Ngày 27/12 vừa rồi, “Bình Ngô Đại Chiến” leo lên vị trí thứ 15 trong danh sách các nội dung đang thịnh hành của YouTube. Đây là điều ít ai ngờ được, kể cả với đội ngũ thực hiện. Ngày hôm sau, tôi ngồi xuống cùng hai anh Kỷ Thế Vinh và Đỗ Minh Nhật, đạo diễn và biên kịch của phim, trao đổi về quá trình làm phim, những phân đoạn đã bị cắt bỏ, những hạt sạn và những tiếc nuối.
QUYẾT ĐỊNH LÀM PHIM
PV: Ý định của nhóm khi chọn trận Tốt Động – Chúc Động để đưa lên phim?

Anh Kỷ Thế Vinh, đạo diễn "Bình Ngô Đại Chiến"
Vinh: Ban đầu, nhóm chưa có suy nghĩ gì rõ ràng. Chỉ có ấn tượng là bối cảnh của nghĩa quân khi đó hết sức khó khăn. Quân số thua thiệt, thiếu thốn cả lương thực và khí giới. Thấy giống với tình cảnh nhóm mình nên tìm hiểu thử.
Nhật: Chính sử chỉ chép trận Tốt Động – Chúc Động rất ít. Ai không biết mà đọc thì sẽ dễ có cảm tưởng đây là trận nhỏ. Nhưng thực ra khi đọc lại toàn bộ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thì mọi người sẽ hiểu rằng đây là một trận rất quan trọng. Cũng như trong bài mà em (Sử Talk) cũng có viết rồi đó.
PV: Anh nói là điều kiện nghĩa quân khi đó giống với điều kiện của nhóm. Giống như thế nào?
Vinh: Trước khi cả nhóm đưa ra quyết định làm “Bình Ngô Đại Chiến”, tinh thần của mọi người rất xấu. 5 tập “Lam Mộc Kỷ” chuẩn bị hơn 1 năm trời không thực hiện được. Nguồn lực ít dần. Cả nhóm thấy không ổn lắm rồi nên quyết gom hết mọi thứ còn lại, làm một sản phẩm tốt nhất, thời lượng dài nhất từ trước giờ.
(Cười). Nguồn lực không còn mà muốn làm phim hay thật hay. Không hiểu sao hồi xưa nghĩ vậy được.
Nhật: Thì đường cùng rồi. Anh em mình xuống xác luôn.
Hai anh Kỷ Thế Vinh, Đỗ Minh Nhật (từ trái qua phải)
XÂY DỰNG KỊCH BẢN
PV: Hai anh mất bao lâu để hoàn thành kịch bản?
Nhật: Dựng khung câu chuyện thì chỉ cần một ngày, bởi vì cả team biên kịch đã xây dựng “Lam Mộc Kỷ” trong suốt hơn 1 năm trời, lúc đó thì anh có sẵn đường dây rồi. Công đoạn tốn thời gian nhất thực ra lại là cắt bỏ tình tiết. Anh nhớ không nhầm thì phải hơn 1 tháng.
Kịch bản đã phải thay đổi tới 13 lần, để phù hợp với khả năng và thời gian sản xuất. Lần sửa nào cũng áp lực. Đến ngày thu âm vẫn phải sửa, thu âm xong vẫn phải sửa thêm
Vinh: Nói đơn giản, lấy số lượng nhân vật ra kể cho dễ hiểu. Kịch bản đầu tiên của anh Nhật có 10 nhân vật, sau cắt xuống 8, rồi 4, cuối cùng lại đôn lên 7.
PV: Mình có thể lấy 1 nhân vật đã bị cắt ra để làm ví dụ được không anh?
Vinh: Câu này chắc nhiều người sẽ quan tâm. Nhất là những ai thắc mắc tại sao không có Nguyễn Trãi và Lê Lợi lên phim. Kịch bản ban đầu có hai ông, nhưng đến khi cắt là cắt ngay hai ông ra.
