Trong bài viết trước, chúng ta đã cùng nhau dõi theo hai nhiệm kì tổng thống rực rỡ nhất của Putin. Ngoài ra, ta còn chứng kiến nhiệm kì thủ tướng thứ hai khi ông cùng tổng thống Medvedev chia sẻ quyền lực để đưa nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009.
Thế nhưng những thử thách thực sự của Putin lại nằm ở hai nhiệm kỳ thứ ba và thứ bốn; với các sự kiện đầy biến động như đại dịch COVID-19 và đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Putin nói riêng và nước Nga nói chung đã ứng phó với những biến cố này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1, Nhiệm kỳ thứ ba đầy thăng trầm

Tại Đại hội nước Nga thống nhất ở Moscow vào ngày 24 tháng 9 năm 2011, Medvedev chính thức đề xuất Putin ứng cử tổng thống vào năm sau, một lời đề nghị mà Putin đã chấp nhận. Với sự thống trị gần như hoàn toàn của đảng Nước Nga thống nhất trong nền chính trị Nga, nhiều nhà quan sát tin rằng Putin đã chắc chắn có nhiệm kỳ thứ ba.
Sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 4 tháng 12 năm 2011, hàng chục nghìn người Nga đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối gian lận bầu cử. Những người biểu tình chỉ trích Putin và Đảng Nước Nga Thống nhất và yêu cầu hủy bỏ kết quả bầu cử.
Mặc dù có những phản đối, nhưng vào ngày 4 tháng 3 năm 2012, Putin vẫn đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 3 với 63,6% số phiếu bầu. Phe đối lập với ông đã liên tục cáo buộc bầu cử bị gian lận. Nhiều cuộc biểu tình chống Putin đã diễn ra ngay trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống. Khoảng 20.000 người đã tụ tập tại Moscow vào ngày 6 tháng 5 để phản đối việc Putin nắm quyền tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Đã có đụng độ xảy ra giữa những người biểu tình với lực lượng cảnh sát, khiến hàng chục người bị thương và hàng trăm người bị bắt giữ. 
Năm đầu tiên trở lại làm tổng thống của Putin được đánh dấu bằng những nỗ lực nhằm dập tắt các phong trào phản đối. Các nhà lãnh đạo đối lập đã bị bỏ tù, và các tổ chức phi chính phủ nhận được tài trợ từ nước ngoài bị dán nhãn là "các điệp viên ngoại quốc”.
Để kỷ niệm 20 năm ngày thông qua hiến pháp hậu Xô Viết vào tháng 12 năm 2013, Putin đã có một hành động nhân đạo khi ra lệnh thả khoảng 25.000 người khỏi các nhà tù của Nga. Cũng trong năm đó, ông đã ân xá cho Mikhail Khodorkovsky, cựu giám đốc tập đoàn dầu mỏ Yukos.  Người này đã bị giam giữ hơn một thập kỷ vì những cáo buộc mà nhiều người bên ngoài nước Nga cho là có dính líu đến chính trị.
Nền kinh tế trong nhiệm kì thứ ba của Putin có tăng trưởng, nhưng chậm chạp. Tuy kinh tế dưới nhiệm kì thủ tướng thứ hai của Putin có thể được xem là thành công khi giúp nước Nga kiên cường vượt qua khủng hoảng, nhưng cũng chính Bộ trưởng Kinh tế Nga đương nhiệm lúc ấy là Alexei Ulyukayev lại đã đưa ra những nhận xét không mấy tích cực về một tương lai dài hạn. Ulyukayev cảnh báo rằng nước Nga có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng thấp trong tương lai do Điện Kremlin đã không thực hiện các cải cách đúng hướng trong khi giá dầu vẫn ở mức cao. Ngoài ra, bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu ngày càng phình to và chi tiêu quốc gia thiếu hiệu quả cũng là những nhân tố cản trở tới mức tăng trưởng.
Vào tháng 2 năm 2014, khi chính phủ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ sau nhiều tháng biểu tình liên tục, Yanukovych đã chạy trốn sang Nga. Phía Nga khi đó đã không công nhận chính phủ lâm thời ở Kyiv là hợp pháp. Putin cũng đã yêu cầu quốc hội chấp thuận điều quân đến Ukraine để bảo vệ lợi ích của Nga. Đến đầu tháng 3 năm 2014, quân đội Nga và các nhóm bán quân sự thân Nga đã thực sự nắm quyền kiểm soát Crimea, một nước cộng hòa tự trị của Ukraine có dân số chủ yếu là người Nga.
Trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 16 tháng 3, cư dân Crimea đã bỏ phiếu để gia nhập Nga. Gần như ngay sau đó, chính phủ nhiều nước phương Tây đã đưa ra một loạt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các thành viên trong nhóm thân cận của Putin. Tới ngày 18 tháng 3, Putin tuyên bố rằng Crimea luôn là một phần của Nga. Đồng thời, ông cũng ký một hiệp ước sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga. Trong những ngày tiếp theo, nhiều đồng minh chính trị của Putin tiếp tục trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt kinh tế đến từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Về phần Nga, sau khi hiệp ước được cả hai viện của quốc hội Nga phê chuẩn thì vào ngày 21 tháng 3, Putin đã ký luật chính thức hóa việc Nga sáp nhập Crimea.
Sự kiện Nga sáp nhập Crimea đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình của các nhóm thân Nga ở vùng Donbass của Ukraine. Việc này dần leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại Donetsk và Lugansk. Các quốc gia phương Tây và các tổ chức như Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án Nga vì những hành động của họ ở Ukraine sau cuộc cách mạng, đồng thời cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Ukraine. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ, và sự sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp.
Về phía Putin, thì có thể thấy là những hành động của ông đối với vấn đề Ukraine hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố trước đó. Vào năm 2008, chính Putin đã từng khẳng định rằng Crimea là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Ukraine và tuyên bố Nga không hề có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine. Tuy nhiên việc sáp nhập Crimea lại đem đến lợi thế lớn cho Putin, bởi lẽ tỷ lệ ủng hộ ông đã tăng vọt vào khoảng giữa năm 2014. Điều này cho thấy là với sự kiện sáp nhập Crimea, người dân Nga đã lại có cơ hội để nhớ về vị trí siêu cường như trước đây.
Vào tháng 4 năm 2014, các nhóm tay súng không rõ danh tính được trang bị vũ khí của Nga đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ trên khắp đông nam Ukraine, gây ra một cuộc xung đột vũ trang với chính quyền ở Kyiv. Nhiều bằng chứng đều cho thấy Nga có tham gia và dính líu đến việc này, nhưng Putin kiên quyết phủ nhận. Vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines chở 298 người đã bị rơi ở miền đông Ukraine. Các bằng chứng cho thấy nó đã bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không do Nga sản xuất xuất phát từ lãnh thổ do phiến quân kiểm soát.
Các nước phương Tây đã đáp trả bằng cách thắt chặt chế độ trừng phạt. Việc này kết hợp với giá dầu giảm mạnh đã khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng suy thoái. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ước tính có hơn 1000 quân Nga đang chủ động chiến đấu bên trong Ukraine khi các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine gặp nhau để đàm phán ngừng bắn tại Minsk, Belarus vào ngày 5 tháng 9. Lệnh ngừng bắn góp phần giảm thiểu tình trạng bạo loạn, nhưng chưa chấm dứt hẳn. Quân nổi dậy thân Nga sau đó đã dành nhiều tháng để đẩy lùi quân đội Ukraine.
Cuối năm 2014, Nga lâm vào cuộc cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng giá trị của đồng rúp Nga và làm nền kinh tế nước này suy thoái. Một trong những yếu tố chính góp phần vào tình trạng ấy là do các nước phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế do sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine. Một nguyên nhân nữa chính là việc dầu thô lên tới gần 50% - mà đây vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga. Khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, bao gồm cả người tiêu dùng và các công ty, và cũng gây ra tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu.
Vào ngày 12 tháng 2 năm 2015, Putin đã gặp các nhà lãnh đạo thế giới khác tại Minsk để phê duyệt kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine. Mặc dù giao tranh đã chậm lại trong một thời gian, nhưng cuộc xung đột lại bùng phát vào mùa xuân và đến tháng 9 năm 2015, Liên hợp quốc ước tính rằng khoảng 8000 người đã thiệt mạng và 1,5 triệu người đã phải di dời do giao tranh.
Vào ngày 28 tháng 9 năm 2015, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Putin đã trình bày tầm nhìn của mình về nước Nga. Theo đó, ông coi nước Nga là một cường quốc thế giới, có khả năng thể hiện ảnh hưởng của mình ra nước ngoài, đồng thời coi Hoa Kỳ và NATO là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Hai ngày sau, Nga đã trở thành một bên tham gia tích cực vào Nội chiến Syria, khi máy bay Nga tấn công các mục tiêu gần các thành phố Homs và Hama. Mặc dù các quan chức quốc phòng Nga tuyên bố rằng các cuộc không kích nhằm vào quân đội và vật tư thuộc về Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, nhưng trọng tâm thực sự của các cuộc tấn công dường như là nhằm vào những người phản đối Bashar al-Assad - tổng thống đương nhiệm của Syria và cũng là đồng minh của Nga.
Putin sau đó tuyên bố đã cho phép quân đội Nga can thiệp quân sự sau khi có lời yêu cầu chính thức của chính phủ Syria nhằm giúp đỡ quân đội nước này chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các nhóm thánh chiến được Phương Tây bảo trợ. Đến tháng 3 năm 2017, phần lớn quân đội Nga đã rút khỏi Syria, tuy nhiên Nga vẫn duy trì một nhóm tác chiến không quân và cố vấn quân sự để hỗ trợ quân đội Syria.
Vào tháng 1 năm 2016, một cuộc điều tra công khai của Anh đã chính thức cáo buộc Putin có liên quan đến vụ giết hại cựu sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang năm 2006 là Alexander Litvinenko. Litvinenko, người đã lên tiếng phản đối mối quan hệ giữa chính phủ Nga với tội phạm có tổ chức trước và sau khi đào tẩu sang Vương quốc Anh, đã bị đầu độc khi đang uống trà tại quầy bar của một khách sạn ở London. Vương quốc Anh đã ra lệnh dẫn độ hai người đàn ông bị cáo buộc thực hiện vụ ám sát, nhưng cả hai đều phủ nhận sự liên quan.
Trong những tháng trước Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, một loạt các cuộc tấn công tin tặc cấp cao đã xảy ra, nhắm vào Đảng Dân chủ và ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton. Trong vòng vài ngày, FBI đã mở một cuộc điều tra về những nỗ lực của Nga nhằm tác động đến cuộc bầu cử tổng thống. Sau đó, người ta tiết lộ rằng cuộc điều tra này cũng đang xem xét những mối liên hệ có thể có giữa những nỗ lực đó và chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump. Bất chấp những tuyên bố này, Trump đã nhiều lần bác bỏ khả năng Putin đang cố gắng tác động đến cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho mình.
Sau chiến thắng bất ngờ của Trump vào tháng 11 năm 2016, sự chú ý mới lại tập trung vào các cuộc tấn công mạng và khả năng thông đồng giữa nhóm vận động tranh cử của Trump và Nga. Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ kết luận rằng Putin đã ra lệnh cho một chiến dịch đa hướng nhằm tác động đến cuộc bầu cử và làm suy yếu niềm tin vào các hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các cơ quan tình báo Nga và trục xuất hàng chục điệp viên Nga bị tình nghi, nhưng Tổng thống mới đắc cử Trump vẫn tiếp tục bác bỏ kết luận của các cơ quan tình báo. Trump nhậm chức vào tháng 1 năm 2017 và Quốc hội Hoa Kỳ đã mở thêm các cuộc điều tra để xem xét bản chất và mức độ can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống. Về phần mình, Putin phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ chiến dịch nào nhằm tác động đến các cuộc bầu cử nước ngoài.
Đến cuối năm 2017, Putin một lần nữa cho thấy tầm nhìn chiến lược của mình. Nhờ những cải cách của chính phủ, kinh tế Nga sau 2 năm suy thoái đã trên đà hồi phục và có mức tăng trưởng khá khả quan. Bối cảnh quốc tế cũng khả quan hơn khi giá dầu thế giới tăng và lần lượt vượt các mốc 60USD và 70USD/thùng - cao nhất trong 3 năm trở lại. Ngân hàng Goldman Sachs đầu năm 2018 dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ đạt 3,3% trong năm 2018, cao hơn cả những ước tính của chính phủ nước này. Chi tiêu tiêu dùng đang tăng, lạm phát đã giảm xuống còn dưới 2%.
Tuy nhiênt hực tế cho thấy rằng người dân Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt liên tiếp từ phương Tây. Lệnh cấm vận không chỉ ảnh hưởng tới giao thương quốc tế mà còn ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng trong nước của Nga. Việc giá cả sẽ tăng do tình trạng thiếu hụt và lạm phát tăng, dẫn đến tiết kiệm giảm, tiền lương giảm và thất nghiệp gia tăng, hệ quả là chất lượng cuộc sống của người dân Nga giảm sút, đặc biệt là các gia đình trung lưu và những người Nga nghèo.
Trong năm 2015, GDP của Nga giảm 3,7%. Vào năm 2016, mức lương trung bình của người Nga bị sụt giảm xuống chỉ còn 450 USD một tháng (so với mức 967 USD một tháng vào năm 2013), thấp hơn cả Trung Quốc và Ba Lan. Tỉ lệ người nghèo ở Nga đang có chiều hướng gia tăng, từ 16.1 triệu người sống dưới mức nghèo trong năm 2015 đã nhảy vọt lên con số 19.2 triệu người vào năm 2016. Đồng rúp của Nga cũng liên tục mất giá. Tính đến tháng 3 năm 2016, giá trị của đồng rúp chỉ còn bằng 50% so với thời điểm tháng 7 năm 2014.
Bất chấp những sự thật khá bi quan ấy, tỷ lệ ủng hộ Putin tiếp tục giữ ở mức cao. Theo TASS, kết quả khảo sát của hãng điều tra VTSIOM công bố ngày 3 tháng 8 năm 2017 cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Vladimir Putin ở cương vị Tổng thống Nga là 83,5% vào cuối tháng 7 năm 2017. Những người bày tỏ lo ngại về những vấn đề tồn đọng của xã hội trong các cuộc thăm dò ý kiến thì thường quy kết trách nhiệm cho Dmitry Medvedev.

Nhiệm kỳ thứ tư đầy biến động

Khi cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 năm 2018 đến gần, gần như chắc chắn Putin sẽ có nhiệm kỳ thứ tư ngồi lên chiếc ghế quyền lực nhất nước Nga. Navalny, bộ mặt của phe đối lập thì đã bị cấm tranh cử; còn ứng cử viên Đảng Cộng sản là Pavel Grudinin thì phải đối mặt với sự chỉ trích liên tục từ các phương tiện truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên khoảng 2 tuần trước cuộc bầu cử, Putin đã trở thành tâm điểm của một sự kiện quốc tế lớn. Sergei Skripal, một cựu sĩ quan tình báo Nga bị kết tội làm gián điệp cho Anh nhưng được thả về, được tìm thấy bất tỉnh cùng con gái tại Salisbury, Anh. Các nhà điều tra cáo buộc rằng họ đã trúng phải độc Novichok, một chất độc thần kinh phức tạp do Liên Xô phát triển. Các quan chức Anh cáo buộc Putin đã ra lệnh tấn công, và Thủ tướng Anh Theresa May đã trục xuất gần hai chục điệp viên tình báo Nga đang làm việc tại Anh.
Tranh cãi ngoại giao vẫn chưa lắng xuống khi người Nga đi bỏ phiếu vào ngày 18 tháng 3 năm 2018. Đây lại chính là ngày kỷ niệm bốn năm ngày Nga sáp nhập nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine, một sự kiện đánh dấu sự gia tăng đột biến về mức độ nổi tiếng trong nước của Putin. Đúng như dự đoán, Putin đã giành được đa số phiếu bầu.
Vào ngày 16 tháng 7 năm 2018, sau khi tổ chức thành công Vòng chung kết World Cup; Putin đã có cuộc họp thượng đỉnh tại Helsinki với Trump. Hai người đã gặp và nói chuyện riêng trong khoảng 2 giờ, bên cạnh chỉ có các nhân viên phiên dịch. Sau đó, hai người tiếp tục có một cuộc họp ngắn với sự tham gia của các cố vấn. Trong cuộc họp báo sau đó, Putin một lần nữa phủ nhận mọi sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Sau đó, Trump đã gây chấn động khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, ông cho biết ông tin tưởng vào lời phủ nhận của Putin hơn là kết luận của chính các tổ chức tình báo của mình. Hơn nữa, khi có cơ hội lên án các hành động vi phạm pháp luật của Nga, Trump lại đổ lỗi cho Hoa Kỳ về mối quan hệ căng thẳng với Nga. Trump cũng tỏ ra nồng nhiệt với lời đề nghị của Putin cho phép các nhà điều tra Hoa Kỳ phỏng vấn các điệp viên Nga để đổi lấy việc Nga được tiếp cận với những người Mỹ quan tâm đến các cuộc điều tra của Nga.
Khi được một phóng viên Mỹ hỏi liệu ông có thiên vị Trump trong cuộc bầu cử hay không, Putin trả lời rằng ông có, vì Trump bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Nga. Báo chí Nga đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh là một thành công to lớn đối với Putin. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov mô tả kết quả của hội nghị thượng đỉnh là "tốt hơn cả tuyệt vời". Phản ứng ở Hoa Kỳ chủ yếu là sốc và một số đảng viên Cộng hòa đã cùng với đảng Dân chủ lên án mạnh mẽ hành động của Trump.
Mặc dù Nga vẫn là một kẻ bị ruồng bỏ trên trường quốc tế khi các vận động viên của nước này bị cấm tham gia các cuộc thi quốc tế, nước này vẫn bị đình chỉ vô thời hạn khỏi G8 và là mục tiêu của một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế; thì vị thế cá nhân của Putin vẫn không hề suy giảm. Với việc Anh đang vật lộn để ký kết một thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ với tư cách là nhà lãnh đạo thực tế của châu Âu và các chính phủ ở Ba Lan và Hungary thể hiện các hoạt động ngày càng độc đoán, Putin hiện đối mặt với một phương Tây dường như không thể tìm ra hướng đi của mình. Trong bối cảnh này, ông đã khoe khoang về sự mở rộng mạnh mẽ sức mạnh quân sự của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Vào tháng 12 năm 2019, Putin đã nhận xét: "Hôm nay, chúng ta có một tình huống độc nhất vô nhị trong lịch sử hiện đại: họ đang cố gắng bắt kịp chúng ta".
Vào tháng 1 năm 2020, Putin tuyên bố ý định sửa đổi hiến pháp Nga theo cách sẽ xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho tổng thống, mở đường cho ông tại vị vô thời hạn. Medvedev nhanh chóng từ chức thủ tướng, tuyên bố rằng một chính phủ mới sẽ trao cho Putin "cơ hội đưa ra những quyết định mà ông cần đưa ra". Những thay đổi hiến pháp được đề xuất đã nhanh chóng được cơ quan lập pháp Nga chấp thuận, nhưng Putin đã lên lịch trưng cầu dân ý toàn quốc về vấn đề này, một động thái mà những người chỉ trích mô tả chẳng khác gì một vở kịch chính trị. Cuộc bỏ phiếu đó ban đầu được lên lịch vào tháng 4, nhưng đã bị hoãn lại đến tháng 7 do đại dịch COVID-19. Kết quả không có gì bất ngờ khi tỷ lệ ủng hộ Putin vẫn tiếp tục áp đảo.
Tuy nhiên, cũng từ lúc này, Putin nói riêng và nước Nga nói chung bắt đầu phải ứng phó với một loạt khó khăn. Và khởi đầu cho chuỗi những sự kiện ấy chính là đại dịch COVID-19.

2.1, Đại dịch COVID-19

Một trong những dấu ấn đáng nhớ nhất của nhiệm kì tổng thống thứ tư của Putin chính là đại dịch COVID-19. Đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc này được xác nhận đã lan sang Liên bang Nga vào ngày 31 tháng 1 năm 2020. Trong nhiều tháng, đất nước này báo cáo tỷ lệ lây nhiễm thấp đáng kinh ngạc, nhưng về sau đại dịch lại đã bùng phát mạnh mẽ. So với nhiều quốc gia phương Tây, Nga đã phản ứng nhanh chóng và nghiêm túc với loại virus corona mới. Điện Kremlin đã thành lập một trụ sở đặc biệt về virus corona vào ngày 27 tháng 1 và ba ngày sau, Nga đã đóng cửa hầu hết biên giới với Trung Quốc.
Vào cuối tháng 3, Nga vẫn tự hào về số ca nhiễm virus corona mới ít hơn Luxembourg. Tuy nhiên, các nhà quan sát đã bắt đầu nghi ngờ. Nhiều phóng viên chỉ ra sự gia tăng các ca viêm phổi trong nước là dấu hiệu của việc báo cáo thiếu hoặc thậm chí làm giả giấy chứng tử để đảm bảo số ca bệnh vẫn ở mức thấp. Trong khi vào thời điểm đó, Nga chỉ báo cáo 253 ca nhiễm virus corona, thì số ca viêm phổi ở Moscow đã tăng 37%, theo cơ quan thống kê nhà nước của Nga.
Vào ngày 30 tháng 3, chỉ năm ngày sau khi Putin xuất hiện trước công chúng để xoa dịu mọi lo lắng về đại dịch toàn cầu, Thị trưởng Moscow là Sergei Sobyanin đã tuyên bố rằng thành phố sẽ chuẩn bị áp dụng lệnh phong tỏa hạn chế. Lệnh phong tỏa Moscow là biện pháp đầu tiên được thực hiện ở Nga. Vào ngày 30 tháng 3, Thủ tướng Mishustin đã kêu gọi tất cả các thành phố và khu vực khác noi gương Moscow và áp dụng các hạn chế tương tự. Mặc dù Putin đã tuyên bố nghỉ lễ chín ngày trong bài phát biểu đầu tiên vào ngày 25 tháng 3, nhưng ông đã cố tình không đề cập đến việc áp dụng các hạn chế phong tỏa sắp xảy ra, khiến thủ tướng và thị trưởng Moscow phải đưa ra các biện pháp có khả năng không được lòng dân. Sau đó, Điện Kremlin đã hủy bỏ các cuộc diễu hành quân sự lớn cho lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào ngày 9 tháng 5 và cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp được ấn định vào ngày 22 tháng 4, một cuộc bỏ phiếu sẽ cho phép Putin kéo dài thời gian cầm quyền của mình đến năm 2036.
Và sau tuần đầu tiên của tháng 4, sự lạc quan của Điện Kremlin dường như chỉ còn là ký ức xa vời. Sau khi bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế tại Moscow, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko đã tuyên bố vào ngày 9 tháng 4 rằng các bệnh viện sẽ điều trị tất cả các trường hợp viêm phổi như các trường hợp có thể mắc virus corona. Các dịch vụ y tế đã tăng cường xét nghiệm và trong những tuần tiếp theo, nhiều kỷ lục cao đã được thiết lập về số ca nhiễm virus corona mới hàng ngày. Các trường hợp nhiễm virus corona đã tăng hơn 10.000 ca trong sáu ngày liên tiếp vào đầu tháng 5. Tính đến ngày 14 tháng 5, cả nước đã báo cáo 252.245 ca mắc và 2.305 ca tử vong. Và khi Nga thừa nhận rằng họ đang gặp vấn đề, Điện Kremlin đã giao phó cho các thống đốc và thị trưởng tìm ra giải pháp.
Trong khi đó, Putin hầu như không xuất hiện trước công chúng. Biện pháp khắc nghiệt nhất do Putin trực tiếp ban hành vào giữa tháng 5 là kéo dài “ thời gian không làm việc” toàn quốc. Với việc các bệnh viện quá tải và số người chết tăng cao, cách tiếp cận không can thiệp của Putin khiến nhiều nhà quan sát bối rối. Một số người tin rằng Putin đang đứng sang một bên trong một biện pháp chiến thuật để đảm bảo rằng ông không bị liên đới ngay lập tức với các biện pháp hạn chế. Theo quan điểm này, Putin dường như đang để các quan chức địa phương nhận phần lớn sự chỉ trích. Những người khác cho rằng việc ông không có mặt trong cuộc khủng hoảng trong nước lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ sẽ làm tổn hại đến tính hợp pháp của chế độ cai trị của ông và làm suy yếu tính thiêng liêng của quyền lực trong chính quyền trung ương nói chung.
Cũng chính vì thế, sự tín nhiệm của người dân Nga với Putin bắt đầu giảm. Levada Center, cơ quan thăm dò ý kiến ​​độc lập duy nhất của Nga, báo cáo rằng tỷ lệ ủng hộ Putin đã giảm 6% trong tháng 3, thậm chí các trang web ủng hộ Putin còn liệt kê tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục đối với nhà lãnh đạo Điện Kremlin. Một cuộc thăm dò khác của Levada Center cho thấy tỷ lệ người Nga chấp thuận phản ứng của các nhà lãnh đạo địa phương đối với dịch bệnh cao hơn Putin.
Tại các thành phố lớn của Nga, các y tá và bác sĩ liên tục từ chức để phản đối điều kiện làm việc. Song song với đó, các bác sĩ bị bệnh vẫn đang buộc phải tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Tại bệnh viện điều trị virus corona chính của Moscow, các y tá và nhân viên y tế phàn nàn rằng họ nhận được thực phẩm không đầy đủ, bị buộc phải tái sử dụng thiết bị y tế không vô trùng và không nhận được khoản tiền thưởng mà Tổng thống Putin đã hứa cho các nhân viên cấp cứu. Viện Saint Petersburg Vredena sau một đợt bùng phát trong bệnh viện đã buộc phải đóng cửa vào ngày 9 tháng 4, khiến nhiều chuyên gia y tế bị kẹt lại. Hai tuần sau, từ 500 đến 700 bệnh nhân và nhân viên y tế vẫn bị cách ly trong bệnh viện, một bác sĩ còn cho biết khoảng 80% đồng nghiệp của ông bị bệnh. Một bác sĩ đã chia sẻ qua YouTube rằng, mặc dù bị bệnh, các y tá và bác sĩ bên trong vẫn đang chăm sóc bệnh nhân của mình, không biết khi nào họ sẽ được điều trị. Ở các thành phố nhỏ hơn và vùng nông thôn, cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng, khiến hàng triệu người "hoàn toàn không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe".
Cuộc khủng hoảng thậm chí đã lan đến Điện Kremlin, nơi hoạt động với số lượng nhân sự hạn chế và các cuộc họp của chính phủ được tổ chức thông qua hội nghị truyền hình. Vào ngày 30 tháng 4, Thủ tướng Mishustin thông báo rằng ông đã được chẩn đoán mắc COVID-19, và hai tuần sau đó, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phải nhập viện vì virus.
Putin đã thừa nhận rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, và vẫn còn phải chờ xem Nga sẽ xử lý tình hình ngày càng tồi tệ như thế nào. Việc liệu có tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hay không, như nhiều người đang kêu gọi, vẫn còn phải chờ xem. Một cuộc khủng hoảng kinh tế gần như chắc chắn sẽ quét qua mọi quốc gia lớn có khả năng sẽ đến Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến ​​nền kinh tế Nga trong năm 2020 sẽ suy giảm 5,5%.
Và khi cơn khủng hoảng COVID-19 vẫn còn đang hoành hành, Nga tiếp tục vướng vào một sự kiện còn đáng ngại hơn - cuộc xung đột Ukraine.

2.2, Chiến tranh Nga - Ukraine

Cuối năm 2021, khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa thực sự bị đẩy lui trên toàn thế giới, Putin đã ra lệnh tăng cường lực lượng Nga dọc biên giới Ukraine. Các đơn vị bổ sung đã được điều động đến Belarus trên danh nghĩa là để tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội nước này. Các chính phủ phương Tây đã bày tỏ sự lo ngại về một cuộc xâm lược sắp diễn ra, nhưng Putin lại phủ nhận việc ấy. Đến tháng 2 năm 2022, có tới 190.000 quân Nga đã sẵn sàng tấn công vào Ukraine từ các căn cứ tiền phương ở Nga, Crimea, Belarus và vùng đất ly khai Transdniestria do Nga hậu thuẫn ở Moldova . Ngoài ra, các đơn vị đổ bộ đã được triển khai đến Biển Đen dưới vỏ bọc là các cuộc tập trận hải quân đã được lên lịch trước đó.
Vào ngày 21 tháng 2, Putin đã công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa nhân dân tự xưng là Donetsk và Luhansk, trên thực tế đã vô hiệu hóa thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015. Vào sáng sớm ngày 24 tháng 2, Putin tuyên bố bắt đầu một "chiến dịch quân sự đặc biệt" và quân đội Nga bắt đầu tấn công vào các thành phố ở gần biên giới Ukraine - Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đất nước của ông sẽ tự vệ, và các nhà lãnh đạo phương Tây lên án cuộc tấn công vô cớ này, đồng thời đe dọa sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt nhanh chóng và nghiêm khắc đối với Nga.
Putin và các cố vấn quân sự của ông đã cho rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga sẽ kết thúc trong vài ngày với việc lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ ở Kyiv và thành lập một chế độ thân Moscow. Tuy nhiên, bước tiến của quân đội Nga nhanh chóng bị chậm lại do sự kháng cự quyết liệt của Ukraine. Những thất bại to lớn về hậu cần đã cản trở cuộc tấn công vào Kyiv, và nỗ lực bao vây Kharkiv đã bị chùn bước, mặc dù thành phố này chỉ cách biên giới Nga khoảng 32km. Đến cuối tháng 3, quân đội Nga đã bị đẩy lùi khỏi Kyiv.
Ở những khu vực được giải phóng, có nhiều bằng chứng về tội ác chiến tranh do binh lính Nga gây ra. Các báo cáo về cướp bóc và bạo lực tình dục rất phổ biến, và ở các thành phố như Bucha, Izyum và Kherson, người ta tìm thấy hàng trăm thi thể thường dân chất đống trong các ngôi mộ tập thể. Ở Mariupol, có tới 600 người đã thiệt mạng khi một cuộc không kích của Nga nhắm vào một nhà hát từng là nơi trú ẩn bom chính của thành phố. Tòa nhà không có giá trị quân sự nào và chữ "TRẺ EM" được sơn trên vỉa hè bên ngoài bằng những chữ cái Kirin lớn có thể nhìn thấy qua hình ảnh vệ tinh. Khi tình hình trên chiến trường trở nên dằng co và Ukraine bắt đầu giành lại lãnh thổ, các chỉ huy Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự - điều này vi phạm rõ ràng Công ước Geneva. Khi quân đội Nga cuối cùng đã chiếm được Mariupol sau ba tháng bao vây, thành phố cảng đã bị biến thành một đống đổ nát bốc khói.
Trước tình hình cuộc chiến không theo kế hoạch, Putin đã buộc phải sử dụng đến lực lượng lính đánh thuê Wagner của Yevgeny Prigozhin - điều này đã khiến nhiều viên chức quốc phòng Nga không hài lòng. Những tổn thất từ các cuộc phản công của Ukraine đã khiến Putin tuyên bố điều động thêm quân vào ngày 21 tháng 9. Mặc dù các quan chức quốc phòng đã cam kết rằng chỉ những cựu chiến binh mới được triệu tập, nhưng có bằng chứng rộng rãi cho thấy những người đàn ông không có kinh nghiệm quân sự đang bị bắt đi lính. Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Nga và hàng trăm nghìn người đàn ông trong độ tuổi quân ngũ đã chạy trốn khỏi đất nước. Ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất của Putin trên các phương tiện truyền thông nhà nước cũng lên tiếng phản đối việc điều động. Sau một năm chiến tranh, vị thế quốc tế của Nga đã giảm sút đáng kể, nền kinh tế của nước này đang chao đảo vì lệnh trừng phạt, và nhà lãnh đạo của nước này dường như dễ bị tổn thương hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong gần một phần tư thế kỷ nắm quyền của ông.
Việc huy động của Putin chẳng làm thay đổi mấy tình hình quân sự ở Ukraine, và các cuộc tấn công mùa đông và mùa xuân của Nga chẳng đi đến đâu. Lực lượng Wagner tăng cường tập trung vào thành phố Bakhmut trong nỗ lực mang lại một số chiến thắng cho Điện Kremlin. Trong nhiều tháng, quân Wagner được trang bị kém đã tiến hành các cuộc tấn công biển người đẫm máu trong khi cố gắng bao vây lực lượng Ukraine, nhưng lực lượng phòng thủ của Ukraine vẫn đứng vững. Vào tháng 5 năm 2023, quân Ukraine rút khỏi đống đổ nát của Bakhmut, và Prigozhin tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, ước tính thương vong của Nga trong trận chiến vượt quá 100.000 người, với hơn 20.000 người thiệt mạng trong chiến đấu. Dù vậy, đây vẫn là chiến thắng đầu tiên trên chiến trường của Nga sau gần một năm.
Xung đột giữa Prigozin và giới quân sự Nga lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 6 năm 2023, khi Prigozhin "tuyên chiến" với Bộ Quốc phòng Nga và quay trở lại Nga với tư cách là người dẫn đầu một đoàn xe bọc thép gồm khoảng 25.000 lính đánh thuê Wagner. Vào ngày 24 tháng 6, lực lượng Wagner đã bắn hạ hơn nửa tá máy bay Nga và tiến hành chiếm đóng trụ sở Quân khu phía Nam ở Rostov-on-Don. Đoàn xe của Prigozhin sau đó tiến về phía bắc, không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào khi đi qua Voronezh, trước khi cuối cùng dừng lại cách Moscow chỉ khoảng 200km về phía nam. Sau đó, Prigozhin đột ngột ra lệnh cho quân lính của mình trở về vị trí của họ ở Ukraine trong khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố rằng ông đã làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Prigozhin và Điện Kremlin. Để đổi lấy việc Wagner dừng cuộc nổi loạn, những lính đánh thuê sẽ được ân xá và được cung cấp các hợp đồng quân sự; còn Prigozhin sẽ được sống lưu vong ở Belarus.
Về phía Putin, thì một phát ngôn viên khẳng định rằng ông đang "làm việc tại Điện Kremlin" trong suốt cuộc nổi loạn. Thế nhưng sự thật khó lòng tranh cãi là Putin tỏ ra kín tiếng một cách đáng ngạc nhiên trong suốt sự kiện. Những tuyên bố của ông sau khi cuộc nổi loạn chấm dứt tỏ ra khá mâu thuẫn với nhau. Ông chỉ trích Prigozhin là kẻ phản bội, nhưng các cơ quan an ninh của Putin không có động thái nào ngay lập tức để bắt giữ ông. Ông ca ngợi những chiến binh Wagner là những người yêu nước, mặc dù thực tế là những lính đánh thuê đã giết chết hàng chục quân nhân Nga trong quá trình tiến vào Moscow. Putin cũng ca ngợi quân đội Nga vì đã ngăn chặn được "một cuộc nội chiến", mặc dù quân đội chính quy của Nga dường như hoàn toàn không được trang bị để ngăn chặn cuộc nổi loạn.
Vào ngày 23 tháng 8, gần đúng hai tháng sau cuộc nổi loạn của Wagner, máy bay phản lực công vụ của Prigozhin đã bị rơi ở phía bắc Moscow và các kênh truyền thông xã hội liên kết với Wagner ngay lập tức tuyên bố rằng máy bay đã bị phòng không Nga bắn hạ. Điện Kremlin đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc này là "hoàn toàn dối trá", và sau đó Putin cho rằng máy bay đã bị bắn hạ do lựu đạn trên máy bay vô tình phát nổ.
Mặc dù mọi sự chú ý đều đổ về Prigozhin - người được xem là mối đe dọa lớn với chế độ của Putin, thì Điện Kremlin vẫn không bỏ quên Navalny - ứng viên phe đối lập với Putin. Vào ngày 4 tháng 8 năm 2023, một tòa án ở Moscow đã tuyên án ông thêm 19 năm tù vì tội cực đoan vì các hoạt động liên quan đến tổ chức chống tham nhũng của ông. Đầu tháng 12, Navalny bị biệt giam và nhóm luật sư của ông không thể xác định được nơi ở của ông trong hơn hai tuần. Cuối cùng, người ta xác định rằng ông đã bị chuyển từ một nhà tù ở tỉnh Vladimir, phía đông Moscow, đến IK-3, một trại giam hình sự an ninh tối đa ở Kharp. Đâu cũng được coi rộng rãi là một trong những cơ sở khắc nghiệt nhất trong hệ thống nhà tù của Nga. Navalny tiếp tục đăng bài trên mạng xã hội sau khi bị giam giữ, và vào ngày 1 tháng 2 năm 2024, ông kêu gọi những người ủng hộ mình phản đối cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2024.
Vào ngày 16 tháng 2, các viên chức nhà tù Nga thông báo rằng Navalny đã chết trong khi bị giam giữ. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã phản ứng dữ dội,Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố thẳng thừng rằng "Putin phải chịu trách nhiệm về cái chết của Navalny". Điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc này và chủ tịch Duma Quốc gia đã đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Zelensky và một nhóm các nhà lãnh đạo NATO.
Nếu Putin hy vọng chia rẽ được phương Tây và khẳng định lại sự thống trị của Nga ở các quốc gia vùng ngoài của Liên Xô cũ bằng cuộc xâm lược Ukraine thì kế hoạch này xem ra đã phản tác dụng. Vào ngày 23 tháng 6 năm 2022, Liên minh châu Âu chính thức cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine. Sau đó, hai quốc gia có lịch sử trung lập lâu đời là Phần Lan và Thụy Điển đã ký các hiệp ước gia nhập NATO vào ngày 5 tháng 7. Ba Lan, quốc gia trong lịch sử có mối quan hệ khó khăn với nước láng giềng phía đông, đã chào đón hàng triệu người tị nạn Ukraine. Hoa Kỳ đã gửi hàng tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine, và các nhà lãnh đạo phương Tây đã đến Kyiv để chứng minh sự ủng hộ liên tục của họ đối với Zelensky và Ukraine. Ở hướng ngược lại, Putin ngày càng bị cô lập khi Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử.

KẾT

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 của Nga đã đi đến hồi kết có thể dự đoán được vào ngày 17 tháng 3 với chiến thắng vang dội cho Putin. Không có nhân vật đối lập đáng tin cậy nào được phép ra tranh cử. Trên khắp các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine, quân đội Nga được trang bị vũ khí hạng nặng đã đi cùng các nhân viên bỏ phiếu để buộc những người này tham gia cuộc bầu cử. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nhiệm kì này của Putin sẽ mang tới cho nước Nga và chính Putin điều gì? Liệu ông có thể đưa nước Nga thoát khỏi vũng lầy ở Ukraine hay không? Kinh tế quốc gia này có thể được phục hồi sau thời gian dài chịu trừng phạt kinh tế? Và vị thế của Putin nói riêng và nước Nga nói chung trên chính trường quốc tế sẽ như thế nào? Những câu hỏi đó, chúng ta chỉ có thể để thời gian trả lời.