William Hazlitt (1778-1830) là nhà văn người Anh, đồng thời là nhà tiểu luận, nhà viết kịch, nhà phê bình, họa sĩ, nhà bình luận xã hội và triết gia. Hiện tại ông được coi là một trong những nhà phê bình, nhà tiểu luận, vĩ đại nhất trong lịch sử Anh ngữ, sánh ngang với Samuel Johnson và George Orwell.
Tiểu luận “On the Love of the Country” (Luận về tình yêu thiên nhiên), xuất bản năm 1814, là một trong những trước tác lừng danh của ông. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài tiểu luận này do mình thực hiện.
Tôi không biết đã có ai từng giải thích thỏa đáng uyên nguyên đích thực của mối gắn kết giữa chúng ta với thiên nhiên hay chưa, hay của thứ tình cảm êm dịu mà cảnh đồng quê hầu như chưa bao giờ thất bại trong việc truyền vào tâm trí chúng ta.
Một số người quy tình cảm này cho tự thân vẻ đẹp cảnh vật thiên nhiên. Số khác cho đó là sự tự do tự tại thoát khỏi âu lo, sự im lặng và tịch mịch của quang cảnh nơi hẻo lánh. Lại có người cho rằng đó là cuộc sống lành mạnh và vô lo nghĩ ở chốn đồng quê. Không ít người bảo là do sự giản đơn của cách sống thôn dã. Và còn những lý do khác nữa; nhưng chưa có ai đúng cả.
Tất cả những căn nguyên trên, tôi tin rằng, đều góp phần hun đúc nên tình cảm này. Nhưng có một nguyên lý bao quát hơn chưa được đề cập tới, tôi sẽ giải thích điều đó ở đây, cố gắng sao cho càng ít ủy mị càng tốt.
<i>The road (Con đường), Konstantin Kryzhitsky, 1908</i>
The road (Con đường), Konstantin Kryzhitsky, 1908

TƯƠI ĐẸP VÀ LỘNG LẪY

Rousseau, trong tác phẩm Thú nhận (tác phẩm giá trị nhất của ông), đã kể lại rằng, khi đang trú chân trong phòng riêng tại Annecy, tại ngôi nhà của người bạn đồng thời là tình nhân, ông phát hiện ra là có thể nhìn thấy “một đốm xanh nho nhỏ” từ cửa sổ phòng. Điều đó làm ông hài lòng với hoàn cảnh hiện thời hơn, bởi như ông nói, đó là lần đầu tiên sự vật như vậy xuất hiện liên tục trước mắt ông, kể từ khi ông rời Boissy - nơi ông theo học khi còn nhỏ.
Tình cảm mà ông miêu tả xuất hiện ở tận sâu mọi mối gắn kết tương tự của chúng ta. Nếu không phải nhờ ký ức gắn liền với sự vật thiên nhiên, thì có thể chúng không làm tâm trí ta thích thú theo cách như vậy.
Không có gì phải nghi ngờ cả, bầu trời đẹp vô cùng; các đám mây lộng lẫy giong buồm dọc lưng trời; mặt trời chiếu sáng hân hoan; cây cối trưng ra trên các cành cây tán lá một điều gì đó mang vẻ đẹp thanh tú; chúng đung đưa theo cách dịu dàng và yểu điệu dưới ngọn gió chiều; dòng suối rì rào dạo một khúc nhạc; quang cảnh nhìn từ đỉnh núi ngập tràn vẻ kì vĩ; chúng ta cũng không thể ngắm nhìn đại dương bằng ánh mắt thờ ơ. Hay, khi gánh hát rong ngọt ngào cất tiếng ca…
“Ôi, anh không thể chối bỏ được kho tàng vô tận Của vẻ đẹp mà Thiên Nhiên dành cho ai tôn thờ Người! Núi rừng ngân ca, bờ biển thét gầm Vẻ tráng lệ của rừng cây, sự đẹp đẽ của đồng ruộng; Tất cả những tia sáng dịu dàng của buổi ban mai dát vàng, Và tất cả tiếng vọng của khúc hát chiều, Tất cả sự che chở của núi non, Và tất cả sự huy hoàng bệ vệ của bầu trời, Ôi, sao anh lại có thể từ bỏ hy vọng được tha thứ!” (Nature, James Beattie)
<i>"Die Alpe Barneuza (Wallis) (Bãi cỏ gia súc trên núi Alps), Edward Theodore Compton, 1900</i>
"Die Alpe Barneuza (Wallis) (Bãi cỏ gia súc trên núi Alps), Edward Theodore Compton, 1900

NHỎ NHẶT VÀ THÂN THUỘC

Tuy vậy, vẻ tươi đẹp và lộng lẫy không phải là điều duy nhất chúng ta ngưỡng mộ ở Thiên Nhiên. Những thứ nhỏ nhặt và đơn sơ nhất thường kết nối với những tình cảm mạnh mẽ nhất.
Chúng ta thường gắn bó với những hình ảnh thông thường nhất, quen thuộc nhất như khuôn mặt một người bạn lâu năm đã dành cho ta nhiều điều bổ ích.
Đó là bởi sự vật thiên nhiên kết nối với những trò chơi của tuổi thơ ta, với không khí và các hoạt động, với trạng thái được ở một mình – ấy là lúc tâm trí giữ sự vật chặt nhất, và gắn mối quan tâm thương mến nhất với bất kỳ điều gì đập vào nhận thức; với sự thay đổi về địa điểm, với việc tìm đến những nơi cảnh trí mới lạ và với ý nghĩ về những người bạn phương xa.
Đó là bởi sự vật thiên nhiên vây quanh ta gần như trong mọi tình huống, cả vui lẫn buồn, cả hạnh phúc lẫn đau đớn; vì chưng chúng là một trong những nguồn cội chính yếu nuôi dưỡng tình cảm của chúng ta, là một phần của chính chúng ta. Ta yêu quý chúng như ta yêu chính bản thân mình.
<i>Spielende Kinder im Grünen (Lũ trẻ vui chơi trên thảm cỏ), Evert Pieters, khoảng 1910</i>
Spielende Kinder im Grünen (Lũ trẻ vui chơi trên thảm cỏ), Evert Pieters, khoảng 1910
Nói chung, tình yêu Thiên Nhiên của chúng ta có cùng nền móng với tình yêu ta dành cho tất cả những mối gắn kết quen thuộc, ấy là, sự liên kết của các ý niệm (association of ideas).
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Điều phân biệt mối gắn kết này với những thứ khác là bản chất khả chuyển [có thể chuyển dời] của tình cảm chúng ta đối với các sự vật thiên nhiên. Sự kết hợp này liên kết bất kỳ một sự vật nào với tập thể sự vật đồng loại.
Sự gắn bó của tôi với một người cụ thể nào đó không thể khiến tôi cảm nhận được mối gắn kết với một người ngồi kế bên mà tôi tình cờ gặp gỡ. Nhưng, nếu tôi từng gắn tình cảm yêu quý mãnh liệt với sự vật thiên nhiên, sợi dây kết nối ấy sẽ không bao giờ biến mất, và tôi sẽ luôn cảm thấy một mối gắn kết giống hệt như thế với sự vật [thiên nhiên] khác đồng loại.
Tôi nhớ khi đang ở nước ngoài, hàng cây, bụi cỏ và những chiếc lá ẩm ướt, xào xạc trên con đường đi tới Thuilleries, dường như mang chất Anh quốc, dường như giống với cây cỏ tôi vốn hằng quen thuộc, và mặt trời chiếu sáng trên đầu tôi cũng hệt như mặt trời tôi thấy ở nước Anh, chỉ có các gương mặt là xa lạ với tôi.
<i>A River Landscape (Quang cảnh dòng sông), David Bates </i>
A River Landscape (Quang cảnh dòng sông), David Bates

MỐI GẮN KẾT VỚI THIÊN NHIÊN

Sự khác biệt này phát sinh từ đâu? Nó phát sinh từ xu hướng kết nối vô hình cá nhân với con người, và kết nối tập thể với sự vật thiên nhiên. Một bên, dáng vẻ bề ngoài hay cấu trúc vật chất là thứ ít quan trọng nhất, còn với bên kia, điều đó là tất cả.
Những động lực làm thay đổi dáng hình con người, khiến dáng hình đó thân thiện hoặc thù địch với tôi, lại náu mình bên trong dáng hình người đó. Vô số động cơ, đam mê và ý nghĩ, chứa đựng trong khuôn khổ nhỏ hẹp này, đó là cái mà tôi không biết, và tôi cũng không có gì chung chạ cả. Mỗi cá nhân là một thế giới riêng, do hàng nghìn xung lực mâu thuẫn và bất ổn định cai trị. Vì thế, tôi không thể từ người này suy luận ra được người khác, tình cảm thông thường của tôi cũng không thể vượt ra ngoài ngưỡng cá nhân để luận ra người khác được. Nhưng với Thiên Nhiên thì không thế.
Trong sự chở che của Mẹ Thiên Nhiên, không hề tồn tại đạo đức giả, tính bất định và động cơ ẩn giấu. Mối giao hòa giữa chúng ta với Mẹ không đời nào gặp sự cố hoặc thay đổi, ngắt quãng hoặc thất vọng. Mẹ luôn cười với chúng ta y như thế.
<i>In The Birch Tree Forest (Trong rừng bạch dương), Ivan Shishkin, 1883 </i>
In The Birch Tree Forest (Trong rừng bạch dương), Ivan Shishkin, 1883
Vì vậy, như một ví dụ rõ ràng, nếu tôi từng thoải mái nằm dưới bóng râm mát mẻ của cây cối và được âm thanh của dòng suối bên cạnh ru vào giấc ngủ, chắc chắn mỗi khi tôi tìm thấy một cái cây và một dòng suối, tôi có thể hưởng thụ đúng cảm giác ấy.
Kể từ khi đó, mỗi lúc tôi tưởng tượng ra những sự vật ấy, tôi có thể dễ dàng nhân cách hóa nguồn động lực thân thiện trú ẩn bên trong chúng, đó là Dryad và Naiad*, nhưng vị thần ban cho ta nguồn nước mát lành và bóng râm quý báu. Đó chính là nguồn gốc của một thần thoại Hy Lạp.
(*Dryad: Nữ thần cây trong thần thoại Hy Lạp; Naiad: Nữ thần nước trong thần thoại Hy Lạp.)
Tất cả sự vật đồng loại đều giống nhau, không chỉ giống ở vẻ ngoài, mà còn ở lợi ích thực tế, chúng ta theo thói quen thường trộn chúng dưới cùng một suy nghĩ bao quát, và bất cứ điều gì ta yêu mến, mà ta đã hiểu được một đại diện, thì ngay lập tức ta áp dụng cho cả một tập hợp.

TÍCH TỤ TỪ NHỮNG TRẢI NGHIỆM XA XÔI

Các cảm nhận trái ngược nhau từ các trải nghiệm xa xôi dần dần làm giàu có thêm cho các tình cảm tương đồng; và xét trong tình yêu Thiên Nhiên của chúng ta, có một lực gắn kết cá nhân, kết hợp với sự trừu tượng mờ ảo nhất. Chính khía cạnh ấy đã truyền sự tinh lọc, sự nở rộ và lòng yêu thích hoang dã cho tình yêu thiên nhiên, điều mà những người yêu Thiên Nhiên đích thực có thể thấu hiểu được.
Cảnh mặt trời lặn không tác động tới tôi nhiều lắm nếu xét từ góc độ vẻ đẹp tự thân sự vật, từ ánh huy hoàng nhen nhóm trên bầu trời rực sáng, từ những cột sáng nhiệm màu gãy khúc hay từ dấu vết lụi tàn lần lần của một ngày, mà điều đó lờ mờ gợi lên trong tôi vô số suy nghĩ và tình cảm, của suốt nhiều năm nhiều mùa qua, khi tôi ngắm ánh mặt trời chìm dần vào mỗi buổi chiều tà mùa hè ấm áp, hay chứng kiến vầng dương gắng sức gửi “lời từ biệt ngọt ngào” xuyên qua lớp mây dày mùa đông.
<i>Sunset (Mặt trời lặn), Caspar David Friedrich, 1830-1835</i>
Sunset (Mặt trời lặn), Caspar David Friedrich, 1830-1835
Tôi thích ngắm những hàng cây mọc lá vào mùa xuân, cây báo xuân he hé mắt nhìn từ phía bờ sông kín đáo, và đàn cừu vô lo vô nghĩ chạy tung tăng trên mặt đất mềm mại cỏ xanh; bởi, tại lúc Thiên Nhiên thức giấc [vào mùa xuân], tôi luôn luôn cảm thấy những niềm hy vọng ngọt ngào và ước muốn hạnh phúc chưa được thỏa mãn!
Chẳng có sự vật nào, dẫu tầm thường hay thô sơ đến đâu, lại không tìm được cách này hay cách khác len vào trái tim tôi"
Khóm sậy khô ràn rạt lay động bên bờ suối, rừng cây oằn mình hứng chịu cơn gió ồn ã, tán cây ken lá tối tăm suốt mùa thu, thân cây xám xịt cùng cành cây trần trụi lúc chớm đông, khóm cây ẩn dật và bãi cây thạch nam trải rộng tít tắp, cơn mưa bóng mây nồng ấm, và tuyết tháng Mười hai, tất cả đối với tôi đều mang vẻ kiều diễm. Chẳng có sự vật nào, dẫu tầm thường hay thô sơ đến đâu, lại không tìm được cách này hay cách khác len vào trái tim tôi, và tôi có thể mượn lời của một nhà thơ để diễn tả điều đó:
“Ngay cả đóa hoa nở khiêm nhường nhất cũng cho tôi Ý nghĩ sâu sắc vượt quá tầm nước mắt” (Ode: Intimations of Immortality, William Wordsworth)
Vì thế Thiên Nhiên giống như là mái ấm của vạn vật, và mỗi sự vật Thiên Nhiên gửi đến cho ta đều mang sự quen thuộc xưa cũ dưới một vẻ ngoài không hề thay đổi.
“Mẹ Thiên Nhiên không bao giờ phản bội Trái tim nào đem lòng yêu bà, nhưng qua năm tháng Trong cuộc đời chúng ta, bà trao ta đặc ân Dẫn dắt ta từ niềm vui này tới niềm vui khác.” (Lines Composed a Few Miles above Tintern Abbey, William Wordsworth)
<i>Valley of the Yosemite (Thung lũng Yosemite), Albert Bierstadt, 1864</i>
Valley of the Yosemite (Thung lũng Yosemite), Albert Bierstadt, 1864

MỘT VẺ THÂN QUEN TRÊN VẠN NẺO ĐƯỜNG

Do tất cả tác phẩm của Mẹ Thiên Nhiên đều có sự đồng thuận và hài hòa chung, nên có một linh hồn không thể phân ly lan tỏa khắp chúng, đến độ mà, nếu ta từng một lần gắn mình với bất kỳ tác phẩm nào, về sau chúng sẽ không bao giờ còn xa lạ với ta nữa, nhưng, dẫu ta rẽ sang ngả đường nào đi chăng nữa, ta vẫn sẽ tìm được sức mạnh bí ẩn đi trước chúng ta, rập tất cả tác phẩm thiên nhiên thành những khuôn mẫu dáng hình mà ta hằng yêu quý, thổi cho chúng sinh khí và sự đồng cảm, buộc chúng phải khoác lên gương mặt phấn khởi và y phục tươi tắn trên mọi ngả đường ta đi, và trút tất cả những điều ngọt ngào cùng báu vật tinh túy nhất của chúng xuống dưới chân ta.
Với ai đã quen thân với các kiệt tác của Thiên Nhiên, thì Thiên Nhiên luôn mang một gương mặt, nói cùng một ngôn ngữ, đập thẳng vào trái tim đang quay cuồng giữa những ý nghĩ ồn ã và thế giới hỗn độn, giống như nghe được bài hát quê hương cất lên ở đất nước xa lạ.
Chúng ta không thể kết nối với tác phẩm nghệ thuật bằng cùng mối tình cảm ta kết nối với tác phẩm của Thiên Nhiên được, vì ta gắn tác phẩm nghệ thuật với con người, và giao kết với chúng bằng lòng thích thú và đam mê riêng biệt, mà ta vẫn biết là liên kết tới tác giả hay người sở hữu chúng.
<i>A Quiet Monastery (Tu viện tịch mịch), Isaac Levitan, 1890</i>
A Quiet Monastery (Tu viện tịch mịch), Isaac Levitan, 1890
Tuy nhiên, một số sự vật thuộc loại này, như là một ngôi nhà tranh, một ngôi nhà thờ làng, kích thích trong ta một tình cảm tương tự như khi ngắm Thiên Nhiên, và thực ra, hầu hết những sự vật ấy đều là một phần của cảnh thiên nhiên.
“Hay từ trên sườn núi Ngắm miền hoang dã và dòng nước triều dâng, Thôn làng nâu nâu, ngọn tháp mờ mờ Và lắng tai nghe tiếng chuông dung dị.” (Ode to Evening, William Collins)
Rõ ràng một phần vì cảnh nhân tạo được cảnh quan thiên nhiên bao quanh, và ở một miền quê đông đúc,chúng không thể tách rời khỏi cảnh quan thiên nhiên được. Và cũng vì mối quan tâm ở con người mà chúng nhen nhóm lên, luôn liên hệ với lối sống và tình cảm giản đơn và bình dị, cho tên chúng luôn khiến cho tâm trí ta cảm thấy thật thư thái.
Cách phân chia và đặt tiêu đề tiểu mục là do người dịch thực hiện, không có trong bản gốc. Phần thơ trong văn bản nguồn cũng không được chú thích tên tác giả và tác phẩm, người dịch đã thử tra cứu và bổ sung những thông tin này.