Thế là đã 10 năm sống cuộc đời người khác
Chủ yếu là chia sẻ với bản thân về những gì diễn ra trong thập kỉ vừa rồi. Tết đến, mọi người bắt đầu tổng kết những gì...
Chủ yếu là chia sẻ với bản thân về những gì diễn ra trong thập kỉ vừa rồi.
Tết đến, mọi người bắt đầu tổng kết những gì họ gặt hái qua các năm. Một cách tự động, não mình bắt đầu lo lắng - chết rồi họ làm được nhiều thế nhỉ, mình đã làm được gì? Sau đó nó chỉ trích - mày còn chưa có nổi tấm bằng cử nhân, điểm thì thấp, tính tình nhút nhát, động một tí đã sợ. Cuối cùng nó cuống lên - phải cố nghĩ ra gì đó mày đã làm, đăng lên cho người ta đỡ khinh mình kém.
Khác với những năm trước, bây giờ, não mình thêm một bước mới, nó ôm ấp - Mày biết không, những ý nghĩ vừa rồi đều sai cả. Mày không phải những thứ vật chất hay thành tích phù phiếm, mày càng không phải những ý nghĩ và cảm xúc đó luôn, cuối cùng chúng ta đã hiểu.
* * *
Lần đầu tiên mình nhận thấy bản thân xấu xí có lẽ là cuối lớp 4. Lúc đó bắt đầu bị mụn trứng cá. Ai cũng nghĩ nó chỉ là giai đoạn vặt vãnh mấy năm sẽ hết, nhưng cuối cùng nó ngày càng tệ, kéo dài hơn 10 năm tới bây giờ. Giờ da mình đã ổn tuy vẫn hơi tối một chút. Nó để lại nhiều vết thương ngoài da, nhưng còn một thứ tệ hơn - là vết thương lòng.
Ngày đấy, trẻ con hàng xóm gọi mình là "chị mặt bánh pizza", "chị đầy nốt". Bạn cùng bàn thi thoảng lại quay sang chỉ thẳng mặt mình đếm 1, 2, 3,...100, 101, 102... (giờ nó sắp lấy vợ rồi, chúc trăm năm hạnh phúc nhé bạn tôi). Bạn khác thì gọi mình là "mặt trăng"... Bà con cô bác hay người lạ gặp mình nhìn chòng chọc, ái ngại, "mặt cháu bị sao thế", "mẹ không cho chữa à". Ái chà, self-esteem cứ gọi là tan nát.
Mình vốn đã bị coi là nhút nhát, lại thêm những chiếc mồm đại bác chĩa vào hàng ngày (thực sự là hàng ngày), nên mình đau khổ cùng cực lắm. Tất nhiên đi chữa mãi rồi, nhưng có những case đơn giản là khó chữa. Lúc đấy, mình ghét mặt mình đến nỗi không dám biểu cảm gì nữa vì nghĩ càng biểu cảm càng xấu. Nhưng trẻ con vốn ghét những thứ trái tự nhiên =)) Các bạn thân thấy mặt mình poker face thì khó chịu lắm, gọi mình là "con nhơn nhơn" =)) Mỗi biệt danh là một nỗi đau khổ chồng chéo.
* * *
Và như bao đứa trẻ Việt Nam khác, mình cũng bị so sánh với bạn bè và anh chị em họ hàng, bị chửi xa xả vì không được điểm cao ở những môn mình không thích, được khuyên luôn nghĩ đến cảm nhận của "người ngoài" trước - phải nhìn trước ngó sau còn bản thân thì kệ. Thôi thì, phụ huynh làm vậy cũng vì họ quá trẻ và cuộc sống thì quá vất vả.
Nhưng sự thật thì mình vẫn là đứa trẻ thèm khát được công nhận, luôn tin mình vừa xấu vừa dốt vừa hư hỏng, quê mùa, vô duyên, rằng ai học giỏi hơn mình thì mới xứng đáng hạnh phúc, rằng mình phải cố mà năng động như chị C con bác A, đạt thành tích như chị L con bác P. Mình chưa bao giờ có ý nghĩ "chỉ là mình đã đủ".
* * *
Nếu được vào trường Chuyên, mình sẽ sướng.
Nếu viết xong quyển truyện này, mình sẽ sướng.
Nếu đỗ trường ĐH ngon, mình sẽ sướng.
Nếu được gặp Greyson Chance, mình sẽ sướng cả đời mất!
Nếu chăm đi biểu diễn sân khấu, phòng trà, người ta sẽ nghĩ mình có tài nghệ thuật.
Nếu thi debate được giải cao, người ta sẽ nghĩ mình thông minh.
Nếu làm admin fanpage này, người ta sẽ nghĩ mình biết học lại còn biết chơi.
Nếu làm chủ nhiệm dự án sách này, người ta sẽ nghĩ mình trưởng thành.
Nếu được vào BTC chương trình kia, người ta sẽ nghĩ mình năng động.
Nếu được đi du học, người ta sẽ nghĩ mình giỏi toàn diện.
Nếu mặc đồ đen, chụp ảnh mặt lườm lườm, người ta sẽ nghĩ mình rất ngầu.
Nếu viết bài FB được nghìn like, người ta sẽ nghĩ mình hot.
Nếu được mua cho cái này cái kia, nếu nhà mình có cái này cái kia, mình sẽ sướng.
Nếu có người yêu, mình sẽ sướng.
Và đó là tất cả những "thành tích" mình có trong thập kỉ vừa qua. Tất cả những điều mình tưởng sẽ mang lại hạnh phúc viên mãn suốt đời hoá ra chỉ được 1 năm là cùng. Sau đó là những ngày "trả giá": đau lưng kinh niên, đau toàn thân, sụt cân, da dẻ xấu xí, mệt mỏi, tốn tiền tốn sức tốn thời gian, rối loạn lo âu mức độ moderate...
* * *
Một nghiên cứu đã chỉ ra: sau 1 năm, mức độ hạnh phúc của người bị tai nạn và người trúng số độc đắc trở về bằng nhau.
Cả hai đều có một đặc điểm chung, ấy là hướng về bên ngoài. Tai nạn ở thân thể vật lý, tiền trúng số cũng là yếu tố bên ngoài. Hoá ra, phải lắng nghe cảm nhận bên trong mới là con đường dẫn đến hạnh phúc bền lâu.
Những niềm vui bền vững nhất, thì ra, là thành tích với chính bản thân mình: Ngày mình đi học thiền và nhận ra chỉ cần "be myself" là đủ; ngày mình bắt đầu biết chăm sóc tâm hồn; ngày mình nhận diện được những niềm tin độc hại và buông bỏ chúng; ngày mình dũng cảm tuyên bố tốt nghiệp xong sẽ từ bỏ ngành đang học; ngày mình bắt đầu tâm sự được với bố mẹ mà bớt ngại ngùng rụt rè; ngày mình tin vào bản thân hơn và tự dưng nói tiếng Anh rõ trôi chảy...
Những thành tích ấy không bằng khen, không tổ chức nào đo đếm được, nhưng lại "cho" mình tất cả những gì mình luôn "thèm khát". Ồ hoá ra mình vẫn luôn xinh đẹp, thông minh và tò mò với thế giới. Tất cả đã ở bên trong rồi, chỉ là lâu nay mình cứ cố lấy thứ bên ngoài mà chắp vá. Ồ, hoá ra chúng ta không cần phải nhọc công tìm hạnh phúc, vì chúng ta chính là hạnh phúc.
Đến đây, có lẽ vài người sẽ cho rằng phải khá giả rồi mới "coi thường" được vật chất, cũng có ý đúng, bởi nếu đang thiếu thốn hay ít điều kiện thì thật khó để tưởng tượng ra tại sao vật chất vẫn có thể gây phiền não. Mặt khác, nhiều tiền, nhất là tiền không phải mình kiếm ra, cũng làm chậm quá trình tìm hiểu bản thân. Bởi ít nhiều người ta vẫn cần nghịch cảnh để trưởng thành, mà các bạn lắm tiền thì toàn đập tiền vào nghịch cảnh =)) Thế là đánh mất cơ hội học hỏi đó =))
Chặng đường còn dài, nhận thức được vấn đề mới chỉ là bước đầu thôi, nhưng mình tin con đường này là đúng. Và mình mong chúng ta đều sẽ nhận thấy con đường.
Chào thập kỉ mới. Chào những ngày tôi quay lại với chính mình, tôi đã rất nhớ bản thân đấy!
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất