Pháp chân đế #7: Giới thiệu chung về tâm
Trên thực tế, thế giới chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, tức là ở lúc tâm sinh và hay biết một đối tượng, chỉ trong một khoảnh khắc đó mà thôi, và rồi thế giới diệt đi cùng với tâm....
Chính tâm dẫn dắt đời,
Chính tâm tự não hại
Chính tâm là một pháp,
Mọi vật đều tuỳ thuộc
Tâm là yếu tố kinh nghiệm một thứ gì đó, là thực tại kinh nghiệm đối tượng. Tâm có vai trò dẫn đầu, lãnh đạo trong việc nhận biết đối tượng. Kinh nghiệm được nói đến ở đây hết sức phong phú, đa dạng, tương ứng với đó tâm cũng hết sức đa dạng: có tâm thấy, tâm nghe, tâm ngửi, tâm nếm hay tâm kinh nghiệm đối tượng xúc chạm, rồi có cả tâm kinh nghiệm bằng cách suy nghĩ các chủ đề khác nhau nữa. Theo đó, thế giới của mỗi người được điều khiển bởi tâm của mình. Tâm của một số người đã tích luỹ rất nhiều thiện pháp, dù gặp hoàn cảnh không thuận lợi, họ vẫn có thể có từ tâm, bi mẫn và sự quân bình. Trong khi ấy, thế giới của người khác có thể là thế giới của oán thù, khó chịu, sân hận và trái ý tương ứng với tích luỹ của họ. Vì thế, trên thực tế mỗi người luôn là thế giới của riêng mình.
I. Tâm và "Thế giới"
Có vẻ như tất cả chúng ta đang sống trong cùng một thế giới. Tuy nhiên trên thực tế, các sắc khác nhau xuất hiện với mỗi người khác nhau qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tất cả những sắc hay hiện tượng khác nhau ấy không thể nào xuất hiện và đóng vai trò quan trọng đến như vậy nếu không có tâm, tức là yếu tố kinh nghiệm chúng. Vì tâm có vai trò lãnh đạo trong việc kinh nghiệm các đối tượng xuất hiện qua ngũ môn và ý môn, nên thế giới của mỗi người là do tâm mình ngự trị.
Do đối tượng thị giác (một loại sắc pháp) xuất hiện qua mắt, dường như ta thấy có nhiều người cùng sống trên thế giới này ở cùng một thời điểm/ địa điểm. Tuy nhiên, nếu như có hiểu biết rõ về đặc tính của pháp đang kinh nghiệm, tức là pháp (=tâm thấy) sinh khởi và nhìn thấy đối tượng xuất hiện tại khoảnh khắc đó thì ta cũng đồng thời hiểu rằng: cái thấy chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi và ở khoảnh khắc đó chỉ có thế giới của cái thấy mà thôi. Trong thế giới đó không có con người, không có chúng sinh hay những thứ khác. Trong thế giới đó chỉ có duy nhất đối tượng thị giác chứ chưa hề xuất hiện bất cứ hình dáng hay bất cứ câu chuyện hay thậm chí là định danh nào về cái được thấy. Thế giới với những chúng sinh, con người hay những thứ khác nhau chỉ xuất hiện sau đó, ở các khoảnh khắc mà các tâm suy nghĩ về cái được thấy liên tiếp sinh khởi lên. Thế giới xuất hiện ở khoảnh khắc của cái thấy khác với thế giới xuất hiện ở khoảnh khắc của suy nghĩ (về cái đã được thấy).
Tâm chỉ sinh lên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, thực hiện chức năng của nó rồi diệt đi, ngay lập tức nhường chỗ cho tâm tiếp theo cũng lại sinh lên và diệt đi, cứ liên tục như thế. Vì sự sinh diệt liên tục này diễn ra quá nhanh không hề gián đoạn nên dường như có cả một thế giới rộng lớn với nhiều người, nhiều thứ khác nhau cùng có mặt một lúc. Tuy nhiên, với hiểu biết đúng thì không phải như vậy. Thật ra, chỉ có duy nhất một thực tại xuất hiện ở một thời điểm và chỉ trong một sát na. Tâm sinh và diệt tiếp nối cái này sau cái kia rất nhanh khiến dường như thế giới không tan rã, thế giới tồn tại kéo dài với những con người, chúng sinh và những thứ khác nhau. Nhưng trên thực tế, thế giới chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, tức là ở lúc tâm sinh và hay biết một đối tượng, chỉ trong một khoảnh khắc đó mà thôi, và rồi thế giới diệt đi cùng với tâm.
II. Tâm muôn mầu muôn vẻ
Không chỉ có một loại yếu tố kinh nghiệm, một loại tâm, mà có nhiều loại tâm khác nhau. Tính chất đa dạng của tâm thể hiện khi chúng ta nghĩ (suy nghĩ cũng là một cách thức mà qua đó Tâm kinh nghiệm đối tượng của nó) về các chủ đề khác nhau.
Chúng ta sẽ làm gì hôm nay, chiều nay hay ngày mai? Nếu như không có tâm thì chúng ta chẳng thể thực hiện bất cứ hành động nào. Việc chúng ta có thể có những hành động khác nhau trong ngày phản ánh tính đa dạng của tâm trong mỗi chúng ta. Khi xem xét điều này rõ hơn, ta sẽ thấy rằng suy nghĩ đa dạng sinh khởi tương ứng với tính chất đa dạng của các loại tâm sinh khởi. Khi ta suy nghĩ, tâm là thực tại suy nghĩ và mỗi người nghĩ theo một cách khác nhau. Các hành vi qua thân và khẩu đa dạng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng là do tính đa dạng của các tâm khác nhau sinh khởi trong mỗi người. Thế giới hôm nay tiến triển như bây giờ là bởi sự đa dạng trong suy nghĩ của mỗi cá nhân hiện tại. Thế giới tương lai cũng sẽ tiến triển tương ứng với tính chất đa dạng của tâm suy nghĩ của mỗi cá nhân trong tương lai.
III. Tâm và sự thẩm xét thực tại
Tâm là yếu tố xác định và nhận biết đối tượng hay cảnh (ārammaṇa). Khi tâm - pháp kinh nghiệm - sinh khởi, nó hay biết cái được gọi là "đối tượng". Chỉ những yếu tố được kinh nghiệm bởi tâm thì mới là "đối tượng". Chẳng hạn khi những vật chất cứng tiếp xúc với nhau thì có duyên cho sự sinh khởi của âm thanh, tuy nhiên nếu tâm sinh khởi không kinh nghiệm âm thanh, tại khoảnh khắc đó âm thanh không phải là đối tượng. Mọi thứ có thể sinh khởi nếu có duyên, nhưng nếu tâm không kinh nghiệm nó thì đó không phải là ārammaṇa - đối tượng.
Tâm có tính chất ở bên trong, nó là thực tại kinh nghiệm đối tượng xuất hiện. Tâm là bên trong và đối tượng là bên ngoài. Khi có cái thấy, mầu sắc xuất hiện ở bên ngoài và tâm thấy là thực tại ở bên trong, nó kinh nghiệm cái xuất hiện qua mắt.
