Đời vốn không phải ngôn tình
Không phải bao giờ sự ngôn tình hóa cũng biểu đạt một tấm chân tình. Nỗi quan tâm hằng ngày có thể tầm thường nhưng cũng có thể thường thường lãng mạn.
Cụm từ “ngôn tình” bắt đầu xuất hiện rộng rãi tại Việt Nam khi có sự đổ bộ của những bộ tiểu thuyết Trung Quốc có nội dung chính xoay quanh một mối tình éo le, ngang trái nhưng đáng yêu và thường có kết thúc viên mãn. Ngôn tình bắt đầu trở nên nổi tiếng, được nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả nữ săn đón phần lớn bởi tính hư cấu do tác giả tưởng tượng ra và khéo léo thêu dệt nên. Nam chính ngôn tình điển hình thường thuộc hàng phú nhị đại, là công tử thừa kế khối tài sản kếch xù hoặc là soái ca từ hai bàn tay trắng gây dựng sự nghiệp thành công. Nữ chính lại là những cô gái có phần ngốc nghếch, ngờ nghệch, nhan sắc tầm trung, tài năng cũng không quá nổi bật. Lợi thế duy nhất của các cô nàng này chẳng có gì khác ngoài may mắn.
Vậy thì, truyện ngôn tình đắt hàng có phải do người ta vẫn mong chờ hai chữ “may mắn” trong tình yêu? Mong muốn bản năng này vốn chẳng phải điều gì xấu xa. Vì hy vọng vào vận may, người ta sẵn sàng cầm cố cả nhà cửa, xe cộ cho những ván bài đỏ đen, vài cuộc cá độ bóng đá thừa thua thiếu thắng. Ở một mức độ nhẹ nhàng hơn, người ta mong cầu sự đổi đời từ những tấm vé số, con đề, con lô hay đôi ba mã cổ không rõ lên xuống. So với những thú cầu may này, nghiện ngôn tình vẫn chưa phải điều gì ghê gớm cho lắm.
Tôi không chủ quan cho rằng truyện ngôn tình không có giá trị, đặc biệt là giá trị giải trí. Chính bản thân tôi khi còn là một cô nhóc cấp 2 cũng suốt ngày vùi đầu vào những cuốn ngôn tình dày gấp nhiều lần quyển sách giáo khoa. “Sam Sam đến đây ăn nào”, “Bên nhau trọn đời”, “Mãi mãi là bao xa”,... tôi đều thuộc vanh vách từng chi tiết. Nhưng, ai đã từng yêu, từng cảm nắng, từng đơn phương, từng khóc lóc ỉ ôi đến 2-3 giờ sáng sau những cuộc thất tình có lẽ cũng sẽ đồng thuận với tôi rằng: Tình yêu tự thân nó không hồng hào như thế.
Những cảnh tượng lãng mạn, đáng yêu, khiến bao con tim thổn thức trong phim ngôn tình, truyện ngôn tình khiến người ta dễ dàng kết luận rằng chuyện tình yêu PHẢI thế. Nhưng, khoảng cách giữa nghệ thuật và đời thường chính là những khoảng trống. Khi không vui đùa trong công viên giải trí, trú mưa dưới hiên nhà hay thưởng thức những món ăn do nửa kia cầu kì chuẩn bị thì các cặp đôi ngôn tình làm gì? Câu trả lời chắc có lẽ là: Không làm gì cả. Phim ảnh hay văn chương chỉ là những lát cắt kịch tính, sống động nhất của thân gỗ cuộc đời trăm năm tuổi. Sẽ không có nhà làm phim nào chịu bỏ tiền xây dựng các tác phẩm điện ảnh khắc họa sự lặp lại tẻ nhạt, buồn chán, vô vị của cuộc sống. Không ai muốn xem những thước phim như thế, vì cuộc đời chúng ta vốn nhàn nhạt như vậy. Và tình yêu chưa bao giờ là một ngoại lệ.
Chuyện tình yêu ấy mà, có lúc rộn ràng lửa vui thì cũng có lúc thâm trầm nước chảy. Có nhiều người nhầm lẫn đánh đồng cảm giác nhàm chán và trạng thái hết yêu, rồi quyết định chia tay vội vã. Tôi nghĩ chúng ta cần một dũng khí lớn để thừa nhận rằng tình yêu đôi lúc tràn đầy sự chán nản. Những thói quen lặp đi lặp lại như một chu trình nhạt nhẽo bất biến, đáng tiếc thay, luôn là một phần của tình yêu. Sự chán nản này bắt nguồn từ điều gì nếu không phải niềm kỳ vọng của chúng ta, những người hâm mộ cuồng nhiệt, vào cảm giác lãng mạn như trong tiểu thuyết ngôn tình.
“Ngôn tình” có thể được cắt nghĩa dưới dạng Hán tự. “Ngôn” là lời nói, từ ngữ được nói hoặc viết ra với mục đích giao tiếp, trao đổi. “Tình” là sự lãng mạn, tình tứ, ngọt ngào của đôi lứa đang yêu. Vậy “ngôn tình” về mặt ngữ nghĩa là những lời nói âu yếm, thân mật mà những kẻ yêu nhau dành cho đối phương. Thực tế mà nói, không phải lúc nào chuyện tình yêu cũng toàn mật ngọt. Những lời đường mật không phải lúc nào cũng thường trực trên đầu môi. Đôi khi, những lời “mật ngọt chết ruồi” mà chúng ta nghe đến mòn tai trong những cuốn tiểu thuyết ngôn tình lại chẳng phải cách biểu hiện chân thành của tình yêu. Trong phim điện ảnh Closer, khi nam chính gào lên “I love you”, người anh yêu đã bật khóc nức nở: “Where? I can’t see it. I can’t touch it. I can’t feel it. Yes, I can hear some easy words but …” Không phải bao giờ sự ngôn tình hóa cũng biểu đạt một tấm chân tình.
Hồi học chuyên văn, tôi được dành nguyên một tháng nghiền ngẫm văn học lãng mạn các thời kỳ. Qua sách vở và bài giảng trên lớp, tôi biết được rằng “lãng mạn” có ý nghĩa nguyên gốc là những con sóng trôi nổi tự do. Những con sóng là ẩn dụ cho cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố thông thường của con người. Vậy “lãng mạn” là sự phóng túng của những xúc cảm thường nhật. Chỉ cần những tế bào cảm xúc trong ta rung động dù ở tần số thấp nhất cũng là minh chứng cho sự va chạm với một điều lãng mạn. Vì tôi không biết ăn cay, anh ấy cũng cùng tôi ăn những món không có mùi vị tiêu ớt. Sự hy sinh đó sao có thể so sánh với những màn đánh đấm bảo vệ người yêu của các tổng tài trong hầu hết bộ truyện ngôn tình, nhưng với tôi đó là một thứ lãng mạn thường thường đẹp đẽ. Nỗi quan tâm hằng ngày có thể tầm thường nhưng cũng có thể thường thường lãng mạn.
Trong thời đại công nghệ số với sự bao phủ của nhiều luồng thông tin và các hình thức giải trí đa dạng trên nền tảng smartphone này, chỉ cần ngồi xuống lắng nghe nhau trò chuyện bằng tất cả trái tim đã là một điều lãng mạn hiếm thấy.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất