Hà Nội đang bước vào những ngày thời tiết khắc nghiệt nhất với sự thay đổi về cả nền nhiệt lẫn độ ẩm. Sau chuỗi ngày mưa từ đầu tuần, đến ngày hôm qua Hà Nội đã đón nắng dịu trở lại vào buổi trưa, đón không khí lạnh tràn về những vẫn giữ được nét trong lành cần thiết vào thời điểm chiều tối và đón cả tin sét đánh vào buổi đêm.....Giờ đây, một ngày cuối tuần thứ 6 dường như mất ngủ của cả nước, không khí u ám đang bao trùm từ trên những trang mạng xã hội tới những ngóc ngách nhỏ bé ngoài đời thực.
1. Hà Nội bước vào trận chiến
Mới hai ngày trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đầy hy vọng cho biết, nếu trong 04 ngày nữa không có thêm ca nhiễm mới thì Việt Nam đủ điều kiện tuyên bố hết dịch. Cả nước hồi hộp chờ đợi Việt Nam là quốc gia đầu tiên chặn đứng được dịch bệnh này trên toàn thế giới. Các bộ ban ngành đang gấp rút những công tác cuối cùng để đưa mọi hoạt động của đất nước trở lại bình thường. Tiếc thay, ở phút chót ấy, chúng ta lại đón nhận ca nhiễm Covid số 17, bệnh nhân được xác định là N.H.N. 26 tuổi, làm quản lý khách sạn tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình mới trở về từ Anh vào ngày 02/03
Khoảng 21h30 ngày 06/03 Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương thông báo kết quả xét nghiệm, theo đó Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên - cũng là ca mắc số 17 tại Việt Nam. Ngay trong đêm ấy cả thành phố không ngủ! Trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn, hội nhóm, người ta thi nhau chia sẻ những thông tin về vụ việc này, thật có, giả cũng có. Cứ 30 phút lại có thêm những tình hình cập nhật.
 Khoảng 22h cùng ngày, những con đường bắt đầu bị cấm!
(Phố Trúc Bạch bị phong tỏa ngay sau khi phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid -19)
Chỉ 30 phút sau khi nghe tin về ca nhiễm đầu tiên tại thủ đô, TP Hà Nội ngay lập tức tổ chức cuộc họp khẩn dưới sự chủ trì của Bí thư thành uỷ Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung. Điều này cho thấy, chúng ta đang thực sự chủ động và khẩn trương chống dịch. Tất cả các ban ngành trên địa bàn thành phố đều nhận sự chỉ đạo và tiến hành chống dịch rất khẩn trương. Hà Nội sẵn sàng bước vào trận chiến! - một cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt trận mà không chỉ riêng ngành y tế. Từ thông tin- truyền thông đến an ninh, giáo dục, kinh tế, văn hóa,...  Cả thành phố đứng chung một chiến tuyến, mọi trái tim đều hướng về Hà Nội
(UBNDTP Hà Nội tổ chức cuộc họp khẩn ngay trong đêm)
Sáng nay, ngày 07/03 chúng ta đã tiến hành phun thuốc khử trùng trên tất cả các tuyến phố bị phong toả. Cũng trong buổi họp sáng nay, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu cho các học sinh, sinh viên tạm nghỉ học đến hết ngày 15/03. Chiều nay, Hà Nội ghi nhận thêm 02 ca mắc Covid-19 một người là tài xế, một người là bác của bệnh nhân số 17. Nâng tổng số ca mắc tại Hà Nội lên con số 03 người. Thế là "địch" đã lấn lướt chúng ta một bước nhưng trong cái rủi ấy lại có cái may, may vì chúng ta đã hành động kịp thời, may vì chúng ta đã ngay lập tức khoanh vùng và cách li theo dõi, may vì trước đó chúng ta đã có cuộc diễn tập cho trường hợp có 30.000 người nhiễm bệnh. Chúng ta không hề giấu dịch như một số thông tin phản động rêu rao, bởi lẽ chẳng một chính quyền nào giấu dịch mà cuộc họp khẩn của các lãnh đạo cấp cao lại được phát trực tiếp, chẳng quốc gia nào giấu dịch mà mọi diễn biến về dịch lại được cập nhật theo từng phút như vậy.
(Binh chủng Hóa học phun thuốc khử trùng dọc phố Trúc Bạch)
Với nhiều người Hà Nội thì có lẽ chưa bao giờ họ thấy Thủ đô bị đặt trong tình thế báo động như vậy. Ngay cả khi dịch SARS hay H5N1 hoành hành hơn một thập kỉ về trước thì Hà Nội cũng chưa từng sục sôi như bây giờ. Người Hà Nội vốn được biết đến với sự điềm tĩnh nhưng trong hoàn cảnh ấy họ không thể ngồi yên được. Điều đáng nói là việc chính quyền Hà Nội đã tạo ra được một "thế trận toàn dân" ngay ở bước đầu chống dịch. Với sự chuẩn bị như thế, chúng ta có quyền hy vọng vào một ngày Hà Nội đẩy lùi căn bệnh này.
2. Cuộc chiến tâm lý
Trong lúc các bộ ban ngành y tế đang căng sức cách ly và phòng dịch thì ở một cuộc chiến khác, trên một mặt trận khác của chiến dịch chống Covid-19 cũng diễn ra căng thẳng không kém. Đó là cuộc chiến tâm lý giữa một bên là những suy nghĩ nông cạn, vị kỉ, xấu xa với một bên đại diện cho tư tưởng tiến bộ, nhận thức đúng đắn và sáng suốt.
Giữa những xáo trộn ấy, không ít người tỏ ra bối rối, hoảng loạn. Một phần họ phải “bơi” trong mớ thông tin thật giả lẫn lộn, một phần bị cuốn theo tâm lí đám đông. Trên khắp các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo,... rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc đối với bệnh nhân N.H.N khi người này được cho là đã không khai báo để cách li, cố ý che giấu tình trạng bệnh của mình. Sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi cư dân mạng đã "ném" hàng loạt những lời lẽ cay nghiệt vào cô gái trẻ 26 tuổi. Đáng sợ hơn, một số cá nhân còn lợi dụng tình hình đó để tự "vẽ" ra những nơi mà bệnh nhân số 17 đã đến kể từ khi về Việt Nam (như tham gia một club trên phố Tạ Hiện hay đến dự khai trương Uniqlo) để gây thêm hoang mang cho dư luận. Thế là những cư dân thường trú tại Facebook, họ được phen "ngụp lặn" giữa những mớ thông tin thật thật giả giả, "chín người mười ý" không biết ai đúng, ai sai. Rất may sau đó các cơ quan báo chí đã vào cuộc kịp thời để cải chính thông tin, đem lại sự minh bạch và trong sạch cho môi trường mạng xã hội. Mặt khác, dẫu biết rằng hành vi của cá nhân N.H.N ấy là sai, nhưng xét thấy trong hoàn cảnh đó chúng ta nên giữ tinh thần bình tĩnh và đồng cảm, bởi dẫu sao xỉ vả một người bệnh đang giành giật sự sống cũng không vẻ vang gì. Hơn nữa, việc "khẩu nghiệp" trên mạng xã hội chỉ làm tăng tính thù địch và phẫn nộ chứ tuyệt nhiên không giúp gì cho việc tìm ra biện pháp phòng dịch trong bối cảnh cần sự bình tĩnh hơn bao giờ hết.
Sự "hoảng loạn" trên môi trường mạng xã hội ngay lập tức "lây lan" sang cuộc sống thực tế. Ngay trong đêm, không ít người đã ra những siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hoá với mong muốn mua thật nhiều nhiều đồ tích trữ cho gia đình. Cho đến sáng ngày nay, hàng dài những người vẫn xếp hàng để chờ mua nhu yếu phẩm, có người mua vì mục đích sử dụng thiết yếu, có kẻ mua vì mục đích đầu cơ. Mặc sức cho lãnh đạo bộ Công Thương khẳng định có thể cung cấp đủ hàng tiêu dùng cho nhân dân thành phố nhưng có vẻ như một bộ phận người dân vẫn giả điếc làm ngơ. Hậu quả là trong ngày hôm nay đã ghi nhận, rất nhiều mặt hàng như mì tôm, lương thực trở nên khan hiếm, rất nhiều cửa hàng tạp hóa đã lợi dụng bán hàng với giá cắt cổ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng - nhất là những người thu nhập thấp. Cũng ngay trong đêm ấy, chuông điện thoại liên tục reo, vé máy bay, vé xe liên tục được đặt. Người ta đồn nhau hãy về quê để tránh dịch, rằng là Hà Nội đã “thất thủ” rồi. Thủ đô đứng trước một cuộc “trốn chạy” chưa từng có. Tệ thật! người ta đến Hà Nội để học tập, làm ăn và tìm kiếm cơ hội đổi đời ấy vậy mà khi thành phố này gặp biến cố thì một bộ phận cá nhân lại ích kỉ và chọn cách xử lí thiếu hiểu biết. Ai đó đã nói "trốn chạy là biểu hiện của kẻ thất bại", đúng vậy. Người ta chỉ bỏ trốn khi không đủ dũng cảm để đương đầu, bỏ chạy khi không tìm thấy giải pháp, bỏ chạy vì hoảng loạn. Sự thay đổi này, vô tình tạo ra tâm lý bất an lan rộng ra khắp các địa phương xung quanh thủ đô Hà Nội. Nguy hiểm hơn, nó có thể làm điều kiện phát tán dịch bệnh xa hơn, rộng hơn, khó kiểm soát hơn. Bài học của Hàn Quốc với bệnh nhân số 31 đã cho thấy, giải pháp cần thiết đưa ra lúc này có lẽ nên là hạn chế đi lại bằng cách tuyên truyền.
(Những quầy hàng hết nhẵn chỉ sau một đêm)
Thế nhưng, giữa những hoảng loạn ấy, người ta bắt đầu chia sẻ những thông tin với nội dung : “Hà Nội quyết thắng dịch”; “hãy ở lại và tự cách li”. Bởi việc về quê hiện tại sẽ chỉ làm các bến xe, bến tàu thêm đông đúc, tiềm ẩn những nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sẽ ra sao nếu một ai đó nhiễm bệnh, trên một chuyến xe về quê? Lúc đó thì sự căng thẳng sẽ không chỉ riêng ở Hà Nội đâu nhỉ? Và thế là rất nhiều những bạn sinh viên học xa, người lao động, khách du lịch,... tình nguyện ở lại Hà Nội, họ muốn cùng thành phố chiến đấu, họ muốn tự cách li chính mình để hạn chế lây lan dịch bệnh. Tất cả đều tự giác và ý thức đến kì lạ. Chứng kiến điều đó, mình chợt nhớ lại bài học từ những ngày tháng cuối năm 1972, khi mà Hà Nội đứng trước cuộc tập kích hàng không của đế quốc Mỹ, ông cha ta thời đó vẫn đoàn kết, vẫn hiên ngang bắn rơi B52 của kẻ thù, mỗi người dân Hà Nội lúc đó là một chiến sĩ, mỗi khu phố, xóm làng là một luỹ thành. Chỉ sau 12 ngày đêm, Hà Nội vững vàng chiến thắng trước bom đạn kẻ thù. Gần 48 năm sau, Hà Nội lại đứng trước một cuộc thử lửa như thế, nhưng lần này là cuộc xâm lăng của dịch Covid-19. Người ta nói “chống dịch như chống giặc” và trong cuộc chiến ấy “không một ai bị bỏ lại”. Nó không phải là nhiệm vụ riêng của bất cứ một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Đó là nhiệm vụ chung của toàn thể quốc gia, dân tộc mà tôi hay các bạn cũng không phải là ngoại lệ
Sao phải sợ khi chúng ta có một chính phủ luôn chủ động trong công tác chỉ đạo, luôn theo sát tình hình và diễn biến dịch bệnh để đưa ra những biện pháp kịp thời? 
Sao phải sợ khi chúng ta có đội ngũ y bác sĩ có tâm huyết và kinh nghiệm. Một nền y tế dự phòng an toàn cùng với những phác đồ điều trị hiệu quả mà cả Tổ chức Y tế Thế giới WHO hay các quốc gia với sự phát triển về y học như Mỹ cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chia sẻ kinh nghiệm
Sao phải sợ khi mà chúng ta-quốc gia duy nhất trên thế giới chữa khỏi 100% (16 ca nhiễm) trước khi bệnh nhấn số 17 xuất hiện?
Sao phải sợ khi chúng ta, những người dân luôn biết đoàn kết và tự bảo vệ chính mình. Chúng ta đã làm tốt điều đó trong hơn một tháng vừa qua và chẳng có lí do gì để chúng ta không tiếp tục làm tốt hơn thế. Và cuối cùng, như Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói: “Chúng ta đã làm được và bây giờ chúng ta sẽ làm lại từ đầu” như khẳng định chắc nịch vào quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của thành phố.
Điều cần thiết nhất bây giờ chính là việc mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh các cuộc tụ họp tại những nơi đông người, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và bổ sung các thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch. Bởi nếu mỗi chúng ta làm được như thế há chẳng phải đã tạo ra lớp phòng ngự cho chính mình, góp phần giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế hay sao? Ông cha ta nói: “phòng bệnh hơn chữa bệnh" cấm có sai mà.
(Các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19)
Nếu coi thế giới hiện nay là một mặt trận chiến  đấu chống Covid-19 thì Việt Nam là một điểm sáng, một phòng tuyến chắc chắn nhất, vững vàng nhất. Vì thế trong ngày hôm nay, mình và các bạn ở đây để đóng góp tiếng nói nâng cao hiểu biết, góp phần bảo vệ Hà Nội.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi và hẹn gặp lại vào số tiếp theo. Nếu thấy bài viết bổ ích, các bạn có thể re-up. Hãy nêu ý kiến của các bạn dưới phần bình luận nhé
Namchan
Cùng với góc nhìn của Thúy Hằng