Sự nghiên cứu về tâm thực chất là sự thẩm xét các thực tại đang xuất hiện tại giây phút hiện giờ, các thực tại ở bên trong cũng như các thực tại ở bên ngoài, bằng cách ấy, các đặc tính của tâm có thể được hiểu. Việc thẩm xét các đặc tính của thực tại như chúng là được Đức Phật dạy thông qua Tứ niệm xứ mà một trong số đó là Niệm Tâm (cittanupassanā satipaṭṭhāna). Niệm tâm có nghĩa là khi cái thấy xuất hiện, sati (tâm sở niệm) có mặt và thực hiện chức năng hay biết đặc tính của cái thấy và không quên đặc tính của cái thấy... Khi có duyên để sự chú ý hướng tới thực tại sinh khởi, ta có thể biết được cái thấy là một yếu tố kinh nghiệm đối tượng qua mắt và dần dần có thêm hiểu biết về cái thấy. Tương tự, khi nghe âm thanh, có thể có duyên để chánh niệm (sati) sinh khởi và hay biết đặc tính của cái nghe âm thanh, hay biết rằng đó là một thực tại kinh nghiệm ở bên trong, hay biết rằng cái nghe sinh khởi, kinh nghiệm âm thanh xuất hiện rồi diệt đi ngay lập tức. Tất cả các yếu tố kinh nghiệm khác cũng đều sinh khởi, kinh nghiệm đối tượng trong một khoảnh khắc cực ngắn ngủi và diệt đi ngay, vì thế không dễ dàng để thẩm xét thực tại kinh nghiệm ấy và biết nó như nó là.
Khi các hiểu biết đúng về tâm thấy, tâm nghe, tâm suy nghĩ... tích luỹ thì có thể có đủ duyên để tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) sinh khởi và hay biết về đặc tính của tâm tại khoảnh khắc ấy, nó có thể hiểu tâm chỉ là một thực tại, một yếu tố kinh nghiệm mà thôi. Như thế, paññā (trí tuệ) có thể được phát triển nhất quán với Giáo lý mà Đức Phật đã dạy, dần dần trí tuệ có thể phát triển đủ mạnh để có thể xuyên thấu các đặc tính của các thực tại, Tứ Thánh đế có thể được chứng ngộ và phiền não có thể được tận diệt ở những giai đoạn giác ngộ khác nhau: quả vị Dự Lưu, Nhất Lai, Bất lai và quả vị A la hán.
IV. Tâm "trong sáng" và không trong sáng
Tâm là một thực tại sinh và diệt ngay lập tức. Sự diệt đi của tâm trước làm duyên cho sự sinh khởi của tâm tiếp theo. Tâm thấy sinh và diệt, tâm thấy không tồn tại một cách liên tục. Tâm nghe, tâm kinh nghiệm đối tượng xúc chạm, tâm suy nghĩ cũng vậy, không tồn tại liên tục.
Khi ta ngủ, có những khoảnh khắc ngủ say và không mơ, tại những khoảnh khắc đó, tâm không kinh nghiệm đối tượng qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý môn. Lúc ngủ say và không mơ, các tâm thấy, nghe, ngửi, nếm ... suy nghĩ không sinh khởi nhưng vẫn có một loại tâm khác sinh và diệt liên tiếp cho đến lúc ta thức hoặc mơ. Loại tâm không kinh nghiệm bất kỳ đối tượng nào qua sáu môn này gọi là tâm hộ kiếp (bhavanga citta), tâm này làm nhiệm vụ giữ mạng sống và duy trì sự tương tục trong cả kiếp sống. Tâm hộ kiếp sinh diệt nối tiếp không ngừng cho đến khi có một loại tâm khác sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng qua mắt hoặc tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Tâm hộ kiếp sinh khởi giữa các lộ trình của tâm kinh nghiệm đối tượng qua sáu môn, và điều này diễn ra một cách liên tục cho đến cuối cuộc đời của một chúng sinh.
Tâm hộ kiếp được gọi là "trong" hay "sáng" vì lúc này tâm không kinh nghiệm đối tượng qua các giác quan. Tất cả những ai ngủ say trông đều thơ ngây, trong sáng, lúc ấy người đó không kinh nghiệm thích hay không thích, không ghen tuông, không bủn xỉn, cũng không ngã mạn.... Người ấy cũng không có từ tâm hay bi mẫn, vì vậy các phẩm chất thiện và bất thiện không sinh khởi bởi vì tâm người ấy không thấy, không nghe, không kinh nghiệm đối tượng xúc chạm và cũng không suy nghĩ.
Còn ngoài những lúc tâm hộ kiếp sinh khởi thì sao? Bất cứ khi nào tâm xuất hiện và kinh nghiệm đối tượng qua một trong sáu môn thì tâm sẽ bị cuốn vào đó và vì thế nó không còn trong sáng nữa. Lúc ấy các phiền não được tích luỹ sẵn trong tâm sẽ tạo duyên cho sự sinh khởi của thích thú hay dính mắc khi đối tượng là dễ chịu; hoặc là sự sinh khởi của chán nản và khó chịu khi đối tượng là bất khả ái.
V. Các tâm sở
Khi đối tượng (cảnh) là khả ái hay bất khả ái, có một thực tại khác sinh khởi cùng tâm với chức năng cảm nghiệm cảnh một cách đầy đủ, đó là Tâm sở Thọ với các loại như thọ hỷ (cảm xúc vui), thọ ưu (cảm xúc buồn) và thọ xả (trung tính, cảm xúc không buồn không vui). Thọ chỉ là một trong nhiều loại tâm sở. Tâm hay tâm sở đều là danh (thực tại có khả năng kinh nghiệm), nhưng tâm là vương, là thực tại dẫn đầu trong việc hay biết đối tượng. Trên thực tế, các pháp không sinh khởi một mình, chúng phụ thuộc vào các pháp khác cùng sinh khởi và tạo duyên cho chúng. Tâm luôn sinh khởi cùng tâm sở và tâm sở cũng luôn đồng sinh với tâm. Tâm và tâm sở sinh khởi cùng nhau, kinh nghiệm cùng một đối tượng và diệt đi cùng nhau. Chúng đồng sinh đồng diệt ở cùng một căn (đồng căn). Mỗi một tâm sinh khởi được tạo duyên bởi các tâm sở khác sinh kèm với nó. Có rất nhiều loại tâm khác nhau, mỗi loại tâm sinh kèm với nhiều loại tâm sở khác nhau.
VI. Tâm sở bất thiện và các giai đoạn giác ngộ
Chúng ta không thích khi tâm khó chịu, bối rối, trạo cử, buồn rầu hay lo lắng, nhưng chúng ta không nhận biết được các thực tại (các pháp) sinh khởi ở các thời điểm đó. Chúng ta thích thú khi tâm hạnh phúc, vui vẻ và mê đắm với những đối tượng dễ chịu. Tuy nhiên, khi ấy tâm bị cuốn hút vào sự vui thú và nó sinh kèm với tâm sở tham (lobha) - một pháp vui thú, dính mắc và chìm đắm vào đối tượng.
Đức Phật dạy mọi người nghiên cứu và thẩm định các thực tại để tạo duyên cho chánh niệm của Tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) sinh khởi để có thể hay biết các đặc tính của thực tại đang xuất hiện và để hiểu biết đúng (tức "trí tuệ", cái vượt trên hiểu biết thế gian) về thực tại có thể được sinh khởi, tích luỹ và phát triển. Khi hiểu biết đúng sinh khởi nó có thể nhận ra một cách chi tiết và chính xác các đặc tính của từng thực tại một ở từng thời điểm một. Bằng cách ấy, dần dần hiểu biết (=trí tuệ) có thể nhận ra pháp nào là thiện (kusala), pháp nào là bất thiện (akusala) và pháp nào vừa không thiện vừa không bất thiện tại thời điểm mà từng pháp ấy xuất hiện.
Chúng ta có thể biết bất thiện là bất thiện, dù là ở mức độ nào đi nữa. Chúng ta cần phải biết rằng không chỉ có sân (dosa) và tham (lobha) là bất thiện pháp (akusala dhamma) mà còn có nhiều loại tâm sở bất thiện khác nữa.
Thông thường thì mọi người chỉ nhận ra tâm sân và bất lợi của tâm sân chứ không nhận ra tâm tham cùng sự bất lợi của tâm tham. Không có hiểu biết đúng thì mọi người chỉ quan tâm đến việc tránh tâm sân chứ không hiểu được hiểm hoạ của tham, cũng như không hiểu rằng sân hay tham hay bất kỳ thực tại nào cũng đều là các pháp do duyên sinh, đều vô ngã, không "ai" có thể điều khiển được. Sân hay tham là các pháp sinh khởi bởi những duyên tương ứng và chỉ có trí tuệ hay hiểu biết đúng (cũng là một pháp -dhamma) sinh khởi ở các giai đoạn giác ngộ mới từng bước diệt được các duyên ấy khiến cho sân/ tham không sinh khởi trở lại nữa.
Tại mỗi giai đoạn giác ngộ đều có sự kinh nghiệm trực tiếp Tứ Thánh Đế, lúc đó tâm kinh nghiệm trực tiếp rằng bất kỳ pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma) nào xuất hiện đều vô thường, sinh rồi diệt đi ngay lập tức, vì vậy chúng cũng đồng thời là bất toại nguyện hay khổ (dukkha), không thể là nơi nương nhờ - đó là Thánh đế thứ nhất. Thánh đế thứ hai là sự thật về nguồn gốc của Khổ, đó là tham ái (tanhā), cũng là tâm sở tham (lobha cetasika) hay dính mắc. Thánh đế thứ ba là sự thật về diệt khổ (dukkha nirodha) và đó là Niết bàn. Niết bàn là thực tại nơi dukkha chấm dứt. Khi tâm trực tiếp kinh nghiệm Niết bàn, các phiền não làm duyên cho khổ sinh khởi bị tận diệt. Thánh đế thứ tư là sự thật về con đường dẫn tới sự chấm dứt của khổ (dukkha nirodha gāmini paṭipadā), đó là Bát Chánh Đạo, hay cũng chính là sự phát triển của tứ niệm xứ, sự phát triển của tuệ giác.
Giai đoạn chứng ngộ thứ nhất tương ứng với quả vị Thánh Dự lưu (Sotāpanna) khi Niết bàn được kinh nghiệm lần đầu tiên, ở giai đoạn này, tà kiến về ngã (diṭṭhi) và hoài nghi về các đặc tính của thực tại được diệt trừ. Khi trí tuệ phát triển tiếp tục, vị ấy có thể kinh nghiệm trực tiếp Tứ Thánh Đế và Niết bàn lần nữa, qua đó đạt được giai đoạn giác ngộ thứ hai tương ứng với quả vị Thánh Nhất lai (Sakadāgāmī), lúc đó, các dính mắc (lobha) thô đối với các đối tượng ngũ quan như đối tượng của cái thấy, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm được tận diệt. Tiếp đến, khi trí tuệ phát triển lên nữa, tâm có thể kinh nghiệm trực tiếp Tứ Thánh Đế và Niết bàn lần nữa và đạt đến giai đoạn giác ngộ thứ ba tương ứng với quả vị Bất lai (Anāgāmī), ở đây sự dính mắc (lobha) vi tế vào các đối tượng giác quan cùng với tâm sở sân (dosa) bị diệt trừ. Và cuối cùng, trí tuệ có thể phát triển đến mức chứng ngộ trực tiếp Tứ Thánh Đế và Niết bàn lần nữa và đạt đến mức độ thứ tư, mức độ cuối cùng của Giác ngộ tương ứng với quả vị toàn hảo của bậc A la hán, khi ấy toàn bộ các phiền não còn sót lại bị tận diệt. Khi vị A la hán tịch diệt, sự sinh khởi bởi duyên của ngũ uẩn hoàn toàn chấm dứt, khi ấy gọi là parinibbāna (bát niết bàn) và vị ấy không còn tái sinh nữa.
Như vậy chúng ta thấy rằng, trí tuệ siêu thế của bậc Thánh Nhân, cái có thể hiểu đúng thực tại đang xuất hiện, cũng là cái duy nhất có thể diệt trừ phiền não chỉ có thể được phát triển từng bước và nhất quán với Giáo lý mà Đức Phật đã mô tả.
V. Tâm là ý xứ
Cuốn Chú giải Bộ Pháp Tụ giải thích rằng tâm là nơi sinh, nơi gặp gỡ (āyatana) và đồng thời là nhân (hetu). Tâm là nơi sinh bởi vì các tâm sở như xúc, thọ, tưởng, tư .... sinh khởi trong tâm. Tâm là nơi gặp gỡ, bởi các cảnh từ bên ngoài như đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm "gặp" tâm tại tâm bằng cách là đối tượng của nó. Tâm cũng là nhân vì nó làm duyên cho các tâm sở sinh khởi cùng nó theo đồng sinh duyên (sahajāta paccaya)
Khi đủ duyên thì có sự sinh khởi của các đối tượng thị giác, âm thanh, mùi vị, xúc chạm (nóng, lạnh, cứng, mềm), tuy nhiên nếu tâm không sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng ấy, nếu tâm không làm nơi gặp gỡ cho chúng thì không có đối tượng nào trong số đó có thể xuất hiện. Tâm là thực tại kinh nghiệm đối tượng, là nền tảng, là nơi sinh, nơi gặp gỡ, là nhân cho các thực tại xuất hiện. Nếu không có tâm, không thực tại nào (cho dù có sinh khởi) có thể xuất hiện.
Mặc dù nghiệp (kamma) tạo duyên cho sắc nhãn căn sinh và diệt liên tục trong kiếp sống nếu ta không bị mù, tâm thấy không thể sinh khởi liên tục. Khi tâm thấy sinh khởi, lúc đó đối tượng thị giác mới được gọi là xuất hiện. Khi ấy có các thực tại sau sinh khởi cùng gặp gỡ và được gọi là các "xứ" (āyatana): Sắc nhãn căn (cakkhuppasāda rūpa) lúc này gọi là Nhãn xứ (cakkhāyatana), đối tượng thị giác in dấu lên sắc nhãn căn lúc này gọi là sắc xứ (rūpayatana), và Tâm thấy hay Nhãn thức kinh nghiệm đối tượng thị giác lúc này gọi là ý xứ (manāyatana).
VI. Tâm làm nhân
Như đã biết, tâm luôn sinh khởi cùng với các tâm sở đi kèm. Ở các cõi ngũ uẩn thì tâm và tâm sở không những đồng sinh, đồng diệt, đồng cảnh (kinh nghiệm cùng 1 đối tượng) mà còn sinh đồng căn nữa. Căn ở đây là một loại sắc nhất định làm nền tảng cho tâm và tâm sở sinh khởi, gọi là sắc căn (vathu rūpa), ví dụ như Nhãn căn, nhĩ căn .... Các thực tại không thể tự sinh khởi một mình mà cần phải có các thực tại khác cùng sinh khởi với nó và làm duyên cho nó, mối quan hệ này kinh điển gọi là đồng sinh duyên. Các pháp sinh khởi phải dựa vào các thực tại khác thì gọi là pháp hữu vi (pháp sinh khởi bởi duyên). Các "thực tại khác" được dựa vào ở đây cũng lại sinh khởi dựa vào các thực tại khác nữa, do đó cũng lại là pháp hữu vi. Vì thế toàn bộ các pháp sinh khởi: tâm, tâm sở, sắc đều là các thực tại hữu vi dựa vào nhau sinh lên rồi diệt đi không ngừng nghỉ.
Các pháp hữu vi làm duyên cho sự sinh khởi của các pháp hữu vi khác theo các duyên hệ khác nhau. Có nhiều loại duyên hệ như đồng sinh duyên, tiền sinh duyên, hậu sinh duyên, đoàn thực duyên, vô gián duyên ... Tâm có thể làm duyên cho các tâm sở và các sắc, mặc dù không phải tất cả các loại tâm đều tạo duyên cho sắc sinh khởi. Tâm sở tạo duyên cho sự sinh khởi của tâm và sắc, trừ một số trường hợp. Sắc tạo duyên cho sự sinh khởi của các sắc khác và cũng làm duyên cho sự sinh khởi của tâm và tâm sở khi nó là sắc căn (vathu rūpa) và khi nó làm đối tượng cho tâm. Tất cả những điều này vận hành theo các quy tắc duyên hệ.
Loại sắc được tạo duyên bởi tâm - sắc do tâm sinh (cittaja rūpa) sinh khởi ngay tại sát na sinh của tâm, tuy nhiên có những trường hợp tâm sinh khởi mà không tạo duyên cho sắc này sinh khởi: Tâm (hay thức) tái tục (paṭisandhi citta)- loại tâm sinh khởi ngay sau tử thức (cuti citta) diệt - thì không tạo ra sắc, ngũ song thức: nhãn thức quả thiện/bất thiện, nhĩ thức quả thiện/bất thiện .... không tạo ra sắc nào và tử thức (cuti citta) của một vị A la hán cũng không còn tạo nên sắc nào nữa.
VII. Tứ niệm xứ và mục đích của việc nghiên cứu Giáo pháp
Mỗi người đều tích luỹ những xu hướng rất đa dạng, một số người tích luỹ rất nhiều bất thiện (akusala), còn một số khác tích luỹ nhiều thiện pháp (kusala). Đâu là sự tích luỹ có lợi cho sự phát triển Tứ niệm xứ? Hiểu biết đúng cho ta biết sự tích luỹ tất cả các loại thiện pháp đều có ích, rằng chúng có thể trở thành ba la mật (pāramī) trợ duyên cho chánh niệm sinh khởi, hay biết đặc tính của các thực tại đều là vô ngã, không phải là chúng sinh hay con người và nhờ vậy, Tứ Thánh Đế có thể được chứng ngộ. Với những người mới ở mức độ phát triển sơ khởi của Tứ niệm xứ, chánh niệm về thực tại còn hết sức yếu ớt và sự dính mắc vào ý niệm về ngã vẫn còn bám rễ rất sâu dày. Dù đang thấy, hay nghe, chúng ta đều có xu hướng cho những thực tại thấy/ nghe ... ấy là mình, dù đang tránh né các bất thiện hay đang tạo thiện pháp, chúng ta đều lập tức có ý niệm rằng có ai đó đang tránh né bất thiện hoặc thiện pháp thuộc về ta, thuộc về một tự ngã...
Việc nghiên cứu về tâm chân đế pháp (citta paramatha dhamma) có thể là một trợ duyên cho hiểu biết trực tiếp về đặc tính của tâm ở thời điểm hiện tại, như thế, có thể xuất hiện hiểu biết trực tiếp về đặc tính của tâm thấy, tâm nghe hay tâm suy nghĩ hiện giờ. Sự kinh nghiệm trực tiếp thực tại đang xuất hiện ấy chính là Tứ niệm xứ. Như thế, mục đích của việc nghiên cứu Giáo pháp chính là Hiểu biết trực tiếp về thực tại thông qua Tứ niệm xứ.
Khi nghiên cứu Tâm, chúng ta đừng nên cho rằng chúng ta có thể hiểu rõ ràng ngay lập tức về đặc tính của tâm, hơn nữa, việc nghiên cứu tâm không nên bị thúc đẩy bởi mong muốn tích luỹ kiến thức. Hiểu biết đúng có được nhờ việc nghiên cứu về Tâm chân đế pháp có thể được tích luỹ và tích luỹ này sẽ làm duyên cho Tứ niệm xứ sinh khởi và hay biết các đặc tính của tâm, một danh pháp kinh nghiệm đối tượng ở ngay thời điểm hiện tại. Bằng cách ấy, trí tuệ có thể phát triển và tận diệt tà kiến cho rằng các thực tại là ta và đó nên là mục đích cho việc nghiên cứu Giáo pháp của chúng ta.
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất