Chừng nào chúng ta thôi tung hô bác sĩ, giáo viên là "những nghề cao quý nhất" thì lúc đó dịch vụ y tế và giáo dục mới thực sự được cải thiện - đấy là quan điểm của ông già nhà mình, và cũng là một trong số những quan điểm hiếm hoi mà mình với ông cụ đồng tình với nhau.


Mình thì không quen nhiều người làm nghề giáo. Nhưng người yêu mình làm bác sĩ, và mình đồng hành với anh bác sĩ từ những ngày mài đít trên giảng đường cho đến những ngày mài đít trên... ô tô đi "khám tuyến". Nên trong câu chuyện này, mình sẽ chỉ nói về vấn đề tại sao chúng ta nên ngừng coi bác sĩ là "mẹ hiền" - mà hãy coi họ đơn thuần là người cung cấp dịch vụ.

Đọc thêm:

Để một bác sĩ có thể yên tâm chắc tay hành nghề, tính sơ sơ thì cần "được nuôi" cỡ mười năm. Trong đó, sáu năm đại học, hai năm đào tạo định hướng và chuyên khoa, ba năm đào tạo nội trú (nếu đủ giỏi). Trong trường hợp gia đình không có điều kiện hoặc bác sĩ không đủ tài năng - mối quan hệ, thì còn phải thêm vài năm nữa để "đi đường vòng" - tức là nâng cao tay nghề, phụ việc, mở rộng vòng quan hệ, "kiếm cửa"... Tổng cộng tất cả thời gian để một bác sĩ - tạm gọi là ổn định công việc - cũng phải rơi vào 10, 12 năm.
Anh bác sĩ nhà mình thì thuộc số đông gia đình ít điều kiện. Nên hành trình làm “lương y” nói chung là cũng không bằng phẳng. Đến nỗi có thời điểm, ảnh định bỏ nghề, đi làm pha chế cafe để kiếm tiền ăn qua ngày. Và hóa ra, chúng ta không chỉ có một đội ngũ freelancer làm nghề viết, nghề IT, nghề thiết kế… mà chúng ta cũng có cả một đội ngũ bác sĩ freelance hùng hậu. Anh bác sĩ nhà mình là một trong số đó. Những tin tuyển freelance của các phòng khám cũng nhiều không kém các tin tuyển freelance của các agency. Các bác sĩ cùng săn job không kém các writer, coder, designer…
Khi chúng ta coi bác sĩ là một nghề cao cả hơn những nghề khác, tự nhiên cái tiêu chuẩn làm bác sĩ cũng trở nên ngặt nghèo, khắt khe hơn (ở đây mình không nói về chuyên môn, mà chỉ đơn thuần là sự đánh giá tiêu chuẩn làm nghề). Kéo theo đấy là sự đòi hỏi hy sinh của người làm nghề bác sĩ, kiểu như là “vì anh ta làm bác sĩ, nên anh ta phải…”. Tự nhiên thành ra, bác sĩ phải vui  lòng đáp ứng hết yêu cầu của bệnh nhân, của lãnh đạo, của xã hội.
Thế nên là, cuối cùng thì các bác sĩ vẫn cần kiếm tiền, cần nuôi sống bản thân và gia đình, nên tốt nhất, chúng ta hãy coi bác sĩ đơn thuần đang cung cấp một dịch vụ đặc thù. Khi đó, người làm nghề y sẽ nhận được những gì họ xứng đáng, còn người bệnh - hay người mua dịch vụ cũng sẽ nhận được chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Disclaimer: Đây là một bài tập viết của mình, cũng chưa nghĩ xong đâu nhưng mai phải nộp rồi nên rất mong nhận được sự đóng góp quan điểm và góc nhìn của Đồng Nhện, mình xin chân thành cảm ơn :3
P/S: Mình đã viết lại bài này, tử tế và đầy đủ ý tứ hơn. Các bạn có thể xem lại tại đây.

Đọc thêm: