Không biết tìm hình gì thì cứ search quote của HIMYM :))
Không biết tìm hình gì thì cứ search quote của HIMYM :))

Rốt cuộc mình sống để làm gì? 

Mỗi năm, đến một độ tuổi nhất định, câu hỏi này lại đến với mình, dù bằng cách này hay cách khác. Hồi 18 tuổi, câu hỏi này phần nhiều là về nỗi âu lo trước những quyết định được xem là quan trọng: thi đại học, học trường nào, sau này làm gì? Đến năm 19, câu hỏi này lại là những băn khoăn về ngành học, về hợp hay không hợp, về học đúng hay sai ngành: đi làm, đi học, tham gia câu lạc bộ,.. đủ cả mà sao vẫn thấy mông lung. Rồi nhìn lại năm 16, 17 hay bây giờ cũng đã gần 21 nhưng mình vẫn vậy, không rõ sau cùng mục tiêu của bản thân là gì. 
Và mình đã, theo một cách nào đấy, kỳ vọng đến năm mình 30 tuổi. Khi đó hẳn mình đã trưởng thành, chín chắn, hẳn mình không còn ngửa mặt lên trời tự hỏi đời mình rồi sẽ về đâu nữa!
Nhưng không may mắn (hoặc may mắn) là, hoang mang không chừa một ai và một độ tuổi nào. Và mọi lựa chọn, suy cho cùng, đều đòi hỏi những hy sinh, đánh đổi về thời gian và sức lực. Mình không thể kỳ vọng chỉ cần đến một mốc này, làm xong công việc này,.. thì mình sẽ ổn. 
Đây cũng là những điều mình nhận ra khi đọc cuốn sách “Người trong muôn nghề: Ngành Xã hội và Nhân văn có gì?” - những insight mà mình đã không nghĩ tới khi đặt mua sách.

10 năm đi làm, hoang mang vẫn là chuyện thường

“Bạn không đọc nhầm đâu, 10 năm đi làm, tôi vẫn có những hoang mang trong câu chuyện xây dựng sự nghiệp. Khi cảm giác thú vị với những công việc và thử thách qua đi, tôi nhận ra mình biết rất rộng nhưng lại không biết đến nơi đến chốn về bất cứ thứ gì.”
Phía trên là trích đoạn trong bài viết của tác giả Trần Hồng Quang về những trăn trở xoay quanh khái niệm “generalist” “specialist”. Anh từng làm DJ, thương mại, giám đốc công ty tư vấn đầu tư và hiện tại là cả coaching. Anh Quang lật ngược khái niệm đi sâu hay đi rộng, rằng đi theo hướng nào bạn cũng có thể đạt được những thành tựu cho mình. “Hoang mang không phải điều gì tồi tệ, miễn là bạn không ngừng học tập. Bạn có thể tiếp tục mở rộng hiểu biết qua nhiều lĩnh vực, hoặc dừng việc hiểu rộng để đi sâu khi đã tìm ra một định hướng rõ ràng. Còn nếu không, hiểu biết rộng cũng là một năng lực vô cùng quan trọng mà bạn nên tự hào.” 
Ảnh chất lượng thấp nhưng sách chất lượng cao, 
xin thông cảm :<
Ảnh chất lượng thấp nhưng sách chất lượng cao, xin thông cảm :<
Nhưng tìm định hướng thế nào? Mình nghĩ bạn cũng như mình, đã đọc qua rất nhiều bài viết về chuyện hướng nghiệp, làm đi làm lại những bài trắc nghiệm tâm lý hay viện nhờ yếu tố tâm linh như xem tarot,... nhưng vẫn không tìm được câu trả lời. 
Qua hành trình trải nghiệm đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, môi trường, anh Quang đã đúc rút ba bài học cốt lõi trong việc định hướng nghề nghiệp là: 
1. Đặt mục tiêu rõ ràng.
2. Thành công hay thất bại phụ thuộc phần lớn vào thái độ của mỗi người – cách chúng ta hết mình trong việc theo đuổi mục tiêu và thực thi chiến lược nhằm hiện thực hóa tầm nhìn dài hạn đã đề ra. 
3. Làm việc chăm chỉ. Không ai sinh ra với một bộ năng lực trọn vẹn, ta phải trang bị các kỹ năng để đạt được năng lực ấy sau một quá trình luyện tập, áp dụng, điều chỉnh thường xuyên, liên tục.
Cũng đừng quên rằng mọi chuyện đều cần thời gian, tuổi nào cũng sẽ có những hoang mang và bất an riêng nên hãy cho mình thời gian để vượt qua. Hay như anh Quang chia sẻ “Thành công không vẩy ra từ cây đũa phép của phù thủy, vậy nên, bạn đừng quá vội vã mong chờ thứ phép thuật thần kỳ nào có thể dẹp bỏ mọi sự mập mờ hay trăn trở của tuổi trẻ. Hãy học, hãy làm, hãy cởi mở và bao dung hơn với cuộc đời, rồi cuộc đời sẽ cởi mở và bao dung lại với chúng ta.”

Hiểu rằng mọi lựa chọn đều cần đánh đổi và thời gian để hiện thực hóa

Thật ra mình thừa hiểu rằng những hoang mang, lo lắng, bất an là điều mà bất cứ ai cũng từng và sẽ trải qua trong cuộc đời. Nhưng cảm giác đó kéo dài càng lâu, mình càng lo lắng và sợ hãi hơn. Kể cả khi đang làm điều mình cảm thấy phù hợp, sự yêu thích hay đam mê cũng cần chỗ cho những lo toan về cơm áo gạo tiền hay tương lai sau khi tốt nghiệp. Hơn cả, nếu bạn đã đi làm và bước chân vào chốn công sở, bạn chắc cũng hiểu rằng làm công việc mình thích không có nghĩa là chỉ làm những đầu việc mình được lựa chọn. Luôn có những công việc “nên” làm chứ không phải “muốn làm” và kể cả muốn đi nữa, vẫn có sự khác biệt giữa điều bạn “có thể làm” và điều bạn “làm tốt”. Những mâu thuẫn như vậy có thể cản bước bạn trên đoạn đường dài. Sự hoang mang hay bất an cũng vì vậy mà có cơ hội lên ngôi. 
Nhưng khi đọc cuốn sách “Người trong muôn nghề: Ngành Xã hội và Nhân văn có gì?”, mình đã hiểu rằng mọi công việc đều không tránh khỏi mặt trái, mọi lựa chọn đều cần đánh đổi. Như câu chuyện của nhà báo Gia Hiền: “Tôi đã chứng kiến nhiều lớp người vào nghề hào hứng, và chọn bỏ đi khi không còn chấp nhận đánh đổi. Được lên hình à? Dẫn một bản tin được 500 ngàn, đổi lại nửa ngày hết trang điểm lại tóc tai, da thâm sạm vì bị hàng chục cái đèn rọi thẳng vào mặt. Được nổi tiếng à? Ra quán ăn trong bao cặp mắt thăm dò, tò mò, đến mức không dám gắp miếng bún to, đừng nói là bưng bát húp ngụm nước lèo. Được nhiều tiền à? Người làm báo chí - truyền hình quen với việc “sống không kế hoạch” vì lịch dẫn và lịch lấy tin xếp dày đặc, thời gian đâu cho bản thân mình? Ngày lễ, ngày Tết, khi người ta quây quần bên gia đình xem chương trình năm mới, mình thì nghĩ bụng “khi nào người ta không xem TV nữa, may ra mình được nghỉ”...”
Hay với nghề giáo - một nghề thường được xem là “nhàn” thì để làm tốt, đi đến cùng với nghề cũng phải nỗ lực truyền tải kiến thức, truyền cảm hứng cho học sinh, như nghề biên dịch thường được gắn với những công việc như dịch sách, bản thảo tưởng như rất chill nhưng thực ra lại rất áp lực và cô đơn. Câu chuyện là không có hành trình nào dễ dàng và dù đi theo hướng nghề nghiệp nào, sự đánh đổi, cảm xúc tiêu cực vẫn luôn không thể tránh khỏi. 
Và một lời nhắn nhủ nữa từ sách mà mình nghĩ rằng hẳn rất nhiều bạn có thể đồng cảm, cũng là điều mà mình đã đề cập phần trên, đó là “It takes time”. Đây cũng là điều mình phải luôn tự nhủ bản thân, mọi chuyện đều cần có thời gian. Mọi thứ không thể trở nên “tốt” hơn trong một sớm một chiều. Mình, cũng như rất nhiều người bạn bằng tuổi khác, đôi khi quá sốt ruột muốn chứng tỏ bản thân, được công nhận và được nhìn thấy những “thành tựu”. Chúng mình sống trong thời đại của mạng xã hội với những khuôn mẫu thành công, con nhà người ta ở khắp mọi nơi. Vậy nên cảm giác mình bị bỏ lại, chẳng bằng ai cũng dễ hiểu thôi. Nhưng mình mong các bạn hãy nhớ rằng suy cho cùng, mình vẫn còn trẻ.
Hay như chị Thủy - biên tập viên sách của Nhã Nam cũng đã nói về công việc mình là: “Cách đây nhiều năm, tôi đã từng biên một bài dài 5 mét rưỡi than thở về cái nghề mà tôi cho là “danh bèo tiền nghèo”. Giờ sau nhiều trải nghiệm, tôi đã nghĩ khác. Về danh, nếu bạn không tự lớn lên thì ai có thể nhận ra bạn? Về tiền, nếu hết mình với công việc thì nghề chắc chắn sẽ nuôi được ta.”
Vậy đấy, nếu đủ can đảm, đủ kiên nhẫn và đủ niềm yêu thích, mình nghĩ bạn hãy cứ mạnh dạn theo đuổi con đường mà mình lựa chọn. Hãy xem nỗi hoang mang như một lời nhắc nhở bạn phải lựa chọn con đường mình đi thật kỹ càng, và khi thấy cơ hội đến thì đừng bỏ lỡ. Như lời nhắn từ nhà báo Gia Hiền rằng “Bạn hãy thử ngay từ bây giờ. Nếu bạn đi được đường dài, đó là may mắn của bạn. Còn nếu bạn không cảm thấy phù hợp, chí ít bạn đã tiết kiệm được nhiều thời gian để nhận ra điều đó và chọn một con đường khác.”
Thật ra “Người trong muôn nghề: Ngành Xã hội và Nhân văn có gì?” là cuốn sách hướng nghiệp về ngành Xã hội và Nhân văn, cũng là lý do mình quyết định đặt mua sách. Nhưng hóa ra cuốn sách còn dạy mình một điều quan trọng hơn, đó là hãy lên kế hoạch cho sự hoang mang của mình. Vì ai cũng hoang mang, độ tuổi nào cũng hoang mang, làm nghề nào cũng có những lúc up và down, thì sao không chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để hoang mang trở thành một phần trong kế hoạch, để sống chung với những nỗi bất an mà vẫn giữ được sự can đảm và kiên nhẫn của bản thân. 
Chúc bạn vững bước trên con đường phía trước!