Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam, là một nhà văn, một nhà báo và cũng là một chính trị gia. Đồng thời, ông là người thành lập và chiếm một vị trí chủ chốt cho nhóm Tự lực văn đoàn. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại- phê bình văn học đã từng nói về Nhất Linh: “Ông là một tiểu thuyết gia muốn trừ bỏ những cái xấu xa trong gia đình và xã hội mà bất kì giai cấp nào, chứ không phải chỉ ở hạng thợ thuyền và dân quê; ông là một nhà văn viết về những tục xấu của người Việt Nam và có cái tư tưởng khuyến khích người ta sửa đổi.” Bên cạnh các tác phẩm như Gánh hàng hoa (viết cùng Khái Hưng năm 1934), Nắng thu (1934)..., Lạnh lùng (1935-1936) đã gây được tiếng vang trong công chúng, khi song hành với Đoạn tuyệt, được nhận xét là “hai tiểu thuyết luận đề nhằm đấu tranh cho quyền sống của con người, cho hạnh phúc cá nhân chống lại những tập tục cổ hủ.” (1)Thay vì phân tích tác phẩm Lạnh lùng với góc nhìn văn học thông thường, chúng ta hãy cùng nhau phân tích tác phẩm ấy như một hiện tượng văn hóa.
          Phân tích một tác phẩm văn học như một hiện tượng văn hóa cũng có thể giống như với việc nghiên cứu văn hóa mà đối tượng nghiên cứu chính là tác phẩm văn học. Điều này có thể thực hiện được bởi vì khi chúng ta nhấn mạnh đến vai trò văn hóa của tác phẩm văn học, chúng ta sẽ phân tích tác phẩm đó trong quá trình liên hệ với diễn ngôn khác. Từ đó, tác phẩm sẽ bộc lộ nhiều khía cạnh mới hơn mà các khía cạnh ấy tập hợp lại trở thành “giá trị văn hóa của văn học”-khái niệm được mượn từ bài viết Giá trị văn hóa của văn học Việt Nam của Trần Đình Sử,  đăng trên trang https://trandinhsu.wordpress.com. Nếu chúng ta cụ thể hóa khái niệm này ra thì “giá trị văn hóa của văn học” sẽ là tư tưởng,quan niệm của con người trên mọi lĩnh vực của đời sống... Tuy nhiên, để có một cái nhìn tổng quát nhất về khái niệm “giá trị văn hóa của văn học”, tôi xin được dẫn lại cách định nghĩa của chính Trần Đình Sử: “Giá trị văn hoá của văn học thể hiện ở việc phản ánh các hệ thống giá trị về con người, cuộc xung đột của các giá trị người nhằm khẳng định hệ thống giá trị người phù hợp với xu thế thời đại.” Dựa trên cơ sở này, chúng ta hoàn toàn có thể phân tích tác phẩm “Lạnh lùng” như một hiện tượng văn hóa, thể hiện hay đại diện các “giá trị văn hóa trong văn học”, đặc biệt là đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử xã hội năm 1930-1945: Việt Nam trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. “Giá trị văn hóa trong văn học”, trong tiểu thuyết Lạnh lùng, được thể hiện ở hai hệ giá trị: cũ và mới (giữa phong kiến và thời đại giao lưu với văn hóa phương tây); tương ứng với đó là sự xung đột của của hai hệ giá trị này trong  một thời kỳ đặc biệt đối với lịch sử và cả văn học Việt Nam.
          Được nhấn mạnh như một hiện tượng văn hóa, tác phẩm Lạnh lùng đã thể hiện một vấn đề nhạy cảm trong tư tưởng, quan niệm về người phụ nữ của xã hội đương thời: hạnh phúc của một người quả phụ. Ở đây, ta sẽ thấy vấn đề này được tác giả lồng ghép vào hai lớp nhân vật mang tư tương lạc hậu và cấp tiến.
                   Trước hết, đến với lớp nhân vật lạc hậu, chúng ta cần phải quan sát kĩ hai nhân vật đó là bà án và bà Nghè. Bà án chính là mẹ chồng của của Nhung. Ngay từ ngày xưa, mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu luôn rất phức tạp và thường người con dâu sẽ là người chịu thiệt thòi và áp bức từ mẹ và cả gia đình chồng. Huy Đăng trong bài viết- được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, mang tên Mẹ chồng, nàng dâu - đề tài muôn thuở- đã nhận xét: “Trong xã hội phong kiến, vai trò của người phụ nữ nói chung và nhất là con dâu rất thấp, có rất nhiều quy định, tập quán ràng buộc một cách vô lý người con dâu trong quan hệ với nhà chồng.” Cho nên việc nhân vật Nhung bị áp bức, ràng buộc bởi mẹ chồng cũng là một điều hiển nhiên. Nhưng hơn hết,bà án đã thể hiện sự “khôn khéo, ranh mãnh, vừa cay nghiệt vừa giả bộ nhân hậu”(2) của mình. Bà hầu như đã biết chuyện Nhung và Nghĩa yêu nhau nhưng thay vì làm lớn chuyện thì bà án lại trách Nhung thông qua mắng nhiếc Nhài- người đã từng hầu hạ trong nhà bà án: “Đừng học thói lăng loàn nữa, làng nước người ta cười cho...Mày thì còn chết nếu mày không chừa hẳn cái tính đĩ thỏa của mày đi.” Đây quả thật là lúc thích hợp để một người mẹ chồng có thể “cảnh tỉnh con dâu đương đi vào đường lầm lỗi”. Tất cả hành động, lời nói của bà ngoài mặt thì có vẻ lo lắng cho Nhung nhưng thực sự sâu bên trong bà cũng chỉ lo cho “thanh danh, tiếng thơm” của mình. Còn bà Nghè- mẹ ruột của Nhung, dù thương con nhưng cũng không thoát được “tiếng thơm” ấy, phải luôn sống nhờ cái danh tốt mà nàng phải đánh đổi cả thanh xuân để thủ tiết thờ chồng, sống trọn với quan niệm: “Tiết hạnh khả phong”. Bà án và bà Nghè đều là những nhân vật tiêu biểu đại diện cho những người luôn sống theo khuôn phép, chuẩn mực mà đạo đức, ý thức hệ phong kiến đã đặt ra, biến những khuôn phép ấy trở thành công cụ để “giữ vững các gia đình ổn định trong nếp cũ, tránh sự đảo lộn và lẫn lộn trong các mối quan hệ gia tộc”(3).
                   Trái lại với bà án và bà Nghè, lớp nhân vật cấp tiến lại mang tư tưởng mới của thời đại, đòi quyền sống tự do, được yêu thương, đấu tranh với sự hà khắc của xã hội phong kiến.Với lớp nhân vật này, chúng ta cần tập trung quan sát, phân tích nhân vật Nhung. Nhung chính là một cô gái xinh đẹp, được nhiều người để ý nhưng lại mất chồng sớm khi còn rất trẻ. Nhung, trong suốt những năm tháng sống cô đơn, thủ tiết thờ chồng, luôn cảm nhận thấy “cái dư vị chua chát của một quãng đời ái ân chưa thỏa mãn”. Nhất Linh đã đặt nàng vào trong một tình huống bất ngờ: Nhung và Nghĩa yêu nhau- tình yêu giữa một ông giáo và một người phụ nữ đã góa chồng, nhằm bộc lộ những miền sâu thẳm trong tâm hồn và tư tưởng của nàng. Từ đây, Nhung đã khơi dậy trong mình nhiều cảm xúc mà trước đây không thể có được khi phải ở bên một người chồng “chỉ kính chứ không yêu”. Những cảm xúc ấy được thể hiện theo một chiều hướng phát triển, từ những cảm xúc nhẹ nhàng cho đến, những mơ ước hai người sẽ tiếp tục yêu nhau một cách kín đáo. Chưa dừng lại ở đó, trong tâm hồn của Nhung lúc này còn phát lộ những gì rất “con người” trong tiếng gọi của ái tình thông qua những cử chỉ và nghĩ suy: “Nàng hé đôi môi như chờ đợi một cái hôn ấu yếm, và tưởng tượng có một cánh tay dịu dàng ôm vòng lấy cổ nàng và khẽ nhấc đầu lên... Nhung nhắm mắt lại rùng mình, hai tay nàng mê man ôm ghì cái gối bông mềm vào ngực.” Bên cạnh đó, chính cuộc tình này lại gây nên những mâu thuẫn trong chính bản thân Nhung. Đây có thể hiều là biểu hiện rõ nhất cho thấy Nhung đã đấu tranh với quan niệm bất di bất dịch: “tam tòng tứ đức”, một đời thờ chồng; chống lại cuộc sống giả dối và cố gắng giải thoát chính mình khỏi sự chua chát của quãng đời góa bụa còn lại của nàng. Cũng lắm lúc Nhung thấy “cái tính giả đạo đức của mình”: “Chỉ vì muốn giữ cái cái tiếng tốt hão mà mình buộc ra khốn nạn , đâm ra xảo quyệt gian trá...” Đau khổ hơn cả chính là nàng đang sống trái với những gì bản thân cho là đúng đắn: “Nhiều cái khổ mình phải chịu lấy một mình...cũng phải nghĩ đến nhà mình, đến danh giá.” “Danh giá” hay “tiếng thơm”liệu nó có thực sự đẹp đẽ, là điều tốt mà người phụ nữ nào cũng phải bắt buộc sống hết mình vì nó, đánh mất cả quãng đời còn lại về sau? Đồng thời, tại gia đình chồng, Nhung không cảm thấy hạnh phúc vì mình đang “sống trong nhà như một cái bóng yên lặng”, cốt chỉ để tạo nên cái danh tốt cho gia đình chồng. Cuối cùng thì đó chỉ là một cái gì giả dối, ngoài mặt thì xã hội phong kiến đương thời cho rằng là mẫu mực nhưng tận sâu bên trong lại áp đặt tàn nhẫn người phụ nữ, chối bỏ quyền được tự do, giải phóng mình. Tuy vậy, những luồng suy nghĩ đối lập với sự giả dối ấy đã len lỏi trong Nhung và càng trở nên mạnh mẽ theo tiếng gọi của ái tình. Dù xã hội có cho rằng việc yêu, “ngồi ở nhà tình nhân” khi mình đã góa chồng là một điều sai trái, Nhung “không hổ thẹn trong lương tâm,...không cảm thấy nhân phẩm của nàng bị sút kém chút nào.” Bởi lẽ, đi tìm hạnh phúc khi mình có đủ quyền làm điều ấy là một điều chính đáng của cá nhân. Nhung còn đi đến một quyết định mà cứ tưởng bản thân sẽ không bao giờ dám nghĩ: rời xa cái xã hội giả dối này để đi theo Nghĩa. Có lẽ quyết định này sẽ không thể trở thành hiện thực (điều này được dự đoán với kết thúc truyện diễn ra với việc Nhung quay trở về với “cuộc sống giả dối” kèm theo đó là một thái độ “lạnh lùng”) nhưng đây như là một lời tuyên chiến mạnh mẽ của một con người càng ý thức sâu sắc tình trạng của cá nhân bao nhiêu càng mạnh mẽ và can đảm bấy nhiêu để đấu tranh, tự giải thoát chính mình.
Như vậy qua những phân tích trên, nhân vật bà án, bà Nghè và Nhung lần lượt đại diện cho ý thức hệ phong kiến với những quan niệm cổ hủ, đáng lên án và ý thức hệ sinh ra từ sự giao lưu với văn hóa phương Tây, mang những luồng tư tưởng mới. Nhưng mối quan hệ giữa hai ý thức hệ hay rộng hơn là giữa hai nền văn hóa này sẽ mang tính chất gì? Jonathan Culler, trong quyển Nhập môn lý thuyết văn học do Phạm Phương Chi dịch, đã diễn giải về nghiên cứu văn hóa theo lý thuyết văn học Marxist ở Vương quốc Anh phân thành hai con đường đối lập: tìm về và khôi phục “văn hóa phổ thông” (popular culture)- “văn hóa như là sự bộc lộ của con người”, với việc phân tích “văn hóa đại chúng” (mass culture)- “văn hóa như là sự áp đặt lên con người”. Nếu chúng ta căn cứ vào cách diễn giải của Jonathan Culler và cơ sở lịch sử khi chế độ phong kiến đã ngự trị trong xã hội Việt Nam đến tận một nghìn năm, cũng như nền văn hóa phương Tây chỉ du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam thông qua hai lần khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhất là trong năm 1930-1945 thì ý thức hệ phong kiến là một phần của “văn hóa đại chúng” và ý thức hệ sinh ra từ sự giao lưu với văn hóa phương Tây thuộc về “văn hóa phổ thông”. Khi xem xét tác phẩm “Lạnh lùng” như là một hiện tượng văn hóa và cũng như sự bộc lộ thực trạng xã hội Việt Nam giai đoạn năm 1930- 1945 dựa trên khái niệm về cái “ tổng thể”(4), chúng ta sẽ hoàn toàn thấy được sự xung đột giữa xã hội phong kiến và xã hội ảnh hưởng văn hóa phương Tây, giữa tư tưởng áp bức con người, đặt nặng quan niệm “tam tòng tứ đức”, “ Tiết hạnh khả phong” và tư tưởng giải phóng cá nhân, giải phóng người phụ với tinh thần tự do, dân chủ. Tất cả đều xoay quanh vấn đề chủ chốt được Nhất Linh nêu lên trong tác phẩm: hạnh phúc của một người quả phụ. Cơ sở cho điều này chính là hai hệ ý thức hay hai nền văn hóa này đã hoàn toàn đối chọi nhau nếu xét về bản chất: sự “áp đặt” và “thể hiện” con người. Ngoài ra, sự đối chọi ấy là một điều tất yếu là vì chúng hoàn toàn xa lạ với nhau: “Văn hóa Pháp khác xa văn hóa Việt Nam, các thể chế của Pháp chẳng có gì chung với các thể chế văn hóa Việt Nam.”(5)  Trong sự xung đột này, những gì thuộc về “văn hóa đại chúng”, chính thống vẫn chiến thắng, hiện thực về sự giả dối, bất công và áp bức vẫn còn đó. Soi vào trong tác phẩm, cuộc đời Nhung cũng chẳng khác đi gì mấy vì không thể vượt lên trên luân thường đạo lí phong kiến, dù nàng đã can đảm quyết định hạnh phúc của chính mình, đã đi đến quyết định bỏ trốn cũng Nghĩa với suy nghĩ “một người đàn bà góa sao lại không được phép đi lấy chồng như một người con gái?”. Tuy vậy, sự đấu tranh vì con người không vì thế mà dập tắt, nó đã âm ỉ trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ và ngày càng phát triển, tạo ra những điều mới có thể trở thành tiếng nói mạnh mẽ, đang cố gắng “chọc thủng” bức tường thành nghìn năm của xã hội phong kiến. Đó chính là tư tưởng của thời đại, tấm lòng nhân đạo mang tinh thần dân chủ, sự ý thức cá nhân được sinh ra trong xã hội giao thời bởi những con người luôn học hỏi, tiếp thu những điều mới từ phương Tây, điển hình là tầng lớp trí thức tiểu tử sản mà Nhất Linh chính là một đại diện tiêu biểu. Nhà văn đã vừa phản ánh hiện thực vừa thể hiện các hệ giá trị lỗi thời và tân thời để rồi nhằm “khẳng định hệ thống giá trị người phù hợp với xu thế thời đại” (Trần Đình Sử).
Ngoài bắt đầu từ lý thuyết văn học marxist Anh, nghiên cứu văn hóa đã được Jonathan Culler, trong cuốn Nhập môn lý thuyết văn học, xác định nguồn gốc còn đến từ chủ nghĩa cấu trúc Pháp, xem “văn hóa (bao gồm cả văn học) như là một chuỗi những thực hành mà các quy luật hay thông lệ của chúng nên được miêu tả lại”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến công trình nghiên cứu văn hóa của nhà lý thuyết văn học Roland Barthes và đưa ra một kết luận rằng: “Nghiên cứu các thực hành văn hóa từ văn học cao cấp cho tới thời trang và thức ăn, ví dụ của Barthes khuyến khích ta đọc ý nghĩa hàm ẩn của hình ảnh văn hóa.” Ở đây, chúng ta phải chú ý đến cụm từ “ý nghĩa hàm ẩn của hình ảnh văn hóa”. Phải chăng với điều mà J.Culler đã đút kết từ nghiên cứu của R.Barthes, khi tìm hiểu một nền văn hóa, chúng ta khổng thể bỏ qua và thậm chí phải phân tích sâu sắc các “hình ảnh văn hóa” bởi lẽ, hàm chứa trong chúng chình là những thông lệ, quan niệm, lí tưởng, hình thức sinh hoạt…của xã hội, nơi chúng tồn tại. Điều này có thể vận dụng trong việc phân tích tác phẩm Lạnh lùng như một hiện tượng văn hóa vì quả thật, nhà văn Nhất Linh cũng đã đưa vào các “hình ảnh văn hóa” để thể hiện trước nhất là nội dung tư tưởng của tác phẩm nhưng đi kèm với đó là nét văn hóa của xã hội giao thời. Trong toàn bộ tác phẩm, hình ảnh của bức hoành phi có bốn chữ vàng: “Tiết hạnh khả phong” đã lặp lại đến ba lần với hoàn cảnh khác nhau. Lần đầu tiên nó xuất hiện gắn liền với khung cảnh góa bụa chua chát của Nhung, rồi nó lại hiện lên trong tâm trí của nàng với việc nhận ra sự khốc liệt của xã hội nhỏ quanh mình. Cuối cùng, nó gắn liền với kết thúc của tác phẩm, một cảnh tưởng đau lòng mở ra một người đàn bà trẻ đánh đổi thanh xuân của mình chỉ vì “giữ được vẹn toàn tiếng thơm”: “ …bốn chữ vàng Tiết hạnh khả phong. Cùng với hai hàm răng long, mái tóc bạc cái phần thưởng quí hóa ấy sẽ đến để kết liễu đời nàng”. Như vậy, qua cả ba lần xuất hiện, bức hoành phi cùng với bốn chữ “Tiết hạnh khả phong” đều hiện lên như một thế lực của xã hội phong kiến áp đặt lên người phụ nữ xưa với cái gọi là “tiếng thơm, thanh danh”. Nó như một cánh cửa khóa trái cuộc đời của người phụ nữ với cuộc sống tự do và hạnh phúc, khiến họ sống như “không sống” suốt quãng đời còn lại vì người chồng đã mất, vì đạo “tam tòng, tứ đức”. Ngoài ra, sự tiếp thu văn hóa phương Tây của xã hội Việt Nam đương thời cũng ngầm ẩn thể hiện qua màu sắc. Khi Nhung mặc áo mới với “thứ lụa hồng phớt hồng,…chiếc quần lụa kim cương trắng”, ai cũng chú ý, bất ngờ, chắc phần lớn đều vì họ quan niệm người đàn góa chồng không nên như thế. Nhung mặc những trang phục như thế đã là một điều mà tác phẩm, thông qua đó, bộc lộ được tư tưởng tân thời. Tuy vậy,  chúng ta hãy chú ý đến sắc trắng của chiếc lụa của Nhung. Trong quan niệm Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, màu trắng là màu tượng trưng cho cái chết, sự tiếc thương, nhưng trong văn hóa phương Tây, nó lại “cho sự thuần khiết, thanh lịch, hòa bình và thường được các cô dâu mặc trong lễ cưới”(6). Dù ở góc độ nào, ta cũng đều nhận ra Nhất Linh luôn thể một sự giằng co giữa nền văn hóa cũ- thời phong kiến và mới- sự tiếp nhận văn hóa phương Tây. Đây không chỉ là ngụ ý của Nhất Linh đối với nội dung của tác phẩm mà còn là một hiện thực của xã hội giai đoạn 1930-1945.
Phân tích một tác phẩm văn học như một hiện tượng văn hóa, cụ thể là tiểu thuyết “Lạnh lùng”, chúng ta đã thực sự có những góc độ tiếp cận mới khi nhấn mạnh “vai trò văn hóa” hơn là đặc trưng của một tác phẩm văn học. Tác phẩm đã thể hiện được các giá trị văn hóa của xã hội giai đoạn 1930-1945 với đặc điểm nổi bật nhất: sự giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa lạc hậu và cấp tiến. Hơn thế nữa, hướng tiếp cận tác phẩm như thế này còn mở ra cho ta một điều mới về tiểu thuyết Lạnh lùng, trong quá trình được đọc và diễn giải, nó đã dần dần “gán bản sắc” (khái niệm của nhà lý thuyết marxist Louis Althusser) vào mỗi người chúng ta. Một hiện thực tồn tại trong xã hội phong kiến, được Nhất Linh thu hẹp lại ở phạm vi cuộc đời người phụ nữ góa bụa phải hy sinh cả quãng đời còn lại vì bốn chữ “Tiết hạnh khả phong”, hiện lên trong tác phẩm một cách đầy giả dối và khắc nghiệt, đi kèm là một lời tố cáo, phê phán đanh thép. Ngược lại, cũng có tiếng nói mạnh mẽ cất lên như một thế lực đang cố gắng từng ngày cải tạo lại xã hội áp bức con người, với quan niệm “ Đặt nhân đạo lên trên luân thường”, ý thức cá nhân, tư tưởng giải phong cá nhân và đặc biệt là người phụ nữ. Hai điều trên được khái quát từ tiểu thuyết Lạnh lùng trên đã mách bảo cho ta cái nào xấu và cái nào tốt, cái nào cần bị đào thải và cái nào cần phát triền vì phù hợp với thời đại. Từ đó, chúng ta sẽ tự vận hành “chủ thể tự quyết”- sản phẩm sau đi được định dạng văn hóa- đưa ra những quyết định mà bản thân cho rằng đúng về văn hóa, xã hội và đời sống. Cụ thể là dù bất kì nền văn hóa ở xã hội và thời đại nào đi chăng nữa, những giá trị, tư tưởng mang tinh thần do con người và vì con người phải cần được phát triển và đề cao với tinh thần dân chủ và tự do.
Chú thích nguồn tham khảo
  (1). Phạm Phú Phong (2020), Nhất Linh- Chủ soái ‘Tự lực văn đoàn’ và nhà tiểu thuyết mới, nguồn http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n29239/Nhat-Linh-Chu-soai-Tu-Luc-van-doan-va-nha-tieu-thuyet-moi.html
          (2). Nguyễn Thị Huyền (2020), Tiểu thuyết Nhất Linh dưới góc nhìn văn hóa (1932-1945), Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội (Luận văn Thạc sĩ).
          (3). Nguyễn Thị Huyền (2020), Tiểu thuyết Nhất Linh dưới góc nhìn văn hóa (1932-1945), Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội (Luận văn Thạc sĩ).
          (4). Jonathan Culler (2020), Nhập môn Lý thuyết văn học, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.82
          (5). Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tr.482
          (6). Kiều Anh (2021), Khám phá ý nghĩa thú vị của màu sắc trong các nền văn hóa trên thế giới, nguồn https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/kham-pha-y-nghia-thu-vi-cua-mau-sac-trong-cac-nen-van-hoa-tren-the-gioi-854304.vov