Trong hóa học, nhằm phân loại sản phẩm (product/produit), dường như Việt Nam chỉ dùng cặp từ chính – phụ, mà xét kỹ thì nó cũng không ăn khớp với cách dùng của hóa văn phương Tây, khi họ dùng phân biệt (Anh/Pháp) major/majoritaire, minor/minoritaire, side/secondaireby-/sous-. Nay chúng tôi viết bài này nhằm bàn luận về ý nghĩa những từ gốc trong tiếng Anh và đề xuất cách dịch mới cho chuẩn xác.
Trước hết khi nhìn vào bốn từ trên, ta thấy không có cái nào là sản phẩm chính, vì main mới là chính mà. Ít nhất theo kinh nghiệm của chúng tôi, hóa văn Tây phương, đặc biệt là văn viết hiếm khi sử dụng main product, mà chất tạo thành sau phản ứng chỉ gọi là product, nếu không có chọn lọc gì, và những chất tạo ra (đi kèm) cùng nó là byproduct. Nếu phản ứng có chọn lọc, chẳng hạn như chọn lọc định vùng (regioselective) thì sẽ có major minor product là nói về lượng nhiều hay ít. Bên cạnh đó, người ta thường dùng lẫn lộn byproduct side product, nhưng chặt chẽ hơn thì side product phải đến từ side reaction của phản ứng tạo thành byproduct [1].
Hóa học dùng cả main lẫn major mà hai từ có nội hàm khác nhau nên không thể nhầm lẫn được. Tuy đều nói lên độ quan trọng nhưng main nhấn mạnh về tính, còn major nhấn mạnh về lượng. Bởi vậy ta có majority dịch là đa số. Nói nguyên tố nhóm A là main chứ không phải major, vì chúng đâu có chiếm đa số đâu. Nói một cấu trúc cộng hưởng là major, vì chúng đóng góp nhiều nhất, chứ không phải main.
Tóm lại, vì đã hằng định main là chính nên cần có cách dịch mới cho major, và nó phải tạo cặp từ tương phản với minor. Chúng tôi tạm dịch là trưởng/thứ, lấy cảm hứng từ âm nhạc, thay vì lựa chọn đa số/thiểu số tỏ ra dài dòng hơn và cũng không toát lên nội hàm độ quan trọng.
Về phần byproduct/sous-produit, để sát nghĩa đi kèm thì chúng tôi đề nghị dịch là sản phẩm kèm, không phải phụ. Chúng ta có thể giữ cách dịch sản phẩm phụ cho side product. Đúng ra, dịch side bên thì đúng nghĩa và dễ hiểu hơn, ví dụ như side reaction không phải phản ứng phụ, mà chỉ là quá trình phát hiện ngoài phản ứng mong muốn (không gọi là phản ứng chính/main reaction), chúng tôi thấy cách dịch phản ứng bên [lề] nom tốt hơn. Có điều, sự đứng sang một bên cũng có thể liên tưởng là phụ, giống như side effect tác dụng phụ, mà tiếng Pháp cũng dịch side productproduit secondaire, tức là sản phẩm thứ cấp hay phụ. Vậy ta có thể chọn cách thay đổi ôn hòa nhất có thể.
Xin nói thêm là trong hóa văn phương Tây, sản phẩm mà một cá nhân mong muốn được gọi là desired (mong muốn), tức là nói về mặt chủ quan (chứ người ta không dùng main), ngược lại là undesired (không mong muốn); còn sản phẩm mà phản ứng tạo ra nhiều được gọi là favored (ưu thế), tức là nói về mặt khách quan, ngược lại là unfavored (không ưu thế) hoặc disfavored (bất ưu thế/nhược thế). Nếu phản ứng đi theo hai hướng, ta có thể kiểm soát về mặt nhiệt động lực học (thermodynamic control) hoặc động học (kinetic control) để một hướng trở nên ưu thế, nhưng đó lại là câu chuyện của một ngày khác. Theo chúng tôi, chỉ khi phiên dịch sát nghĩa và phân biệt những thuật ngữ khác nhau trên, chúng ta mới không ngộ nhận mà hiểu thấu đáo về khái niệm. Chẳng hạn, xét sự loại nước (dehydration) 3-metylbutan-2-ol trong acid hydrocloric (HCl), theo quy tắc Zaïtsev, có hai sản phẩm là 2-metylbut-2-en (trưởng) và 2-metylbut-1-en (thứ), còn nước là sản phẩm kèm. Tuy chỉ đi kèm nhưng nước mới thật sự là sản phẩm ưu thế, vì khách quan mà nói thì nó được tạo thành nhiều hơn trưởng thứ, tuy nhiên dù gì thì một trong hai alken mới là sản phẩm mong muốn. Ngoài ra có một phản ứng phụ là chuyển hóa alcol thành clorid tương ứng, tạo thành 2-cloro-3-metylbutan là sản phẩm phụ.
Sự loại nước 3-metylbutan-2-ol.
Sự loại nước 3-metylbutan-2-ol.
Trên đây chúng tôi đã bàn luận xong ý nghĩa của từng cách phân loại sản phẩm trong hóa văn và đề nghị cách dịch chúng sao cho phù hợp. Ngoài việc loại trừ sản phẩm chính và bảo lưu sản phẩm phụ, chúng tôi đa phần đưa vào cách dịch mới, tuy không đến nỗi táo bạo, hy vọng nhận được ý kiến thêm từ bạn đọc để đi đến giải pháp tối ưu.
Người viết cảm ơn thầy Lý Minh Huy (University of Ottawa, Canada; HChemO Academy) đã cùng thảo luận và đưa ra những ý kiến phản biện thấu đáo.
[1] (DOI) 10.1021/op300317g.