Bài này là phần tiếp theo của chuỗi bài viết về cách thức hoạt động của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Federal Reserse. Người viết khuyên là độc giả nên đọc trước phần 1 rồi hẵng tiếp tục với phần 2 để có một góc nhìn toàn cảnh hơn về lịch sử hoạt động của Fed. Phần 1 giải thích về chính sách mà Fed đã theo đuổi để xử lý khủng hoảng tài chính 2008-2009 và những hệ quả mà nó mang lại. Phần 2 sẽ đi sâu hơn về sự thay đổi trong cách thức Fed quản lý nền kinh tế sau đại dịch Covid 2019-2020.
Thế kỷ tiền rẻ
Trong phần trước, người viết đã chia sẻ rằng để giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Fed đã phải giảm lãi suất điều hành xuống mức gần 0% và giữ nguyên như thế trong một khung thời gian dài với hy vọng có thể cứu vớt lấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang bên bờ vực của sự sụp đổ. Khi lãi suất không thể giảm thêm được nữa để gây ảnh hưởng lên tổng cầu trong nền kinh tế, Fed đã phải liên tục sử dụng các gói Nới Lỏng Định Lượng hàng năm để đưa thêm tiền mới vào thị trường với mục đích vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải trải qua một cơn những cơn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hoạt động của mình.
Với quyết tâm mạnh mẽ khi thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng, Fed đã tạo ra một thập kỷ dễ dàng cho những nhà đầu tư, những người sở hữu tài sản, cũng như các doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau. Tài sản liên tục tăng giá trong giai đoạn trên do dòng vốn mới từ các gói Nới Lỏng Định Lượng chủ yếu được sử dụng để mua bán tài sản thay vì được dùng để kích nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế thực. Fed đã tạo ra một môi trường kinh tế mà mọi người đã quá quen với việc có thể dễ dàng tiếp cận nguồn "tiền rẻ" mà chỉ cần Fed ngừng cỗ máy bơm vốn, thị trường có thể nổ tung trong nháy mắt, vốn là việc Fed không thể để xảy ra nhằm ngăn chặn lịch sử tái diễn. Hiểu được điều này, các nhà đầu tư cũng như giới doanh nghiệp đã luôn kỳ vọng rằng Fed sẽ liên tục giữ lãi suất ở mức thấp như trên mãi mãi, và đúng là Fed đã buộc phải làm điều này trong giai đoạn trên vì họ không còn lựa chọn nào khác. Kỷ nguyền tiền rẻ đã được cho là có thể kéo dài vĩnh viễn mà không có hồi kết.
Tuy nhiên, đại dịch Covid đã đến và thay đổi tất cả. Môi trường tiền rẻ mà giới tài chính toàn cầu đã quá quen thuộc giờ đã là sản phẩm của quá khứ, và giờ đây họ đang dần nhận ra thực tế rằng kỷ nguyên tốt đẹp đó có thể sẽ không thể quay lại lần nữa. Họ phải tập làm quen với hiện trạng mới rằng chi phí vay vốn sẽ phải cao hơn mức gần 0% trong quá khứ rất nhiều, và điều này cũng đồng nghĩa là triển vọng lợi nhuận của thị trường sẽ không còn màu hồng như trước. Chi phí vay vốn rẻ luôn là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp, khi chi phí này tăng lên đột biến, đối với những doanh nghiệp vốn đã quen thói vay tiền bừa bãi để phục vụ hoạt động kinh doanh mà không suy sét cẩn thận đến những rủi ro tiềm ẩn, họ dĩ nhiên sẽ phải trả một cái giá rất đắt khi bỗng nhiên tiền không còn "rẻ" như trước.
Khi Fed thiết lập mức lãi suất của riêng mình, các ngân hàng trung ương khác trên thế giới như ECB (European Central Bank), hay BOJ (Bank Of Japan) cũng sẽ có xu hướng đi theo đường lối lãnh đạo mà Fed đã định sẵn từ trước, điều này có nghĩa là khi Fed theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, và khi Fed theo đuổi chính sách thắt chặt, họ cũng sẽ đi theo. Sức ảnh hưởng của Fed đến chính sách tiền tệ không chỉ tại Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới là không phải bàn cãi, điều đó vô hình chung đã tạo nên một hệ thống đồng bộ giữa các ngân hàng trung ương quyền lực nhất trên toàn thế giới trong việc thi hành các chính sách điều hành tại quốc gia của mình.
Chính sách "tiền rẻ" sau khủng hoảng tài chính 2008-2009 không chỉ là một điều bình thường tại Hoa Kỳ mà trên toàn cõi Châu Âu và tại các quốc gia đồng minh thân thiết của Mỹ như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một trong những thập kỷ hồi phục/tăng trưởng ấn tượng nhất trong lịch sử, giai đoạn này kéo dài quá lâu đã làm chúng ta quên mất một sự thật đơn giản rằng "tiền rẻ" chỉ là một tính năng được kiểm soát bởi Fed, không phải là chân lý của thế giới. Các doanh nghiệp khi đã quá quen với việc sử dụng tiền vay để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh/đầu tư sẽ có ảo tưởng rằng họ có thể tiếp tục vay tiền dễ dàng như thế mà không có hồi kết.
Một tờ báo kinh tế nổi tiếng từng viết rằng "Các khoản cho vay tệ hại nhất luôn đến trong thời kỳ kinh tế tốt đẹp nhất". Quá nhiều tiền chạy theo quá ít các cơ hội, hạ thấp tiêu chuẩn đầu tư cũng là điều dễ hiểu bởi vì nếu bạn không làm thế, người khác cũng sẽ làm và cướp mất cơ hội ngay trước mắt bạn. Do ảnh hưởng trầm trọng từ khủng hoảng tài chính 2008-2009, Fed đã giữ cho lãi suất thấp kéo dài gần một thập kỷ, điều đó tạo nên một kỷ nguyên tăng trưởng đều đặn trên thị trường chứng khoán, từ đó tạo ra một tâm lý chung của các nhà đầu tư là sử dụng tiền vay có thể tối ưu hóa lợi nhuận, dần dần rủi ro hệ thống ngày càng tích tụ tạo ra một môi trường kinh tế rất dễ biến động nếu như Fed quyết định tăng lãi suất.
Khi đại dịch Covid 2019-2020 bất ngờ ập đến kéo theo lạm phát tăng vọt một cách nguy hiểm, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới buộc phải đồng loạt tăng lãi suất với mục đích kìm hãm lạm phát. Với thói quen sử dụng tiền vay để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh, bất động sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chi phí chi lãi vay tăng cao nhanh chóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực thanh toán chi phí, rất nhiều công ty bất động sản đã phá sản vì không còn đủ khả năng duy trì hoạt động. Có một thực tế rằng Fed biết rõ quyết định nâng lãi suất sẽ tạo ra hàng loạt các công ty phá sản do thói quen vay tiền mất kiểm soát trong thời kỳ tiền rẻ, nhưng Fed đã không còn lựa chọn nào khác, đơn giản vì Fed hiểu rằng kiểm soát lạm phát quan trọng hơn đối với an ninh kinh tế quốc gia.
Đại dịch bất ngờ
Đại dịch Covid xuất hiện bất ngờ vào năm 2019 là một sự kiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống kinh tế toàn cầu được liên kết chặt chẽ với nhau. Khi một hệ thống được liên kết mật thiết với nhau và dựa vào tính ổn định của các nút khác nhau để vận hành một cách trơn tru, sự cố ở một nút có thể gây ảnh hưởng dây chuyền lên toàn bộ hệ thống. Khi những biện pháp ngăn cấm người dân trên toàn thế giới bước ra đường được áp dụng tại nhiều quốc gia khác nhau, cỗ máy sản xuất toàn cầu đã bị đóng băng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy lưu thông hàng hóa trên toàn thế giới. Lúc này người dân mới chợt nhận ra là những món thực phẩm được đặt lên bàn ăn của họ hằng ngày mà họ cho là điều hiển nhiên của thế giới, hóa ra nó không hiển nhiên đến thế.
Nền kinh tế toàn cầu đã phải chịu một đòn trời giáng từ "Thiên Nga Đen" mang tên Covid, đơn hàng doanh nghiệp sụt giảm dẫn đến doanh thu giảm tốc không phanh, các công ty đua nhau phá sản cũng như tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, chứng khoán toàn cầu rơi tự do báo hiệu một cơn bão suy thoái nghiêm trọng đang nằm ở phía trước, mọi thứ trở thành thảm họa trong chớp mắt. Lo lắng và sợ hãi nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới, và người dân tự hỏi với nhau rằng "Họ sẽ phải kiếm tiền ở đâu để nuôi bản thân và gia đình khi họ không thể ra ngoài làm việc?"
Fed biết rằng mình không thể giương mắt ra nhìn nền kinh tế đang nhanh chóng sụp đổ mà không có biện pháp can thiệp nào, vì thế Fed đã phải thay đổi phương thức QE mà cả thế giới đã quá quen thuộc. Thay vì bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua lại các loại tài sản khác nhau, Fed quyết định sẽ đưa tiền mới trực tiếp vào tài khoản người dân, một phần là để người dân có tiền tiêu khi họ buộc phải ở nhà khi dịch Covid đang hoành hành, một phần là để bảo đảm mức độ tiêu dùng để nền kinh tế có thể tiếp tục duy trì hoạt động ở cấp độ tối thiểu. Đây là hành động mang tính bảo đảm an ninh kinh tế xã hội, và Fed hoàn toàn có lý khi đưa ra quyết định mang tính lịch sử vô tiền khoáng hậu như trên.
"Với một lực tác động bất kỳ, ta sẽ luôn có một phản lực cùng chiều ngược hướng với lực tác động tương đương", như định luật nổi tiếng đã làm nên tên tuổi nhà vật lý lỗi lạc Isaac Newton đã từng dự đoán. Mức độ can thiệp vào nền kinh tế thông qua chính sách QE mới của Fed là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, không quá khó hiểu khi mức độ phản lực của nền kinh tế đáp trả lại sự can thiệp trên cũng mang tính kinh hoàng không kém. Người viết muốn nhấn mạnh rằng xét trên phương diện an ninh quốc gia, Fed hoàn toàn có lý khi phải thực hiện hành động trên, điều mà người viết muốn chỉ rõ ở đây là với mỗi một hành động nào đó ta đưa ra, luôn có một cái giá phải trả, và hành động của ta càng điên cuồng bao nhiêu thì cái giá càng lớn bấy nhiêu, cho dù thiện ý ban đầu của ta cao cả như thế nào chăng nữa. Lạm phát tăng dựng đứng trong năm 2021 kéo dài sang năm 2022 đã buộc Fed phải nhanh chóng chấm dứt QE và tăng lãi suất với cường độ chóng mặt, tốc độ thắt chặt nhanh nhất trong 4 thập kỷ điều hành của Fed.
Kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc, tiền sẽ không còn nhiều và dễ vay như trước đây. Thời đại của lãi suất cao sẽ mở ra một chương mới trong kỷ nguyên điều hành của Fed, và điều này có những thay đổi mang tính nền tảng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Kỷ nguyên mới
Sự sụp đổ của các ngân hàng Sillicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic bank, cùng với việc UBS mua lại Credit Suisse là minh chứng rõ nhất cho những hậu quả trầm trọng có thể diễn ra khi lãi suất tăng đột biến. Mặc dù lí do cụ thể có thể khác nhau với từng trường hợp, có một điều không thể phủ nhận là môi trưỡng lãi suất cao đóng một vai trò nền tảng quan trọng dẫn đến việc các ngân hàng không thể tiếp tục duy trì hoạt động do chi phí thanh toán các khoản phí phải trả đã tăng quá cao so với môi trường hoạt động mà họ đã quá quen thuộc trong quá khứ. Khi bất kỳ một tổ chức tài chính nào đã quá quen với mức lãi suất 0-0.25% hằng năm, ngay cả trong mô hình mô phỏng rủi ro thận trọng nhất mà họ có thể nghĩ tới, kịch bản lãi suất có thể lên đến 5.25-5.5% cũng rất khó để có thể tưởng tượng đến, đó là mức tăng lên đến hơn 20 lần. Nhưng đáng tiếc là dịch Covid xuất hiện và đã thay đổi môi trường kinh tế mãi mãi.
Chi phí để thanh toán cho các khoản phí vay tăng đột biến trong một môi trường kinh tế khó khăn có thể dễ dàng đánh sập các ngân hàng đã từng được cho là rất uy tín, đặc biệt là nếu các ngân hàng đó trong giai đoạn tiền rẻ, trong công cuộc tìm kiếm lợi nhuận, đã mua các loại tài sản rủi ro cao-lợi nhuận cao, từ đó ngày càng gia tăng rủi ro tiềm ẩn trong bản cân đối kế toán. Chỉ cần có một sự cố xảy ra trong nền kinh tế là tài sản rủi ro có thể cụ thể hóa thành thua lỗ khổng lồ thông qua diễn biến tiêu cực của thị trường. Như một câu châm biếm đã trở thành biểu tượng bất hủ tại phố Wall "Khi nhạc đang bật thì tốt hơn hết là bạn nên đứng lên và nhảy ngay đi", thật khó để mà đứng yên tận hưởng bầu không khí yên bình khi tất cả những người xung quanh bạn đang giàu lên một cách nhanh chóng, cho dù bạn biết chắc là việc họ đang làm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nguy hiểm.
Mặc dù đã tăng lãi suất lên mức khá cao, nền kinh tế của Hoa Kỳ vẫn đang phát triển tốt đẹp, vốn là một điều Fed không hề ngờ tới khi đưa ra thay đổi chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt. Vốn kỳ vọng về một nền kinh tế ảm đạm và dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp cao khi lãi suất tăng vọt, cả Fed và giới hàn lâm về kinh tế-tài chính đều bất ngờ khi các dữ liệu về việc làm được tổng hợp hàng tháng xuất bản. Nền kinh tế vẫn khá tốt mặc dù lãi suất đang neo ở mức khá cao, điều này có nghĩa là Fed có lý do chính đáng để không phải vội khi đưa ra quyết định về thời điểm hạ lãi suất. Fed chắc chắn sẽ không muốn dừng chu kỳ thắt chặt quá sớm chừng nào họ còn chưa tự tin là họ đã kiểm soát hoàn toàn lạm phát. Toàn thể giới tài chính toàn cầu đều kỳ vọng là Fed sẽ bắt đầu lộ trình giảm lãi suất trong năm 2024, nhưng dữ liệu về việc làm khả quan có thể là một biến số gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của Fed.
Một trong những lý do chính Fed quyết định thử nghiệm QE sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009 là vì với mức lãi suất gần 0% thời bấy giờ, Fed không thể tiếp tục hạ lãi suất được nữa để kích cầu cho nền kinh tế (lãi suất âm là điều kì lạ có lẽ chỉ nên diễn ra ở Châu Âu và không nên xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác), Fed đã phải nghĩ ra công cụ mới để gây ảnh hưởng lên nền kinh tế, và vì thế QE được ra đời và dần trở thành công cụ yêu thích của Fed. Tuy nhiên, với mức lãi suất 5.25-5.5% như hiện tại, thật khó để kỳ vọng rằng Fed sẽ quay trở lại quá khứ với mức lãi suất 0-0.25%. Xét theo chiều dài lịch sử hoạt động của Fed, đó là một giai đoạn rất đặc biệt vì lãi suất gần 0% vốn dĩ là một điều không thật sự tự nhiên trong nền kinh tế, điều này là kết quả của sự kiểm soát chặt chẽ từ Fed để giữ cho nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục phục hồi sau cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhưng nó cũng có một yếu điểm chí mạng là Fed không thể hạ thêm lãi suất giả sử như nền kinh tế có biến mới và Fed cần phải gia tăng cường độ các chính sách nới lỏng. Với mức lãi suất gần 0%, quyết định duy nhất Fed có thể thực hiện là tăng lãi suất, hạ lãi suất thậm chí còn không phải là một lựa chọn nằm trong sự cân nhắc từ Fed.
Tương lai luôn là một ẩn số bất định, và những dự đoán đều chỉ là những con số mang tính xác suất. Việc Fed có thể hạ lãi suất đến đâu sẽ luôn là một câu trả lời chỉ có chủ tịch Jerome Powell mới biết. Tuy nhiên, người viết tin rằng thời kỳ tiền rẻ đã thật sự kết thúc, mức lãi suất gần 0% rất khó để quay trở lại, và thế giới sẽ phải tập làm quen với hiện trạng mới, vì thế một điều chắc chắn là triển trọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới sẽ không còn màu hồng như trong giai đoạn tiền rẻ nữa. Nền kinh tế thế giới có thể sẽ trải qua một giai đoạn phát triển mới khi mặt bằng lãi suất chung sẽ cao hơn trong quá khứ, và vô hình chung triển vọng tăng trưởng GPD toàn cầu cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới của nền kinh tế toàn cầu đã được nhiều chuyên gia dự đoán là sẽ gặp rất nhiều thách thức, mặt bằng lãi suất cao hơn chắc chắn đóng một vai trò quan trọng cho những thách thức trên. Nền kinh tế toàn cầu gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại, và khi kinh tế không còn là chiếc phao cứu sinh, chính trị dân túy và sự chia rẽ chắc chắn sẽ nổi lên, đây đã là một khuôn mẫu có thể dễ dàng nhận ra nếu bạn đọc có sự am hiểu về lịch sử phát triển các quốc gia khác nhau. Miễn là khi miếng bánh kinh tế còn tiếp tục to ra, ta có thể tranh luận rằng ai xứng đáng có nhiều hơn và ai nên có phần ít lại, nhưng khi miếng bánh không còn phát triển thêm nữa thì tất cả nhanh chóng trở thành trò chơi "tổng bằng 0", cuộc chiến tranh giành phần tài nguyên có hạn luôn rất tàn nhẫn và đẫm máu. Tuy nhiên, người viết vẫn tin rằng vẫn có cách để tất cả quốc gia cùng nhau tiếp tục phát triển, có lẽ sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người nhưng vẫn tốt hơn là cùng nhau hủy diệt tất cả. Những thỏa hiệp kinh tế hoàn toàn có thể diễn ra nếu chủ nghĩa dân túy không làm mờ mắt các nhà lãnh đạo toàn cầu. Miếng bánh kinh tế có thể sẽ không phình to ra nhanh như trong quá khứ, nhưng không có nghĩa là nó ngừng tăng trưởng. Một cách thực tế, chúng ta nên học cách làm quen với tốc độ tăng trưởng chậm chạp trong thập kỷ tiếp theo, cho dù chúng ta muốn điều này hay không.
Khả năng rất cao là Fed sẽ hạ lãi suất trong năm 2024, trường hợp xấu nhất là trong năm 2025, dữ liệu tốt về việc làm và nền kinh tế tăng trưởng ổn định mặc dù với mức lãi suất cao chắc chắn sẽ cho Fed nhiều lý do để suy nghĩ về thời điểm hợp lý để hạ lãi suất. Do từ trước tới nay Fed đã luôn theo đuổi chính sách định hướng tương lai (forward guidance), những lời thông báo trước từ Fed về những dự định trong tương lai luôn có một mức độ tin cậy nhất định. Nếu Fed đã nói là họ đang nhìn thấy chặng đường cuối cùng trên lộ trình thắt chặt, chúng ta với tư cách là nhà đầu tư, có thể tin tưởng rằng chính sách nới lỏng đang ở trước mắt. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi vẫn sẽ luôn là một ẩn số bất định.
Để có một công cụ kiểm soát lãi suất linh hoạt với mục đích có thể ứng phó khủng hoảng hiệu quả hơn trong tương lai, Fed chắc chắn sẽ không để lãi suất quay trở lại mốc gần 0% như trong thập kỷ vừa qua, và điều này sẽ tạo nên một tâm lý đầu tư lành mạnh hơn khi thị trường sẽ suy nghĩ nhiều hơn về mức độ rủi ro tiềm ẩn trong mỗi thương vụ đầu tư mà họ đang theo đuổi. Quá nhiều tiền rẻ theo đuổi quá ít cơ hội tốt luôn là công thức nguy hiểm gia tăng rủi ro hệ thống cho nền công nghiệp tài chính toàn cầu. Thời kỳ liên tục bơm tiền mới vào nền kinh tế thông qua các gói QE có lẽ đã thật sự kết thúc, một kỷ nguyên điều hành mới đã chính thức mở ra báo hiệu một tương lai tăng trưởng chậm chạp hơn trong quá khứ, nhưng cũng sẽ mang tính bền vững hơn cho tất cả chúng ta.
GÓC QUẢNG CÁO
Người viết xin tự giới thiệu đứa con tinh thần đầu tay "Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư" vừa được xuất bản cách đây không lâu, và hiện đang được bán trên Tiki. Đây không phải là một cuốn sách hoàn toàn mới, mà nó là sự kết hợp và biên tập của những bài viết blog trong series "Đầu tư cơ bản" người viết đã đăng trên Spiderum từ trước.
Trong cuốn sách này, người viết đã tổng hợp và chỉnh sửa lại những kiến thức, gợi ý và kinh nghiệm về đầu tư để giúp đọc giả hiểu rõ hơn về thế giới tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam và từ đó có thể đưa ra quyết định đầu tư thông minh. Người viết rất trân trọng sự ủng hộ của các bạn và hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn phát triển tối đa kiến thức đầu tư của riêng mình, và từ đó có thể trở thành một trong những số ít nhà đầu tư thành công trên thị trường. Đầu tư là một hành trình cực kì khó khăn đối với người viết, với nhiều bài học cay đắng không thể tả. Nếu quyển sách này có thể làm cho hành trình của bạn bớt gian nan hơn, dù chỉ là một chút, thì đó chính là thành công to lớn của người viết.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về sách tại đường link dưới đây, và đặt sách ngay để nhận được sản phẩm trong thời gian sớm nhất. Người viết cảm ơn các bạn rất nhiều!