"Black Sheep" - "Cừu đen" - thuật ngữ để ám chỉ về một thành viên khác biệt, kỳ quặc hoặc có tai tiếng trong một tập thể, hay có thể là trong một gia đình. Thuật ngữ này bắt nguồn từ hình ảnh khi trong một đàn cừu trắng xuất hiện 1 con cừu đen thì con cừu ấy thường sẽ bị đánh giá là kém giá trị hơn. Tương tự như trong 1 gia đình, nếu 1 thành viên bị xem như là 1 "con cừu đen", người đấy thường mang đến những điều không tốt cho gia đình, trái ngược với các thành viên khác và có thể bị phân biệt đối xử.
Lần đầu tiên mình biết đến thuật ngữ này là nhiều năm về trước, khi đấy, ngay từ giây phút đầu, bên trong mình đã dấy lên suy nghĩ, "Liệu đấy có phải là mình hay không? Liệu có phải mình cũng là 1 "con cừu đen" ngay trong chính gia đình của mình?"
Mình là con út trong nhà và mình chỉ có 1 người anh trai. Anh ấy thật sự là một người rất tuyệt vời. Ngay từ bé anh ấy đã là một viên ngọc sáng ngời trong trường, anh hai có thành tích học tập rất xuất sắc, thường xuyên đại diện cho trường tham gia nhiều cuộc thi ở các cấp. Anh ấy luôn duy trì thành tích vượt trội trong suốt khoảng thời gian đến trường và thường được ví von trong mắt bạn bè là một "con nhà người ta" chính hiệu. 
Mặc dù sở hữu cho riêng mình một bảng thành tích học tập rất đáng nể nhưng anh ấy lúc nào cũng khiêm tốn, anh hai không bao giờ khoe khoang bản thân, hay vì thế mà tự cao. Ngược lại thì anh ấy rất tốt bụng và hiền lành. Anh ấy sẽ là người luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và những người xung quanh. Bây nhiêu đó chỉ mới là một vài trong số rất nhiều những mặt tốt của anh trai mình thôi. 
Có một người anh như thế khiến mình vô cùng tự hào. Ngay từ bé, anh ấy đã là một tấm gương để mình noi theo, một hình mẫu để mình cố gắng hướng tới. Anh cũng thường giúp mình rất nhiều trong học tập. Nghe có vẻ như đây là một mối quan hệ anh trai - em gái thực sự gắn kết vì luôn cố gắng giúp đỡ nhau. Nhưng có lẽ, chỉ có 2 anh em mình là nhìn nhận như thế thôi. Ba mẹ, hay những người xung quanh chưa bao giờ nhìn nhận 2 anh em mình theo cách đó, thay vì thế, họ luôn đánh giá 2 anh em trên cùng một thang đo, và liên tục so sánh 2 anh em mình với nhau, hiển nhiên là mình luôn là đứa phải chịu đựng những lời nói không hay đó.
Từ bé, mình đã luôn được gắn cái mác là một đứa chăm chỉ còn anh hai không những chăm mà còn rất thông minh. Thật ra mình cũng không biết nhận định như thế có thật sự đúng hay không, vì nó cũng chỉ là nhận xét từ ba mẹ, hay những người khác. Họ bảo với mình rằng để có thể cố gắng học tốt như anh ấy, mình cần dùng sự chăm chỉ của mình để có thể theo kịp sự nhạy bén của anh trai. Chính là nó đấy, "Cần cù bù thông minh". "Mày đã không thông minh thì cần phải chăm chỉ hơn".
Thế nhưng, mình nhận ra luôn tồn tại khoảng cách rất lớn giữa mình và anh ấy. Cho dù là về quá khứ hay hiện tại, mình chẳng thể theo kịp anh mình (À mình đang so sánh những gì anh ấy thể hiện ngay tại thời điểm bằng tuổi mình thôi nhé). Mình đã nhận ra ngay từ khi còn đi học, dù cho mình có dùng sự chăm chỉ của mình nhiều thế nào thì vẫn sẽ không thể sánh bằng anh ấy. Tuy nhiên, những nỗ lực mình bỏ ra vốn dĩ chẳng phải để vượt mặt anh hai, mình dõi theo anh không phải để cố gắng vượt trội hơn anh, mình chỉ xem anh làm động lực để cố gắng thay đổi bản thân từng ngày chứ mình không có ý định và cũng không có đủ khả năng hạ bệ anh ấy. Mình nghĩ việc so sánh như vậy rất khấp khiễng khi khả năng, sở trường hay sở đoản của 2 đứa cũng khác nhau, và quan trọng là tụi mình là anh em ruột của nhau, vậy thì tại sao phải hơn thua nhau làm gì cơ chứ?
Thế nhưng, ba mẹ mình lại không nghĩ vậy, họ không ngừng so sánh mình với anh trai, họ sẽ luôn bảo rằng mình không đủ tốt, không đủ giỏi và thông minh như anh ấy. Mình luôn được nhắc nhở rằng vì anh mình đã đạt điểm cao ở môn này, vì anh ấy được vào trường chuyên, vì anh có các giải thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia, nên bản thân là 1 đứa em gái, mình cũng phải được như thế.
Mình không thể thoát khỏi được cái mác là "em gái của một người anh trai xuất sắc". Từ khi mình còn đi học, một trong những câu đầu tiên mà thầy cô hay bạn bè hay hỏi mình đó là "Mình có phải em là em gái của anh mình hay không?" và sau đó họ sẽ không dứt lời ca ngợi anh mình tuyệt vời thế nào. Ban đầu mình vui lắm, vì mình cảm nhận được sự nổi tiếng nhất định của anh trai và mình cũng tự hào khi có một người anh như thế. Thế nhưng dần dần mình cực kỳ tủi thân khi tất cả những gì họ nhớ về mình đó là việc mình có 1 người anh thật tuyệt vời. Mình thật sự rất buồn về điều đó. Vì thế, mình đã cố gắng rất nhiều để chứng minh bản thân, mình cũng đã đạt được những thành tích nhất định, mình cũng được đại diện trường tham gia thi các cuộc thi lớn. Thế nhưng, nếu anh trai mình tiến đến giải Quốc gia thì bản thân mình chỉ dừng lại ở vòng cấp tỉnh. Nếu anh ấy là một trong những học sinh tuyệt vời của một trường chuyên có tiếng còn mình thậm chí chẳng trở thành một học sinh chuyên. 
Thật ra mình cố gắng nhiều như thế lý do chính không phải vì muốn chứng tỏ với cả thế giới là mình cũng có thể làm được như anh hai, mà quan trọng hơn hết mình chỉ muốn ba mẹ một lần công nhận mình. Mình mong họ có thể thấy được những nỗ lực của mình đã bỏ ra và một lần tự hào về mình. Nhưng không, sau tất cả những gì mình đã làm, mình vẫn là 1 đứa kém cỏi trong mắt của họ. Những điều họ nhớ không phải là sự chăm chỉ và bền bỉ của mình trong suốt hành trình, mà chỉ đơn giản là hình ảnh một đứa con gái rớt cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, một đứa không đậu nỗi chuyên để rồi "mắc kẹt" ở 1 ngôi trường cấp 3 bình thường. Một đứa em gái không bằng anh trai nó.
<i>Photo by Jochen van Wylick on Unsplash</i>
Photo by Jochen van Wylick on Unsplash
Cũng từ đó, những suy nghĩ rằng liệu bản thân là có phải là 1 con "cừu đen" của gia đình hay không dần hình thành bên trong mình. Mỗi khi ba mẹ nói chuyện với người khác họ chẳng bao giờ khen mình và tất cả đều hướng về anh hai. Anh ấy là một điều tự hào trong mắt họ, còn mình giống như một nỗi ô nhục mà ba mẹ chẳng muốn nhắc đến. Ba mẹ rất hiếm khi cho mình những lời khen, nhưng lại rất dễ dàng thốt ra những lời chê bai hay chỉ trích.
Ba mẹ sẽ không bao giờ dùng những tính từ "ngu, dốt hay đầu đất" để nói với anh trai dẫu anh ấy có làm gì sai, nhưng ba mẹ lại có thể thoải mái dùng những từ ngữ ấy với mình. Việc bị chê bai bởi chính 2 người thân nhất trong cuộc đời khiến mình thấy bản thân tệ hơn bao giờ hết. Mình biết rằng so với anh trai, mình không thông minh bằng, mình vụng về, không tháo vát hay khỏe khoắn bằng anh ấy, nhưng mình nghĩ sự nỗ lực và cố gắng để trở nên tốt lên từng ngày của mình chắc chắn không thua gì anh. Nhưng dường như ba mẹ chưa bao giờ nhìn thấy điều đó ở mình, hầu như, tất cả những gì họ nhìn vào mình là một đứa không mang lại thành tích vẻ vang cho gia đình, một đứa mang lại nhiều rắc rối và phiền muộn cho gia đình. 
Dần dần khi 2 anh em mình lớn lên, những sự so sánh về thành tích học tập cuối cùng cũng được gác sang một bên, song, đổi lại thì những sự so sánh trong con đường tương lai của 2 anh em lại xuất hiện. Anh của mình hiện đang đi làm một công việc ổn định và sở hữu mức lương mà anh có thể vỗ ngực tự hào. Còn mình chỉ mới hoàn thành năm nhất Đại học, có điều đây lại là lần thứ 2.
Mình từng gap year, chuyển trường rồi đổi ngành, mình là 1 đứa 22 tuổi - ở độ tuổi mà mọi người vốn sẽ tốt nghiệp và tìm một công việc thì mình chỉ mới kết thúc năm nhất tại trường Đại học. Mình nhận ra từ lúc mình chuyển trường và bắt đầu một con đường mới, dẫu không quá phản đối, nhưng họ chưa bao giờ tự hào vì những gì mình đang làm. Nếu người khác hỏi rằng "mình đang học cái gì, sao lâu ra trường thế?" ba mẹ sẽ không bao giờ dám nói sự thật. Họ đang trốn tránh việc mình chỉ mới kết thúc năm thứ nhất Đại học lần thứ 2 trong đời, họ không tự hào hay thậm chỉ có thể xấu hổ về điều đó. Ba mẹ luôn dạy mình không được nói dối, nhưng chính họ cũng không thể nói sự thật.
Dẫu bạn bè của mình vẫn thường hay khen ngợi và nói những lời ngưỡng mộ về quyết định thay đổi của mình, nhưng mình không cảm thấy quá vui vì việc đấy. Điều đơn giản mình mong muốn nhận được chỉ là sự công nhận, và sự tự hào từ ba mẹ, chỉ cần họ mỉm cười và khen mình một câu mình đã vất vả và cố gắng rất nhiều, bấy nhiêu đó thôi mình cũng đã hạnh phúc rất nhiều. Chẳng cần phải chứng minh hay show diễn với thế giới, mình không muốn tham gia vào bất cứ cuộc cạnh tranh nào ở đấu trường cuộc sống, thứ mình muốn nhất là một lần công nhận của chính ba mẹ. Mình muốn chiến thắng cuộc đua trong lòng của ba mẹ.
Mình nghĩ không ít lần mình suýt bị bóp nghẹt vì những lời so sánh, buồn hơn cả là khi càng lớn mình nhận ra ba mẹ cũng không tin tưởng mình nhiều như anh trai, những lời mình nói sẽ không bao giờ đủ thuyết phục, hay được ba mẹ tin tưởng ngay. Thế nhưng, chỉ cần đó là một lời từ anh ấy thì tất cả sẽ hoàn toàn thay đổi. Mỗi lần mình xin đi đâu đó chơi thì cảm giác như đang làm 1 việc hết sức tội lỗi, nhưng với anh ấy, ba mẹ lại vô cùng thoải mái trong việc đó. Mình thật sự buồn về điều này, cảm giác như sự khác biệt dần trở nên rõ rệt hơn.
Ban đầu, điều đơn giản mình mong nhận được từ ba mẹ chỉ đơn thuần là cảm giác được chăm sóc, được cảm thấy an toàn, được yêu thương, tuy nhiên, mình nhận ra mình mong muốn nhiều hơn thế, trên tất cả mình cũng muốn được tôn trọng và lắng nghe. Mình muốn được là người ba mẹ chia sẻ những câu chuyện, mình cũng muốn có được sự tin tưởng từ ba mẹ, mình muốn một lần được làm ba mẹ tự hào, một lần khiến họ thật sự nhìn thấy đứa con gái của họ cũng đang cố gắng và không ngừng nỗ lực từng ngày. Đơn giản hơn mình chỉ muốn họ nhìn nhận mình như chính mình chứ không phải là em gái của 1 người anh tài giỏi. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ hạnh phúc với mình lắm rồi.