"Lò đào tạo hoa hậu", "Harvard chùa Láng" hay "Trường top đầu ngành kinh tế" là những cái tên không hề xa lạ mà chỉ cần nhắc tới thôi là bạn sẽ biết ngôi trường đại học mà tôi đang đề cập tới. Khác với những huyền thoại nghìn đô, kẻ hủy diệt học bổng, tổng tư lệnh sờ tát úp, chiến thần du học, chúa tể các cuộc thi, tôi hoàn toàn nằm trong nhóm sinh viên trung bình số ít của trường - một đứa không có gì nổi trội.
1. Sự kỳ vọng của bố và chiếc bằng Ngô Bá Khá
Việc tôi đỗ trường F thực sự nằm ngoài sự mong đợi của bố, lẫn cả chính bản thân tôi. Đến giờ khi nhắc lại khoảnh khắc biết tôi đỗ nguyện vọng 1 đúng như mơ ước, bố tôi vẫn bồi hồi và nghẹn ngào như lần đầu. Ánh mắt bố long lanh đầy tự hào, vì trong tiềm thức của ông, Ngoại thương là ngôi trường tuyệt vời nhất; con gái ông đang được tiếp thu những gì tinh hoa nhất của ngành kinh tế và sẽ trở thành một vĩ nhân đại tài trong tương lai.
Chắc tự hào một mình thì ích kỷ quá nên bố tôi còn hào phóng đi khoe với cả thế giới: "con gái tôi học Ngoại thương". Ôi dồi ôi bố ơi là bố! Tôi học giỏi thì không nói làm gì, đằng này thực tế là nó ngược lại nên nói mình học trường F tôi thấy có hơi sượng mồm lẫn áp lực. Thực tế là, tôi chỉ là một sinh viên bình thường được gắn mác trường top mà thôi. Một chiếc mác lỏng lẻo nhưng lại mang sức nặng khủng khiếp, đè nén và giày vò tinh thần tôi suốt mấy năm trời. Tôi cũng nhiều lần nhắc bố tém tém lại thôi nhưng mà bố mẹ nào chẳng muốn khoe con hả các bạn! Cả cuộc đời bố mẹ đã hy sinh vì con cái, vậy nên để họ vui vẻ nhìn mình lớn lên ăn học đàng hoàng âu cũng là một niềm hạnh phúc mãn nguyện.
Bố à, bố cứ hạnh phúc với thành tựu đó đi, còn sự lựa chọn của con, con sẽ chịu trách nhiệm với nó và khiến nó trở nên xứng đáng!
Lật lại quá khứ khi mà mới bước chân vào đại học, tôi đã bị cuốn theo phòng xoáy chơi bời đã đời rồi gần thi xách đít lên chạy cho kịp. Nhưng bản thân không phải là một thiên tài có thể ôn ngay trước đêm thi mà được A, điểm tôi cứ B rồi C rớt lẹt đẹt. Hồi ấy còn non dại, cứ nghĩ rằng còn kỳ còn gỡ, đang chơi vui cớ sao phải dừng. Vậy là tôi tiếp tục cái lịch trình tham gia câu lạc bộ rồi đi chơi tới hơn nửa đêm mới về, thậm chí nhiều đêm overnight ma sói liên tục. Lên lớp thì không học mấy, chỉ ngồi bấm điện thoại với ngủ gật là giỏi. Đã học dốt còn không chăm thì đúng là vứt đi thật!
Khi nhận ra sự nghiêm trọng của điểm số sau kỳ 1 năm 2 only C điểm xuyết vài con B xấu xí thì tôi bắt đầu có ý thức hơn trong việc học hành. Tôi chăm in tài liệu, slide bài giảng, ghi chép lại những điều giảng viên dạy, đi hỏi bài những đứa học siêu giỏi, và thực sự điểm số cũng có khởi sắc lên chút éc. Nhưng dễ dàng quá thì đã không phải là cuộc đời rồi.
Càng học lên chuyên ngành, càng có nhiều môn tôi không thể ngấm nổi. Bản chất tôi là một đứa thích vẽ vời và tư duy bằng hình ảnh nên những con số về tài chính lẫn kinh tế quốc tế đều khiến tôi phát hờn. Nghĩ cũng sầu lắm nhưng ít ra tôi vẫn cố gắng học hành để xứng sao với cái mác trường top kia. Nhưng bằng cách nào đó thì điểm của tôi không cao hẳn khỏi các mốc mà vẫn cứ là tiệm cận B (6.8 6.9) hoặc A (8.3 8.4) hàng loạt nên GPA của tôi cứ tàng tàng, giờ nghĩ lại tuy không cay nhưng mà tiếc kinh khủng. Thậm chí có những môn còn random điểm, và tôi thề là éo bao giờ tôi random vào được cái nhóm điểm cao cả. Khi mà tôi đã cố gắng hết sức để cải thiện điểm số hòng được tấm bằng ưu - như - bao - sinh - viên - bình - thường - khác ở ngôi trường này, điều kỳ diệu đã không thể xảy ra. Cái ngày biết tôi có được A tất cả các môn còn lại lẫn học cải thiện những môn điểm kém nhưng vẫn không được bằng giỏi, tôi đã khóc rất nhiều. Khóc trong bất lực vì trước hết, mình đã cố gắng rất nhiều, hết sức có thể. Khóc vì có những môn đáng lẽ mình được điểm cao hơn nhưng thật tệ, là nó lại thấp hơn, thậm chí thấp hơn kỳ vọng nhiều lắm. Những luồng suy nghĩ tiêu cực cứ bủa vây lấy tâm hồn non nớt của tôi.
Mày thật thua kém so với những người xung quanh. Được bằng khá thì chỉ có vứt đi thôi! Làm sao mà được vào tập đoàn lớn, hay đi du học nữa? Rốt cục, mày cũng chỉ là một đứa tầm thường! Bố mày nuôi mày ăn học cực khổ như vậy mà sao mày lại kém cỏi hơn người khác thế?
Mãi tới sau này, sau khi mất một thời gian cực dài giam mình trong những ý niệm ấy tôi mới có thể thoải mái buông bỏ hẳn nó. Thì ra, có những lúc cố gắng hết sức mà vẫn thất bại đó thôi. Đó là điều hết sức bình thường mà tôi phải làm quen khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Và khi nhận ra điều đó, tôi nghĩ mình đã lớn thêm một chút. Không thể dậm chân mà gặm đi nhai lại mãi một quá khứ không trọn vẹn, tôi phải tiếp tục lo cho con đường sắp tới - chính là việc xác định mình sẽ làm ngành gì và làm như thế nào.
2. Vẫn là câu chuyện trái ngành nhưng mà nó lạ lắm
Tôi ghét ngành mình học. Cực kỳ. Nhưng mà tôi đỗ nguyện vọng 1 hẳn hoi, mà dù là nguyện vọng khác thì cũng toàn là học về kinh tế cả thôi. Hồi đó tôi chọn Ngoại thương cũng vì cái fame của trường to và thơm phức ý haaa, cũng như chuộng mấy đứa học giỏi tiếng Anh - sở trường của tôi. Quay lại với cái ngành Kinh tế quốc tế cực kỳ nặng về lý thuyết, toàn những công thức và con số tẻ nhạt, tôi hoàn toàn chẳng hề hứng thú với cái việc làm đúng ngành là Chuyên viên phân tích dữ liệu (DA) hay Chuyên viên phân tích kinh doanh (BA). Chắc cũng vì thế nên 3 môn lượng của tôi chẳng môn nào được A, thậm chí còn có 1 con C đầy đau đớn.
Thế là tôi vẫn mông lung, nhưng tự nhủ cứ học đi rồi sẽ biết mình thích gì. Chưa có kinh nghiệm nên tôi định bù đắp vào cái CV nghèo nàn một số chứng chỉ hay ho chút. Vốn từ nhỏ đã thích vẽ vời và muốn làm họa sĩ, tôi cực kỳ nhạy cảm với hình họa và màu sắc. Bắt đầu dùng Photoshop để edit ảnh cho idol từ năm cấp 3, và kể cả khi học Kinh tế tôi vẫn không ngừng hứng thú với công cụ siêu việt này. Vì vậy nên hết năm 2, dành dụm được chút tiền tôi liền đi học khóa thiết kế ngắn hạn ở trung tâm nọ cũng khá nổi. Tuy những kiến thức được dạy không quá xa lạ gì với đứa đã từng mày mò thiết kế được vài năm, nhưng cảm giác được ngồi học đúng môn mình thích như kiểu đang la lết trên sa mạc mà được bón ngụm nước dừa ngọt lành mát rượi vậy. Tuy học thiết kế nhưng sau đó tôi ứng tuyển đa số là các vị trí thực tập Content Marketing, vì lúc đó tôi nghĩ ít ra Marketing còn có liên quan tới kinh tế, chứ không phải Design. Nhưng với sự phèn ĩa của background lẫn khả năng giao tiếp số âm, tôi ứng đâu trượt đó, thậm chí chấp nhận thực tập không lương mà người ta còn chẳng nhận!
Nhưng như định mệnh sắp đặt, tôi được một anh CEO sì tát úp nọ để ý và rồi tuyển làm thực tập sinh thiết kế. Hồi đó cũng không nghĩ ngợi nhiều, được làm công việc mình thích nên tôi nhiệt huyết xông pha lắm. Có background là một designer nên anh dạy tôi khá nhiều và tôi học rất nhanh, từ đó mà kỹ năng lẫn tư duy cũng lên một đẳng cấp khác. Sau một thời gian theo đuổi Design thì tôi vẫn nhận ra mình khao khát Marketing hơn. Vậy nên tôi đành tạm biệt anh, tạm biệt quãng thời gian đầy khổ sở đi từ thực tập đi lên, để rồi vào cuối kỳ 1 năm 4 ứng tuyển vào ngành Marketing với vị trí thấp nhất, một khởi đầu mà tôi đánh giá là khá muộn so với bạn bè xung quanh chứ không muốn nói là rất muộn so với nhiều người khác.
Hiện tại tôi đã làm Marketing được gần 1 năm, và tôi thấy lựa chọn của mình hoàn toàn đúng đắn. Có nhiều thử thách lắm, nào là không có background về Marketing (ngành tôi học không được học môn Marketing nào, kể cả Marketing căn bản), đi chậm hơn so với lứa tuổi, cũng chưa có đủ tài chính để học thêm, nhưng tôi đã và đang vượt qua chúng, vì ít ra tôi biết điểm mạnh của mình ở đâu, biết mình thích gì và có định hướng mà tôi đánh giá là cũng khá rõ ràng. Và đặc biệt, chính những kiến thức Design mà tôi đã học trong khoảng thời gian trước đó không hề vô dụng mà bổ trợ cho tôi rất nhiều trong Marketing. Everything happens for a reason, right?
3. Khủng hoảng tiền tốt nghiệp
Khi mà tôi đã vượt qua được nỗi ám ảnh về học lực, về ngành nghề định hướng của mình thì cũng là lúc nỗi khủng hoảng tiền tốt nghiệp ập đến. Đứa chưa ra trường đã được offer từ những tập đoàn lớn, đứa thì lương chục triệu hai chục triệu nhan nhản, đứa thì vội vàng soạn giấy tờ để đi du học, trong khi tôi cật lực lắm mới đạt được cái trình Fresher trong ngành. Tôi sợ lại bị cuốn vào miệng lưỡi thiên hạ trong những câu chuyện không đầu không cuối khi họ so sánh những đứa trẻ sắp tốt nghiệp về số lương, về những thành tựu ngất ngưởng mà mình chưa hề đạt được. Đúng lúc này định hướng của tôi và công ty không còn khớp với nhau, và tôi lại đi trên con đường tìm kiếm Nevercompany của mình. Những tưởng lần này tôi không còn là con bé ngây ngốc năm xưa, nhưng thực tế đã vả tôi bay hết lớp nền. Tôi vẫn bị chê là ít kinh nghiệm, bị chê những gì làm cho công ty cũ là chưa ấn tượng. Nhưng đúng là khi người ta chỉ nhìn vào kết quả thì khó mà biết tôi đã cố gắng như thế nào, và tôi đâu có thời gian để giải thích.
Nhưng việc thất nghiệp tiền tốt nghiệp sẽ không quá đáng sợ nếu bạn không phải lo về hai chữ "tài chính". Hồi sinh viên tôi có đi làm thêm và được bố chu cấp cho hàng tháng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để tôi sống thoải mái mà chẳng phải lo gì. Hơn nữa tôi còn ở ký túc xá tận 3 năm, thành ra tiền cũng tiết kiệm được nhiều chút để mua những thứ mình thích. Tuy nhiên, khi bắt đầu đi làm fulltime thì tôi không nhận thêm đồng nào từ bố nữa, tôi biết điều này một số người đã đạt được từ năm hai năm ba, thậm chí là năm nhất - nhưng đối với một đứa có nguồn thu nhập không được dồi dào và mới ra phòng trọ ở lần đầu thì cũng khá chật vật. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước tính theo giá chủ trọ quy định nên có sự chênh lệch cực lớn so với hồi ở ký túc xá, làm mỗi lần nộp tiền nhà tôi đều xây xẩm mặt mày, đặc biệt là mấy tháng mùa hè phải bật điều hòa suốt ngày như thế này.
Bị cuốn vào mê trận của tiêu cực trong thời gian gần đây và tưởng chừng như không thoát ra được nhưng may mắn tôi có một người đồng hành về mặt cảm xúc, để cùng chiêm nghiệm về tư duy, chỉ ra những thiếu sót cần phải cải thiện cũng như giúp tôi bình tâm lại trước những trận sóng đầu tiên khi bước biển lớn.
Dù học ở đâu, tôi vẫn là tôi
Túm cái quần lại, danh hiệu cử nhân trường top cập đít rồi nhưng tôi vẫn là một đứa cực kỳ bình thường so với những người xung quanh, vẫn phải chật vật từng ngày trên con đường khẳng định bản thân. Tôi học không giỏi, tôi làm trái ngành, tôi tiêu cực, tôi đi chậm, nhưng tôi cũng có những bài học của riêng mình sau 4 năm không đủ dài mà cũng chẳng ngắn.
Thuộc tầng lớp bottom ở trường top không đáng sợ, đáng sợ là bạn nghĩ mình sẽ mãi nằm ở đó và không có cách nào vùng ra được. Đại học suy cho cùng cũng chỉ là một khoảng thời gian, không thể nào định vị cả một đời người, vậy nên nếu ai cũng có một thời đại học không mấy lộng lẫy như tôi thì
Ta chỉ sống một lần trên đời, suy nghĩ lắm chi em ơi!