gặp nhau, ai lại nỡ hoài phí thời gian quý giá ấy để đi lướt điện thoại cơ chứ.
Không có sự kiện hay khoảnh khắc nào là hiển nhiên và trường cửu. Ta diện kiến chính cái thời khắc bản thân đang đọc dòng chữ này, chính là kết quả của những nỗ lực từ trước đến nay. Và khoảnh khắc này rồi cũng trôi đi, vì dòng thời gian chẳng chờ đợi ai.
Chính vì thế, hãy trân quý từng khoảnh khắc, từng cơ hội ta có được, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc đời, đừng để một ngày bạn nhìn vào một bức ảnh chụp, rồi lại thoáng nghĩ “Giá như hôm đó mình cười tươi hơn.”
一期一会 – Nhất kỳ nhất hội.