HUẾ - LÀ CÁI CHI RỨA? LÀ CÁI CHỖ MÔ? 🤔🤔🤔
Mình, một thằng người Huế, có một cô bạn người Quảng Trị, và cả 2 đứa mình đều học trong Sài Gòn. Nhưng mà học xa nhà thì đương nhiên...
Mình, một thằng người Huế, có một cô bạn người Quảng Trị, và cả 2 đứa mình đều học trong Sài Gòn. Nhưng mà học xa nhà thì đương nhiên là nhớ quê. Một hôm nọ, cô bạn kia tag mình vào một cái video để cho mình nghe dịch giọng Quảng Trị, vậy là mình cũng đối lại bằng cách nói giọng Huế cho bả dịch thử, vậy là 2 đứa ngồi bắn rap giọng miền Trung với nhau, và hôm nay, mình cũng mới đọc được một post về Huế trong group và chợt nghĩ là: "Ủa? Răng mình không viết cái chi đó về Huế cho mọi người cùng đọc hè?"... And there it is!
1. Dấu 'sắc' trong giọng Huệ:
Có một cái stereotype về người Huế rằng tụi mình nói tất cả các từ có dấu 'sắc' thành dấu 'nặng', và thậm chí là có những cái joke "hơi" không được đàng hoàng cho lắm... và bọn mình không hề thấy vui khi nghe mấy cái joke đó, thứ nhất, nó vô văn hóa, thứ hai, nó nhảm, và thứ ba, nó quy chụp (điều này tương tự cái việc bạn gọi những người da đen là n**** nhưng ở mức độ nhẹ hơn một tí, nhưng nếu động trúng người không nên động, hôm đấy đảm bảo húp cháo loãng... hoặc không ăn được luôn).
Giọng Huế có đến 2 loại dấu 'sắc', dấu 'sắc' ngắn và dấu 'sắc' dài. Ờ, đúng vậy đấy!
- Dấu 'sắc' ngắn dùng cho những từ có phát âm ngắn. VD: Bắc, mắt, tấc, đất, xếch, ếch, xích mích, kích, lóc cóc, tóc, mốc, ốc, múc, cúc, mứt, phức,... Gồm những âm như: ăc, ăt, âc, ât, êch, ich, oc, ôc, uc, ưc, ưt,... và nó nghe sẽ giống y như dấu 'sắc' trong giọng miền Bắc.
- Dấu 'sắc' dài dùng cho những từ có phát âm dài hơn. VD: cá, cớ, ế, té, phí (phương anh), ký, nhú, cứ, bác, mát, mét, lết, chiến, nón, sốt, ớt, phút, cứng, ước, nướng, xuống, uốn, luyến, yến,... Gồm những âm còn lại, và nó nghe giống dấu 'nặng', nhưng là dấu 'nặng' của giọng miền Nam cơ!
2. Cách "noái" tiếng Huế:
Huế có khá nhiều từ địa phương, nhưng mình sẽ chỉ nêu lên những cái phổ biến nhất mà ở huế, đâu cũng xài (tại vì thực sự là nếu về những vùng quê khác nhau, bạn sẽ không nghe nổi đâu, dù là người Huế vì mình cũng vậy). Huế có một combo từ ngữ rất nổi tiếng nghe giống tiếng Nhựt Bổn nhưng thực ra là tiếng Huế: ranrimoterunohechi, hay còn được biết đến là:
răng - sao (vì răng? - vì sao?)
ri - thế này/đây (làm chi ri? - làm gì thế này?, ai đây? - ai ri?)
mô - đâu (đi mô? - đi đâu?)
tê - kia (hôm tê - hôm kia) và chúng ta có thêm chữ: tề - kìa (ở nơi tề - ở đó kìa); và: té - hóa (té ra mi ở đây - hóa ra mày ở đây)
rứa - vậy (rứa thì răng? - thế thì sao?)
nớ - đó (cái nớ là cái chi rứa? - cái đó là cái gì vậy?)
hè - (chưa) kìa, mang nghĩa cảm thán (đẹp hè! - đẹp chưa kìa!)
chi - gì (cái chi ri? - cái gì đây?)
Ngoài ra, chúng ta có thêm cụm từ cảm thán "a rứa" hoặc "ơ rứa", cả hai đều có thể dùng để cảm thán. VD: A cha! Cị ly chè thịt quay ni hắn ngon a rứa, mi ơi! - Vietsub: Ôi! Cái ly chè thịt quay này nó ngon ghê lắm luôn, mày ơi!
Và người Huế sẽ gọi tắt chữ "cái" thành chữ "cị" hoặc "cí", chữ "cây" thành "ci" và chữ "con" thành "cuung" (mình chẳng biết phiên âm sao nữa, vì âm này không có trong tự điển tiếng Việt) khi nói với tốc độ từ nhanh đến rất nhanh, giật cấp 11, cấp 12. VD: cái chổi - cí chủi/cị chủi, cây cau - ci cau, con điên - cuung điêng,... Bềnh tễnh, đống này chưa là gì đâu, học từ từ và bạn sẽ hiểu được tiếng Huế.
Ngoài những ngôn ngữ nói trên, người Huế còn có một chữ rất đặc trưng, chữ này địa phương nào cũng có, nhưng ở Huế, nó là một trong những nét rất đẹp khi được nói ra bởi những người Huế: thưa. Mình nghĩ rằng, bạn nào cũng sẽ xiêu lòng trước một cô gái Huế ngay khi nghe cô ấy nói câu "Dạ thưa mạ con mới về" (mạ - mẹ, ngày trước người ta dùng chữ này khá nhiều, đặc trưng tiếng Huế, nhưng bây giờ không còn nhiều), hoặc đổ cái rụp trước một chàng trai Huế khi nghe người ta gọi "Dạ con thưa mệ xuống thời cơm" (Dạ cháu thưa bà xuống dùng bữa). Người Huế đi thưa, về thưa, ăn cũng thưa mà trình bày cũng thưa!
3. Người Huế chơi hệ tâm linh:
Cái này chính xác! Nhưng lý do vì sao thì còn rất nhiều lý do gây tranh cãi, nhưng một số lý do sau có thể chấp nhận được
- Người dân ta từ thời trước vốn sống rất tâm linh, nhưng không chỉ thời vua chúa nhà Nguyễn mà từ những đời vua trước, tôn giáo và lễ nghi đã rất phổ biến (Phật giáo ở nước ta phát triển rất mạnh vào thời Lý), vua chúa Nguyễn chỉ giúp đem cái văn hóa tâm linh đấy vào Huế và làm nó phổ biến hơn thôi.
- Người ta có câu "phú quý sinh lễ nghĩa", người Huế, nhất là giới quý tộc từ thời vua chúa triều Nguyễn sống khá đầy đủ, vì vậy mà bắt đầu xuất hiện những lễ nghi phức tạp hơn, và sự phức tạp đó nó còn xuất hiện trong phong tục thờ cúng, trong văn hóa ẩm thực, trong y phục thường ngày,... nó lan truyền từ vua chúa đến quý tộc, từ quý tộc đến người dân, nó lan truyền mạnh đến nỗi trở thành một truyền thống còn tồn tại đến bây giờ của người Huế.
- Một phần do những sự kiện lịch sử như sự kiện thất thủ kinh đô, trận Kinh thành Huế năm Ất Dậu (1885), nạn đói năm Ất Dậu (1945), cơn lụt năm 1999,... và Huế vốn là một trong những khu vực miền Trung chịu thiên tai, bão lũ nên chuyện người thiệt mạng là không hiếm, điều đó làm cho đời sống tâm linh của Huế phát triển hơn. Nếu được vào thăm một ngôi nhà bất kỳ ở Huế, đa phần các bạn sẽ thấy bàn thờ của người Huế khá cầu kỳ, dù có nghèo thì cũng cầu kỳ kiểu nghèo, mà giàu thì cầu kỳ kiểu giàu, và ngoài bàn thờ thần Phật, "ôn mệ" (ông bà) trong nhà, người Huế còn thờ Thần Tài và/hoặc Phúc - Lộc - Thọ ở một cái bàn thờ gỗ/kim loại (mà thường là gỗ) đặt dưới đất, hướng mặt ra cổng hoặc có một cái am thờ, thậm chí là miếu thờ ở trong khuôn viên sân nhà hoặc sau vườn nhà. Và đặc biệt, người Huế cúng rất nhiều!
4. Hai ngôi trường lâu đời nhất xứ Huế:
Bên bờ sông Hương thơ mộng, gần cây cầu Phú Xuân (mà người Huế không gọi là cầu Phú Xuân đâu, người Huế gọi là "cầu Mới"), có hai ngôi trường sơn màu son đỏ thắm, cặp đôi này đã đi vào huyền thoại trong lòng của biết bao nhiêu thế hệ những người con xứ Huế: Trường THPT Hai Bà Trưng và trường THPT chuyên Quốc Học.
Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, mà người Huế chỉ gọi cụt ngủn là trường Quốc Học là một ngôi trường rất cổ, được thành lập năm 1896 (tính đến năm 2021 thì đã 125 tuổi). Trường đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài đất Việt từ xưa đến nay, nhưng hồi trước là những nam nhân tài, vì thời đấy, Quốc Học là trường nam sinh.
Mà có nam thì phải có nữ chứ! Trường THPT Hai Bà Trưng Huế, hay người Huế thường gọi là trường Đồng Khánh, hoặc Đồng Khánh - Hai Bà Trưng, cũng là một ngôi trường danh giá và lâu đời tại mảnh đất Cố đô, chỉ thua Quốc Học chừng 20 năm tuổi. Trước đây, trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng là một trường nữ sinh (trường Nữ Trung học Đồng Khánh), chuyên dạy văn hóa và nữ công gia chánh cho những cô gái xứ Huế, nhưng hiện tại thì đã dành cho cả nam sinh và nữ sinh (mà vui cái là môn Gia chánh đã được trường khôi phục lại rồi, mà cả nam và nữ đều học được luôn). Mình quảng cáo một tí, nếu các bạn nam có ý đính lấy vợ, nhớ cân nhắc mấy cô người Huế, nhất là mấy cô nữ sinh Đồng Khánh nhé (mình xuất thân từ trường ra nên cho phép PR chút thôi mà hiuhiu).
Có rất rất nhiều các chuyện tình lãng mạn muốn xỉu đã xảy ra giữa hai ngôi trường này, từ thời các cụ mình cơ! Có một giai thoại rất nổi tiếng, một motif chung về các chàng nam sinh Quốc Học leo rào, băng tường để đến với mấy cô nữ sinh Đồng Khánh nào đấy lỡ lọt vào mắt các anh ấy. Đại loại là:
- Chao ơi! Em mô mà đẹp dữ ri hè? Em cho anh "hoải", em có người thương chưa?
- Dạ, em chưa có ai hết á anh.
- Rứa em cho anh làm người thương em được không?
- Anh ni! "Noái" chuyện chi lạ á, làm người ta dị bức chết i nà!
Rồi các cô bẽn lẽn lấy tay che miệng cười, chạy biến vào trường, còn mấy anh thì cứ mải miết nhìn tà áo dài trắng cùng mái tóc thề xanh xanh màu thanh xuân tung bay trong gió, cho đến khi bị giám thị lôi cổ vào phạt một lượt mấy thằng!
À, funfact, "nàng thơ" của Trịnh Công Sơn, Dao Ánh, là cựu học sinh Đồng Khánh, kakaka
5. Bonus thêm một (vài) ngôi trường nữa cho các bạn hữu người Huế nè!
Ngoài hai ngôi trường lâu đời Quốc Học và Đồng Khánh - Hai Bà Trưng, Huế cũng có một ngôi trường cấp III cũng khá nổi tiếng, tuy không lâu đời bằng, nhưng chất lượng giáo dục lại không thua gì hai anh chị kia: Trường THPT Nguyễn Huệ, hay tiền thân là trường Nữ Trung học Thành Nội (vì nó nằm trong thành), dân quen gọi là trường Đồng Khánh Thành nội Huế, và khác với Quốc Học và Hai Bà Trưng lấy tone chủ đạo màu son, trường Nguyễn Huệ lấy tone chủ đạo là màu xanh dương.
Bộ ba mà đứng đầu là ông anh Quốc Học, sau là hai cô gái Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ là bộ ba trường cấp III có chuẩn đầu vào và đầu ra cao nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Người ta ví như kiểu, nếu bờ Nam có Hai Bà Trưng, bờ Bắc có Nguyễn Huệ.
Đồng phục của ba trường này cũng khá là hay ho! Quốc Học, nam sinh mặc quần xanh, áo trắng viền caro đỏ với cà vạt caro đỏ; nữ sinh mặc quần xanh áo trắng viền caro đỏ với nơ caro đỏ hoặc thay quần xanh bằng váy caro đỏ. Nguyễn Huệ thì tương tự, nhưng đổi thành caro xanh. Còn Hai Bà Trưng? Đó là một câu chuyện buồn của biết bao nhiêu thế hệ, chúng tôi không có đồ custom, không có váy, không có logo, chỉ có mỗi cà vạt màu bordeaux dành cho nam và cà vạt 2 dây màu bordeaux dành cho nữ, thật sự là rất nhiều thế hệ học sinh đã xin trường cái váy nhưng trường không cho, lý do thì vẫn mãi là bí ẩn. Nhưng mà có cái hay là tất cả các trường công cấp III ở Huế đều cho quy định mặc áo dài mỗi 1 hoặc 2 ngày trong tuần, nên là mình hóng mấy ngày đó lắm ấy, chết mê chết mệt với mấy cô nữ sinh mất!
Ngoài những ngôi trường cấp III kia thì Huế còn có một ngôi trường cấp II rất nổi tiếng, trường THCS Nguyễn Tri Phương. Trường Nguyễn Tri Phương là trường cấp II được đầu tư nhất cả tỉnh Thừa Thiên - Huế, và trường đã đào tạo ra rất rất nhiều những học sinh ưu tú và có truyền thống dạy tốt, học tốt. Người Huế có một câu hay truyền miệng nhau thế này:
Vào cấp I: "Con gắng thi đậu Nguyễn Tri Phương nghe con."
Vào cấp II: "Gắng thi vô Quốc Học nghe con, không thì Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ."
Và mỗi lần các bà mẹ gặp nhau thì: "Ủa, con chị học trường mô? Nguyễn Tri Phương/Quốc Học hả?"
Nói chứ các bạn học trường khác cũng đừng có buồn, nói gì thì nói, mình cứ là mình, cứ nỗ lực hết sức đi rồi sẽ chẳng ai làm mình buồn được cả!
6. Nãy giờ nhiều trường quá, giờ đi qua danh lam thắng cảnh nhé!
Dưới đây là một list các địa điểm để các bạn có thể khám phá về van hóa cũng như là sống ảo ở Huế mà mình biết và đã từng trải nghiệm, nếu thiếu thì mọi người cứ bổ sung nhé! À, và mong mọi người có đi du lịch thì hãy có ý thức bảo vệ môi trường và của công nhé!
- Đại Nội, Kinh thành Huế (nằm chính giữa trung tâm thành phố Huế): Chỗ này quá sức là nổi tiếng, là nơi vua chúa và giới quý's tộc's Huế làm việc đó giờ, mang kiến trúc phương Đông đẹp hết biết, và hình như có dịch vụ cho thuê đồ cổ trang chụp ảnh nữa! Có bán vé ở một số khi vực.
- Cung An Định (Số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế, TT-Huế): Đây từng là nơi ở của vua Khải Định và sau này là vua Bảo Đại, kiến trúc Đông - Tây hòa quyện, không hề bị xấu theo kiểu lai tạp, vô cái mê luôn! Có bán vé nhé mọi người.
- Lăng tẩm của vua chúa triều Nguyễn: Huế có rất nhiều lăng tẩm, mỗi lăng tẩm đều có một cấu trúc khác biệt, điểm chung là thường nằm ở những khu vực sơn hà giao thoa, cảnh vật hữu tình, phong thủy trọng yếu, cho nên lên đây để ngắm cảnh thì tuyệt vời lắm! Có vé và có giảm giá nếu có thẻ sinh viên.
- Bộ đôi đồi Vọng Cảnh (Phường Thủy Biều, Thành phố Huế, TT-Huế) và đồi Thiên An (Phường Thủy Bằng, Thành phố Huế, TT-Huế): Đây là hai ngọn đồi thông cách nhau gần 5 km, mất hơn 10 phút đi xe, phong cảnh rất đẹp (đẹp thế nào thì mời coi Mắt Biếc, phân cảnh "đồi hoa simp", nhưng thật ra trên đồi không có hoa simp đâu, hoă simp trong phim là do ekip gắn lên). Chỗ này ngắm cảnh bao đẹp, bao lãng mạn, có điều là có nhiều cặp tinh nhân hay lên đây nên chống chỉ định FA nhá! Và nếu các bạn có ý định đi dạo hay đi picnic, làm ơn ĐỪNG XẢ RÁC. À, trên đồi Thiên An còn có Đan viện Thiên An, một đan viện Công giáo rất đẹp, và các anh, các cha trên đó còn kinh doanh một số mặt hàng lưu niệm mà nổi tiếng là dầu tràm, try it!
- Chùa và thiền viện: Huế có rất nhiều chùa! Nhưng ba ngôi chùa/thiền viện mình sẽ nhắc đến ở đây là chùa Thiên Mụ (Phường Kim Long, Thành phố Huế, TT-Huế), Huyền Không Sơn Thượng (Phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà, TT-Huế) và Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (đương nhiên là nằm ở dãy Bạch Mã, Huyện Phú Lộc, TT-Huế). Cảnh đẹp như thế nào, mình sẽ để các bạn khám phá, nói hết mất vui, nhưng có một cảnh báo: Không đi ghé chùa Thiên Mụ nếu bạn có người yêu hoặc sắp cưới! (Đây là một cái mà daan Huế rất kỵ, và nó thành một quy luật bất thành văn luôn rồi, những cặp đôi lên chùa Thiên Mụ thường sẽ chia tay sau đó)
- Rừng ngập mặn Rú Chá (Xã Hương Phong, Thị xã Hương Trà, TT-Huế): Đây là một trong những khu rừng ngập mặn ít ỏi còn sót lại ở nước ta. Khác với rừng ngập mặn Cần Giờ với thành phần thực vật chủ yếu là đước, Rú Chá được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp những cây chá cao lớn với những nét uốn lượn bắt mắt và độc đáo (Rú Chá theo tiếng địa phương nghĩa là "rừng cây chá"), các bạn có thể sống ảo ở đây vào mọi mùa, nhưng tuyệt nhất là mùa lá vàng, lúc đấy, rừng chá như khoác lên mình một bộ áo dát vàng, phản chiếu ánh Mặt trời và làm cho người ta thấy thư thái, ung dung. Còn ông nào làm ngành Sinh và đặt biệt là về Sinh thái học thì đây là thiên đường. Lưu ý, không hái hoa, vặt cành, vì mủ chá có độc và có thể gây ngộ độc nếu nuốt phải và mù lòa nếu nhỏ vào mắt.
- Dãy Bạch Mã (Huyện Phú Lộc, TT-Huế): Nếu các bạn đã quá mệt mói với thành thị xô bồ và muốn như Đen Vâu "đi vào rừng một mình không có rủ ai" (thật ra là nên rủ nhiều vào vì đi rừng một mình không vui và khá nguy hiểm), hãy đặt ngay một chiếc xe để chở bạn cùng đồng bọn lên dãy Bạch Mã nhé! Các bạn có thể tự đi hoặc đi theo tour. Nếu bạn đam mê mạo hiểm, yêu thiên nhiên, núi rừng đại ngàn thì Bạch Mã là một điểm đến tuyệt vời. Đỉnh Bạch Mã cao 1.450 m, có thể nhìn được cả vịnh Lăng Cô ở Huế và dãy Bà Nà ở Đà Nẵng. Ngoài ra hệ động thực vật ở đây thì khỏi chê, và chúng ta có một đặc sản cũng không kém phần kinh dị ở đây: vắt (nhớ mang thuốc D.E.P). Và nhắc lại "không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân".
- Trường Quốc Học Huế và trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng (Đường Lê Lợi, Phường Vĩnh Ninh, Thành phố Huế, TT-Huế): Cái này nói nhiều quá rồi nên sẽ không nói thêm... ngoài việc chúng có kiến trúc Pháp hòa quyện với kiến trúc phương Đông. Và nếu bạn muốn thử cảm giác bị cảm nắng các nữ sinh Huế, hãy ghé thăm những ngôi trường này vào những ngày thứ 2 và thứ 3 hoặc thứ 6, vì vào những ngày đấy, nữ sinh mặc áo dài trắng, những tà áo trắng tinh khôi thướt tha bay trong gió trời mùa hạ...
-...
Thật sự là còn rất nhiều địa điểm mà mình muốn giới thiệu cho các bạn, ví dụ như bãi biển Lộc Bình, vịnh Lăng Cô, bãi biển Hải Dương, công viên bỏ hoang Hồ Thủy Tiên, quán chè Mợ Tôn Đích, quán bánh Bà Đỏ, nhà thờ Phủ Cam, trường ĐH Sư phạm Huế, phố cổ Bao Vinh, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nhà vườn An Hiên, "thôn" Vỹ Dạ,... nhưng mà nhiều quá, mình kể không nổi!!!
7. Hai thế giới:
Huế bị cắt đôi ra bởi dòng sông Hương, thế nên mới có chuyện tình "anh bờ Bắc, em bờ Nam", nhưng cũng từ đó, Huế như chia ra thành hai thế giới.
Bờ Bắc là nơi tọa lạc của Kinh Thành Huế và rất nhiều công trình kiến trúc cổ khác như chùa Thiên Mụ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một số lăng tẩm của vua chúa Nguyễn,..., và đó cũng là nơi còn giữ nét truyền thống rõ nhất trong hai bờ Nam Bắc của Huế. Con người bờ Bắc thường rất e thẹn, nhẹ nhàng, kín đáo, nói chung là rất truyền thống, thế nên, bờ Bắc thường khá là yên tĩnh, không khí thư thái, thoáng đãng, thậm chí, các bạn có thể bắt gặp rất nhiều những ngôi nhà Huế có kiến trúc truyền thống rất đẹp.
Ngược lại với bờ Bắc, bờ Nam, tức nơi tọa lạc của cặp đôi Quốc Học - Đồng Khánh và nhà thờ Phủ Cam nổi tiếng, lại là một nơi có phần hiện đại hơn, đúng nghĩa là nơi "ăn chơi". Bờ Nam là nơi đặt rất nhiều công trình hiện đại và có tính thương mại, giải trí cao như VinCom, BigC, Trung tâm Văn hóa Thông tin Thừa Tỉnh Thiên Huế (người Huế gọi là "Nhà hát Lớn"), phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu hay phố Tây Phạm Ngũ Lão,... chính vì vậy mà con người ở đây có phần hiện đại, phóng khoáng và dễ hội nhập hơn người bờ Bắc, không khí ở bờ Nam cũng sôi động, náo nhiệt hơn hẳn.
Nói chung, ở đâu cũng có cái hay cái dở, còn ở Huế, muốn nghỉ ngơi thì qua bờ Bắc, muốn ăn chơi thì qua bờ Nam.
8. Festival ở Huế - Lễ hội đỉnh của chóp:
Chắc hẳn là mọi người đã từng nghe mấy cái biểu ngữ kiểu "Huế - Thành phố của Festival" nhưng có một vài người vẫn chưa biết nhiều về Festival Huế nhỉ? Vậy thì hôm nay, mình sẽ giới thiệu cho các bạn về một trong những lễ hội siêu cấp vip pro nhất của Huế nhé!
Festival của Huế thật ra có 2 loại, Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, diễn ra xen kẽ nhau, 2 năm 1 lần. Đối với Festival Nghề truyền thống Huế, khi tham gia, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng và thưởng thức đủ các thứ hay ho về truyền thống ở Huế, ví dụ như nghe hò Huế nè, xem đua ghe, xem hoặc thậm chí tham gia chơi đánh bài chòi, hội chợ ẩm thực,... với quy mô CỰC KỲ LỚN!
Còn đối với Festival Huế, các bạn sẽ không chỉ được chiêm ngưỡng những nét văn hóa trong nước của những vùng miền Bắc - Trung - Năm ở nước ta, mà còn có thể chiêm ngưỡng văn hóa của các nước bạn, hầu như quốc gia nào cũng đến Huế và mang theo tinh hoa nước họ đến Huế mỗi mùa Festival, và Festival này cũng có rất nhiều hoạt động như hội chợ ẩm thực, diễu hành đường phố cũng như các sân khấu trình diễn đủ loại hình nghệ thuật.
Và các bạn muốn nghe cái gì đó toẹt vời hơn không? Quy mô của Festival ở Huế phủ sóng đến TOÀN TỈNH! Nghĩa là từ phía Bắc đến phía Nam của Thừa Thiên - Huế, nơi đâu có dấu tích văn hóa, nơi đó, Festival Huế bao trùm, ví dụ như các bạn có thể về cầu ngói Thanh Toàn xem lễ hội, đi chợ quê, xem đua ghe,...v.v và sau đó chạy xuống điện Hòn Chén coi chầu văn. Mà mấy cái lễ hội này toàn tổ chức mấy ngày liền, cho nên tha hồ tận hưởng nhé!
9. Tâm linh và những câu chuyện kỳ bí:
Tui là tui biết mấy người hóng cí phần ni nhứt mà, thôi, ngồi xuống đi, tui noái cho mà nghe mấy chuyện, túi ngủ đừng cọ sợ đó nghe, tui không biết mô á! Mình sẽ chỉ kể một vài mẩu truyện ngắn, có ma hoặc không, nhưng đủ sởn da gà để mấy bạn khỏi ngủ. Những chuyện này được truyền miệng hoặc do chính mắt mình trông thấy.
Chuyện thứ nhất: Nếu các bạn có đi vào Đại nội (tức Hoàng thành Huế) hoặc khu vực kỳ đài vào đêm muộn, dù xung quanh có bật đèn đường sáng trưng thì cũng lo mà rời đi, đừng nhìn lung tung... bảo vệ chửi á! Đùa tí thôi, thật ra là chẳng ai muốn nhìn thấy những gì mà những trận chiến trước đây đã để lại trong kinh thành Huế vào ban đêm cả, ngó lung tung họ theo về nhà, không vào được vì có Thổ Công, Thổ Địa thì cũng đứng ngoài cửa sổ nhìn mình ngủ.
Chuyện thứ hai: Ở Huế, người ta gọi ma da là "ma rà", thường trú ở sông Bồ, sông Hương, những khu vực có người chết (nhất là ở trước trường Quốc Học và Hai Bà Trưng và cầu Dã Viên, nơi xóa nợ cấp tốc cho những con nợ). Đi bơi thì né mấy khu đó ra, bị lôi chân thì đừng hỏi vì sao.
Chuyện thứ ba: Khi ghé đến Huế với người yêu, đi đâu thì đi, đừng đi lên chua Thiên Mụ. Khi đi có đôi, khi về lẻ bóng.
Chuyện thứ tư: Ở cây những cây cổ thụ (đa, bồ đề, si,...), người ta thường hay lập am, miếu thờ cúng hoặc đơn giản chỉ là đốt vàng mã, cúng đồ ăn và vật dụng cho người âm ở dưới gốc cây, vì người ta có quan niệm rằng cây đa là nơi vong linh vất vưởng trú ngụ. Người Huế rất kiêng kỵ việc mang vất cứ cành cây, hòn đá nào về nhà vì sợ vong sẽ đi theo đó mà vào nhà... nhưng vào kiểu gì khi phía trên có ông bà, thần Phật ngự, phía dưới có Thổ công, Thổ địa. Tuy nhiên, nhiều người có thể thấy bộ đội chết trận ở trong nhà, nhưng vì họ hiền, không có ác ý nên ông bà cho ở ké.
Chuyện thứ năm: Trong thành Huế, gần trường THCS Thống Nhất và trường THPT Nguyễn Huệ, có một ngôi miếu nằm trên đường Mai Thúc Loan, tên là "miếu Âm Hồn" hẳn hoi, dùng để thờ cúng những người đã ngã xuống trong sự kiện thất thủ kinh đô. Miếu được xây ở ngay ngã tư nên có 2 mặt hở hướng ra đường, tuy nhiên, dù trời có nắng kiểu nào, miếu vẫn rất âm u và lạnh gáy. Vào ngày 23/05 Âm lịch hằng năm, người ta sẽ tổ chức cúng lớn trong miếu, những ngày đấy, người dân xung quanh sẽ cảm thấy không khí gần đó hơi lành lạnh, nhất là vào ban đêm.
Chuyện thứ sáu: Xung quanh chân núi Ngự Bình là rất nhiều khu nghĩa trang, âm khí rất nặng, nếu không phải dân nơi đó mà đi ngang khéo bị hù, nhưng người ta cũng không có ác ý, lâu lâu nghịch tý cho vui thôi.
Hy vọng bài viết này có thể giải ngố cho mọi người một vài điều về "nước Huệ", nếu có dịp, hãy ghé thăm Huệ, tham quan những danh lam thắng cảnh và thử đồ ăn nhé mọi người!!! Thật sự là khi viết bài viết này, mình cười có, khóc có (nhất là ngang đoạn mình viết về trường ấy, nước mắt nó cứ tuôn ra thôi kakaka), muốn có trải nghiệm khi đọc bài viết này tốt nhất, mời các bạn cùng nghe bài "Nàng Thơ Xứ Huế", được sáng tác bởi nhạc sỹ Hồ Hoài Anh và trình bày bởi ca sỹ Thùy Chi (https://www.youtube.com/watch?v=aRjg6oSrY7U). Hy vọng mọi người thích bài viết này, nếu có copy thì nhớ ghi nguồn nhé. Peace!
Đọc thêm:
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất