Nhà có người rối loạn lo âu

- Con gái ơi, mai mẹ phải nhập viện rồi.
Chưa bao giờ từ “nhập viện” gần tớ đến thế, dù tớ đang ở cách bố mẹ hơn 100km. Bà ngoại, bác rể, anh họ - những lần thăm người thân ở bệnh viện trong ký ức của tớ giống kiểu theo bố mẹ đi chơi hơn. Thế nhưng hôm nay, sau hơn hai tháng kiệt quệ vì mất ngủ hoàn toàn, mẹ gọi báo tớ rằng mai sẽ nhập viện và được chẩn đoán mắc: Rối loạn lo âu. Rất may là chưa trầm cảm.
Thế nhưng nói thật, tớ chẳng tin giữa rối loạn lo âu và trầm cảm là khoảng cách xa. Theo những gì tớ đọc, người ta còn hay chẩn đoán hai chứng bệnh này đi cạnh nhau. Tháng trước mẹ kêu mệt và trở nên dễ gắt gỏng, bố tìm cách mua đủ các loại thuốc đông tây kim cổ trên đời. Tớ còn mắng bố sao không nhắn con vì biết chắc ông bố cổ điển của tôi đã rơi vào cái bẫy quảng cáo. Xin xỏ contact, nhắn tin gọi điện với hết người này người kia (Hà Nội khi đó đang giãn cách theo chỉ thị 16), tớ nhận được 2 luồng chẩn đoán với tình trạng của mẹ: Rối loạn thần kinh thực vật và Rối loạn lo âu.
Tin buồn là cả hai bệnh này đều không có phương pháp chữa triệt để, chỉ giải quyết triệu chứng. Tin vui là không lập tức nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng tớ vẫn mong mẹ đừng rơi vào vế sau. Vì các cậu biết không, điều trị trầm cảm ở Việt Nam nó là một thứ gì ấy… rất trên trời. Ai mà đọc quyển Đại Dương Đen của chú Giang rồi sẽ cảm nhận rõ điều đó. 

Mẹ đối mặt ra sao?

Hôm trước đọc bài viết của Mỵ, tớ nhớ mãi có đoạn đại ý là: Nếu một đứa trẻ nhắm mắt lại mà hình dung ra được những chuyện vui vẻ với mẹ thì nó sẽ cảm nhận được sự tình yêu và niềm hạnh phúc từ bên trong. Thế nhưng tớ không làm được. Dù có phải đem cả thế giới này ra cược thì tớ cũng luôn tin là mẹ yêu mình, có trách nhiệm với mình, thậm chí bao bọc đến mức phiền hà. Cơ mà, tớ vẫn không nhớ nổi nhiều chuyện vui giữa mình và mẹ - ý là chỉ riêng tớ và mẹ.
Mẹ hay quát to, mẹ áp đặt. Mẹ truyền cho tớ sự nóng giận và cáu gắt vô cớ. Lần đầu tiên, mẹ gọi điện với giọng nhẹ nhàng hơn tất thảy:
- Bây giờ mẹ CẦN các con. Mẹ CẦN bố ở bên cạnh.
Trong cuộc đời mình, tớ đã luôn dán nhãn mẹ bằng sự vô lý. Trước đây mẹ chỉ toàn yêu cầu, lần đầu tiên bà nói rằng mình cần - một cách yếu đuối và mong được vỗ về. Bỗng nhiên, tớ thấy bà cũng đáng thương, cũng “văn minh” như những bà mẹ thích mặc đồ công sở, thích xức nước hoa và sẵn sàng cùng con cái du lịch đây đó khác. Tớ từng ước, tớ có một bà mẹ vui vẻ, nhẹ nhàng, chấp nhận cùng mình trải nghiệm những chuyến đi.
Thế nhưng lần này, sự mạnh mẽ của một kẻ buôn bán hình như đã cứu lấy bà. Cứu lấy cả sự yếu đuối trong tớ. Mẹ chủ động nhập viện, chủ động an ủi những người xung quanh, chủ động nói ra là mẹ cần. Xin thề, mẹ tớ yếu bóng vía và có phần cổ hủ. Chỉ đi thăm một người ốm trong bệnh viện cũng khiến bà phải bỏ vào túi áo vài tép tỏi hay cởi ngay bộ đồ đem giặt lúc về nhà. Vậy mà hôm nay, mẹ dám đương đầu dù trong tớ hiểu rằng mẹ chỉ đang gắng gượng.
Nhà có người bị rối loạn lo âu - chuyện không đùa được đâu
Nhà có người bị rối loạn lo âu - chuyện không đùa được đâu

Ông bố cổ điển của tớ - Ngoại truyện

Tớ rất rất ít khi viết về mẹ dù cực kỳ nhiều lần muốn thử. Mẹ là đề tài vô tận bởi giữa chúng tớ có nhiều khúc mắc lắm. Nhưng mỗi lần đặt bút xuống thì chữ nghĩa lửng lơ ở đâu đó. Ngược lại với bố. Rõ ràng hôm nay là chuyện của mẹ thế mà tớ nức nở lên vì thấy thương bố:
- Bố vất vả từ bé rồi nên chẳng sợ gì. Bố chỉ buồn vì nhiều lúc tham gia với mẹ mà mẹ không nghe, có khi còn nói năng tiêu cực.
Cũng lại lần đầu tiên trong đời, tớ thấy ông nói câu “Bố vất vả” với hàm ý rằng “Lần này bố mệt thật”. Trước kia, mỗi câu vất vả của bố đều bông đùa và chưa bao giờ mang nghĩa kể công. Đầu tớ lập tức nảy số: “Thôi xong rồi”. Họng nghẹn lại còn nước mắt tèm lem. Game này, không biết bố hay mẹ mới là người cân team. 
Tớ cứ linh cảm cả hai đứa trẻ này đều đang gồng mình. Một kẻ từ bé đã được tôi luyện sống cho người khác. Một kẻ mãi thích làm trung tâm và được sống dựa vào người khác. Đứa trẻ của mẹ chắc cũng mệt vì gồng gánh mạnh mẽ. Đứa trẻ trong bố chắc cũng mệt vì muốn được dừng lại thôi.
Bố có thể tự xây một căn nhà, thà đạp xe nửa thành phố để được trả lương cao hơn, tự mày mò học vi tính lúc 50 tuổi, đục tường để sửa đường ống nước nhưng lần này: tớ tin bố chỉ là đứa trẻ hoang mang không biết gì - trước một căn bệnh vẫn chưa có phác đồ cụ thể.

Vài điều tớ nghĩ

Thực sự rối loạn lo âu hay trầm cảm rất phức tạp, nhiều người đã loay hoay với hàng chục phác đồ và loại thuốc khác nhau để điều trị triệu chứng. Khi nói chuyện với anh bạn làm bác sĩ trong bệnh viện Bạch Mai, tớ biết rằng hầu như thuốc nào cũng có tác dụng phụ. Thường sẽ lên tim hoặc thay đổi giấc ngủ và tính cách. Tác dụng chậm, cơ thể hoạt động bất thường khiến cho nhiều người bỏ cuộc. Bỏ cuộc rồi thì tiếp tục loay hoay. Loay hoay rồi thì tìm đến đơn thuốc khác. Nếu đọc Đại Dương Đen các cậu sẽ thấy rõ chuyện này tồn tại đầy trên đời. Thế nên đừng nghĩ rằng các bệnh tâm lý chỉ tương đương với nỗi buồn kéo dài. Vui lên đi sẽ hết.
Chúng thực sự là bệnh và cần được đối xử như cách chúng ta nghiêm túc với các bệnh về vật lý khác: tim mạch, tiểu đường, sốt xuất huyết,...
Tớ thấy mình còn may mắn vì có một tháng để chuẩn bị tâm lý và tham khảo xung quanh. Thế nhưng vẫn hoang mang như trong đầu chẳng có gì. Cơ mà biết chắc:
- Bệnh tâm lý là chuyện cả đời. Một sớm, một chiều không thể giải quyết được.
- Cuộc chiến không của riêng ai. Vì các cậu tin không bằng một cách vô hình, trầm cảm có khả năng “lây lan” đó. 
- Cả người bệnh và người chăm bệnh đều cần nhận được sự quan tâm giúp đỡ. 
Khi viết những dòng này, lòng tớ vẫn nặng như một quả cầu rơi xuống. Nhưng làm gì khác được đâu. Có khi nghĩ giống mẹ theo kiểu “năm xung tháng hạn” lại may. Ít ra vẫn chưa phải chuyện gì kinh khủng quá. Ít ra ngay cả lúc mệt mỏi nhất, nhà tớ vẫn biết nghĩ cho nhau. 
Người ta có thể chi li tính toán cả đời hoặc dửng dưng hờ hững cả đời. Nhưng đến cuối cùng, vào lúc bật lực nhất, bản năng vẫn chừa cho bọn mình một góc để biết cách sắp xếp cho những người xung quanh. Vậy là tốt rồi! 
Thế nên nghe hơi lý thuyết, nhưng tình iu sẽ cho chúng mình gấp đôi sức mạnh!!!
Tranh của @pascalcampionart
Các cậu có thể đọc thêm bài viết về ông bố cổ điển của tớ tại đây