Mình sinh ra ở Gia Lai, một Tỉnh của vùng Tây Nguyên rộng lớn. Đây là nơi hội tụ rất nhiều tinh hoa ẩm thực đã đưa văn hóa ăn uống của người Việt lên một tầm cao mới và góp phần tô thêm nhiều màu sắc độc đáo trong bức tranh vị giác của họ. Từ lâu, cái tên phở đã quá quen thuộc với chúng ta. Chính từ sự quen thuộc đó, nhiều người đã luôn nghĩ cách để biến tấu món ăn này thành nhiều phiên bản khác nhau, độc đáo hơn, hấp dẫn hơn. Phở Khô ở Pleiku là một trong những cái tên rất thành công nhờ sự độc đáo của nó. Phở khô đã mở lối cho sự hòa hợp hương vị mới lạ của món phở truyền thống, nó giúp người dân Gia Lai trở nên độc nhất vì đây là nơi khai sinh ra món phở đặc biệt này. Và phở khô dù có được xuất hiện ở bất cứ nơi nào thì hương vị của nó vẫn khó mà sánh được với những người kinh nghiệm lâu năm ở Gia Lai.
Phở khô bắt nguồn từ phở Nam Định. Xuất hiện lần đầu vào cuối những năm 70 ở Gia Lai, đến nay đã được hơn nửa thế kỷ. Đặc trưng của món phở này là sử dụng 2 tô để ăn, 1 tô thì đựng bánh phở, tô còn lại thì đựng nước lèo. Lúc trước người ta làm món phở này chỉ vì ngon, ăn hợp vị chứ không nghĩ nó sẽ trở nên nổi tiếng. Nhưng sau một vài năm kể từ lúc nó xuất hiện thì nhiều người đã biết đến nó hơn và từ đó phở khô dần dần lấy được vị trí món ăn ngon nhất Gia Lai.
Nơi mình lớn lên gần với các đoạn đường có nhiều quán phở lâu đời nhất tại đây nên từ nhỏ mình đã được làm quen với phở khô và cực kì thích hương vị của nó. Buổi sáng se lạnh như mọi ngày. 6 Giờ các hàng phở ngây ngút khói, có quán chỉ vài ba người, mặt khác thì đã chật kín chỗ ngồi phải đợi để được thưởng thức.
Cuối cùng cũng đến, trước mặt mình đang là hai bát phở nóng hổi. Một bát thì đựng nước lèo và thịt bò, bát còn lại thì đựng bánh phở, giá trụng và một ít tóp mỡ bên trên. Nước dùng được nấu từ xương bò hoặc gà bằng cách ninh lên. Nước dùng gà thì giúp thanh hơn và tự nhiên hơn. Nước dùng Bò thì làm đậm vị và béo hơn. Quá trình ninh diễn ra tầm 2 tiếng cùng các loại nguyên liệu như quả thảo, bột ngọt, muối, đường,... tùy vào bí quyết của mỗi người mà sẽ có rất nhiều cách nêm nếm khác nhau.
Để ăn phở khô thì trước tiên mình sẽ trộn bánh phở cùng với tương đen và xì dầu. Tương đen tại đây rất đặc biệt, được làm từ hạt đậu tương ở vùng cao nguyên. Nó cũng chính là linh hồn của món phở khô (loại tương này chỉ có tại Gia Lai và được chế biến rất kỳ công, mình sẽ chia sẻ vào nó vào phần sau).
Trộn đều cho đến khi bánh phở được phủ toàn bộ là tương. Lúc này tương đen sẽ bám vào bề mặt những sợi phở, cùng với nhiệt độ vừa được trụng của bánh phở, hai thứ đó kết hợp với nhau bám theo những hơi nóng bốc lên tỏa mùi rất thơm.
Có nhiều người nghĩ phở khô ở đây giống với hủ tiếu khô của nhiều nơi như Sài Gòn, Hà Nội. Về cơ bản, cách ăn và thành phần nguyên liệu thì có phần giống, nhưng để chứng minh được sự khác biệt và độc đáo của nó thì bánh phở ở đây đã được đổi mới hoàn toàn. Sợi phở cũng giống như sợi hủ tiếu, nhưng thay vì được làm từ bột mì và gạo như hủ tiếu, thì sợi phở chỉ đơn giản được làm từ nguyên chất gạo. Việc đó giúp các sợi phở mềm nhưng vẫn dai, giữ được độ rời rạc, không khô cứng hay nhão khi trụng nước sôi. Việc trụng phở cũng cần rất nhiều kinh nghiệm, phải canh đủ thời gian để sợi phở vừa chín tới mới là ngon nhất. Nhưng để làm được điều đó thì cần phải có rất nhiều kinh nghiệm.
Khi cắn những sợi phở mình cảm nhận được độ giòn của nó, và vị chua, ngọt, mặn kèm với chút vị đặc trưng của tương đen dần lan tỏa trong miệng mình. Để thưởng thức trọn vẹn nhất thì mình thường xắn bánh phở ngắn lại rồi cho vào miệng, sau đó mình sẽ húp thêm một muỗng nước lèo cùng lúc. Hương vị béo béo nóng hổi của nước ninh bò quyện vào các sợi mì làm nó trở nên bùng nổ.
Các thành phần đi kèm như thịt bò, thịt gà thì mình sẽ chấm chung với 1 bát tương đen riêng, cũng chính là loại tương được trộn vào phở. Thịt bò cũng rất quan trọng vì để ăn ngon thì cần phải thái đúng thớ và mỏng, như vậy khi nhúng bò vào nước lèo nó mới trở nên mềm tan. Tuy nói rất đơn giản nhưng thực chất để đạt được kỹ thuật này thì lại có rất ít quán phở làm được. Một trong những quán mình cảm thấy rất hài lòng về khâu này đó là Phở Nữ và phở Ngọc Sơn ở Pleiku
Nếu phở Sắn là đứa con quen thuộc của miền quê xứ Quảng, phở Cuốn và phở Hà Nội là món ăn trứ danh ở vùng đất Hà Thành thì phở Khô ở Gia Lai là một tinh hoa của rừng núi bạt ngàn. Sự kết hợp tinh tế của một món khô nhưng lại đi kèm với nước vô tình trở nên phù hợp, tạo ra một món phở hoàn toàn mới. Các lỗ hổng của món phở này dường như là không có vì kinh nghiệm lâu năm của người Gia Lai đã bù đắp và cân bằng được hương vị hoàn hảo nhất của nó. Còn gì tuyệt vời hơn cái thời tiết se lạnh mà được thưởng thức một bát phở khô rồi đi nhâm nhi một ly cà phê phố núi.
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất