12 NĂNG LỰC CỦA TÂM TRÍ - PHẦN 1: XẢ BỎ
Ngạc nhiên chưa, bộ não của bạn hóa ra cũng có chức năng hơi giống cái bồn cầu: Xả bớt những thứ không cần thiết đi và giữ lại những gì thật sự quan trọng. Học cách điều tiết năng lực này là bí quyết để trở nên bao dung thật sự.
Hóa ra cách tốt nhất để trở nên hoàn thiện là kệ cmn đi.
Trước khi viết những dòng trong ảnh, tôi đã nghĩ: "Hmm, mình để nội dung như thế này liệu có khiến người đọc cho rằng mình không có khả năng tự viết mà chỉ giỏi đi copy đại ý của người khác rồi xào nấu không nhỉ? Nhưng mà thật sự thì nói về năng lực xả bỏ của tâm trí, quyển sách ấy viết tốt vãi cả ra. Ừ nó viết tốt vãi cả ra, kiểu, ông tác giả rõ ràng trải nghiệm về cái khoản này nhiều hơn mình vl. Nên kệ mịa đi, xài luôn nội dung trong đó cho hay, đỡ tốn thời gian nhức não và mình sẽ dành tâm trí cho những phần còn lại của riêng mình".
Thế là tôi copy một đoạn của quyển sách, đặt vào file và rồi, bạn có tấm ảnh trên.
Với tính chất công việc của mình, tôi thường dành hàng giờ đồng hồ để tâm sự với những người nói rằng: Họ sẽ bỏ việc, họ sẽ cắt đứt mối quan hệ này, họ sẽ theo đuổi ước mơ, họ muốn cuộc sống hạnh phúc hơn,... Mỗi một người trong số họ đều có những câu chuyện, những tâm tư, những cảm xúc riêng dẫn đến cuối cùng họ muốn lựa chọn như vậy. Nghe thật tuyệt, những buổi chia sẻ như thế mang lại cho tôi cảm giác rằng: Con người dù trải qua chuyện gì thì vẫn luôn có thể thay đổi vì một ngày mai tươi sáng hơn.
Nhưng vấn đề ở đây là: Họ đéo làm.
Ừ đấy, nói cho đã cái mồm ra xong chả làm. Nhưng tôi không thể chửi họ được, vì thật lòng thì, tôi cũng có cái tính như vậy.
Vậy, việc quái gì xảy ra với tâm trí chúng ta thế? Khoảng cách giữa mong muốn và thực thi là gì?
Câu trả lời nằm ở: Sự vướng bận.
Chúng ta vướng bận càng nhiều thì năng lực hành động tự do của ta càng ít. Sự vướng bận của một người biểu hiện không chỉ qua suy nghĩ mà còn phản ánh thành hành động, lối sống của họ. Bạn có thể tự kiểm tra mức độ vướng bận của mình qua một vài câu hỏi sau:
1. Mỗi lần dọn phòng, bạn thường hay giữ lại thứ gì?
2. Bạn sẽ khó nhớ điều gì ở một người mới gặp?
3. Mai đi Ấn Độ nhé?
Hãy chỉ đọc tiếp khi bạn đã có đáp án (tốt nhất nên là đáp án xuất hiện đầu tiên trong đầu bạn) cho những câu hỏi trên.
Thứ bạn thường hay giữ lại nhất mỗi khi dọn phòng đại diện cho yếu tố mà bạn dễ vướng bận nhất trong cuộc sống.
Điều bạn khó nhớ ở một người đại diện cho nỗi lo lắng mà bạn chưa sẵn sàng đối diện trong lòng mình.
Đối với câu hỏi thứ ba, nếu phản ứng của bạn đại loại là "wtf", "hả", "the hell gì vậy?" thì bạn thường vướng bận về việc cuộc sống này vận hành như thế nào. Nếu phản ứng của bạn là "đi Ấn độ là đi đâu?", "Ấn Độ ở chỗ nào" thì địa vị và vai trò trong cuộc sống là điều bạn thường bận tâm. Còn khi bạn nói "không", vậy thì giới hạn chính là thứ mà bạn hay để tâm. Nếu bạn tò mò thêm về câu trả lời của mình thì xin cứ cmt bên dưới ạ, tôi không muốn tốn giấy giải thích quá nhiều cho duy nhất mỗi một ý này, lạc đề mất :)
Tôi cũng xin nói luôn là: Đừng nghĩ tới chuyện mang hết đồ đi vứt, cố gắng nhớ mọi thứ về một người mới quen và đòi xách balo lên đi Ấn Độ ngay sau khi bạn biết ý nghĩa của những câu hỏi trên nhé. Vướng bận không có gì xấu cả, nó giúp chúng ta có những mối quan tâm và từ đó, chúng ta hướng tới điều gì đấy trong cuộc đời. Nhưng quá nhiều vướng bận là một thảm họa. Hãy thử tưởng tượng căn phòng của bạn ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm nọ, bất cứ món đồ nào đã từng được mua đều được giữ lại, bạn không nỡ bỏ bất cứ thứ gì. Thế thì làm sao còn khoảng không cho thứ gì mới được thêm vào nữa? Tâm hồn bạn cũng vậy. Có sự vướng bận thể hiện rằng bạn biết quan tâm đến bản thân và mọi người, nhưng quá nhiều sự vướng bận, cái gì cũng để tâm, cái gì cũng phải cân nhắc thì chỉ biến bạn thành kẻ sân si, lo chuyện bao đồng, bị tù túng bởi chính những suy nghĩ của mình và khi thứ bạn quan tâm càng nở rộng, thứ bạn thực sự có thể ảnh hưởng được sẽ càng thu hẹp lại. Đó là nguyên lý của "vòng tròn quan tâm - vòng tròn ảnh hưởng".
Cơ mà, giữa một thế giới nơi mà mọi thứ đều được thêm vào (thêm mối quan hệ, thêm kỳ vọng, thêm trải nghiệm, thêm lựa chọn, thêm toping trà sữa...), phải làm sao để có thể bớt vướng bận hơn đây?
Câu trả lời nằm ở việc: Hãy biết cách tận dụng năng lực xả bỏ của tâm trí.
Để hiểu cách mà tâm trí xả bỏ một thứ, tôi sẽ nói cho bạn nghe cách mà bạn trở nên vướng bận với điều gì đó thông qua chút kiến thức về thần kinh học nhé.
Về cơ bản, mối quan tâm của bạn được tạo thành bởi những liên kết nơ ron trong não. Cơ mà những liên kết nơ ron trong não lại bắt đầu được tạo ra từ việc bạn chọn để ý tâm với điều gì. Và mỗi một lần bạn lặp lại sự để tâm với việc đó, liên kết nơ ron càng bền vững hơn. Và khi liên kết nơ ron bền vững hơn, sự bận tâm sẽ càng nhiều hơn. Thật ra đây chính là cách để một người hình thành mối quan tâm và khả năng tiếp thu tự nhiên trong cuộc sống. Ví dụ: Những người họa sĩ luôn phải để ý đến sự chênh lệch sắc độ của ánh sáng trong khi vẽ, vì vậy tự nhiên họ cũng phát triển sự quan tâm đến sắc độ của quang cảnh trong không gian sống hằng ngày. Song, đây cũng chính là cách mà những "vòng lặp địa ngục" như "tức giận - sợ mình tức giận - giận hơn - nhìn đâu cũng giận", "sợ hãi - sợ mình sợ - sợ hơn - nhìn đâu cũng sợ" được tạo ra, chỉ bởi vì bạn để ý đến những thứ không nên để ý quá nhiều.
Đôi lúc, có những mối bận tâm khiến bạn stress nặng, và khi đó để giữ sự cân bằng, tâm trí phải tự động "đẩy" cơ chế xả bỏ lên cao để bạn quên đi mối bận tâm đó. Đồng thời để đảm bảo rằng bạn không cần phải bận tâm về vấn đề đó trong tương lai nữa, tâm trí cũng khiến bạn vô thức phớt lờ những dấu hiệu về sự tồn tại của đống vấn đề ấy trong cuộc sống. Chẳng hạn, trong cuộc sống bạn sẽ thấy khá nhiều người "trông có vẻ dễ tánh" thường hay quên, lơ đễnh và ít mối quan tâm với chuyện gì đang diễn ra ngoài cuộc sống. Ngay cả chính bạn cũng sẽ có lúc cãi nhau ỏm tỏi với sếp, sau đó ngủ dậy và quên bén đi luôn cuộc cãi nhau đó - cách duy nhất não bộ của bạn có thể làm lúc này để bạn không nổi đóa lên và đòi đốt công ty. Đây cũng là lý do vì sao câu hỏi số 2 ở phía trên đại diện cho nỗi vướng bận khiến bạn lo lắng nhưng chưa muốn đối diện trong cuộc sống.
Tuy nhiên cơ chế tự động xả bỏ cũng giống như xe tự lái của Tesla vậy: Nếu xe của Tesla không phân biệt được ninja lead xi nhan trái sẽ quẹo phải hay quẹo trái, thì việc xả bỏ một cách tự động cũng không phân biệt được cái gì nên bỏ và cái gì thì không nên. Vì vậy thay vì để tâm trí phải thực hiện việc xả bỏ một cách tự động, giải pháp hiệu quả ở đây là: Chủ động hết mức có thể để lựa chọn thứ mà mình sẽ vướng bận và thứ không cần bận tâm. Đây cũng là bí quyết để trở thành một người bao dung thật sự.
Để trở thành một người biết buông bỏ, bạn sẽ cần:
1. Tiếp xúc với tự nhiên nhiều vào.
Có cái cây quần què nào ngoài tự nhiên mọc thẳng không? Không, kể cả cau với dừa nó còn có lúc méo. Cuộc đời tự nhiên của một người bao gồm chuỗi của việc lên bờ xuống ruộng từ hết khía cạnh này đến khía cạnh khác, cảm thấy mình như cái nùi giẻ tự nhiên lọt ra giữa đời và tác dụng duy nhất của mình chỉ là để chùi đi cái gì đó (chùi nước mắt chẳng hạn, hoặc không thì chùi...). Nhưng rồi biết đâu đó may mắn mình nhận thấy người ta cần mình, và vì vậy mình có cái này hoặc cái kia để xoay sở trong cuộc sống. Ừ, thường thì cuộc đời tự nhiên nó như vậy, nhưng khi được trưng lên Facebook, Youtube, Tik Tok, bạn sẽ toàn chỉ thấy những thứ đẹp mỹ mều, tuyệt vời ở một người và dù họ có thất bại thì cái thất bại đó vẫn trông như bài học cuộc đời thấm thía ngàn vàng khi được họ kể trên Facebook cá nhân. Việc tiếp xúc quá nhiều với những thứ thiếu tự nhiên như vậy sẽ khiến bạn dễ để tâm đến những thứ chưa được "đẹp đẽ, mỹ mều" ở bản thân mình hiện tại và cứ như vậy, mối quan tâm đó trở thành sự vướng bận nặng nề trong thâm tâm bạn. Nên lời khuyên ở đây là: Nếu bạn bận tâm rằng mình không đủ tốt, hãy tiếp xúc với tự nhiên đủ nhiều để hiểu rằng "tốt" là thứ hư cấu hệt như tổng tài IQ 300/300 trong tiểu thuyết ngôn lù vậy.
2. Viết nhật ký
Chúng ta quên nhiều thứ hơn chúng ta nghĩ, vì dưới áp lực cuộc sống, cơ chế xả bỏ của tâm trí thường được đẩy cao một cách tự động, khiến ta quên mất cả những thứ đáng ra không nên quên. Hậu quả của việc quên đi những điều cần nhớ nằm ở chỗ: Đến một lúc, bạn sẽ chẳng hiểu lý do từ đầu mình chọn cái công việc này, căn nhà này, người yêu của mình,... Vì cái gì. Và khi không hiểu, bạn dễ nghĩ rằng việc xảy ra trong cuộc đời bạn toàn bộ đều là ngẫu nhiên, xui rủi nên vì thế, bạn chả có lỗi hay chả xứng đáng để phải gặp mấy việc như vậy. Thế nên cách khá tốt để bớt oán trách cũng như hiểu bản thân hơn là: Viết nhật ký. Bên cạnh đó, việc kể lại những gì xảy ra trong một ngày cũng đã là hành động chọn lọc thứ gì bạn sẽ để tâm đến (khi lưu giữ nó lại) và thứ gì thì không.
3. Bỏ bớt những thứ đã lâu không dùng.
Tôi không bảo bạn thực hành lối sống tối giản theo kiểu bỏ đi một mớ đồ rồi mấy ngày sau lại mua thêm đống đồ khác nhé. Đại ý của việc dọn dẹp và bỏ bớt những thứ không dùng nằm ở chỗ: Qua hoạt động dọn dẹp không gian sống, tâm trí của bạn cũng sẽ dọn dẹp luôn những mối bận tâm không cần thiết nữa để nhường chỗ cho thứ khác bước vào. Việc lưu tâm đến cái gì đang quá nhiều hoặc thiếu vắng trong căn nhà cũng giúp bạn tự nhận biết bản thân hiện tại đang có những mối bận tâm ra sao.
4. Tò mò hơn.
Nghe có vẻ nghịch lý nhỉ? Nếu bận tâm nhiều thì cách tốt nhất là đừng để ý, đừng tìm hiểu nữa chứ? Thật ra là ngược lại. Nếu bạn bận tâm về điều gì, tốt hơn hết là hãy tò mò hết mức có thể đến khi bạn hiểu thấu được việc đó và khi vậy, bạn sẽ chả cần phải bận tâm về nó nữa, vì bạn biết chuyện nó xảy ra là tự nhiên rồi. Tôi gọi đó là: "tò mò giết chết con bò (con bò thiếu hiểu biết và hay sân si ý) trong bạn".
5. Hiểu rằng một thứ có tồn tại trong tự nhiên vì đó là tự nhiên.
Ngày xưa khi tôi nhận ra chỗ làm việc của mình cái thói: "Hỏi ý kiến cho có rồi sau đó vẫn chọn option ban đầu". Lúc đó tôi khó chịu và cảm thấy người ta ngu như con bò. Nhưng khi sự tiếp xúc và trải nghiệm gia tăng, tôi hiểu ra một điều: Ờm về cơ bản khi một người hỏi ý kiến ai đó về option nào đấy, khả năng cao là họ hỏi thế thôi chứ có khi họ còn chẳng thật sự cần phải hỏi như vậy. Vì có khi option mới đưa ra còn tệ hơn cả option ban đầu, hoặc có khi mình chưa thật sự đủ tinh tế để hiểu ẩn ý ngầm sau câu hỏi đó, tóm lại thì, chuyện ai đó hỏi ý kiến của mình rồi sau đó vẫn làm theo ý họ là chuyện hoàn toàn bình thường. Việc hiểu rằng "có thứ gì tồn tại trong tự nhiên vì đó là tự nhiên" không phải chỉ để bạn cảm thấy cuộc đời này nhiều chuyện khó thay đổi được, mà để bạn hiểu rằng có những chuyện xảy ra là "quy luật của tự nhiên" và nếu đã bản thân chưa đủ giỏi để can thiệp vào tự nhiên thì đừng có đòi ra gió vào lúc này, tập trung tu luyện thêm đi.
Suy cho cùng thì sẽ có một ngày khi bạn mất hết công việc, chia tay người yêu, tài khoản còn đúng 10.000 VNĐ nhưng bạn hiểu chuyện này nó tự nhiên vãi nồi, mình chẳng có đặc biệt xui hơn ai cả nhưng mà cũng xui với ngu vãi nồi. Vậy nên bạn về nhà, trùm mền khóc, rồi sau đó đứng lên dọn phòng, tìm chỗ nộp CV mới, cứ thế cuộc sống lại tiếp tục, có khi còn vui hơn cả trước kia (hoặc tệ hơn, ai biết được, trong tự nhiên thì cái gì cũng có thể xảy ra).
Tóm lại thì, tâm trí ban cho con người một khả năng buông bỏ tự nhiên rất tuyệt vời. Tuy nhiên trong quá trình sống bộn bề, đôi khi chúng ta không hoàn toàn làm chủ được năng lực xả bỏ đó và vì vậy, chúng ta xuất hiện những vướng bận không cần thiết trong cuộc sống (sân si) hoặc trở nên vô tâm quá mức, cả hai thái cực này đều tai hại với chính bản thân ta. Chìa khóa ở đây là hãy phát triển lòng bao dung trong mình bằng cách chủ động chọn thứ mình sẽ vướng bận và thứ mình không cần để tâm tới.
Để làm như vậy, không đơn giản chỉ một vài giải pháp phía trên sẽ hữu ích ngay với bạn được, vì chức năng xả bỏ của tâm trí hiệu quả đến mức nào phụ thuộc nhiều vào chuỗi 11 năng lực còn lại của tâm trí. Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ nói về năng lực thứ hai: Giác quan vô thức.
Cơ mà đó là "trong bài viết tiếp theo", còn bây giờ dưới đây là vài dòng tâm sự mỏng:
1. Ở đâu tôi biết cái mớ này? Thực ra không có một cuốn sách best seller nào nói về 12 năng lực của tâm trí cả, lúc mới bắt đầu viết đây cũng là điều khiến tôi hơi quan ngại. Kiểu: "Ơ cái kiến thức này chưa có ai nổi tiếng viết về nó, chả biết viết ra người ta tin không nhỉ. Nhưng mà kệ mẹ đi :v Chưa thằng nào viết thì mình viết, so good". Kiến thức này thật ra đến từ việc tôi được dịp tiếp xúc với công trình nghiên cứu của bạn mình (hoặc có thể gọi là thầy theo hai nghĩa: Thầy dạy và thầy pháp =)))) ) về "cách thức hoạt động của tâm trí phản ánh qua đồng tử mắt", gọi là "Quan Trắc Đồng Tử". Kết hợp thêm với những chiêm nghiệm và kiến thức của riêng mình, tôi muốn tạo ra một chuỗi bài viết với thông điệp: "Ê, thực ra trước khi một quyết định ngu học hay thông thái nào được đưa ra thì nó đi qua 12 bước như vầy trong não nè, sự khác biệt về năng lực giữa bạn, thằng đồng nghiệp, ba mẹ, người yêu (nếu bạn có), và sếp của bạn cũng nằm ở chỗ 12 bước trong đầu từng đứa khác nhau ra sao :D ". Tóm lại thì tôi bưng con hàng chất lượng người ta nghiên cứu hơn bảy năm, kết hợp với con hàng của riêng mình và BÙM, ra ý tưởng lẫn nội dung cho bài viết này.
Bạn có thể tham khảo thêm về Quan Trắc Đồng Tử tại đây:
2. Quyển sách mà tôi đã "đạo văn" nội dung để post vào ảnh đầu tiên tên là: Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đ*ch Quan Tâm. Muốn nghe giới thiệu chút về nội dung sách không? Tóm tắt là: Tốt tốt cái quần, thay vì cố gắng ôm và vơ vét mọi đức tính truyền thông, phim ảnh, mạng xã hội đang bảo rằng bạn nên có thì chi bằng chấp nhận mình chả có mẹ gì cả rồi cặm cụi tự trau dồi bản thân đi. Đại ý nghe hơi cục súc nhưng tin tôi đi, tác giả viết dẫn chứng rất rõ ràng qua những câu chuyện nghe tuy ngu nhưng không thể nào thực tế hơn :)
3. Thú thật là tôi cũng muốn viết cho nó ngắn vì xã hội này vội lắm không thích đọc dài. Nhưng tôi tham, nếu viết mà cắt khúc này cắt khúc kia thì khác nào bộ Văn Hóa cắt hết cảnh nóng trong 50 Sắc Thái đâu, nên thôi nghĩ tới gì viết tới đó hết mie vào đây đi. Nếu ai vẫn đang đọc đến tận dòng cuối này thì rất chân thành cảm ơn mọi người nhé :'3 Vẫn nhắc lại: Bạn có thể để lại cmt câu trả lời của bạn cho 3 câu hỏi phía trên, nếu muốn, và tôi sẽ phân tích thêm cho bạn vài dữ kiện về chính bạn, nếu tôi rảnh :v
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất