Từ ngày bố tôi mất, trong khu vườn già của ông bà đã mọc lên đầy đám cây và cỏ dại. Ở những luống đất ngày xưa bố tôi cày để trồng những hàng khoai nay không biết từ đâu xuất hiện những đám bồ công anh, thứ hoa hay cỏ mà ông bà vẫn bảo “vô tích sự”.
Ngày ngày ông bà vẫn thẩn thơ đi dạo ngang khu vườn và chỉ biết thở dài. Ông tròn chín mươi, bà năm nay tám mươi chín, già nua thế thì còn chút sức lực nào nữa mà cuốc cày để dẹp những đám cỏ cây ương bướng ấy.
Trong khu vườn già cỗi và hoang vu bắt đầu trở thành nơi tụ tập của lũ kiến lẫn loài ong đất từng gây ra biết bao nỗi khiếp sợ cho đám trẻ. Chúng trú ngụ dưới những gốc bồ công anh, đám kiến xây thành lũy với trăm ngàn ngõ ngách, còn lũ ong đắp những cái tổ tròn tròn màu nâu nâu như chiếc lá rụng lâu ngày, khó lòng phát hiện được.
Ở góc vườn, cái chum đựng nước mưa bắt đầu đóng rong rêu theo ngày tháng. Ngày trước, ông bà vẫn dùng nước này để tưới mấy luống rau và đám khoai, còn tôi từng thả vào đó một cặp cá lia thia để diệt loài bọ gậy. Nhưng bây giờ, thời gian trôi đi bên ngoài chiếc chum sành đã ngã lên một thứ màu cũ kỹ. Bên trong còn lại thứ nước mưa lâu ngày xanh ngắt, và cặp cá lia thia, bà bảo, nó thiếu hơi người cũng đi đâu mất.
Khu vườn thiếu bàn tay chăm sóc ngày một um tùm. Không biết từ đâu và từ khi nào loài dứa dại đã vươn mình đến mảnh đất màu mỡ đó. Và không chỉ ong hay kiến, đám diều, quạ bắt đầu bay qua và thường lia cặp mắt gian ác xuống khu vườn, nơi đám gà con mới nở của ông bà thường lân la chơi đùa. Bà kể, đám diều quạ bây giờ ngày mỗi lỳ lợm, bà ngồi nơi góc nhà bếp, tay cầm cây sào dài bảo vệ đàn gà con, vậy mà loáng một cái, một tiếng “chiếp chiếp” vang lên, con gà nhỏ lông vàng rực đã bị cắp đi mất. Bà lại thở dài, những “phép thuật” ngày xưa bà làm giờ không còn hiệu nghiệm. Đó là trước mỗi lần đám gà con được ấp nở, bà bỏ chúng vào chiếc sàng gạo, rồi đổ nước lên đầu và “niệm chú”: “Sàng diều, sàng ác, sàng nác cho ga*”.
Bây giờ, bà vẫn làm “phép thuật” đó. Nhưng để “hiệu nghiệm” hơn, bà bảo ông thỉnh thoảng ra đầu góc vườn, đưa mắt nhìn lên, cứ nhìn thẳng vào đám diều, quạ trên ngọn tre mà mắng. Ông chín mươi, giọng thều thào, mắng diều quạ mà như tâm tình với nó. Thế nên, đám “ăn cắp” trên ngọn tre cứ rũ cánh phành phạch, tỏ ra thách thức lẫn thích thú.
Khu vườn của ông bà ngày một rậm rạp và phủ lên một màu âm u, buồn bã. Đám trẻ con từ ngày biết trong đó có những tổ ong đất cũng không thèm đoái hoài đến nữa. Mặc cho những bông hoa bồ công anh vẫn nở và chúng vẫn thích được hái và thổi phù phù để những cánh hoa bay đi trong gió mang theo những điều ước nhỏ bé. Thiếu trẻ con, khu vườn ông bà càng buồn. Và những ngày mưa, ông bảo không biết những con ếch lẫn ễnh ương vào trú ngụ ở đó lúc nào. Chúng là loài vật đáng sợ, ông bảo thế, bởi chúng chỉ ngồi một chỗ và dương dương đôi mắt nhìn thẳng vào mình và im lặng. Nhưng, điều đáng sợ hơn, là đám con cháu bây giờ nói chuyện không còn nhìn thẳng vào mắt mình, bà thở dài.
Tôi thỉnh thoảng về quê, ngồi cùng ông bà nhìn ra khu vườn mà lòng buồn vô hạn. Ông thường bảo tôi, chỗ đất ấy nếu làm được, ông sẽ trồng một luống rau, rồi xen luống chè xanh và ngoài cùng nơi bờ rào là hàng mía. Đó là ước ao thôi, bà nói, chứ bây giờ sức hơi đâu mà làm. Có lần, ông bà ngỏ ý, cô chú bác bảo, ông bà từng này tuổi rồi quan tâm đến mảnh vườn mà làm gì, giờ là tuổi hưởng thụ. Từ đó ông bà thôi không nhắc lại nữa.
Thế rồi một ngày ông lặng lẽ mang cuốc xẻng ra khu vườn. Lúc đó, con cháu không một ai biết, bà cũng nặng tai nên khi ông lao vào nhà than thở vì đào trúng tổ ong đất thì bà cũng chỉ lắc đầu như quán tính. Mãi khi người ông nóng rực, lên cơn sốt, thì bà và con cháu mới biết. Lần đó bà lau lau đôi mắt, còn con cháu trách ông sao chẳng chịu nghe lời.
Ngày ông khỏe lại tôi mới được nghe kể. Má tôi bảo, ngày ngày ông vẫn vào ra nhìn khu vườn và tiếc không còn sức để trồng đám mía cho lũ cháu đến hè về ăn.
(*) từ địa phương, “nác” là nước, “ga” là gà)