Trước giờ những đề mục về nỗi trăn trở tương lai đời du học sinh mình không quan tâm lắm, vì mình nghĩ đấy là chuyện mỗi cá nhân, và họ có quyền tự định đoạt tương lai mình thay vì nghe theo ý kiến của các nhà phê bình xã hội. Hôm nay tình cờ thấy bài viết về các quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia, và điều tất dĩ câu chuyện ở lại hay về lại được đề cập, người đồng tình có, người phê phán việc không quay về xây dựng đất nước cũng không ít. Vậy chảy máu chất xám vì đâu!
Trước tiên vẫn là câu hỏi mà mọi người thường hay bàn: du học có sướng không? Có, nếu không thì mọi người đã chẳng phải đổ tiền đổ công để được đi: văn hóa nghệ thuật đa dạng (bảo tàng miễn phí vé vào cổng nên lượn lờ khu này thích lắm; còn bạn nào thích nghệ thuật thì hòa nhạc, kịch, ballet, ... khá nhiều lựa chọn để xem), hệ thống giáo dục tốt (ví dụ như: trường sẽ live streaming hoặc thu âm bài giảng, nên có thể nghe thầy cô giảng ở bất kì đâu hoặc nghe giảng về không hiểu thì mở máy nghe lại; thư viện cung cấp hàng loạt máy tính; wifi mạnh, và các trường sử dụng chung 1 wifi nên khá tiện khi chạy sang thư viện trường khác học không cần phải hỏi mật khẩu đăng nhập; bên cạnh học trên giảng đường thì còn có các lớp học kèm cho từng môn, hoặc có cả workshop để thực hành, còn các hoạt động khác tùy theo ngành học), thấy nhiều cảnh thiên nhiên đẹp.
Tuy nhiên việc đi học xa xứ kèm theo cả nỗi nhớ: nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ chó mèo, có nhiều khi là cái gối cũ ở nhà mình hay nằm. Cảm giác buồn, cô đơn, thiếu tình cảm là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể xa nhà phải biết tự lập, chăm sóc sức khỏe bản thân. Đi du học nên học đương nhiên là điều quan trọng nhất, và khối lượng bài học mỗi tuần không hề ít, các bài kiểm tra hàng tuần, kiểm tra nhóm, kiểm tra cá nhân, kiểm tra giữa kì, thi cuối kì đủ nhiều để dập bớt định kiến học ở nước ngoài dễ lắm, chỉ cần học chơi chơi thôi, ừm thế cũng được, nếu bạn là quái vật thì cũng không khó lắm. Bên cạnh đấy, nhiều bạn vừa đi học vừa đi làm, áp lực càng tăng, và làm thêm cũng trắc trở không kém khi mà những câu chuyện bị quỵt tiền, bị chủ có các hành vi không đúng đắn đã không còn xa lạ gì trên các diễn đàn. Mọi người thường nói ở các nước tân tiến văn minh nên bảo vệ cũng an toàn hơn, cũng tùy, không như Việt Nam các nhà thường mở cửa sáng đèn, có các cô các bác ngồi trước nhà tán chuyện, hay xe máy qua lại tấp nập, khu dân cư ở nước ngoài thường yên ắng, nhà nào đóng cửa bật đèn nhà đấy, xe hơi thì đi vun vút cũng chẳng thấy mặt mũi người lái, nên tối mà nhỡ lỡ trạm xe buýt đi bộ về cũng không hay lắm. Nên là chuyện đi tối mà bị cướp giật đánh thì ở đâu cũng có, đừng quá thần thánh nước ngoài.
Du học có cả mặt sung sướng lẫn trầm lặng, và người đi du học đương nhiên biết rõ, nên việc họ cân nhắc đánh giá thiệt hơn để về hay ở lại, là lựa chọn cá nhân họ. Nếu phản đối, thì ý kiến đưa ra là gì: không yêu nước, là người sinh ra trên mảnh đất Việt nhưng lại chăm chăm muốn sống và lấy quốc tịch nước ngoài, ích kỷ chỉ biết sướng bản thân mà không quay về đóng góp cho đất nước, và số người lên án đề ra những giải pháp như khi trao học bổng thì phải kèm theo các điều khoản ràng buộc để không bị sỏng mất. Theo mình, nếu không muốn bị mất người giỏi thì khi du học sinh được nhà nước trao học bổng về hãy để họ tự do chọn công ty, công việc họ mong muốn với mức lương xứng đáng thay vì giới hạn sự lựa chọn của họ, bởi vì họ xứng đáng; chưa kể bây giờ việc du học sinh quay về không hề ít, cả những bạn du học tự túc và du học nhận học bổng. Vậy sao không lấy đấy làm điều đáng mừng, mà lại cứ chăm chăm vào người ở lại nước ngoài rồi lên án, còn có yêu nước hay không, nó nằm trong trái tim, tư duy, hành động cụ thể mỗi người, sao có thể móc ra trưng xem còn hay mất để lấy đấy làm tiêu chí đánh giá một người. 
Cuối cùng, ở lại hay về, dù lựa chọn là gì, thì vẫn nên tôn trọng thay vì la lối chê trách, bởi chỉ trích xong rồi, thì hãy nên có đề xuất được phương pháp cụ thể, hữu dụng. Và bởi vì ngay cả người trong cuộc còn có những ý kiến trái chiều nhau, thì người ngoài cuộc vốn đã không trải qua những chuyện tương tự sẽ càng có cái nhìn chủ quan phiến diện để đánh giá.