Phở - bún - văn - thơ & Kho sách vỡ tủ
Và nếu nói rằng ta nhìn thấu một bát phở, thì cách nói ngược lại cũng đúng, là trong khoảnh khắc ấy, bát phở nhìn thấu ta.
Pho&bun
Bún bò, nhất là Bún bò Huế - một đỉnh cao ẩm thực - ăn rất ngon nếu ta đi cùng với người khác ngồi đối diện. Ngược lại, phở bò Hà Nội - một đỉnh cao tương tự - ăn ngon hơn nếu ta chỉ có ăn một mình, với sự lặng lẽ đủng đỉnh của thế giới riêng ta. Ấy là bởi vì Bún bò Huế thực sự hấp dẫn khi nhìn sang bát người đối diện, những trình hiện của các loại chân, giò, nạc, tiết... hiện ra toàn vẹn trên sân khấu nếu nhìn từ một khoảng cách đủ xài. Cảm giác đó không có khi nhìn xuống bát của mình.
Phở thì khác, không bao giờ thấy bát phở từ xa mà ngon cả.
Phở hiện lên đầy đủ với toàn tính của nó nếu nhìn từ trên xuống: phở dành cho những cái nhìn nhìn thấu suốt được sự đơn giản tinh khiết của nó, qua làn nước trong, cọng rau mảnh và muôn vàn thứ nguyên liệu vô hình. Và nếu nói rằng ta nhìn thấu một bát phở, thì cách nói ngược lại cũng đúng, là trong khoảnh khắc ấy, bát phở nhìn thấu ta. Còn bún bò Huế với nước dùng chuyển màu, vừa phồn thực vừa bí ẩn, là thế giới bên ngoài rực rỡ, tàn bạo và diệu kỳ.
Phở dành cho những hiện diện cô đơn, lặng lẽ của tinh thần, không bao giờ có sự cộng hưởng niềm vui nếu ăn phở tập thể giống như các món khác. Phở - biểu tượng của hiện sinh đơn độc và tế nhị - đã tìm thấy môi trường thích hợp là Hà Nội. Rất đúng khi so sánh phở với những giang hồ vặt (chán cơm thèm phở), vì phở là thoát khỏi thiết chế gia đình. Quảng cáo phở ăn liền mà "ngon như nhà làm" là sai rồi. Còn Bún bò Huế? Nó là một thứ Động Tiên, khơi dậy lòng ham sống và hoan lạc.
Ở cách nhìn khác, Phở chính là thơ, còn bún bò là tiểu thuyết.
Thơ luôn luôn trực diện và không cần cự ly, vì nó là ngôn ngữ đầu tiên (nếu hiểu Thơ là cách thể hiện hoa mỹ của ngôn ngữ hằng ngày thì rất nên cân nhắc ý này: ngôn ngữ đến từ thơ chứ thơ không đến từ ngôn ngữ). Nhưng tiểu thuyết thì phải đi đường vòng mà đường vòng mới là cái cần tìm. Tiểu thuyết hay khi nó có không gian, có độ rộng, ngoài việc nói cái nó cần nói, thì có thể nói những điều khác xung quanh.
Trường hợp tương tự là rượu và bia. Bia chỉ hiện ra với cảm giác nhiều, tràn trề và đầy đặn, ngồi trên ghế cao, chạm cốc bia thì theo hướng dâng lên. Rượu thì nhỏ bé, trong suốt và cô đơn, có được toàn vẹn cảm giác khi ngồi trên những bàn tròn ghế thấp mà nhìn xuống thấy cả bóng mình và chân mình. Phở bò và Bia hơi cùng một hộ khẩu với nhau nhưng lại không mấy khi đi với nhau, nếu một người bắt đầu buổi sáng bằng phở bò mà kết thúc buổi sáng bằng rượu, nghe sẽ hợp lý hơn. Nhưng bún bò rất hay tìm đến bia. Gió tầng nào gặp cân đẩu vân tầng nấy.
(Nói đến đây, thật tiếc khi từng có một người bạn tốt bụng và vô cùng tài hoa, đến tận nhà gửi cho tôi một quyển sách và hỏi chỗ ăn uống, tôi lại chỉ ngay y ra một quán bún bò, mà lại xách mông về không đi cùng. Đấy là một sai lầm, ít nhất là về ẩm thực, sau mới đến tình và lý)
MỘT KHO SÁCH
Mình mới tìm thấy một kho sách, nguyên xi, của một thương hiệu xuất bản, với những thứ vô cùng bất ngờ, đã nằm yên tĩnh trong kho bấy lâu nay. Người ta ít mua nó vì nó không theo trends, dần dần nó bị lãng quên trên thị trường sách ngập mặt như hiện nay. Hoá ra ở Hà Nội cũng có Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên, chứ không riêng gì Barcelona xứ Catalan. Tôi khuân về ngay (và sẽ tiếp tục làm series vỡ tủ, xem có những gì).
Luôn luôn có những người trên thế giới này đang muốn và đang cố gắng tìm cách trò chuyện với bạn, mà bạn không nghe thấy. Hai trong số đó thì một là những người làm sách chúng tôi, nhất là những người xuất bản sách văn học cổ điển. Nhân vật thứ hai chính là các nhân vật trong sách, đến từ các thế kỷ trước, mặc dù trông có vẻ không tiến bộ hơn thời nay, nhưng họ chưa bao giờ là sản phẩm. Còn con người thời nay thì đều đã trở thành sản phẩm.
Giới thiệu một chút:
Christmas Stories - Một tập truyện của Charles Dickens, gồm cả Bài ca giáng sinh, nhưng sau đó còn mấy truyện vừa nữa, đều là kiệt tác: Tháp chuông, Trận chiến cuộc đời, Chú dề bên lò sưởi...
Tôi thích rất nhiều nhà văn nhưng không có thần tượng ai. Nhưng nếu để cố gắng nói về một thần tượng văn chương, thì đó là nhà văn này. Charles Dickens vừa có năng lực kể chuyện phi thường, nhưng lại vừa có văn chương rất rộng. Độ rộng của văn chương - cho minh bạch - theo tôi nằm ở chỗ tác phẩm không cố gắng chỉ đi kể câu chuyện, mà còn phải kéo độc giả ra một khoảng cách, để nhìn thấy một bối cảnh lớn hơn, và qua đó nhìn thấy mình.
Trên là một đoạn ở phần dẫn nhập vào truyện (tức là chưa đi vào câu chuyện), có một đứa trẻ hơn mười tuổi tham gia (thậm chí đầu trò) một vụ thảm sát. Người Pháp khi làm chiến tranh rất hay thảm sát. Ở gần nhà tôi vẫn còn bia căm thù của một làng bị giết sạch nam nữ, già trẻ
Ben Hur - cũng được dịch đầy đủ so với bản “Ben Hua” hồi nhỏ từng đọc. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Judah Ben-Hur, một quý tộc người Do Thái bị phản bội bởi người bạn thân thời thơ ấu, Messala, và phải trải qua nhiều gian nan, từ mất đi gia đình, tự do đến cuộc sống lưu đày.
Dorothy và Xứ sở diệu kỳ: Nguyên bản của Phù Thuỷ Xứ Oz, nhưng rất tiếc bìa cuốn sách không thông báo điều đó.
Nhà sách này là PMB
Tôi không biết những chuyện gì đã xảy ra, và thời nay người ta đọc cái gì.
Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất