Chuyện cái workshop – A toxic love story or a toxic story?

Hồi hè mình nhận lời tham gia một vài buổi workshop để chia sẻ các thông tin khoa học về nhựa và cách sử dụng nhựa bền vững. Mình được mời cùng với 1 chị khác đang điều hành một shop kiểu như “sống xanh”. Chỉ bảo chị đọc được 1 quyển sách đã thay đổi góc nhìn của chị, chị bắt đầu tham gia vào hành trình sống xanh. Quyển sách đó là Plastic: A toxic love story của bà Susan Frienkel.
Nguyên 1 buổi hôm đó sau phần của mình, mình đã ngồi nghe rất nhiều những lời như là: ừ thì nhựa không xấu, mình vẫn phải sống chung với nhựa thôi, giống như sống chung với COVID vậy. Hoặc là chị đọc xong cuốn sách đó liền sợ hãi cố gắng giảm nhựa, đặt hàng rau organic từ trên Đà Lạt và dặn người ta phải gói hàng trong bao bì giấy mới được chứ nhất quyết ko dùng nhựa. Tất nhiên mỗi người có một quan điểm, nhưng thật lòng mà nói những lời đó như đấm vào tai mình vậy và chúng cũng gần như triệt tiêu hết những gì mà mình nói trước đó.
Chị gởi link quyển sách đó, mình down về và đọc ngay trong lúc workshop vẫn đang chạy. Mình đọc phần giới thiệu (những dòng chữ như đâm vào đít mình :v). Tác giả bắt đầu quyển sách bằng một thử thách cá nhân: vào một ngày đẹp trời, bà quyết tâm không đụng vào bất cứ thứ gì bằng nhựa trong nguyên ngày. Mười giây sau, bà hiểu ra sự điên rồ của cái thử thách này, bởi khi bà chuẩn bị đi vào toilet thì phát hiện cái bệ ngồi của bồn cầu làm bằng nhựa. Bà nhanh trí đổi thử thách thành việc ghi lại toàn bộ những thứ làm bằng nhựa mà bà đụng vào. Đến cuối ngày, bà đã viết đầy 4 trang giấy trong quyển sổ vốn cũng dùng keo đóng sách bằng nhựa và dùng cây viết chì sơn nhựa bên ngoài. Bà cho rằng cuộc sống của chúng ta, của loài người đã trở nên quá phụ thuộc vào nhựa.
Mình cũng ráng đọc cho hết cuốn sách kia để xem đến cuối cùng bà ấy có nói được lời nào tử tế không. Bà ấy viết về 8 món đồ làm bằng nhựa: chiếc lược, cái ghế, đồ chơi ném đĩa Frisbee, túi truyền nước biển, cái bật lửa, túi nhựa đi chợ, chai nước giải khát và thẻ tín dụng. Với thủ pháp của một nhà báo lâu năm, bà đã khéo léo nói dông nói dài về nhiều mặt như lịch sử, những thay đổi về văn hóa, chính trị, nghệ thuật trong những thời điểm khác nhau gắn với những món đồ đó. Đặc biệt trong phần nói về túi truyền nước biển, bả kể về một em bé bị sinh non 4 tháng và được nuôi trong lồng áp bằng nhựa trong suốt, với đủ thứ dây nhợ, thiết bị y tế xung quanh để duy trì sự sống, và bả tỏ ra ghê tởm cái hình ảnh đó, cho rằng em bé đó sẽ bị các vấn đề về sức khỏe khi lớn lên vì bị tiếp xúc quá nhiều với nhựa PVC của các loại ống truyền đó và sẽ bị thôi nhiễm các loại chất hóa dẻo phthalates (???). Chắc bà tác giả cho rằng gỡ hết đống dây nhợ đấy đi sẽ tốt cho em bé đó hơn :v. Phải nói thêm rằng phthalates được dùng nhiều và chủ yếu trong nhựa PVC và các ứng dụng về y tế, và không phải bất kỳ ai cũng sẽ tiếp xúc lâu dài với các thiết bị này trừ khi đang rất gần với cửa sinh/tử và có thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn.
Sau đó, bà đi mua cái thảm từ OfficeMax, bà để nó trong xe hơi để đi mua đồ mua đạc, lúc quay lại mở cửa xe thì trong xe bốc lên cái mùi nhựa, bà lại có cảm giác rằng “ối xồi chắc là nhựa độc lắm đây” và bà tính bỏ luôn cái thảm đấy vì thấy nó độc quá :v. Nhưng sau đấy bà nhớ lại cuộc sống của bà cũng chẳng lành mạnh lắm đâu, người nhà bà hút thuốc, bà cũng hút thuốc, lâu lâu bà lại nói chuyện điện thoại khi đang lái xe, bà không dùng kem chống nắng, cũng đi xe hơi xả đầy khí thải của dầu diesel, v.v. nên bà quyết định thôi, không bỏ tấm thảm đấy nữa, và hạ kính xe xuống đợi cho mùi thảm mới bay đi. Ở những phần sau, bà cũng chỉ nói về các sản phẩm nhựa như một thứ ôn dịch mà chúng ta phải sống cùng, và những nghi ngại về tác hại tiềm ẩn của chúng đến sức khỏe của chúng ta.
Bà tác giả với chị giới thiệu sách khiến mình nhớ tới bộ phim Người Giúp Việc – The Help dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Kathryn Stockett. Trong đó mô tả một xã hội da trắng những năm 1960 sử dụng những người da đen như nô lệ của mình. Phụ nữ da đen được thuê làm giúp việc, dọn dẹp nhà, trông trẻ từ sáng tới tối, trong khi những người da trắng thì ở nhà không động tay động chân chút gì, suốt ngày tiệc tùng trà bánh. Giúp việc, nấu nướng, chăm sóc nhà cửa chu toàn vậy nhưng những người da trắng thượng đẳng kia vẫn xem mình là kẻ ban ơn, và đối xử với những người phụ nữ đó như tầng lớp thấp hèn của xã hội, (đến nỗi không cho họ dùng chung toilet, phải xây một cái toilet riêng chật hẹp nóng nực cách ngôi nhà chính một đoạn) và bất đắc dĩ lắm mới phải tồn tại cùng một thế giới với họ. Bà tác giả với chị giới thiệu sách nói về nhựa cũng kiểu vậy đó :)) giống như nhựa là thứ bệnh dịch gì ghê tởm lắm.
Phim Người giúp việc - The Help (2011)
Phim Người giúp việc - The Help (2011)
Mình biết các bạn trẻ tổ chức chương trình đã nỗ lực rất nhiều để mang đến một cái nhìn khác đối với vấn đề rác thải nhựa. Nhưng mình vẫn rất buồn khi cuối cùng rồi, thì cái các bạn nhớ đến có lẽ vẫn là kiểu: nhựa vẫn là một thứ gì đó không tốt, mà bất đắc dĩ lắm mình mới phải sống chung với nó, phải dùng nó, chứ thật ra mình ghê tởm nó lắm và mình phải cố tránh né nó bằng mọi cách. Mình không mong muốn gây ra bất kỳ hard feelings nào. Nhưng mình cũng mong các bạn hiểu rằng cái page của mình tên là Thank You Plastic (wordpress) và mình nói thẳng là mình rất ghét những thể loại, những “loài” nào kỳ thị nhựa, bĩu môi khi người khác dùng nhựa và cho rằng những vật liệu thay thế, những vật liệu “tự nhiên” là hay ho, là thân thiện môi trường (mà giấy, gỗ hay vải cotton thì cũng chẳng có tự nhiên hơn nhựa là bao đâu khi mà anh cũng lặt nát cái thiên nhiên về xử lý bằng hàng tá thứ hóa chất để cho ra cái mà anh vẫn gọi là vật liệu tự nhiên đấy).
Đối với mình, những kẻ kỳ thị nhựa là những kẻ thiển cận và vô ơn, cũng giống như những người da trắng trong bộ phim The Help vậy, chỉ biết bóc lột, lạm dụng rồi xem những ngưòi đã chăm sóc nhà cửa con cái của mình như những kẻ mạt rệp, tội đồ. Chê thì chê vậy, sợ thì sợ nhựa độc hại, nhưng hút thuốc vẫn hút, đi ra đường hít khói bụi vẫn đi, xài thì vẫn xài nhưng dè bỉu, chê bai, kỳ thị, sợ bị nhiễm độc, bị bệnh từ nhựa trong khi vẫn chưa có bằng chứng gì còn hút thuốc hại gan, phổi thì người ta đưa tin, đưa kết quả nghiên cứu đầy ra. Mình thực sự rất là “chấm hỏi” cái logic của bả luôn á.
Nhưng thử xem không có nhựa thì mọi chuyện sẽ ra sao? Và cái nguy cơ “độc hại” khi sử dụng nhựa có kinh khủng như chúng ta nghĩ, hay chúng ta sẽ vô cùng an toàn khi sử dụng các vật liệu khác như giấy, thủy tinh và kim loại?  

Chuyện nhựa độc – có thật không?

Hè này mình nhận tư vấn cho một tổ chức về hướng dẫn sử dụng nhựa, trong đó đương nhiên vấn đề nhựa độc hay không độc, ảnh hưởng sức khỏe hay không rất được quan tâm. Điều này rất dễ hiểu, ai cũng muốn biết loại nhựa nào là an toàn để sử dụng, loại nào không nên. Thông thường ở Việt Nam bạn sẽ gặp rất nhiều bài viết trong đó có ghi các ý như “nhựa độc hại”, từ các bài báo lá cải, chính thống, có tham khảo ý kiến của các “tiến sĩ”, v.v. và quan niệm này đặc biệt phổ biến ở các page/nhóm/cá nhân đang hướng tới việc bài trừ, giảm thiểu sử dụng nhựa vì mục tiêu môi trường, giảm rác thải nhựa. Trước đây khi học xong ở Bách Khoa, mình chỉ biết là mấy quan điểm đó không hợp lý lắm chứ chưa có bằng chứng cụ thể, nhưng phải tới khi du học Thạc sĩ ở Phần Lan mình mới bắt đầu hình thành được một sự hiểu biết nhất định về vấn đề an toàn của vật liệu trong các ứng dụng tiếp xúc thực phẩm. Vì những hiểu biết này chưa được giới thiệu một cách có hệ thống và đầy đủ trong khung chương trình của Việt Nam, các chuyên gia trong ngành cũng rất ít khi chia sẻ kiến thức này nên mình đã quyết định làm nên page này để chia sẻ một cách rộng rãi những điều cần biết khi sử dụng vật liệu.
Để hiểu về vấn đề an toàn trong việc sử dụng vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, thì chúng ta cần phải biết về sự tồn tại của một hiện tượng – “Thôi nhiễm hóa chất” – Chemical Migration – tức là hiện tượng vật chất từ trong bao bì/vật liệu chứa di chuyển sang thực phẩm/sản phẩm được chứa bên trong VÀ NGƯỢC LẠI. Thực phẩm và đồ uống là những loại vật chất có tính chất hóa học đa dạng, đôi khi có hoạt tính cao và do đó giữa thực phẩm và bao bì/vật chứa luôn luôn có sự tương tác, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Ví dụ, Mountain Dew và một số loại nước tăng lực có thể có tính acid cao, độ pH có thể xuống tới 3 hoặc 4, do đó sẽ tương tác rất mạnh và có thể gây ăn mòn kim loại/men răng rất nhanh. Do đó, trong ngành bao bì và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, khai sinh từ những năm 1810 khi quá trình đóng hộp ra đời đến nay, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, không có bất cứ một loại vật liệu nào là thực sự trơ và luôn luôn có khả năng xảy ra hiện tượng thôi nhiễm hóa chất từ trong bao bì ra thực phẩm/sản phẩm hoặc ngược lại, cho dù vật liệu tiếp xúc đó là thủy tinh, giấy, kim loại hay nhựa, vải, sáp, gỗ, cao su, v.v. (Castle, 2001)
Hiện tượng thôi nhiễm hóa chất vào thực phẩm và ngược lại (Muncke, 2021).
Hiện tượng thôi nhiễm hóa chất vào thực phẩm và ngược lại (Muncke, 2021).

Tại sao cần phải nhận thức về hiện tượng này?

1. Đối với nhà sản xuất: hiểu về hiện tượng này sẽ cho phép NSX lựa chọn vật liệu bao bì một cách hợp lý để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với quy trình sản xuất (cần tiệt trùng ở nhiệt độ cao, chứa đựng thực phẩm có tính acid mạnh hoặc cho phép khách hàng nấu chân không), bảo đảm tính an toàn vệ sinh thực phẩm (food safety) và bảo toàn hương vị, chất lượng của thực phẩm (food quality), vd: giữ mùi cho cà phê, trà, giữ vị cho bia, rượu, thực phẩm đóng hộp, v.v..
2. Đối với nhà quản lý: hiểu về hiện tượng này giúp nhà quản lý xây dựng các quy tắc kiểm định, kiểm tra tính an toàn và chất lượng thực phẩm/sản phẩm/dược phẩm và quyết định cấp phép lưu hành trên thị trường hoặc thu hồi khi có các nguy cơ về sức khỏe cho người dân, người tiêu dùng.
3. Đối với người tiêu dùng: Khi nhận thức về hiện tượng này, chúng ta sẽ có cái nhìn thực tế hơn về vật liệu và bao bì nói chung. Không thể nói chỉ có nhựa là nguy hiểm, còn thủy tinh, kim loại, giấy là an toàn. Cái chúng ta cần hiểu ở đây là hiểu về loại thực phẩm và loại vật liệu mà ta muốn sử dụng, và lựa chọn chúng cho phù hợp với nhu cầu chứa đựng của mình, lựa chọn cách sử dụng cho hợp lý, dùng sản phẩm được bền lâu, bảo quản thực phẩm tốt hơn, tránh những nguy hại cho sức khỏe.  
Vì cảm thấy nhựa đang bị soi mói và oan ức quá nhiều nên đã 3 năm nay mình liên tục viết bài để mọi người có một cái nhìn thực tiễn và chính xác hơn về chúng và độ an toàn trong việc sử dụng chúng. Những thứ như BPA (Bisphenol A), phthalates và dioxin là những hóa chất độc hại điển hình được đưa tin một cách sai lệch rằng chúng có thể thôi nhiễm vào thực phẩm khi sử dụng nhựa. Nhưng trên thực tế, BPA không phải là một hóa chất phổ biến để sản xuất các loại nhựa thông dụng (6 loại nhựa thông dụng PET, HDPE, PVC, LDPE, PP và PS) mà nó là nguyên liệu để sản xuất nhựa PC (tấm tôn lấy sáng), epoxy và dùng phổ biến trong lớp lót của bao bì kim loại để hạn chế tính ăn mòn của các loại thực phẩm có tính acid. Các loại nhựa thông dụng/bao bì nhựa không phải là một nguồn thôi nhiễm BPA chủ yếu mà là các loại bao bì kim loại, giấy hóa đơn in nhiệt ở siêu thị (có phủ BPA), và một số loại nhựa nhất định có dư lượng BPA mà thôi. Phthalates được sử dụng chủ yếu trong các sản phẩm PVC, rất ít được sử dụng trong các loại bao bì/vật liệu tiếp xúc thực phẩm và chúng cũng đang dần được thay thế bởi các chất hóa dẻo khác ít nguy hại hơn cho các ứng dụng thiết bị y tế. Còn dioxin, năm ngoái có một bác tiến sĩ lên bảo PVC là nguồn tạo ra dioxin trong khi thực tế, dioxin chỉ là một sản phẩm phụ do quá trình đốt cháy thiếu hiệu quả trong các đám cháy/đốt rác tự phát, có thể sản sinh khi đốt bất kỳ chất gì miễn là quá trình đốt thiếu oxy, nhiệt độ không đủ cao.
Còn các vật liệu khác có thực sự an toàn tuyệt đối như nhiều nguồn truyền thông bài nhựa đưa tin hay không? Câu trả lời là không. Quá trình sản xuất giấy sử dụng rất nhiều hóa chất để làm trắng, chống thấm, tăng khả năng in ấn, chứa cả các loại mực in, do đó để sử dụng trong ứng dụng tiếp xúc thực phẩm, chúng cũng phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế tối đa nguy cơ thôi nhiễm hóa chất vào thực phẩm. Đừng bao giờ dùng giấy in/giấy báo để đựng muối chấm xoài chấm cóc, trừ khi bạn không bận tâm mấy đến những nguy cơ về sức khỏe. Thủy tinh và gốm sứ thì sao? Cũng vậy luôn. Có thể bản chất của chúng rất cứng và trơn nên bạn có thể cho rằng chúng khá trơ. Điều này đúng nhưng nó chỉ có nghĩa là lượng hóa chất có thể thôi nhiễm là khá ít, nhưng trong quá trình sản xuất những loại vật liệu này, người ta cũng sử dụng rất nhiều các loại oxide kim loại để tạo màu, điều chỉnh mạng lưới phân tử để hỗ trợ gia công và cũng tồn tại một số kim loại nặng dưới dạng tạp chất. Trước đây, chì (Pb) được sử dụng rất nhiều trong sản xuất thủy tinh pha lê (lead glass hoặc crystal) được dùng làm cốc uống rượu hoặc trang trí, do hàm lượng chì càng cao thì thủy tinh/pha lê càng lấp lánh, trong suốt và dễ tạo hình, gia công. Selen cũng được sử dụng để tạo màu đỏ cho các sản phẩm gốm sứ tráng men. Các kim loại nặng trong thủy tinh/gốm sứ có thể di chuyển vào thực phẩm và chúng có thể gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe dù hàm lượng thôi nhiễm rất bé do đó, người ta đã cấm sử dụng hoặc hạn chế hàm lượng chì, selen và một số kim loại trong các sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Kim loại thì khỏi nói rồi, rất dễ bị ăn mòn khi tiếp xúc với muối, acid hoặc trong trường hợp của nhôm thì bị oxy hóa khi tiếp xúc nhiều với xà phòng/kiềm.
Thủy tinh pha lê
Thủy tinh pha lê
Thủy tinh pha lê từng được dùng làm các loại cốc, bình rượu sang trọng – nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ về sức khỏe do có thể thôi nhiễm chì vào thực phẩm/đồ uống.
Vì nguy cơ thôi nhiễm hóa chất từ bao bì vào thực phẩm có thể xảy ra đối với bất kỳ loại vật liệu nào, mà người tiêu dùng cũng không thể nào biết hay kiểm soát được nó, cho nên, vấn đề an toàn khi sử dụng các sản phẩm này phải được kiểm định, kiểm soát bởi các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm – những người có đủ thẩm quyền, chuyên môn, để thực hiện các kiểm định để quản lý việc đó. Họ là người đảm bảo rằng các sản phẩm được lưu hành trên thị trường là những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, sản phẩm đạt chuẩn và ít nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc của bạn, người tiêu dùng, là lựa chọn các sản phẩm tốt, từ các doanh nghiệp có uy tín và sử dụng hợp lý theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nó cũng giống như việc bạn ra đường thì phải chấp nhận những nguy cơ nhiễm khói bụi, vi khuẩn, và tự bảo vệ mình bằng cách che chắn, rửa tay, sử dụng khẩu trang để hạn chế các nguy cơ sức khỏe đến mức thấp nhất thôi.
Khi mình viết những điều này trong bản tư vấn sử dụng nhựa, bên tổ chức kia khá lo lắng vì sợ mình gây hoang mang dư luận :v. Mình bảo đây là scientific fact – thông tin khoa học. Rủi ro thôi nhiễm đều tồn tại ở tất cả các vật liệu. Việc đưa tin rằng nhựa độc hại, kêu gọi dùng bình/cốc thủy tinh, kim loại vì lý do an toàn đều là không đúng sự thật. Mission của mình là truyền tải thông tin khoa học, gỡ bỏ định kiến và hiểu nhầm, xây dựng nền tảng hiểu đúng về vật liệu nhựa. Nên mình đề nghị vẫn giữ các điểm đó trong bản tư vấn. Và mình vẫn giữ đúng quan điểm đó từ khi bắt đầu đến bây giờ và mình hy vọng bạn nào đọc được bài này rồi, khi người ta nói nhựa độc hại còn thủy tinh, kim loại an toàn thì hãy lên tiếng phản hồi quan điểm đó giúp mình.
Đây cũng là lời nhắn nhủ đến các page/nhóm/cá nhân hoạt động môi trường, nếu các bạn muốn cải thiện tình hình/bảo vệ môi trường, hãy kêu gọi mọi người sử dụng nhựa/vật liệu một cách có ý thức hơn. Việc đưa những thông tin sai lệch nhằm cổ súy kỳ thị, định kiến, đổ lỗi cho vật liệu nhựa chỉ khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi nó không khiến cho người ta nhận thức được về trách nhiệm của mình mà còn cho phép nhiều người đổ lỗi cho vật liệu. Hãy thay đổi cách nhìn và cách các bạn nói về vật liệu, hãy nhấn mạnh sự quan trọng của ý thức và cách dùng nha.
Huỳnh Bảo Ngọc
25.09.2021
Sources:
1. Castle. 2001. Chemical migration from food packaging, in Watson, D. 2001. Food chemical safety. Vol 1: Contaminants. CRC Press.
2. Muncke, J., 2021. Tackling the toxics in plastics packaging. PLoS Biology. https://doi.org/10.1371/JOURNAL.PBIO.3000961
3. European Directorate for the Quality of Medicines and Healthcare. 2013. Metals and alloys used in food contact materials and articles.
Đọc thêm về BPA và dioxin: