[Phân tích phim] Never let me go- Cuộc sống là một sự TRAO
"Life is a GIVING" Đó là một trong những thông điệp mà mình đã học được từ phim. Giving hay sự trao đi ở đây là những gì mà...
"Life is a GIVING"
Đó là một trong những thông điệp mà mình đã học được từ phim. Giving hay sự trao đi ở đây là những gì mà những con người nhân bản đã, đang và luôn luôn canh cánh trong lòng họ, theo họ suốt cuộc đời. Họ được những nhà khoa học tạo ra, họ được trao cho cuộc sống. Sự hiện diện của những bản gốc ở thế giới con người là tiền đề để các nhà khoa học tạo ra họ, những bản gốc người thật đó trao cho họ sự sống. Áp lực về sự biết ơn vì được tồn tại khiến những con người nhân bản phải chấp nhận một cuộc sống ngắn ngủi nơi mà mục đích sống chung của tất cả bọn họ là hiến tạng cho con người, họ trao đi sự sống cho con người, giúp nền y học duy trì được mục tiêu kéo dài tuổi thọ của con người trên 100 năm. Con người nhờ những nội tạng được trao đi đó mà tiếp tục sống. Cứ như thế, một vòng lẩn quẩn và cứ vậy nối tiếp giữa các thế hệ người nhân bản.
Bộ phim được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kazuo Ishiguro. Trong phim, chúng ta được dõi theo cuộc hành trình của ba người bạn thân Kathy, Ruth và Tommy- những con người được tạo ra với đầy đủ nội tạng : tim, gan, phổi và sẽ chỉ chết khi những thứ đó đã bị lấy đi hết. Họ sống trong một ngôi trường nội trú dành cho những con người nhân bản, trong một xã hội khép kín và bị hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Trong thế giới của người nhân bản, giá trị của họ được quyết định bởi bao nhiêu lần họ có thể hiến tạng. Và cũng thật đáng buồn và lạ lùng thay, họ chấp nhận cuộc sống như thế.
Chi tiết Kathy kể về những thế lực đáng sợ mà cô được nghe nói sẽ tấn công những đứa trẻ một khi họ vượt qua khỏi hàng rào cùng với câu hỏi của cô Lucy rằng "Làm sao em biết được chúng có đúng hay không", Kathy thì hồn nhiên trả lời "Tất nhiên là đúng vì vhar có ai lại bịa ra những chuyện đáng sợ như thế cả" đã khiến mình chợt nhận ra một sự thật rằng Trẻ con luôn tin những gì chúng được kể. Điều này lý giải cho việc tại sao mà tất cả những đứa trẻ ấy dù đã biết được sự thật mà các giáo viên trong trường luôn muốn che giấu, chúng vẫn nương theo bản năng và sống với mục đích mà xã hội đã định đoạt. Việc rấy lên cho những đứa trẻ những mối nguy hại tiềm ẩn bên ngoài và sự hạn chế tiếp xúc đã làm thui chột đi trí tò mò, ý chí tự do và ước mơ trong chúng. Đây chính là thứ nguy hiểm nhất mà xã hội có thể đem lại cho cuộc đời của một đứa trẻ, như một sự huỷ hoại gián tiếp.
Mặc dù vậy, Hailsham-ngôi trường nội trú của họ lại là nơi duy nhất quan tâm đến tâm hồn và tính người trong họ. Các cuộc triển lãm nhằm mục đích chứng minh người nhân bản cũng như bao con người thật khác: Họ có tâm hồn và họ cũng xứng đáng được trân trọng, được đối xử và được tự do theo đúng nghĩa một con người. Có lẽ vì thấy được mầm mống cho sự đấu tranh vì người nhân bản mà Hailsham đã bị đóng cửa. Một sự cứu rỗi và hi vọng cuối cùng cho những người nhân bản đã không xảy ra.
Ý chí tự do và khả năng yêu theo lý thuyết là định nghĩa về một con người nhưng kể cả khi đã có được những yêu cầu ấy, họ vẫn không được sống đúng theo những gì mà một con người đáng lẽ được hưởng. Điều này được thể hiện ở chi tiết cuối phim khi Kathy và Tommy tìm gặp nhân vật Quý bà với hi vọng được kéo dài thời gian cho lần hiến tạng có thể là cuối cùng của Tommy. Họ yêu nhau thật lòng, mỗi người đều có ý chí độc lập được thể hiện thông qua những bức tranh của mình và quan trọng hơn là họ khát khao một quãng thời gian được hạnh phúc bên nhau trong phần đời ngắn ngủi của mình, nhưng tất cả những gì họ được nhận lại là một lời xin lỗi đầy đau xót rằng không một sự cứu rỗi nào được sinh ra dành cho họ.
Mặc dù là khoa học viễn tưởng nhưng bộ phim cùng với cuốn tiểu thuyết của nó đã rấy lên mối lo ngại về vấn đề đạo đức trong việc nhân bản người. Gần đây, có thông tin cho rằng các nhà khoa học dự định sẽ hồi sinh người Neanderthal - một chủng người đã bị tuyệt chủng gần đấy thuộc chi người cùng với việc hồi sinh các loài vật khác. Những tranh cãi dữ dội về mặt đạo đức đã được đưa ra về việc cách mà chúng ta sẽ đối xử đối với loài này và vai trò của họ trong xã hộiloài người hiện đại cũng giống như những gì luôn được tranh cãi về việc nhân bản người.
Việc nhận tạng từ người nhân bản giúp tăng cường sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ cho con người. Sự tiến bộ của y học trong việc đảm bảo sức khoẻ và tuổi thọ của con người hoá ra lại là bào mòn sức lực và rút ngắn tuổi thọ của những kẻ không may mắn khác. Thay vì việc lấy tạng từ những dân tộc thiểu số nhưng là người thật, khoa học lại chọn cách lấy tạng từ chính những người nhân bản mà họ đã trao cho sự sống, những con người này vì thế từ khi sinh ra đã phải mang gánh nặng về việc trao trả lại những gì mà họ đã được nhận. Như một vong lặp và từ TRAO cứ vậy mà gắn chặt vào họ cho đến chết. Nhưng điều mà không ai nghĩ tới là họ cũng có những hỉ nộ ái ố giống như bao sinh vật sống khác và họ không phải là những cỗ máy phục tùng.
Sự phục tùng là mục đích của việc tạo ra những con người nhân bản, đem lại lợi ích cho nhân loại. các nhân vật trong phim căn bản không biết họ đang tiết lộ điều gì về bản thân và sự tồn tại của họ có ý nghĩa gì khác so với những người đồng loại. Và chúng ta cũng vậy. Bọn họ không bao giờ được sống là chính mình và phải luôn hết lòng phục tùng cho xã hội. Cũng giống như họ, luôn sống là chính mình đồng nghĩa với việc chúng ta lựa chọn cái chết, muốn sống yên ổn thì chúng ta luôn phải tuân theo những quy tắc đạo đức chung và sự đúng sai mà số đông người trong thời đại mà chúng ta đang sống chấp thuận. Cũng giống như họ, không ai trong chúng ta thực sự hiểu ý nghĩa tồn tại của chính mình. Mục đích sống thật mơ hồ đối với những người luôn phải sống theo sự sắp đặt của kẻ khác và không có quyền được mơ ước cho riêng mình. Giống như tiêu đề Life as a spare part mà nhà bình luận phim quá cố Roger Ebert đã đặt cho bài viết của ông khi bình phẩm về "Never let me go". Liệu rằng cuộc đời của những người nhân bản có khác đến thế so với những người được họ cứu ? Chẳng phải tất cả đều sẽ kết thúc sao ? Có thể không ai trong chúng ta hiểu được những gì đang xảy ra với mình hay luôn cảm thấy thời gian là không đủ cho dù đã sống một cuộc đời rất dài rồi.
"Never let me go" hay với tựa tiếng việt là Mãi đừng xa tôi không chỉ đơn giản là nói về câu chuyện tình tay ba trong phim, không chỉ là lời thì thầm của Kathy với Tommy hay là của Tommy với Kathy, nó là lời cầu khẩn của họ nói riêng hay của những người nhân bản nói chung đối với thế giới: Xin đừng bao giờ bỏ rơi chúng tôi. Chúng tôi cũng biết yêu, chúng tôi luôn tin một lời đồn rằng chỉ cần chứng minh là thật lòng yêu một ai đó thì sẽ kéo dài được thời gian cho lần hiến tạng sắp tới, chúng tôi cũng khát khao tự do và chúng tôi cũng có khả năng hội hoạ, vẽ nên những bức tranh phản ánh suy nghĩ, tính cách và tâm hồn mình. Con người luôn đấu tranh cho sự bình đẳng giới tính và sắc tộc nhưng khi một nhóm người mới được tạo ra trên đời, bọn họ lại phải phục tùng cho một mục đích được coi là tốt đẹp nhưng một khi đã bị cưỡng chế thì không mục đích nào là tốt đẹp cả. Thậm chí, sự cưỡng chế đó không mang lại bất kì quyền lợi nào cho đối tượng bị cưỡng chế.
Đạo diễn và đoàn làm phim đã xuất sắc và thành công trong việc đưa đầy đủ những giá trị cốt lõi và tinh thần của Kazuo Ishiguro trong tiểu thuyết gốc lên một tác phẩm điện ảnh mang đậm tính nghệ thuật và nhân văn. Thông điệp của phim tuy khá dễ đoán nhưng những tình tiết trong phim không hề gượng ép khán giả phải hiểu theo một thông điệp cụ thể. Dù bằng cách này hay cách khác, ta đều có thể rút ra được cho riêng mình nhiều bài học sâu sắc từ phim.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất