Cô đồng nghiệp của mