"Seneca - Những bức thư đạo đức": Cuốn sách dành cho bạn, người đang mong cầu hạnh phúc
"Không ai phải lo lắng sợ hãi nếu có thể thực sống trong hiện tại"
Bài viết này sẽ không có:
- Định nghĩa về chủ nghĩa khắc kỷ, vì tin mình đi, mình cũng không rõ phải định nghĩa như thế nào
- Thông tin tác giả, người nhận, người được trích dẫn,.. Mình nghĩ những điều này đã được mô tả chi tiết trên mạng rồi và không cần mình phải nhắc lại (sự thật là mình lười).
- Triết học - Ngoài trừ việc từng tìm đọc về câu nói “Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả” của Socrates ra thì mình tự nhận không có kiến thức nhiều về Triết, theo kiểu ông A nói gì, trường phái của ông B,... Mình chỉ hiểu một cách đơn giản rằng triết học là những suy ngẫm về cách sống, cách hướng đến hạnh phúc, là đặt ra câu hỏi về cuộc đời để tìm ra con đường cho mình,.. Nên hiểu đơn giản, bài viết này là những đúc rút sau khi mình đọc cuốn sách. Và chắc chắn sẽ có tư tưởng triết học, nhưng không phải theo giáo lý hay rập khuôn, mà là theo những gì mình cảm nhận và ứng dụng được vào cuộc sống.
Thông tin một chút về mình (hmm, không liên quan lắm nhưng nếu bạn giống mình thì khả năng cao bạn sẽ thấy sách thú vị hơn):
- Số tuổi đã qua đầu 2, chưa phải dấn thân vào thị trường lao động nhưng gánh nặng “cơm áo gạo tiền” thì đã sớm đeo đuổi
- Thích có nhiều thời gian rảnh để suy ngẫm, chơi chơi, không làm gì nhưng lúc nào cũng thấy áp lực phải “làm gì đấy”
- Theo thần số học thì là người không có tham vọng (chưa confirm) nhưng vì tuổi trẻ chưa hiểu đời nên hay FOMO và không muốn làm người khác (cụ thể là ba mẹ) thất vọng nên thường cố so đo với đời
- Hay đọc nhưng ít khi note lại, đọc chỉ để đấy nhưng gần đây bắt đầu tập viết ra những điều học được từ sách, thấy rất truyền cảm hứng nên muốn lan tỏa tinh thần đọc - note (hoặc nốt) này đến anh em bạn dì.
Nói như vậy để bạn hiểu rằng bài viết này sẽ là về cảm nhận của một người trẻ đang hoang mang về những giá trị mình muốn theo đuổi và cảm thấy biết ơn vì đã đọc được Seneca
Xin phép không dông dài nữa mà vào thẳng luôn đề bài (í có vần nè) - Một cuốn sách dành cho những người mong cầu hạnh phúc là như thế nào?
(Từ đây những trích dẫn trong sách sẽ được để trong ngoặc kép)
Là cuốn sách để đọc mỗi khi thấy buồn đời (để trở nên buồn cười)
Như mọi người trẻ phơi phới tuổi 20 khác, trừ những lúc chạy deadline, ra ngoài với bè bạn, lướt mạng xã hội trong vô định thì những khoảnh khắc bất thần im lặng, những khoảng trống nhòe ra giữa giấc ngủ chập chờn, mình thấy đời về cơ bản là vô nghĩa. 18 năm học rồi thêm 4 năm đại học vất vưởng, nhận một tấm bằng hạng khá rồi lại lao đầu vào những công việc 9 to 5 với khối lượng việc và thời gian lặp đi lặp lại. Mối quan hệ thì, như người ta (tức các web tâm sự deep) chia sẻ, càng lớn càng khó kết thân. Người yêu thì không có, ba mẹ đợi ở nhà, gánh nặng (cụ thể là cái laptop) lúc nào cũng kè kè trên lưng. Thấy hoang mang, âu cũng là chuyện thường.
Nên từ khi cầm trên tay cuốn Seneca, mỗi lần những khoảnh khắc vô định bắt đầu kéo đến, mình lại nhờ những lời của Seneca - lúc đầu vốn dùng để chạy trốn thực tại - mà bị kéo ngược, dồn vào chân tường và bị chất vấn với câu hỏi:
Tại sao phải bi quan?
Seneca phân biệt kẻ khờ và người thông thái qua cách người đó ứng xử với cuộc đời.
“Không ai phải lo lắng sợ hãi nếu có thể thực sống trong hiện tại.”
“Kẻ khờ thì không biết trân trọng cuộc sống và luôn sợ hãi. Vì hắn chỉ hướng đến tương lai”.
Bạn muốn giàu có, vậy giàu có là gì?
Seneca đưa ra định nghĩa về tài sản như sau:
“Người nghèo không phải là người có quá ít mà là người mong muốn nhiều hơn thứ mình có.”
“Bạn hỏi đâu là giới hạn của giàu sang. Thứ nhất, có thứ bạn cần. Thứ hai, có đủ dùng.”
Vì sao bạn không có thời gian, lúc nào cũng bận rộn?
Seneca nói về những người tự trói buộc mình là:
“Họ đã gắn quá chặt với lợi ích của một cuộc đời bất hạnh ngay cả khi họ nguyền rủa sự bất hạnh ấy của mình.”
Làm thế nào để hạnh phúc?
Seneca giải nghĩa về con đường đến hạnh phúc như:
“Chỉ có một cách hành xử duy nhất khiến bạn hạnh phúc: Từ bỏ những thứ lộng lẫy bề ngoài, từ bỏ những thứ người khác hứa hẹn đem cho bạn, và dũng cảm bước qua. Nhìn thẳng vào những điều quan trọng và tìm niềm vui trong những gì thực sự của mình. Đó là gì? Bản thân bạn; hay phần tốt đẹp nhất trong con người.”
Là cuốn sách để đọc trước những quyết định quan trọng (aka những khoảnh khắc do dự chần chừ đến mức không làm được gì)
Với số năm sống trên đời hạn chế, mình biết còn nhiều vấn đề bản thân chưa kinh qua và những thứ mình thấy to ơi là to, mấy năm sau nhìn lại chắc cũng nhỏ xíu xiu. Dẫu biết như vậy, mình vẫn không khỏi lo lắng trước những vấn đề tủn mụn như có nên học tiếp hay không, đi theo hướng này cố ổn không, có nên apply vị trí này không,..
Thật ra mình cũng hiểu rằng phân vân hay sợ hãi chẳng có gì đáng trách cả. Điều đó có nghĩa rằng quyết định đưa ra quan trọng với bản thân và vì vậy, mình dành nhiều thời gian để cân nhắc mà thôi. Nhưng nếu trong trường hợp sự phân vân ấy đến từ những yếu tố “bên ngoài”, như ánh mắt hay kỳ vọng của người xung quanh, mình có thể sẽ đánh mất …
Ước mơ từ thuở bé, điều mình nghĩ nhất định sẽ làm trước đây:
“Đếm số năm ta có và cảm thấy xấu hổ khi ta vẫn mang những ước muốn và mục đích như khi còn là đứa trẻ”
Những người mà mình yêu quý, những giá trị mình muốn theo đuổi:
“Nhiều người chỉ bắt đầu sống khi đã cận kề cái chết, hoặc tệ hơn, chết khi đang sống.”
Hay đôi khi, là thứ duy nhất mà mình hay chúng ta có, thời gian:
“Hãy luôn nhớ thật tuyệt vời biết bao khi có thể lên đến đỉnh cao cuộc đời trước khi chết và từ đó ung dung tự tại.”
Là cuốn sách để bạn tự vấn mình (hoặc để bớt cô đơn)
Cuốn sách được viết dưới hình thức là những lá thư Seneca gửi người bạn Lucius và vì không có phản hồi từ Lucius nên khi đọc bạn sẽ có cảm giác như mình được hóa thân thành người nhận. Giống như mỗi ngày đều có một (hoặc vài - tùy tốc độ đọc của bạn) lá thư gửi đến bạn, đi kèm những từ như “thân mến”, “tôi tin bạn” hay “bạn đang làm rất tốt”. Còn điều gì có thể boost tinh thần hơn nữa :))
Nhưng những lá thư đấy cũng sẽ khiến bạn suy ngẫm về cuộc đời mình. Tưởng tượng mỗi ngày, một lá thư gửi đến bạn bao hàm những triết lý về cuộc sống được diễn giải dưới những vấn đề bạn hoặc người xung quanh đang gặp phải. Bạn chột dạ định bảo rằng “Ơ không phải thế” thì người viết thư đã đi trước ngăn bạn lại, nhẹ nhàng bảo “Không đâu tôi hiểu hết đấy nhé.”
Bạn bảo bạn muốn cuộc sống bình an? Vậy sao bạn cứ tham công tiếc việc? Bạn bảo còn nhiều thứ để lo? Nhưng không phải lúc nào cũng sẽ có thứ để lo ư, bạn cần thêm bao nhiêu nữa? Sau cùng, bạn có hạnh phúc không? Sao bạn lại quan tâm đến những kẻ khác? Một người thông thái là như thế nào? Bạn có thật sự hiểu không?
Đại khái là mỗi ngày bạn sẽ nhận được một câu hỏi hóc búa về cách sống, bonus thêm một trích dẫn khá deep để bạn có cớ bàn luận cùng bạn bè (hoặc không). Và quan trọng là những lá thư đấy khiến bạn “suy nghĩ”, điều có lẽ đã trở nên “quý giá” trong thời đại mà mọi thứ luôn phải nhanh gọn hơn như bây giờ.
Tổng kết lại, sự thật thì mình chắc chắn vẫn còn một đoạn đường (rất) dài nữa để có thể hiểu và thực hành những tư tưởng từ các bức thư của Seneca. Cũng như Seneca đã bảo rằng việc lấy các trích dẫn chỉ để ghi nhớ chứ không giúp bạn thật sự hiểu được vấn đề. Vì vậy, để hiểu những điều mà Seneca muốn hướng đến, bạn có thể cân nhắc tìm đọc toàn bộ cuốn sách.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc. Hiện tại mình đang tự đặt ra 1 thử thách nhỏ cho bản thân là mỗi tuần sẽ viết 1 bài, nếu có điều gì bạn muốn cùng mình bàn luận, bạn có thể comment ở dưới nhé!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất