Hãy tưởng tượng bạn biến thành một chú hải âu, trắng muốt, đáng yêu, tung tăng lả lướt trên từng cơn gió pha mùi muối biển. Trong khi đang bay lượn thì bất chợt bạn bắt gặp một hòn đảo nhỏ, nhiều màu sắc, đang lướt bon bon trên những con sóng.
Thật may, vì bạn là một chú hải âu mang trí thông minh của một con người. Nên bạn biết ốc đảo sặc sỡ kia là một con tàu vận tải.
Và nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy, đó không phải là một ốc đảo hoang. mà là nơi sinh sống của một bộ lạc hơn hai mấy người...
......
Ngành vận tải biển, một ngành vận tải số lượng lớn hàng hóa, với chi phí rẻ. Đã, đang, và sẽ tiếp tục là kênh vận chuyển hàng hóa chủ chốt. Thế nhưng, Những công việc liên quan lại ít được quan tâm và chú ý. (tất nhiên để tạo thành ngành vận tải biển thì có rất nhiều mảnh ghép, nhưng tôi chỉ giới thiệu cho bạn một mảnh ghép không thể thiếu (và tôi đã có nhiều trải nghiệm) - đó chính là công việc trên tàu biển)
Khi bạn sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm về "khoa học hàng hải - Chuyên ngành điều khiển tàu biển (chúng ta thống nhất nôm na là lái tàu biển)" Thì sẽ bắt gặp được nhiều mỹ từ dẫn dắt như: "Lương nghìn đô", "Thiếu nhân lực", "Thu nhập cao","Đi du lịch nhiều nơi",...
Và với tư cách là người đã có trải nghiệm trong ngành, thì tôi sẽ chia sẻ sự thực đằng sau những mỹ từ ấy? Đâu là giả, đâu là thật?
Trước đó để tôi có đôi lời giải thích để bạn hiểu rõ hơn về công việc mà tôi đang nói tới.
Tàu Biển, Là một con phương tiện dùng để vận chuyển hàng hóa ( bất cứ thứ gì được coi là hàng hóa, thì đều có thể vận chuyển bằng đường biển, từ xăng, dầu, khí đốt, hóa chất, cho đến khoai, mì, gạo, sắn.. và cả những chiếc iphone 13 cũng được vận chuyển bằng đường biển). Con Tàu được chia thành 3 bộ phận:
- Bộ phận Boong: Chịu trách nhiệm về việc điều khiển con tàu, những công việc giấy tờ (làm hàng, xuất - nhập cảng).
- Bộ phận máy: Chịu trách nhiệm về những bộ phận máy móc vận hành giúp cho con tàu hoạt động bình thường và an toàn
- Bộ phận phục vụ: phục vụ lương thực, thực phẩm trên tàu.
Ba bộ phận trên sẽ làm việc dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng, và với một mục đích duy nhất. Đó là vận hành con tàu một cách an toàn và kinh tế nhất.
Mỗi Con tàu sẽ có chỉ một và duy nhất một thuyền trưởng ở trên tàu, Thuyền trưởng là sếp tổng trên tàu. Bạn sẽ rất khó kiếm được một Thuyền trưởng trẻ, và sẽ không bao giờ thấy một người mới ra trường đã lên làm thuyền trưởng. Điểm đặc biệt là tôi, bạn, những người làm việc tàu biển phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất khi bạn lên tàu, và tăng bậc dần theo năng lực và kinh nghiệm.
Ngành Lái Tàu yêu cầu gì? Vì được xếp vào 1 ngành đặc thù, nên yêu cầu cả trí lực và thể lực.
- Thể lực: Nếu bạn muốn làm việc trên tàu thì bạn cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để làm việc trên tàu ( được khám ở các bệnh viện đủ chuyên môn). Bạn không thể đi tàu nếu bạn bị mù màu, bị các bệnh về huyết áp, tim phổi,...
- Trí lực: bao gồm năng lực chuyên môn và kinh nghiệm, bạn không cần phải có một bảng điểm với những cong số mộng mơ để có thể đi tàu. Bạn chỉ cần sự chăm chỉ, Vì trên tàu đã có những quy trình cụ thể, và việc bắt đầu từ vị trí thấp nhất sẽ giúp chúng ta hiểu rõ và áp dụng đúng đắn quy trình đó.
- Tiếng anh: Vì làm việc trong môi trường quốc tế, nên thuyền viên trên tàu có thể mang một hoặc nhiều quốc tịch, nên tiếng anh nghiễm nhiên trở thành ngôn ngữ chung để giao tiếp và làm việc trên tàu.
Rồi. Đến phần chính nào? khi bạn đã hiểu tổng quan về ngành "Lái Tàu" rồi thì ta sẽ đi giải quyết tính thực hư của những mỹ từ ở trên nào..
- Thu nhập cao, Lương nghìn đô, v.v.v : So với mặt bằng chung của các ngành khác ( điều này chỉ là so sánh hạn hẹp của tác giả). Thì mức lương của ngành lái tàu, nhỉnh hơn rất nhiều. ( tác giả so sánh mức lương mới ra trường của một sinh viên ngành lái tàu, với các sinh viên ngành khác, và thâm niên tăng dần, thì mức độ so sánh tỉ lệ với những ngành khác). Nên nếu nói mức thu nhập cao thì cũng không phải là nói quá.
Ảnh bởi
Ian Taylor
trên
Unsplash
- Thiếu nhân lực: vì nguồn cung không nhiều ( cả nước chỉ có 2 cơ sở đào tạo hệ đại học chính quy, là đại học Giao Thông Vận Tải Tp. HCM, và đại học hàng hải - Hải phòng). Và các cơ sở khác là đào tạo trung cấp, sơ cấp. Nếu so sánh với các ngành khác, như các khối ngành Kinh Tế hay Công Nghệ Thông Tin, thì rõ ràng là một sự chênh lệch lớn. Nên tính cạnh tranh việc làm sau khi ra trường, cũng như cạnh tranh việc làm trong các công ty tàu biển trong nước và nước ngoài không khắc nghiệt như ở các khối ngành khác. ( phù hợp với người ít bon chen với đời).
- Du lịch nhiều, Ngắm cảnh đẹp,v.v.v: Hôm nay bạn có thể ở đất Việt, Nhưng tuần sau đã có thể check in ở singapore. Rồi một thời gian sau đã có thể ngắm hoàng hôn ở Australia. Ngắm bình minh lúc 23h, và ngắm hoàng hôn lúc 11h. Việc vận chuyển hàng hóa, thì tàu sẽ di chuyển từ nước này qua nước khác, và trong quá trình đó, bạn có thể rời tàu lên bờ tham quan ( miễn là được cho phép của chính quyền cảng và của Thuyền Trưởng) mà không cần mất một đồng tiền vé cho việc di chuyển.
Mực viết thì tuôn trào, nhưng sức người viết và người đọc có hạn, nên tôi sẽ dừng bút ở đây!
Và phần 2 sẽ viết về mặt trái của ngành, nếu các bạn quan tâm!
Đọc thêm