Ảnh bởi 1980 Books
Ảnh bởi 1980 Books

I. Đôi dòng dẫn nhập về lịch sử Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Trong một thời đại khủng hoảng căn tính, hỗn loạn thông tin khiến con người rệu rã, Chủ Nghĩa Khắc Kỷ nổi bật lên như một lối sống ý nghĩa, đóng vai trò là một kim chỉ nam hướng nội tâm con người tới sự bình yên. Nói tới sự hình thành và phát triển của trường phái triết học cổ xưa này, chúng ta có thể tóm tắt ngắn gọn thành 3 mốc thời gian chính:
- Mốc 1: Khởi nguồn
Bắt đầu từ những tác phẩm và lời dạy của ba nhà triết học đầu tiên thuộc trường phái Khắc Kỷ gồm Zeno xứ Citium (335 - 263 TCN), Cleanthes (331 - 232 TCN) và Chrysippus (khoảng 280 - 207 TCN), Khắc Kỷ đã trở thành trào lưu triết học quan trọng của thế giới Hy Lạp - La Mã.
- Mốc 2: Sửa đổi những nét đặc trưng
Các triết gia Khắc Kỷ Hy Lạp là Panaetius (khoảng 185 - 109 TCN) và Posidonius (khoảng 135 - 51 TCN) sửa đổi một số nét đặc trưng của Chủ nghĩa Khắc Kỷ.
- Mốc 3: Nối tiếp và phát triển.
Các nhà Khắc Kỷ La Mã như Seneca, Epictetus (khoảng giữa thế kỷ thứ nhất đến đầu thế kỷ thứ hai), Musonius Rufus (khoảng 30 - khoảng 102 TCN), và hoàng đế Marcus Aurelius (121 - 180) đã sáng tác các tác phẩm về chủ đề triết học Khắc Kỷ của riêng mình, mang lại nhiều giá trị to lớn cho lịch sử của thuyết Khắc Kỷ.
Đến nay sau hơn 2000 năm, với bối cảnh xã hội hiện đại liên tục chuyển mình, trường phái triết học Khắc Kỷ cổ xưa với tôn chỉ đem tới sự bình thản trong tâm hồn lại dần trở nên nổi bật khi mang tới những bài học quý giá, các quan điểm triết học hữu ích, giúp con người cải thiện nội tại của bản thân.

II. Cảm nhận cuốn “The Daily Stoic - 366 Chiêm nghiệm về trí tuệ và lòng can trường cùng nghệ thuật sống”

Ảnh bởi 1980 Books
Ảnh bởi 1980 Books

1. Thông tin ngắn về tác giả

- Ryan Holiday là một tác giả người Mỹ, khởi đầu sự nghiệp viết lách của mình với các tác phẩm về chủ đề truyền thông và báo chí. Khi còn là sinh viên đại học, anh được truyền cảm hứng về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ từ triết gia Hy Lạp nổi tiếng Epictetus và kể từ đó, anh luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt với trường phái triết học này. Hiện tại, anh là người dẫn chương trình của podcast "The Daily Stoic" đồng thời là chủ kênh Youtube nổi tiếng "Daily Stoic" với hơn 727 nghìn lượt đăng ký.
Một số tác phẩm của Ryan Holiday đã được xuất bản ở Việt Nam gồm:
+ “Vượt Qua Bản Ngã - Chiến Thắng Kẻ Thù Lớn Nhất Của Bạn”
+ “Tâm Tĩnh Lặng Bước Chậm Lại Để Thành Công”
+ “Khắc Kỷ - Từ Zeno Đến Marcus Aurelius”
+ “Sợ Hãi Là Bản Năng - Quyết Đoán Là Bản Lĩnh - Can Đảm Là Tôi Luyện”
- Stephen Hanselman là một tác giả sách có thâm niên làm việc lâu năm trong ngành xuất bản. Với “The Daily Stoic”, ông chịu trách nhiệm dịch thuật các trích dẫn từ các tác phẩm nổi tiếng của ba trụ cột trường phái triết học Khắc Kỷ gồm Marcus Aurelius, Seneca và Epictetus.

2. Về cuốn sách

Mình chọn “The Daily Stoic” của Ryan Holiday và Stephen Hanselman qua số điểm rất cao trên Goodreads - 4.32/5 với hơn 27000 lượt đánh giá. Tại Việt Nam, cuốn sách có tựa đề “The Daily Stoic - 366 Chiêm nghiệm về trí tuệ và lòng can trường cùng nghệ thuật sống” phát hành bởi 1980 Books, dịch bởi Anh Tuấn. Cuốn sách nhìn chung mang tới cho độc giả những trải nghiệm thú vị và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống.
- Trải nghiệm đọc:
Triết học cần đi kèm với thực hành và với Chủ Nghĩa Khắc Kỷ, điều này cũng không ngoại lệ. Cuốn sách của tác giả Ryan Holiday và Stephen Hanselman đề cao việc thực hành Khắc Kỷ bằng cách trình bày nội dung dưới hình thức 366 chiêm nghiệm tương ứng với 366 ngày trong 1 năm (tính cả năm nhuận). Thậm chí độc giả chỉ cần mở bất cứ một trang sách nào mỗi ngày như một cách nhắc nhở, nghiền ngẫm, suy nghĩ cũng như thực hành tâm trí về một vấn đề trong cuộc sống. Tổng thể của những chiêm nghiệm này tóm gọn bằng 3 ý tưởng chính gồm “Kỷ luật nhận thức”, “Kỷ luật hành động” và “Kỷ luật ý chí”. Khác với các tác phẩm cổ xưa của những triết gia Khắc Kỷ như Epictetus hay Marcus Aurelius, “The Daily Stoic” chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống hiện đại khi dẫn dắt những ví dụ và tình huống cụ thể ngay trong đời sống ở thế kỷ 21. Ở từng trường hợp, triết học Khắc Kỷ trở nên sáng ngời dẫn dắt tâm trí bạn đọc tới với sự hạnh phúc trong tâm hồn, gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực, những hào nhoáng xa xỉ không cần thiết từ phía ngoài.
- Chiêm nghiệm về cuốn sách:
Đối với bản thân mình, cuốn sách xoay quanh một số phương pháp thực hành Khắc Kỷ, có thể tóm lược lại từ 3 ý tưởng “Kỷ luật nhận thức”, “Kỷ luật hành động” và “Kỷ luật ý chí” như sau:
+ Kỷ luật nhận thức: Bạn không thể kiểm soát được các yếu tố ngoại cảnh xảy đến, nhưng bạn có thể kiểm soát và lựa chọn được cách ứng xử của chính bản thân bạn trong mọi tình huống.
Khả năng phân biệt được những gì chúng ta có thể thay đổi và những gì chúng ta không thể là một trong những nhận thức nền tảng nhất của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ. Nếu chuyến bay bị hoãn do thời tiết xấu, liệu việc quát mắng nhân viên có khiến bão tan. Hay trong các mối quan hệ giữa con người, dù cố gắng bao nhiêu lần và cố gắng tới mức nào, bạn cũng không thể buộc ai đó yêu quý mình. Nhận thức đúng đắn về những yếu tố mà mình có thể hoặc không thể kiểm soát mới là những điều mà triết học Khắc Kỷ hướng tới hàng đầu.
+ Kỷ luật hành động: Tập trung vào kết quả, mục tiêu lớn cuối cùng. Đừng để bất kỳ thứ gì làm bạn chệch hướng trên con đường đến đó:
Hoàn thành công việc dưới bất kỳ hoàn cảnh nào và đừng để bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo hay bất kỳ yếu tố nào khác. Đừng để tư duy “tất cả hoặc không gì cả” đánh bại bạn. Tất cả những hành động cầu toàn để đạt được kết quả hoàn hảo chỉ là cách thức mà tâm trí tự đánh lừa nó. Để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt, vặt vãnh; Phiền muộn trong từng hành động; Đau khổ chỉ vì cố đạt được những lợi ích bé nhỏ của cá nhân;... Tất cả những suy nghĩ tầm thường trên đang cản trở bạn tiến bộ từng ngày. 
Tuy vậy, không đạt được sự hoàn hảo không có nghĩa là bạn được phép ngừng cố gắng. Tôn trọng và cởi mở với tất cả nhưng vẫn làm chủ được bản thân. Một chiêm nghiệm cao quý dành cho những con người thực hành triết học Khắc Kỷ.
+ Kỷ luật ý chí: Ngoan cường và bền bỉ bất chấp hoàn cảnh thay đổi. Nỗi sợ hãi trong tâm trí chính là động lực thúc đẩy con người.
Dù bất kể điều gì xảy ra, chúng ta chắc chắn phải kiểm soát được con người của mình. Hãy giữ cho tâm trí không bị lung lay bởi các yếu tố bên ngoài bởi vì chỉ có chính bạn mới có thể khiến bản thân sợ hãi, buồn bã, đau đớn, thất vọng… Đối với triết học Khắc Kỷ, những cảm xúc bất hạnh kể trên chính là cơ hội để bản thân mạnh mẽ hơn. Biết đến khó khăn là một điều may mắn bởi bạn đã được số phận kiểm tra tâm trí. Từ trở ngại đã trải qua, bạn biết được tiềm năng thực sự của mình.
Trong cả 3 ý tưởng chính của “The Daily Stoic”, hai tác giả Ryan Holiday và Stephen Hanselman khôn khéo lồng ghép nhiều trích dẫn tiêu biểu từ các tác phẩm của các triết gia Khắc Kỷ nổi tiếng để làm nổi bật lên những chiêm nghiệm trong cuốn sách mà hai tác giả muốn truyền tải. Một cách tiếp cận gần gũi giữa tác phẩm của thế giới hiện đại và nhiều đúc kết quý báu của các triết gia cổ xưa.

3. Một vài cảm nhận cá nhân 

Đối với bản thân mình, trải nghiệm cuốn “The Daily Stoic” của Ryan Holiday và Stephen Hanselman làm bản thân liên tưởng tới quãng thời gian đọc “Seneca - Những bức thư đạo đức”. Hai cuốn sách đều đề cao yếu tố triết học thực hành và hướng bạn đọc tới cách thức đọc sâu, suy ngẫm và chiêm nghiệm với từng vấn đề mà các tác giả nêu ra. Cuốn sách không thúc giục bạn phải đọc thật nhanh để biết được cái kết cuối cùng như các cuốn sách trinh thám. Hiểu được ý nghĩa của từng vấn đề, rèn luyện được tâm trí vững vàng trước những sóng gió của cuộc sống, tìm được hạnh phúc trong chính nội tại bản thân, đó là những giá trị cao đẹp mà “The Daily Stoic” hướng đến.
Nếu bạn là độc giả mong muốn tìm hiểu về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ theo định hướng nghiên cứu lịch sử và học thuật, “The Daily Stoic” không phải cuốn sách phù hợp với bạn. Như mình đã chia sẻ ở trên, cuốn sách mang nặng tính chất của triết học thực hành nên các đối tượng độc giả phù hợp với cuốn sách là những bạn đọc đã có nền tảng về trường phái Khắc Kỷ hoặc mong muốn nhập môn để thực hành trường phái triết học Hy Lạp cổ xưa này. 
Mình chưa có cơ hội đọc bản gốc của “The Daily Stoic” mà mới chỉ dừng lại ở phiên bản Tiếng Việt do 1980 Books phát hành nên không thể có một góc nhìn bao quát nhất. Riêng với phiên bản Tiếng Việt này, mình đánh giá không cao phần dịch thuật bởi có khá nhiều chỗ mình cảm tưởng rằng dịch sai hoặc dịch không đúng với ngữ cảnh. Thậm chí ngay ở phần “Ngày 2 tháng Một: Giáo dục là tự do”, cuốn sách trích dẫn và dịch lại một đoạn ngắn trong tác phẩm “Discourses” của Epictetus như sau:
“Những lời giảng dạy mang lại trái ngọt như như thế nào? Vụ mùa đẹp đẽ nhất và bội thu nhất cho giáo dục thực sự - là AN YÊN….”
Ở đây dịch giả đã sử dụng từ “AN YẾN” - một từ không tồn tại trong từ điển Tiếng Việt. Bạn đọc sẽ rất dễ cảm thấy khó chịu khi gặp phải các lỗi dịch thuật này.
Tựu chung, “The Daily Stoic” mang tới khía cạnh của một chủ nghĩa Khắc Kỷ rất thực dụng. Thay vì chỉ dừng lại ở những triết lý trừu tượng, cuốn sách cung cấp một tập hợp các nguyên tắc, những hướng dẫn để giúp bạn đọc đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong cuộc sống.
Lời khuyên tâm đắc nhất mà mình nhận được từ cuốn sách và cũng muốn gửi gắm tới các bạn: “Đừng tìm kiếm hạnh phúc ở những thứ bên ngoài.”