Người ta đùa rằng nếu một cô gái không đẹp, hãy khen cô ấy dễ thương, nếu cô ấy không đẹp cũng không dễ thương, hãy khen cô ấy thật đặc biệt. Hồi mình còn trẻ cũng vô tình áp dụng cách này, khác ở chỗ mình không mấy khi nhận định ai đó là “đặc biệt”. Dù rằng mỗi người đều có điểm đặc biệt riêng, mỗi người đều khác nhau mà, nhưng với mình thì một cô gái đặc biệt không nhất thiết phải khác biệt quá nhiều với tất cả các cô gái khác, mà đặc biệt là khi cô ấy chủ động thể hiện một số đặc tính nào đó, hoặc tự mình hình thành nên một phần tính cách một cách chủ động. Đó là một dạng khí chất có tính chủ động, được hình thành bởi sự kiểm soát cá nhân. Những cô gái như vậy thật đặc biệt.
Khí chất là tập hợp những điều người khác có thể cảm nhận về một người, có thể phát ra từ ngoại hình, tính cách, cử chỉ, lời nói, dáng điệu… Như vậy ai ai cũng đều có khí chất cả, chỉ là bình thường thì những đặc điểm của khí chất biểu hiện quá nhạt nhòa, không có gì khác biệt với người khác quá nhiều, nên chỉ những người nào có khí chất thật sự đặc biệt mới được nhận định là “có khí chất”.
Khí chất tất nhiên có ở cả nam và nữ. Ở người nam thì là thành thật, hiền lành, nóng nảy, dũng mãnh, âm hiểm, cam đảm, hèn nhát… Đẹp trai cũng là một loại khí chất. Nhưng nếu chỉ đẹp một cách chung chung như búp bê thì không gọi là khí chất, có người đẹp một cách nhẹ nhàng như làn gió xuân, có người dịu êm như đồng cỏ mùa thu, có người đẹp buồn như cơn mưa mùa hạ, có người lạnh lùng như băng tuyết mùa đông, có người lịch lãm đúng với từ quý ông, có người cuồng dã như một chiến sĩ sẵn sàng xung trận.. những nét đẹp có tính riêng biệt cao như vậy mới gọi là khí chất.
Ở người nữ cũng có những nét tương tự như vậy về ngoại hình. Nhưng khí chất không chỉ ở ngoại hình mà còn có những đặc tính bên trong như tính tình, cử chỉ, lời nói, cách ứng xử… những điều này không phải là tiếp xúc mới lộ ra, nếu một người rèn luyện cho họ một thứ gì đó thật sự riêng, như là sự bao dung, dịu dàng đến một mức đủ cao, thì không cần thể hiện chi cả, chỉ cần sự hiện diện của họ cũng đủ thể hiện cho hai từ “dịu dàng” rồi. Khi mình khen một người “đặc biệt”, đó không phải vì lấy lòng họ mà không biết nói gì, mà là mình thấy ở họ một điểm nào đó nổi trội hơn người khác, một sự khác biệt, một loại khí chất.
Có người thì đặc biệt bởi giọng nói, nụ cười. Tương truyền thời nhà Chu có mỹ nhân Bao Tự là một người đẹp mang nét u buồn, mà nàng cũng thật là u buồn, chẳng bao giờ nở nụ cười. Nhà vua tìm rất nhiều cách khiến cho nàng nở nụ cười nhưng rất khó, một cách hiệu quả trong đó là âm thanh xé lụa. Mỹ nhân này lại thấy vui khi nghe tiếng người khác xé tấm lụa, và đôi lúc nở nụ cười. Nhà vua thấy vậy thích lắm, nên mua thật nhiều lụa về xé để thấy được nụ cười hấp dẫn kia. Đúng là “nhất tiếu thiên kim” vậy. Nụ cười của Bao Tự cũng được ví von là “nụ cười xé lụa”.
Đa phần khí chất của một người được bồi dưỡng dựa trên những thế mạnh sẵn có, người nào tính vốn dịu dàng thì phát triển càng thêm dịu dàng, người nào cương mãnh hoạt bát thì càng bay nhảy. Tuy nhiên cũng có một số loại khí chất thuần túy do rèn luyện mà ra. Ví như có người vốn hấp tấp, vội vã, ồn ào, bổ bã, nhưng gặp phải một vài thất bại hay biến cố nào đó, hoặc được cao nhân chỉ dạy, dần dần rèn luyện chính mình điềm đạm, trầm tĩnh, như trở thành con người khác, lúc đó khí chất phát ra là sự trầm tĩnh, đáng tin cậy.
Lại có người xinh đẹp như tiên, nhưng trong đầu nhiều toan tính, nên khí chất tỏa ra khiến người say mê nhưng đề phòng, thậm chí có phần khinh thị. Có người vẻ ngoài nhu nhược đáng thương, nhưng bên trong mạnh mẽ, tự tin cũng tỏa ra khí chất khiến người khác nể nang, kiêng kỵ.

Như trên đã nói, là người ai cũng có khí chất, nhưng thiên sinh khác nhau nên có người thật nổi bật, có người thật bình thường. Nếu biết quan sát và nhận ra chính mình có những đặc điểm nào, mình muốn mình là người như thế nào, tập trung phát triển những đặc tính mình thích trở thành một thứ thật mạnh mẽ đến mức có thể phát ra ngoài, thì người đó trở thành “người có khí chất”.
Đó cũng là một ứng nghiệm của cách nói “người khác sẽ nhìn bạn như cách bạn nhìn nhận chính mình”. Bạn nghĩ bạn đáng thương, người khác cũng sẽ thấy bạn đáng thương, hoặc đáng tội nghiệp, hoặc dễ bị ăn hiếp.. Muốn mình như thế nào trong mắt người khác, chính mình phải tin tưởng điều đó trước. Muốn hình ảnh của mình ra sao, chính mình phải chủ động phát triển, bồi dưỡng những đặc tính đó cả bên ngoài và bên trong mới được.
Bồi dưỡng khí chất của bản thân đến mức có thể trở nên nổi bật, để người khác nhìn nhận là “người có khí chất” là một chuyện, còn cần phải chú ý và luyện tập đến mức thu phát tự nhiên để tránh phiền phức trong những hoàn cảnh không thích hợp. Ví như người cương mãnh thì được môi trường quân đội ưa thích, nhưng lại khó khăn trong chốn quan trường. Hay những người có khí chất quyến rũ người khác, nếu lúc nào cũng tỏa ra khắp mọi nơi thì thật phiền phức, chỉ quyến rũ đúng người, đúng chỗ sẽ hay hơn. Người thẳng thắn thành thật cũng dễ mất lòng người khác.
Bạn muốn người khác nhìn nhận bạn là người như thế nào? Điểm mạnh nhất có thể gọi là “khí chất” của bạn là gì? Nếu phát triển một đặc tính nào đó thành khí chất, thì đó sẽ là gì?
Hôm nay đúng ra mình sẽ nói một chút về quyển “Khí chất bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu” của tác giả Vãn Tình, nhưng loanh quanh một chút hết 1000 chữ rồi, khi nào có dịp lại bàn tiếp vậy.
29.01.2020