Dạo quanh trên internet trong những ngày gần đây, tôi chợt thấy những meme liên quan đến các nhà sư kiểu như thế này:
Hoặc thế này:
Có phải trong lịch sử Phật Giáo đã từng có những sư thầy đi ngược lại tôn chỉ của Đức Phật, đại khai sát giới như những gì mà kẻ ngoại đạo hay trêu chọc trên mạng xã hội hay không ? Có lẽ nào họ đang ngộ nhận sai lệch về Phật giáo qua những bộ phim như Tây Du Ký, Thiếu Lâm Tự, Nam Bắc Thiếu Lâm mà truyền thông Trung Quốc đang dùng để cổ vũ tinh thần yêu nước cũng như bạo lực là điều cần thiết trong chiến tranh ?

I. Quan điểm của đức Phật và Phật Giáo về chiến tranh.

Phật giáo luôn gắn liền với bất bạo động và hòa bình. Không tán đồng các hình thức bạo lực, bạo quyền và quân phiệt. Sự tham lam, thù hận, cố chấp, tham lam đất đai, tài sản, giàu sang, độc quyền kinh tế và ưu thế chính trị của một cá nhân, tập thể, quốc gia luôn là nguyên nhân tác động dẫn đến chiến tranh. Cũng như việc các nhà sư không được nhân danh đạo Phật tham gia và can thiệp vào giới chính trị.
Giải pháp của Ngài trong chiến tranh:
- Cam kết từ bỏ tâm sát hại sinh vật sống một cách gián tiếp hay trực tiếp => Không sử dụng và biện minh bạo lực, bạo động, chiến tranh.
- Phát triển tâm từ bi bác ái để chuyển hóa tâm hận thù thành tâm từ bi.
- Không mưu sinh bằng nghề chế tác, sản xuất, buôn bán vũ khí, độc dược.
- Giải quyết mâu thuẫn bằng hòa đàm.
- Đánh giá cao trong việc lựa chọn đầu hàng để tránh chiến tranh xung đột với một đất nước hùng mạnh hơn.
Nhưng trong sử sách, chẳng mấy ai đi theo quan điểm của Ngài. Vậy điều gì đã làm biến tướng triết lý của đức Phật ? Hãy cùng tôi đi qua một chút về lịch sử Phật giáo tại Việt Nam và Nhật Bản. Sau đó là tìm hiểu nguyên nhân cũng như động cơ của giới tinh hoa khi không đi theo phương án bất bạo động mà Đức Phật đã để lại.

II. Lịch sử Phật Giáo Trong chiến tranh:

1. Lịch sử Phật giáo Việt Nam trong thời kì chiến tranh:
Dưới thời nhà Tiền Lê – Lý (980 - 1225):
Năm 980, hoàng đế Đại Tống sai tướng Hầu Nhân Bảo mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, Lê Đại Hành triệu sư Vạn Hạnh vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Sư đáp trong vòng từ ba đến bảy ngày quân Tống sẽ rút lui. Lời này sau ứng nghiệm. Khi Lê Đại Hành muốn xuất quân đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả bị vua Chiêm bắt giữ nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và Lê Đại Hành đánh tan quân Chiêm.
Dưới Thời Nhà Trần (1225- 1400)
Vào thời kì suy tàn của nhà Lý, trong triều đình gặp nhiều vụ nội biến. Vì thế trong phái thiền môn thường không có vị cao tăng đắc đạo tiếp tục gìn giữ đạo Phật, vì vậy việc chưa hiểu kinh kệ, tu tập thường dẫn đến nhiều lầm lạc trong sự hiểu biết, đạo Phật trở thành mê tín dị đoan trong nhân gian.
Sau khi nhà Trần nối nghiệp và thừa hưởng mọi di sản quý báu do nhà Lý để lại. Triều đình nhà Trần vẫn còn sùng bái Phật giáo. Nhưng trong 50 năm tiếp theo, Phật giáo ngày càng suy thoái vì nhiều lý do. Trong thời kỳ này các Nhà Khổng Giáo phê phán Phật Giáo là đạo vô bổ gây nguy hiểm đến sự tồn vong của quốc gia. Triều đình buộc các sư thầy phải tham gia kì thi khảo hạng tăng sĩ bằng những giáo lý thông thường. Ai thi đậu thì được tiếp tục tu hành và trông coi các đình, chùa, hoàng cung… Sự hiểu biết lầm lạc về Phật giáo còn tồi tệ đến mức một vị thiền sư vào thời vua Trần Phế Đế năm 1381, đã triệu tập và thống lĩnh tăng binh gia nhập quân đội đánh quân Chiêm Thành.
Vua Trần Nhân Tông trong tác phẩm "Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ". Nguồn: Wikipedia
Vua Trần Nhân Tông trong tác phẩm "Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ". Nguồn: Wikipedia
Đối với vua Trần Nhân Tông (1258-1308), một vị vua sùng bái Phật giáo, sau khi có công đánh bại quân Nguyên Mông, ông vẫn tuân theo tôn chỉ của Đức Phật, từ bi với kẻ thù để không sinh thêm thù hận. Vua Trần cung cấp thuyền, lương thực và các phái đoàn tống tiễn quân Nguyên Mông về nước. Để tiếp tục giữ hòa hảo với phương Bắc, nhà Trần tiếp tục triều cống nhà Nguyên nhằm xoa dịu cái tôi của một nước lớn khi bị đánh bại bởi nước nhỏ. Sau khi truyền ngôi cho con trai và tu hành ở núi Yên Tử. Ông thường hành khất để bài trừ mê tín dị đoan của Phật tử trong nhân gian, thiết lập tu viện, thuyết pháp độ sinh, mở rộng những trạm phát thuốc để cứu chữa tật bệnh. Cho đến khi truyền pháp lại cho Tôn Giả Pháp Loa và viên tịch ở Am Ngọa Vân. Ông trở thành sư tổ của phái Trúc Lâm.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Các tu sĩ Phật giáo trong thời kì này chủ trương tập trung xây dựng lại các chùa chiền bị chiến tranh tàn phá, thiết lập cô nhi viện và các cơ quan từ thiện cứu giúp nạn nhân chiến tranh, cùng với các công cuộc chấn hưng lại phật giáo Việt Nam. Thay vì tham gia ủng hộ bạo lực chiến tranh như mọi người đã lầm tưởng.
Trường hợp trụ trì Thích Thế Long cùng các đệ tử của ông tại chùa Cổ Lễ.
Vì bất bình với sự hoàn hành ức hiếp dân lành của thực dân Pháp. Trụ trì của chùa Cổ Lễ lúc bấy giờ là hòa thượng Thích Thế Long, đã cho gọi Đại đức Thích Pháp Lữ và Đại đức Thích Trí Không lên thư phòng, hỏi: “Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu Tiên - Rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?”.
Đại đức Thích Pháp Lữ và Đại đức Thích Trí Không trả lời: “Bạch sư phụ! Việc đời loạn, nghiệp tu hành cũng không thể yên ổn. Con nghĩ, trong giới phật tử rất nhiều tăng ni có tâm huyết xả thân cứu nước. Mong sư phụ làm lễ "giải pháp y", thành lập đội nghĩa sĩ phật tử, cho phép các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc”
Ngày 27/2/1947, nhà chùa đã làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư tham gia kháng chiến chống Pháp. Và trong nhiều năm tiếp theo, hòa thượng Thích Thế Long tiếp tục phát nguyện cho các chư tăng hoàn tục tham giam kháng chiến chống Pháp.
2. Tăng binh Sohei trong lịch sử Phật Giáo Nhật Bản.
Vì có nhiều tông phái ủng hộ bạo lực chiến tranh nổi bật như Thiên Thai Tông, Thiền Lâm Tế, Tịnh Độ Tông. Tôi sẽ không lan man quá nhiều về sự tranh chấp giữa họ trong các thời kì lịch sử Phật Giáo Nhật Bản. Cho nên, chúng ta chỉ cần tập trung vào “công cụ” mà các tông phái này thường dùng trong chiến tranh, đó là tăng binh (Sohei).
Định nghĩa tăng binh (Sohei): Tăng binh, những chiến binh Phật giáo phục vụ cho các tu viện, được các nhà chùa nuôi dưỡng, đào tạo võ thuật và trang bị vũ khí như các samurai.
Tăng binh tự cho mình là những sư thầy không thể đạt được giác ngộ trong thời kì Mạt Pháp, lực lượng này bao gồm các nhà sư, samurai, và người dân nương nhờ các ngôi đền vì muốn trốn tránh sưu cao thếu nặng từ các lãnh chúa suy đồi trong thời kì Heian.
Hoạt động chính của họ bảo vệ đất đai và người dân trước trộm cướp trong những ngày đầu thành lập. Nhưng cho đến khi nhận được quyền lực chính trị, tăng binh chuyển sang gây hấn với các tông phái Phật Giáo khác do trái ngược quan điểm tu tập. Ngoài ra, Tăng binh còn là lực lượng tham chiến trong các trận chiến giữa các tông phái với hoàng gia, các tông phái với các sứ quân trong suốt chiều dài lịch sử từ thời kì Heian – thời kì Mạc Phủ Tokugawa (thế kỉ 10 - 17).
Sự khởi đầu dẫn đến các cuộc chiến tranh cuồng tín nhân danh Đức Phật.
Các tăng binh đầu tiên xuất hiện trong thời kỳ Heian, khi mối thù chính trị gay gắt bắt đầu giữa các ngôi chùa khác nhau, các tông phái khác nhau của Phật giáo về việc bổ nhiệm hoàng gia vào các vị trí chùa hàng đầu trong hệ thống sōkan ( zasu hoặc trụ trì Phật giáo). Phần lớn các cuộc giao tranh trong bốn thế kỷ tiếp theo là vì những mối thù chính trị này, và tập trung xung quanh các ngôi chùa ở Kyoto, Nara và Ōmi , cụ thể là 4 ngôi chùa lớn nhất trong cả nước bao gồm Tōdai, Kōfuku, Enryaku và Mii-dera.
Cuộc xung đột vũ trang đầu tiên nổ ra vào năm 949, khi 56 nhà sư từ chùa Tōdai tổ chức một cuộc biểu tình tại dinh thự của một quan chức tại Kyoto, vì một cuộc hẹn khiến họ không hài lòng. Các cuộc biểu tình kiểu này tiếp tục diễn ra trong suốt thế kỷ thứ 10, và bùng phát thành các cuộc ẩu đả dẫn đến thương vong. Năm 970, sau một cuộc tranh chấp giữa chùa Enryaku và đền Yasaka ở Kyoto, trụ trì Ryōgen của chùa Enryaku đã thành lập tăng binh, thiết lập một quy tắc ứng xử của tu viện nhằm ngăn cản các sư rời khỏi núi Hiei trong suốt mười hai năm đào tạo, các sư không được che mặt và buộc mang theo vũ khí.
Bắt đầu từ năm 981, đã xảy ra một số cuộc xung đột vũ trang giữa chùa Enryaku và chùa Mii-dera – 2 tiểu phái thuộc Thiên Thai Tông. Những tranh chấp này vẫn giống như trước đây, cũng là các cuộc hẹn chính trị và nghi thức đáng khinh. Thông thường, là việc các nhà sư phản đối các thành viên của một phe được chọn làm trụ trì ngôi chùa của phe kia. Điều này tiếp tục lặp đi lặp lại, có lần dừng lại trong 40 năm, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12. Vì vậy, lực lượng tăng binh giữa các chùa trở nên đông đảo, cùng với bạo lực ngày càng gia tăng. Cho đến năm 1121 và năm 1141, chùa Mii-dera bị các nhà sư từ chùa Enryaku thiêu rụi. Các ngôi chùa khác cũng bị lôi kéo vào các cuộc xung đột, cho nên Enryaku và Mii-dera đã đoàn kết chống lại chùa Kōfuku và chùa Kiyomizu.
Những sự kiện lịch sử nổi bật có mặt lực lượng Sohei
Chiến tranh Geipei:
Vào cuối thế kỷ 12, Nhật Bản chìm trong Chiến tranh Genpei và trong khi mối thù giữa các ngôi đền đại diện chính là Enryaku và Mii-dera vẫn chưa kết thúc. Cả hai gia tộc Minamoto và Taira đang gây chiến đều cố gắng nhận được sự trợ giúp của các tăng binh ở Nara và Kyoto.
Trận chiến bảo vệ Bình Đẳng Viện (Byōdō-in) Nguồn: Google
Trận chiến bảo vệ Bình Đẳng Viện (Byōdō-in) Nguồn: Google
Taira no Kiyomori (lãnh đạo quân sự nhà Taira) đã gửi những món quà hào phóng gồm gạo và lụa cho chùa Enryakuji, đảm bảo rằng họ sẽ không giúp đỡ kẻ thù của ông. Còn gia tộc Minamoto đã liên minh với các nhà sư của chùa Mii-dera. Trong Trận chiến Uji năm 1180, một trong những trận chiến nổi tiếng có mặt tăng binh, các nhà sư của Mii-dera, cùng với lực lượng samurai Minamoto, đã cố gắng bảo vệ cây cầu bắc qua sông Uji, nơi mà tu viện Byōdō-in nằm ở phía sau cây cầu trước sự tấn công của quân đội nhà Taira. Các nhà sư kéo các tấm ván của cây cầu lên để làm giảm khả năng đi qua của các samurai cưỡi ngựa. Các tăng binh đứng vững ngăn cản kẻ thù với cung tên, naginata, kiếm và dao găm, nhưng cuối cùng họ đã bại trận. Sau chiến thắng của mình, Taira no Kiyomori ra lệnh trả thù những nhà sư chống lại ông. Chùa Mii-dera một lần nữa bị thiêu rụi, cũng như nhiều ngôi đền ở Nara. Vì không tham chiến theo lời hứa trước đó, chùa Enryaku bình an vô sự.
Chiến tranh Nam Bắc Triều.
Tăng binh Núi Hiei đã thu nhận Hoàng đế nổi loạn Go-Daigo và cung cấp cho ông ta nơi trú ẩn. Hoàng đế Go-Daigo, cùng với con trai của mình cùng sự giúp đỡ của các tăng binh của Núi Hiei, đã phát động một cuộc nổi dậy ngắn chống lại Mạc phủ Kamakura. Mạc phủ Ashikaga lên nắm quyền ngay sau đó, và ủng hộ Thiền tông hơn các tông phái Phật giáo khác, khiến các tăng binh phẫn nộ. Trong suốt những năm 1340–1360, một số xung đột đã nổ ra giữa các ngôi chùa của phái Thiên Thai và Thiền Tông, đặc biệt là chùa Nanzen-ji .
Sengoku-jidai và phong trào Phật Giáo Ikkō-Ikki
La bataille d'Azukizaka de 1564 est l'affrontement décisif entre Ieyasu et les ikki. Nguồn: Wikipedia
La bataille d'Azukizaka de 1564 est l'affrontement décisif entre Ieyasu et les ikki. Nguồn: Wikipedia
Từ năm 1467, Chiến tranh Ōnin diễn ra gây bạo loạn khắp nơi, chủ yếu tại Kyoto đã kích thích sự quay trở lại của các tăng binh, mặc dù lúc bấy giờ các sư sãi đã thực hiện chủ trương bất bạo động.
Lực lượng Ikkō-Ikki bao gồm nông dân, các nhà sư đã tuân theo tín ngưỡng Phật Giáo Chân Tông, đấu tranh chống lại các Samurai, khởi đầu là đánh chiếm tỉnh Kaga, sau đó phong trào này tiếp tục lan rộng sang Nagashima, Ishiyama Hongan-ji , và tỉnh Mikawa.
Tokugawa Ieyasu tấn công quân Ikkō-ikki tại tỉnh Mikawa vào năm 1564 trong Trận Azukizaka, và ông ta đã thất bại trong việc đánh bại Ikkō-ikki. Sau đó, Tokugawa Ieyasu đã quay trở lại cùng một đội quân các tăng binh từ phái Jōdo-shū (một nhánh nhỏ thuộc Tịnh Độ Tông), kết quả là quân Ikkō-ikki đã thất bại và nhiều chùa chiền của Phật Giáo Chân Tông bị Tokugawa Ieyasu đốt phá.
Lực lượng tăng binh lâm trận - Nguồn: Google
Lực lượng tăng binh lâm trận - Nguồn: Google
Khi Oda Nobunaga lên nắm quyền vào cuối những năm 1560, các nhà sư của chùa Enryaku đã lấy lại được sức mạnh quân sự của mình và tiến hành một số cuộc giao tranh trên đường phố Kyoto chống lại một giáo phái đối thủ mới, đó là Phật giáo Nhật Liên(Nichiren). Cuối cùng, họ đốt cháy tất cả các ngôi chùa của phái Nhật Liên tại Kyoto, và sau đó tìm kiếm đồng minh giữa các lãnh chúa địa phương ( daimyō ). Thật không may cho họ, Gia tộc Azai và Asakura mà họ liên minh lại là kẻ thù của Oda Nobunaga. Bắt đầu từ ngày 29 tháng 9 năm 1571, đội quân 30.000 người của Nobunaga dẫn đầu Cuộc vây hãm núi Hiei, tiêu diệt chùa Enryaku và tàn sát hàng nghìn người. Chùa Enryaku đã được xây dựng lại sau cuộc tàn sát, nhưng đội quân thường trực của các tăng binh sẽ không bao giờ được tái lập lại một lần nữa.
Nobunaga sau đó tiếp tục truy quét tiêu diệt các lực lượng Ikkō-ikki nổi loạn, trong đó bao gồm nông dân và các nhà sư. Cuối cùng họ phải đầu hàng vào năm 1580.
Các lực lượng tăng binh thuộc nhiều tông phái còn lại, đang phục vụ cho cả hai bên Tokugawa Ieyasu và quân đối địch là Toyotomi Hideyoshi đã chém giết lẫn nhau, cho đến chiến tranh kết thúc dưới sự thống nhất của Tokugawa Ieyasu vào năm 1603. Từ đây về sau, thời kì mà những kẻ đi lại tôn chỉ bất bạo động của Đức Phật đã kết thúc.
Vậy, điều gì đã khiến các Phật tử đi ngược lại với lời dạy bất bạo động của Đức Phật Thích Ca ?
2. Dùng kinh điển để biện minh cho quan điểm “dùng bạo lực để có hòa bình”
Trước hết, tôi phải làm rõ với các bạn về mục đích các sư thầy tham gia chiến tranh là hoàn toàn khác nhau:
- Đối với Việt Nam, đó là chiến tranh vệ quốc.
- Đối với Nhật Bản, lí do chính đáng khi lập ra tăng binh là để phòng bị, bảo vệ người dân tị nạn trước các tông phái, cũng như lãnh chúa đối địch. Nhưng trong đa số các trường hợp, mục đích chính của họ là giao tranh dành giật đất đai, quyền lực, hoặc giải quyết tranh cãi về phương pháp tu hành.
Nếu xét về sự giống nhau, thì cả đôi bên đều dùng kinh Đại Bát Niến Bàn để nêu lên quan điểm:
Kinh Đại Bát Niết Bàn vào thời nhà Tùy. Nguồn: Google
Kinh Đại Bát Niết Bàn vào thời nhà Tùy. Nguồn: Google
“Sát sinh là điều không thể tránh khỏi trong thời chiến loạn”
Trong tất cả các bộ kinh, Đức Phật không nhắc đến việc Phật tử phải chịu cảnh khổ đau một cách tiêu cực khi chứng kiến người dân, đồng bào, máu mủ vô tội bị sát hại bởi giặc ngoại xâm.
Rốt cuộc, bạo lực vẫn được sử dụng nếu tất cả các phương án bất bạo động là bất khả thi.
Theo Kinh Đại Bát Niết Bàn, dùng bạo lực với mục đích tự vệ chính đáng trước kẻ thù xâm lược khi “Phật tử tại gia” (Việt Nam) và Tăng Binh (Nhật Bản) thực hiện phải đủ ba động cơ:
1. Bi: Nhận thức bày tỏ lòng thông cảm sâu sắc trước nổi khổ niềm đau của tha nhân (đồng bào, đồng loại). Cũng như thương sót kẻ thù tham sân si xâm lấn bờ cõi.
2. Trí: Phật tử khi giết người phải chấp nhận chịu đựng nhận lấy hậu quả sát nghiệp. Đồng thời, sự hy sinh này mang lại hòa bình cho người vô tội. Nếu nghiệp hòa bình xảy ra thì nghiệp ác sẽ bị lấn át.
3. Dũng: Bản lĩnh vô ngã đối đầu với cái chết, thử thách, không sợ nhận nghiệp xấu.
Ngoài ra, kinh Tương Ưng Tập 1 nêu lên trường hợp ngoại lệ khi nước Kosala sử dụng chiến tranh tự vệ, tôi sẽ tóm tắt ngắn gọn bài kinh như sau:
Vua Ajatashatru cất quân sang đánh nước Kosala hòng sáp nhập vương quốc láng giềng ấy vào lãnh thổ của mình. Ajatashatru dàn quân nghênh chiến với vua Kosala là Pasenadi và liên tục chiến thắng, nhưng trong trận đánh quyết định của cuộc chiến, Pasenadi cho quân giả vờ rút lui; nhân lúc quân Magadha sơ hở, Pasenadi sau đó tung quân tập kích đánh tan địch, bắt Ajatashatru và tịch thu binh khí. Vua Magadha được tha chết, nhưng sau cuộc bại trận đó ông trở nên oán hận, quyết tâm phục thù nước Kosala.

III. Phật Giáo dưới góc nhìn chính trị tại Việt Nam và Nhật Bản:

Tại Việt Nam, Phật Giáo đã du nhập vào đồng bằng Bắc Bộ từ rất sớm và trở thành một tín ngưỡng bản địa trong thời kì Bắc thuộc, vì chữ “Bụt” là từ phiên âm bắt nguồn từ chữ  बुद्ध (buddh) trong Phạn Ngữ, và từ này đã xuất hiện trước từ “Phật” của Phật Giáo Bắc tông truyền vào Việt Nam. Khi Việt Nam giành được độc lập sau nghìn năm Bắc thuộc, các vương triều tiếp tục sử dụng Phật Giáo với tư cách là tôn giáo bản địa nhằm “rũ bỏ” sự lệ thuộc vào văn hóa Hán tộc, khơi dậy bản sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Phật giáo cũng góp phần xây dựng đối sách mềm dẻo, vừa kiên quyết trong xây dựng triều đại mới của các nhà chính trị. Vào giai đoạn đỉnh cao của Phật Giáo dưới thời Lý Trần, các nhà vua và hoàng tộc đều tôn sùng đạo Phật, nhiều đường lối, chính sách được các trí thức Phật giáo đóng góp xây dựng. Vì vậy, Phật Giáo thời kì này mang đậm tinh thần khoan dung từ bi của Đức Phật. Với trường hợp điển hình là vua Trần Nhân Tông, sau khi đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược, ông thực hiện chính sách hòa hợp và hòa giải để an định dân chúng sau chiến tranh, những kẻ phản bội được tha thứ, và ông ra lệnh các tướng lĩnh không được ngăn cản Quân Nguyên Mông tháo chạy về nước. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có chi tiết: “Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng”.
Để giữ mối hòa hảo với các nước lân bang, ông tiếp tục triều cống cho nhà Nguyên, cũng như liên minh với Champa bằng con đường hôn nhân.
Nếu xét trên kinh điển Phật Giáo, thì hành động của ông không khác gì với vua Pasenadi, khi ông đánh bại và tha mạng vua Ajatashatru. Cũng như đại đế Ashoka, sau khi ông ta ám ảnh trước trận chiến Kalinga đẫm máu, "Ashoka bạo vương" theo đuổi Phật giáo và không còn sử dụng bạo lực mở rộng bờ cõi. Thay vào đó ông liên minh với quốc gia khác bằng chính sách bất bạo động của đức Phật.
Các vị vua ở thời Lý - Trần phân định rõ ràng giữa hai vị thế ông vua và đức Phật. Khi làm vua vì dân vì nước, đề cao pháp quyền trừng  trị kẻ phạm tội cho dù có phạm giới sát sinh. Nhưng khi thấy vai trò của mình không còn, vua sẵn sàng “từ bỏ ngai vàng” để chuyên tâm tu thiền như các vị vua – phật Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông…
Đối với các vị thiền sư ở thời Lý – Trần, không ai trong số họ tham gia chính trường. Nếu có việc quan trọng ở triều đình, họ chỉ là những cố vấn đưa ra ý kiến. Giống như sư Vạn Hạnh đã đưa ra những lời “sấm truyền” cho vua Lê Đại Hành khi đánh giặc ngoại xâm. Ngoài ra, việc say mê tu tập thiền, nghiên cứu Phật giáo đã giúp các vị vua rèn luyện tâm tính trong việc an dân cũng như bản lĩnh vững vàng nơi trận mạc.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Tại chùa Cổ Lễ, hòa thượng Thích Thế Long chỉ hội ý với các đệ tử có nên từ bỏ chính sách bất bạo động hay không. Chưa lần nào ông ép buộc các đệ tử ra trận, thay vào đó là tinh thần tự nguyện của các Phật tử tại chùa. Tất nhiên, họ không nhân danh đức Phật trừ giặc ngoại xâm, thay vào đó yêu cầu hòa thượng Thích Thế Long làm lễ phát nguyện hoàn tục tham gia kháng chiến.
Tại Nhật Bản, các Thiên Hoàng thời kì đầu tự xưng mình là con cháu của nữ thần Amaterasu, đất nước Nhật được tạo ra bởi thần Izanagi và Izanami. Thực ra, thần thoại về các vị thần trong Thần Đạo chỉ là sự thêu dệt của giới cầm quyền, để chứng tỏ sự tồn tại chính đáng của hoàng tộc nhằm dễ bề cai trị dân chúng. Cho đến khi đạo Phật du nhập vào Nhật Bản thông qua nước Bách Tế (Triều Tiên) vào năm Canh Ngọ 538 bởi sự cho phép của Thiên Hoàng Kinmei. Từ đây trở về sau, giới cầm quyền bắt đầu dung hợp các vị thần của Phật Giáo vào Thần Đạo, ví dụ như Phật Như Lai Đại Nhật là thần Amaterasu của Mật Tông, Thần chiến tranh Hachiman trở thành Bát Phiên Đại Bồ Tát. Hay ở thời Asakusa, hoàng thái tử Umayado đã cầu xin sự phù hộ chiến thắng của Tứ Đại Thiên Vương hộ pháp, sau đó dựng các đền chùa thờ cúng Tứ Đại Thiên Vương. Dần dần, Thần Quyền và Vương Quyền trở thành hai bánh xe không thể tách rời khỏi cỗ xe chính trị tại Nhật Bản, nhờ đó Phật Giáo phát triển rầm rộ sinh ra nhiều tông phái khác nhau.
Ở thời Heian, các chùa chiền tự viện bắt đầu có tiếng nói và quyền lực chính trị, thái tử Kammu dời đô về Heian nhằm làm giảm đi sức mạnh chính trị của các chùa chiền như đã nói trên. Ông phái sư Không Hải và sư Tối Trừng sang Trung Quốc học tập Mật Tông – Kim Cương Thừa. Từ đây các luồng tư tưởng Phật Giáo mới đến từ Trung Quốc bắt đầu xung đột với Phật Giáo cũ ở thời Nara. Vào khoảng giữa thời Heian là đúng 2000 năm kể từ khi đức Phật nhập diệt, Phật Tử tin rằng sau 1000 năm Chính Pháp, 1000 năm Tượng Pháp thì sẽ đến thời kỳ Mạt Pháp đen tối mà tại đây Phật giáo diệt vong, dù có nỗi lực tu tập bao nhiêu thì thời kì Mạt Pháp cũng không khiến tăng chúng giác ngộ. Tại thời điểm này, nền chính trị Nhật Bản cũng đang trên con đường suy vong. Chính vì như vậy mà phái Tịnh Độ Tông ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của Phật tử cũng như giới quý tộc thời bấy giờ. Họ thi nhau niệm “A di đà Phật” để có thể đến cõi Tây phương cực lạc. Cũng vì thế mà các chùa chiền thừa hưởng được nhiều ruộng đất do giới quý tộc làm công đức cho chùa. Ngoài ra bất ổn xã hội ngày càng gia tăng, giới quý tộc hành hạ dân chúng bằng sưu cao thuế nặng, trộm cướp hoành hành khắp nơi. Để bảo vệ Phật tử cũng như ruộng đất của chùa, tăng binh (sohei) ra đời để đáp ứng nhu cầu là điều cần thiết và cấp bách.
Nhưng mâu thuẫn giữa các tông phái ngày càng gia tăng, dẫn đến lực lượng tăng binh ngày càng đông đảo đến mức trở thành các tập đoàn vũ trang. Khi nước bọt đã cạn khô thì nắm đấm trở thành câu trả lời chính đáng. Tăng binh đại khai sát giới khi họ tin rằng thời Mạt Pháp đã tới, kinh Đại Bát Niết Bàn cho phép dùng vũ lực thay vì bất bạo động. Họ nhân danh Đức Phật A Di Đà cùng với Bi, Trí, Dũng tiễn đưa các Phật tử đối địch về cõi Tây phương cực lạc, giúp kẻ thù tu tập cấp tốc ở cõi Tây phương, mau chóng đạt được giác ngộ.
Từ thời kì Kamakura trở đi, cũng không có gì thay đổi khi Phật giáo luôn luôn ảnh hưởng trong giới cầm quyền. Đặc biệt là tầng lớp samurai. Những sự kiện tàn khốc mà tăng binh đã gây ra, tôi đã nêu hết ở phần lịch sử.
Đối với thời kì Đức Phật còn tại thế, Ngài sinh ra đã là thái tử của một quốc gia, người dân Ấn Độ thời kì đó chỉ tin tưởng vào những người thuộc giới tinh hoa, cùng với văn hóa tự do tín ngưỡng tại Ấn độ thời bấy giờ đã giúp con đường truyền đạo của Ngài rất dễ dàng. Nhưng để đạo Phật lan tỏa một cách nhanh chóng, ngài phải thuyết pháp các vua chúa hiểu đạo của Ngài. Đương nhiên, Ngài đã thuyết phục được 8 vị vua trên tất cả 16 thành bang đi theo con đường của đức Phật. Nhưng theo những nghiên cứu lịch sử của các sử gia Ấn Độ và Nepal đã cho thấy, dù các vua chúa có theo đạo Phật thì phương án bất bạo động đều bất khả thi trong chiến tranh. Khả năng Đức Phật ngăn cản thành công các vị bạo vương từ bỏ thù oán là rất thấp. Điển hình như vua Virūḍhaka (Tỳ Lưu Ly) thảm sát dòng họ Thích Ca để trả đũa việc dòng họ Thích Ca đã gả cho cha mình một cô gái nô lệ, người trở thành mẹ của vua Virūḍhaka. Đức Phật đã khuyên ông ta từ bỏ thù oán đến ba lần nhưng không thành công, cuối cùng Ngài chấp nhận ra đi vì đây là hậu quả mà dòng họ Thích Ca phải nhận lấy.
Và vì thế, để Phật Giáo được truyền đạo chính đáng tại các quốc gia. Đức Phật cùng các vị cao tăng truyền giáo đều phải thuyết phục được giới cầm quyền theo đạo nhằm truyền bá triết lý của mình, nhưng sức mạnh của chính trị và quyền lực nằm ở vị thế cao hơn tôn giáo, dẫn đến sự biến tướng, sự biện minh của giới cầm quyền dựa trên kinh kệ về quan điểm chiến tranh và hòa bình của Đức Phật. Cho nên giáo lý của Đức Phật về chiến tranh ít khi thuyết phục các vị vua chúa, tăng binh từ bỏ bạo lực.

IV. Sự ảnh hưởng của các tôn giáo khác khi đạo Phật du nhập vào các nước ảnh hưởng bởi Bắc Tông.

Đối với các nước ảnh hưởng bởi Phật Giáo Bắc Tông: Mông Cổ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Các tu viện thường thờ những vị thần bắt nguồn từ tôn giáo khác, với góc gác là thần chiến tranh hoặc ác thần sát sinh vô độ trước khi trở thành hộ pháp bảo vệ Đức Phật, cũng như tu viện.
Tại Việt Nam:
Vi Đà Tôn Thiên. Nguồn: Google
Vi Đà Tôn Thiên. Nguồn: Google
Vi đà hay Vi Đà Tôn Thiên, là con trai của thần Hộ pháp Phật giáo Đại Tự Tại Thiên, sau đó trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo.
Thực ra, ông ta là chiến thần Skanda của đạo Hindu, thần có sáu đầu mười hai tay, tay cầm cung tên, cưỡi trên lưng khổng tước. Phật giáo Đại thừa đã hấp thu vị thần này và biến thành vị hộ pháp chốn tu viện. Trong các buổi cúng hộ pháp, các thầy tu thường niệm kinh tán dương ông như sau: "Bảo xử chấn ma quân, công đức nan luân, dùng chày kim can dẹp ma, công đức khó nghĩ bàn"
Một số cao tăng cho rằng Vi Đà không chỉ “dẹp ma” bảo vệ Đền Chùa, mà còn ẩn dụ cho hành động sử dụng bạo lực tự vệ chính đáng khi có chiến tranh xảy ra.
Tại Nhật Bản:
Hachiman-dai Bosatsu - Nguồn: Wikipedia
Hachiman-dai Bosatsu - Nguồn: Wikipedia
Hachiman-shin hay Hachiman-dai Bosatsu (Bát Phiên thần/Bát Phiên Đại Bồ Tát), là thần chiến tranh bảo vệ nước Nhật, tên của thần có nghĩa là 8 cờ hiệu báo hiệu sự ra đời của thiên hoàng Oji, ông được tầng lớp nông dân và samurai tôn thờ. Sau khi Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản, vị thần này trở thành Bát Phiên Đại Bồ Tát của Phật Giáo.
TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG HỘ PHÁP Ở CẢ NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM.
Đa Văn Thiên Vương (Bishamonten) vị thần hộ pháp có nguồn gốc từ Trung Quốc, vào thời nhà Tần vị thần này được cúng bái phù để hộ các binh sĩ trước khi ra trận. Tại Nhật Bản, vị hộ pháp này cũng đại diện cho chiến tranh, phù hộ binh sĩ.
Chúng ta có thể thấy, những vị thần bên ngoài Phật Giáo này mang ý nghĩa đại diện cho bạo lực và chiến tranh, thay vì hộ pháp bảo vệ chùa, trừ tà trừ ác. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền theo Phật Giáo càng có thêm lý do rằng họ không sai khi đi ngược lại quan điểm của Đức Phật.

V. Kết - Có nên dùng bất bạo động để giải quyết vấn đề hay không ?

Theo tôi, bất bạo động của Phật Giáo luôn là cách tốt nhất để hòa giải mọi mâu thuẫn của giới cầm quyền. Trong lịch sử đã có nhiều trường hợp các quốc gia sử dụng chính sách ngoại giao khôn khéo, cùng với những cuộc hòa đàm để đạt được lợi ích chung giữa hai quốc gia, vì mục đích cuối cùng là bảo vệ sinh mạng của nhân dân. Và đã có trường hợp các quốc gia yếu thế lựa chọn đầu hàng thay vì đối chọi với đất nước hùng mạnh hơn.
Nhưng các nhà sư phải làm đúng việc của mình, cũng như tuân thủ theo những gì Đức Phật đã đề ra. Điển hình như tấm gương Đức Đạt Lai Lạt Ma, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đấu tranh bất bạo động hết mình vì hòa bình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Đức Đạt Lai Lạt Ma
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Đức Đạt Lai Lạt Ma
Đối với các Phật tử chưa xuất gia, thì việc dùng bạo lực để đạt được hòa bình luôn là phương án cuối cùng, nếu các nước mang tư tưởng bành trướng cố chấp xâm lược bờ cõi.
Con đường của Phật Giáo về chiến tranh và hòa bình, là con đường chính phủ Việt Nam đang đi sau khi dành được hòa bình và độc lập. Để tránh khỏi xung đội vũ trang không đáng có, chính phủ nước ta luôn dùng chính sách đối ngoại khôn khéo, mềm mại của bộ ngoại giao, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc và những tranh chấp biên giới với các nước Đông Nam Á. Cũng vì thế, Việt Nam trong những năm gần đây đã có tiếng nói tại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ngày 15 – 12 – 1999, tại phiên họp thứ 54 của đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận Phật giáo và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị giáo chủ của Phật giáo là nhân vật tiêu biểu bởi phương châm “hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”.
Để kết thúc bài viết, tôi sẽ dành tặng độc giả 3 bài kệ mà Đức Phật để lại cho giới tinh hoa cũng như dân chúng về chiến tranh và hòa bình:
Khi đàn bò lội sông,
Ðầu đàn đi sai lạc,
Cả đàn đều đi sai,
Vì hướng dẫn sai lạc.
Cũng vậy, trong loài Người,
Vị được xem tối thắng,
Nếu sở hành phi pháp,
Còn nói gì người khác,
Cả nước bị đau khổ,
Nếu vua sống phi pháp.
Khi đàn bò lội sông,
Ðầu đàn đi đúng hướng,
Cả đàn đều đúng hướng,
Vì hướng dẫn đúng đường.
Cũng vậy, trong loài Người,
Vị được xem tối thắng,
Nếu sở hành đúng pháp,
Còn nói gì người khác,
Cả nước được an vui,
Nếu vua sống đúng pháp.
Thắng trận sanh thù oán,
Bại trận nếm khổ đau,
Ai bỏ thắng, bỏ bại,
Tịch tịnh, hưởng an lạc.
Vì nghĩ đến tư lợi,
Nên mới cướp hại người,
Khi người khác cướp hại,
Bị hại, lại hại người.
Người ngu nghĩ như vậy,
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác đã chín muồi,
Người ngu chịu khổ đau.
Sát người, bị người sát,
Thắng người, bị người thắng,
Mắng người, người mắng lại,
Não người, người não lại,
Do nghiệp được diễn tiến,
Bị hại, lại hại người.
Nguồn tham khảo:
https://buddhism-guide.com/sohei/