Đầu tiên, tôi phải xin lỗi vì một tiêu đề dễ gây hiểu nhầm. Tiêu đề chính xác của bài viết này phải là "Bố mẹ đã dạy tôi mindset kinh doanh như thế nào?". Tuy nhiên, tôi mong rằng tôi sẽ thành công trong việc gây sự chú ý với bạn, để bạn có thể tiếp tục đọc nội dung mà tôi chia sẻ dưới đây. Cái này hoàn toàn đến từ thực tế trải nghiệm sống của tôi ở thời điểm hiện tại, nên hãy tham khảo và chọn lựa yếu tố phù hợp với cuộc sống của bạn.
Bây giờ chúng ta bắt đầu nhé.
1. Học cách chấp nhận thất bại:
Đây là bài học đầu tiên và top 1 trong mọi bài học về làm người chứ không chỉ mỗi kinh doanh hay kiếm tiền. Tuy nhiên, nó dạy con người cách tự chủ cảm xúc và kiểm soát tiêu cực mỗi khi gặp phải những sự việc không mong muốn trong cuộc sống.
Tôi còn nhớ năm lớp 8, tôi đã đăng ký dự thi EF Challenge đầu tiên tại Việt Nam cùng một người bạn học chung lớp học thêm tiếng Anh. Tôi có khao khát chứng minh năng lực rất lớn và đã chuẩn bị rất kỹ, nhưng đến khi đứng trước mặt ban giám khảo thì tôi lại nói lắp bắp và run đến mức tiếng chuông báo hết giờ làm tôi hét lên. Chứng kiến các "quái vật" khác pass vòng gửi xe và tiếp tục đứng trước bục thuyết trình làm tôi khóc nức nở trên đường về nhà và tự trách sao mình thất bại rồi người khác chắc may mắn (trẻ con mà, suy nghĩ linh tinh). Lúc đó bố mẹ tôi mới nói rằng: (1) Sự việc đã xảy ra, không thể quay lại thay đổi hay sửa chữa, có khóc lóc hay than vãn cũng không thể giải quyết được vấn đề gì; (2) Nhìn nhận lại bản thân so với người khác là mình thật sự yếu kém và cần phải cải thiện năng lực mới chinh chiến được ở biển lớn, chứ không thể nghĩ mình giỏi ở mỗi cái giếng của mình được.
Sau đó tôi ngưng than vãn và bắt đầu cày cuốc luyện tập, năm sau cuộc thi đó lại tổ chức thì tôi nhớ là tôi đã lọp top 45 trên tổng số 7,000 thí sinh dự thi vòng gửi xe năm 2016? À năm đó quán quân là chị Nguyễn Lâm Thảo Tâm nha, tui rất ngưỡng mộ bả.
Mặc dù sau đó vẫn thất bại nhiều và nhiều lúc chưa chấp nhận, nhưng dần dần mình cũng tập thói quen rằng phải cố gắng hết sức, vượt xa tiêu chuẩn bản thân, còn sau đó chuyện thành hay được còn rất nhiều yếu tố khác như may mắn, môi trường, quá cạnh tranh, etc. Quan trọng là mỗi trải nghiệm mình tiến bộ một chút so với trước đó là được.
Make progress, not perfection.
2. Kỹ năng quán sát:
Tôi có hai trải nghiệm khá thú vị liên quan đến kỹ năng trên như sau:
(1) Phỏng vấn xin việc:
Hồi tôi phỏng vấn vào Google APAC, interviewers hỏi tôi khá nhiều về việc tư vấn cho các doanh nghiệp SMEs. Thật lòng thì với kinh nghiệm thực tế của tôi thì từ trước tới nay tôi chỉ làm với brands và agencies, chứ chưa bao giờ làm với SMEs cả. Tuy nhiên, tôi nhớ những hôm ăn tối hồi còn đi học, mẹ khá bận bịu nên nghe điện thoại nói chuyện với đối tác và khách hàng là SMEs luôn trong giờ ăn. Lúc đó tôi nghe hết cách mẹ trao đổi, tính toán và cách khách hàng phản hồi, từ đó tôi hiểu tâm lý và cách vận hành, luân chuyển hàng hóa lẫn kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và tôi dùng chính những kiến thức chỉ từ việc "quan sát" và "lắng nghe" để trả lời câu hỏi phỏng vấn. Khá trơn tru đấy =))
(2) "Khởi nghiệp" lần đầu:
Số tiền đầu tiên tôi kiếm được (trừ nhổ tóc bạc cho bố mẹ) là việc bán bút và sổ tay. Lúc đó nhà tôi có rất nhiều bút mà tôi không bao giờ dùng hết, và sổ tay tôi mua ở siêu thị với giá 5k/quyển. Tôi cầm đi bán cho một số bạn có nhu cầu, và tôi biết rằng:
- Với bút: Tôi tìm kiếm các học sinh chuẩn bị vào giờ thi =)) Mất bút tẩy rồi thiếu giấy kiểm tra là chuyện thường như cơm bữa. Và tôi bán hình như là 3-5k/cái.
- Với sổ tay: Tôi tìm kiếm các bạn nữ thích sự dễ thương và hay mua đồ ở hàng văn phòng phẩm cạnh trường. Giá sản phẩm của tôi cũng tương đương thế, nhưng kèm theo dịch vụ personal selling miễn phí từ tôi =)) Và tôi bán 1 quyển sổ với giá 20k.
Quan sát sẽ giúp bạn nhìn nhận được nhiều vấn đề mà không nhất thiết bạn cần phải trải qua, và hiểu được cung-cầu giúp bạn có được lợi ích tối đa.
3. Tập bán "Vốn Tự Thân":
Tôi khá bất ngờ khi nhiều bạn nói rằng mình không biết làm gì để kiếm tiền trong khi mỗi người đều có cái vốn tự thân cơ bản nhất, đó là "chất xám". Bạn không cần phải mở kinh doanh, tạo ra sản phẩm nào đó cầm được nắm được thì mới bán được lấy tiền. Sản phẩm thì dễ bị so sánh về chất lượng, giá cả; còn chất xám thì chả có giá trị nào có thể đo lường hay định giá được cả.
Công việc đầu tiên bằng "vốn tự thân" của tôi là đi làm phiên dịch, với ý nghĩa ban đầu là tôi hậu đậu, đi làm bồi bàn vỡ bát đĩa người ta thì đi làm chết tiền đền bù :( Ấy thế mà từ công việc phiên dịch đơn giản, tôi có thể bắt đầu đi làm tourguide hoặc hỗ trợ coordinate bệnh nhân khám sức khỏe tổng quan, và kiếm được số tiền gấp đôi số tiền ăn bố mẹ cho tôi hàng tháng chỉ trong 1 tuần. Đợt đó cứ 2 tháng term break là tôi tót đi du lịch một nước, rồi mẹ cũng thắc mắc rõ là cho con bé này ít tiền ăn mà nó còn mua hết nước hoa đến mỹ phẩm tặng mẹ =))
Quay trở lại về câu chuyện "vốn tự thân" của mỗi người, có rất nhiều hình thức để bán chất xám của bạn, như KOL/Influencers (kinh doanh hình ảnh thương hiệu cá nhân); viết lách, sáng tác, thiết kế concept (kinh doanh ý tưởng sáng tạo); hoặc có một nghề mà theo tôi, thị trường lao động hiện tại đang rất thiếu, là người kết nối/coordinator chuyên nghiệp: người có khả năng nhìn ra nhu cầu của khách hàng, nhìn ra tiềm năng của nhà cung ứng và kết nối cả hai để tạo ra sản phẩm. Chất xám này không chỉ giúp bạn phát triển mà còn giúp người xung quanh cùng đi lên, và cả thế giới đều hạnh phúc ;)
Túm lại, đừng bao giờ bán rẻ hoặc cho free chất xám của mình nhé. Nó vô giá.
4. Kiểm soát sự tiêu cực từ bên trong:
Càng ngày khi đi làm lâu hơn, tôi nhận ra vòng tròn cuộc sống của tôi thu bé lại từ nhà đến văn phòng =)) Chả còn những buổi tâm sự bạn bè, đi chơi thâu đêm suốt sáng, mà giờ đi cũng 10h tối ngáp lên ngáp xuống.
Nhiều khi nghĩ lại thì hồi đi học, chỉ có mấy việc stress do chưa làm xong bài kịp deadline, điểm thấp rồi cuối tháng hết tiền ăn, buồn thì ới bạn bè đi chơi là quên luôn. Còn đi làm thì khác, đúng nghĩa áp lực "cơm - áo - gạo - tiền", khi mình phải chi trả chi phí nhà cửa điện nước rồi ăn uống hàng tháng, chưa kể đi làm áp lực sẽ dễ nảy sinh suy nghĩ lo âu vì bị cạnh tranh, không được tăng lương, thăng tiến hay phát triển; rồi những câu chuyện bên lề về tình cảm đôi lứa, bạn bè hay những lúc gồng gánh chứng minh với gia đình rằng mình vẫn ổn mặc dù mình chả ổn chút nào...
Đã có nhiều hôm mình nhốt trong phòng khóc một mình, đỉnh điểm là đợt dịch cao điểm ở Sài Gòn, tôi bị phong tỏa trong nhà 3-4 tháng trời. Sống xa nhà, công việc căng thẳng, không biết nói chuyện hay tâm sự với ai nên tôi bị tiêu cực trầm trọng luôn.
Sau đó tôi nhận ra rằng, tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều là góc nhìn của bản thân về vấn đề đó, mình đâu ngăn được những sự việc không theo mong muốn xảy ra với mình, mình chỉ có thể kiểm soát cách mình phản ứng với sự việc đó mà thôi. Bố mẹ cũng nhắc nhở tôi rằng, càng lớn lên thì càng có nhiều điều kinh khủng hơn xảy ra, vậy tại sao không rèn cho bản thân một sức khỏe tinh thần thật vững chắc và luôn suy nghĩ tích cực? Hạn chế sống cảm xúc và dám đối mặt dù kết quả ra sao sẽ là chìa khóa để đi đến đâu cũng sống được.
If you are not strong, no one will be strong for you.
5. Hãy mạo hiểm khi còn trẻ:
Tôi từng xem một video với câu hỏi "Bạn hối hận nhất điều gì?" từ độ tuổi 7-75, thì đa phần câu trả lời ở độ tuổi trung niên đến người già đều là "Hối hận vì những điều họ chưa làm được/chưa dám làm". Trong khi người trẻ chúng ta lại ngược lại, hối hận vì những điều đã xảy ra mà không thể quay lại cứu vãn được nữa.
Về cơ bản thì, ở độ tuổi thanh niên, khi còn sức trẻ và khỏe thì chúng ta sẵn sàng thử sức mọi thứ với tâm thế "cứ trải nghiệm đã". Mặc dù biết sẽ ngã đau đấy, mặc dù biết sẽ chả hoàn hảo ngay từ đầu, nhưng chúng ta vẫn làm chỉ vì "còn trẻ mà, sao không thử một lần". Hoặc đơn giản hơn là bởi vì, chúng ta không có hoặc quá ít thứ để đánh đổi.
Khi đến độ tuổi lớn hơn, nhận thức được cuộc sống thực tế xung quanh và đã dành thời gian tuổi trẻ để gây dựng nên nền tảng cho cả bản thân lẫn gia đình, chúng ta sẽ giảm nhu cầu đánh đổi đi những công sức mình dày công tạo nên. Thời gian đi học thêm nâng cao chỉ vì đang đi làm kiếm tiền, thời gian đi du lịch xa chỉ vì vướng bận con nhỏ, thời gian ở cạnh những người thân yêu vì cần phải ưu tiên công việc trước, etc
Nói thật là vừa nhờ tôi quyết đấu tranh với bố mẹ lẫn bố mẹ tôi cũng là những người sẵn sàng đánh đổi thì mới dám cho tôi đi xuất khẩu năm 15 tuổi. Lúc đó, một đứa con gái mới học xong cấp 2 ở Việt Nam, tiếng Anh cũng thuộc dạng tàm tạm mà còn chưa bao giờ sống xa gia đình, một mình qua một đất nước xa lạ ở và trải nghiệm đủ thứ mà vẫn cảm thấy hạnh phúc khi sống xa nhà. Tôi của bây giờ thì hơi ngược lại, mặc dù vẫn sống xa nhà nhưng tôi thích về nhà ở với bố mẹ để bố mẹ nấu cơm cho ăn mỗi ngày. Tôi cũng bắt đầu lười đi ra ngoài vì đi làm cả ngày khá mệt và chăm chỉ viết lách hơn... Túm lại, rất lười, ngại thay đổi quan điểm và sợ mạo hiểm.
Có một cái buồn cười là tôi sợ đi xe máy. Ngày xưa hồi cấp 2, chính tôi trèo lên cái xe đạp điện của bạn tôi, không cần ai chỉ vẫn vặn ga đi ầm ầm trên phố đông chả làm sao =)) Thế mà bây giờ về Việt Nam 3 năm để mẹ kèm đi xe máy trên từng cây số xong đoạn nào khó quá nhờ mẹ lái hộ luôn =)) Thế nên mới nói, độ láo nhây lì nên được đẩy tối đa ở tuổi trẻ để về sau không còn gì hối tiếc, cũng như có sức bền tốt để chạy đường dài về cả công việc, gia đình etc
Bố mẹ bảo rồi: "Còn trẻ phải đứng dậy chiến đấu hết mình đi, không nhắm mắt cái là không còn cơ hội làm điều gì đâu..."
---
Bên trên là phần 1, và 5 điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ. Còn rất nhiều điều, nhưng tôi sẽ chia sẻ dần, vì tôi không thể kể hết những trải nghiệm của tôi chỉ trong một bài viết được.
Người ta nói là luyện mindset kinh doanh cho to tát chứ thực ra nó đều đi từ những thói quen hàng ngày mà ra. Nên nếu có thể, hãy kỷ luật bản thân và rèn luyện thật nhiều thói quen tốt thì mới hình thành cả sức khỏe lý trí lẫn tinh thần vững vàng được.
Thế nhé, hẹn gặp mọi người ở phần 2!
Cafe Slow quận 3 nhé :<
Cafe Slow quận 3 nhé :<