Tôi trao đổi nội dung cùng hai anh trước khi phỏng vấn.
PV: Tại sao anh?
Vinh: Thứ nhất về bối cảnh, muốn Nguyễn Trãi lên phim phải lùi thời gian phim lại. Điện ảnh thì có nhiều thủ thuật để liên kết không thời gian. Nhưng tên tuổi ông quá lớn. Nguyễn Trãi và Lê Lợi là hai nhân vật lớn, muốn đưa hai ông lên phim thì phải có những tương tác quan trọng với những mọi tuyến nhân vật. Sẽ thay đổi mạch phim. Làm không khéo dễ hư phim. Đã đưa vào thì phải đưa cho đáng mới được.
Nhật: Thêm nữa, về mặt chính sử, thì Nguyễn Trãi, Lê Lợi khi đó đang ở Thanh Hóa. Muốn đưa lên cũng khó. Tên tuổi hai ông quá lớn. Mình đưa lên phim mà thì phải có vị trí xứng tầm cho hai ông. Nếu không làm được việc này thì thà không đưa lên cho rồi.
Anh Nhật đang giải thích về nhân vật Tiểu Nguyệt.
Vinh: Phim dã sử, mình đưa nhân vật lịch sử vào, sai thời điểm là một, không có tác dụng nữa, thì giống như kê tượng thần lên thờ nhưng không thắp nhang. Đình nhỏ quá không chứa ông thần to được. Phải liệu cơm gắp mắm.
XỬ LÝ SỬ LIỆU
PV: Trận Tốt Động – Chúc Động được ghi lại trong chính sử rất ít. Anh Nhật đã xử lý thế nào?
Nhật: Trận này được ghi chép sơ sài nên việc xử lý sử liệu gặp nhiều vấn đề. Nhưng mặt khác, đây cũng là cơ hội của mình. Chỗ không được ghi chép chi tiết là không gian phù hợp để mình phóng tác. Như chuyện Đinh Lễ bắt được kế hoạch của quân Minh, anh xây dựng lên thành có gián điệp đưa tin.
Trong kịch bản ban đầu, anh xây dựng Tiểu Nguyệt là điệp viên 2 mang, có hệ thống câu chuyện quá khứ, lý giải tại sao cô ấy theo quân Minh. Sau đến hồi duyệt lại kịch bản thì anh cắt đoạn này đi.
PV: Anh Vinh, vậy là mình cắt đi bối cảnh của nhân vật chính?
Vinh: Thật ra là không thể đưa Tiểu Nguyệt làm nhân vật chính. Vì đó vẫn là một nhân vật hư cấu. Việc đeo đuổi phân đoạn quá khứ của Tiểu Nguyệt là cần thiết, trong một điều kiện lý tưởng, tụi mình có thể làm được.
PV: Thường thì không bao giờ có điều kiện lý tưởng.
Vinh: Kể cả những hãng phim lớn như Disney cũng không có. Phim bạn xem ngoài rạp là phiên bản chỉnh sửa, cắt gọt rất nhiều để phù hợp với nguồn lực sẵn có.
PV: Trước khi đến với ý tưởng có một điệp viên hai mang, hai anh có nghĩ đến một ý tưởng nào khác không?
Nhật: (cười) Cũng có lần anh có ý tưởng để một vị tướng càn quét cả chiến trường, đẩy lùi cả đội hình địch. Giống như một siêu anh hùng vậy đó. Định cho Lý Triện đảm nhận. Nhưng thấy làm vậy phi thực tế quá nên bỏ.
Vinh: Với thực ra, đội quân Lam Sơn đã nhỏ rồi, đối diện với một kẻ thù lớn gấp mười, thì yếu tố thực tế nhất là phải đoàn kết. Anh em cùng chung vai chiến đấu. Vậy nó đời hơn.
Nhật: Anh muốn nói thêm về Tiểu Nguyệt. Lúc xây dựng nhân vật, anh nghĩ, tại sao phải đẩy thêm mấy ông tướng lên nữa, trong khi mấy ông đã nổi rồi. Anh muốn đưa 1 nhân vật nữ vô trận chiến và có mối liên hệ xuyên suốt với mạch truyện.
Phim này sẽ hơi khác với các phim dã sử, chiến tranh thường thấy, là sẽ có 1 ông đại tướng kiểu chiến thần một mình làm hết mọi thứ. Trong khi anh nghĩ các ông muốn thành công cũng phải dựa vào những con người vô danh, bé nhỏ khác. Chính vì vậy, nhóm mình cũng đã tạo ra những nhân vật bình thường và vô danh đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng chung của trận này. Coi như cũng là một nỗ lực để tri ân những anh hùng đã hy sinh nhưng đất nước chưa kịp ghi tên.
Vinh: Trong phim có một đội trưởng bị tên bắn chết, miệng hô “Đại Việt trường tồn”. Nhân vật đó cũng là hư cấu, nhưng sự hy sinh của những nghĩa sĩ vô danh là có thật. Sử sách khó lòng có thể ghi lại những hình tượng như vậy. Nhưng sao ta biết tinh thần hy sinh đó vẫn là có thật. Anh nghĩ là nhiều người đã chiến đấu đầy dũng cảm nhưng không được sử sách ghi lại.
Vì vậy, trong khả năng, anh muốn đưa những con người vô danh đó lên, để xin lại cho họ một điều gì đó. Anh không muốn họ bị lãng quên.

Anh Vinh nói về những hạn chế của phim.
NHỮNG ĐIỀU TIẾC NUỐI
PV: Anh Nhật khi thấy kịch bản bị cắt nhiều có khó chịu không?
Nhật: Anh khó chịu. Ai trong nghề, xem phim này sẽ thấy khó chịu. Cắt nhiều chỗ nên sạn nhiều chỗ.
PV: Vậy trong lúc cắt, có phân đoạn nào làm anh tiếc nuối không?
Nhật: Đó là đoạn tâm lý nhân vật Tiểu Nguyệt chuyển hóa, từ theo nhà Minh, sang theo Lam Sơn.
Vinh: Ban đầu Tiểu Nguyệt vẫn tin việc theo nhà Minh là đúng. Phim cần một sự kiện để nhân vật xoay chiều.
Có một bạn làm reaction đã phát hiện ra chỗ này. Khi Lý Triện trúng phục kích trong trận Cổ Sở, bị bắn trọng thương, Tiểu Nguyệt đã hét lên: “Anh Triện”. Bạn này nói: “Bà này diễn ghê thiệt”.
Nhật: Trong kịch bản ban đầu, Tiểu Nguyệt khi đó đang bị quân Lý Lượng bao vây. Đáng lẽ hai người này cùng phe, phải bảo vệ nhau, nhưng Lý Lượng có thù riêng nên muốn hại Tiểu Nguyệt. Lý Triện là người liều mạng đến cứu nên mới bị bắn trúng.
Vinh: Anh Nhật thiết kế đoạn đó như giọt nước tràn ly, hợp lý hóa chuyện Tiểu Nguyệt toàn tâm hy sinh cho Lam Sơn. Tiếc cái là nhóm không đủ lực để thể hiện cảnh đó. Với sợ không đủ thời gian nữa. Trong lúc làm phim, có lúc anh bị bệnh nằm liệt giường, không dậy được đến cả tuần liền, khó theo tiến độ làm việc của cả team và các đối tác.
Nhật: Vậy là có sạn rồi đó. Mình cắt như vậy, khán giả xem sẽ thấy cấn liền. Mạch truyện có vấn đề mà. Mọi người thương nhóm nên bỏ qua những lỗi nhỏ đó thôi.
Anh Vinh đang giải thích về hạt sạn trong phim.
HẠT SẠN TO NHẤT
PV: Vậy hạt sạn to nhất ở đây là gì?
Vinh: Là việc cắt mấy phân đoạn có Thái Phúc. Ban đầu, anh định dựng lên một câu chuyện về hai tầng gián điệp bao che cho nhau. Nhân vật Thái Phúc đóng vai trò quan trọng hơn Tiểu Nguyệt.
Mình cắt nhiều quá, nhân vật xuất hiện đã ít, lại kẹt trong khung hình có nhiều nhân vật lớn. Phải kể đến việc giọng chú Thành Lộc (lồng tiếng nhân vật Lý Lượng) quá áp đảo. Khán giả nghe xong vẫn còn chú ý, chưa dứt ra được. Tụi mình không ngờ rằng khán giả sẽ chú ý đến Lý Lượng như vậy.
PV: Anh Nhật nghĩ gì về phân đoạt bị cắt?
Nhật: Tụi mình cắt phân đoạn Tiểu Nguyệt bước vào nhà lao thì gặp Thái Phúc bên ngoài. Ở đây nhóm muốn “vẽ” nên tính cách, mục tiêu, kế hoạch và lý tưởng của nhân vật Thái Phúc. Về sau thấy không thực hiện được mới bỏ. Sự tham gia của Thái Phúc vào mạch truyện cũng được cân nhắc rất nhiều, nhưng cuối cùng thì như các bạn đã xem. Phim đang thiếu nhiều không gian để khán giả có thể hiểu hơn về nhân vật quan trọng này.
PV: Thì đó là phán đoán và giả thuyết của mình. Rồi cả nhóm phóng tác từ đó. Chứ làm sao mình rõ chân tướng lịch sử được.
Vinh: Chữ “Hợi” với chữ “Thỉ” là vậy đó.
CHỮ “HỢI” VÀ CHỮ “THỈ”
PV: Tôi có xem đoạn đó nhưng chưa hiểu dụng ý?
Nhật: Câu đó anh trích của Ngô Sĩ Liên khi dâng biểu hoàn thành Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Hai chữ đó đều dùng để chỉ con heo nhưng khác cách đọc và cách viết.
Hợi: 亥 thuộc 12 con giáp. chỉ con heo.
Thỉ: 豨 còn đọc là hi, cũng chỉ con heo. 
(Ghi chú của PV)
Vinh: Anh hiểu dụng ý của Ngô Sĩ Liên theo hướng này. Việc nghiên cứu lịch sử của một thời đại bị hủy diệt văn hóa là rất khó. Vì mọi tài liệu đã cháy ra tro hết. Người đời sau muốn phục dựng lại thì khó tránh chuyện thị phi do nhầm lẫn, thiếu sót.
PV: Có phân đoạn Tiểu Nguyệt nói “Quân Minh không phải ai cũng xấu”. Sau “Nguyễn Xí” trong phim cũng thừa nhận “Quân Minh không phải chỉ toàn là giặc”. Anh có ý gì khi nhấn mạnh câu này?
Nhật: Đó là câu ông lặp lại của Tiểu Nguyệt. Chúng ta làm phim không phải để kích động thù hận hay cổ xúy bạo lực. Dù là người nước nào thì cũng có người tốt kẻ xấu, anh không muốn tạo ra cảm giác quơ đũa cảm nắm rằng cứ quân giặc là xấu hết.
PV: Giờ nhìn lại tòan bộ quá trình làm phim, hai anh có thấy mình liều không?
Nhật: Liều!
Vinh: Cũng như quân Lam Sơn trong trận này thôi. Quyết tử! Mình cố gắng hết sức thôi. Khán giả sẽ cảm nhận được. Với bản thân câu chuyện lịch sử đã hay rồi. 6000 con người đánh thắng 100,000 tên giặc trong thế bị bao vây vì mục tiêu giành quốc hiệu Đại Việt lại cho người Việt. Nghe đến đây là thấy hấp dẫn rồi.
Cảm ơn hai anh.


Nội dung: Nam Du (ghi)
Hình ảnh: Hạ Vi, Thành Huy.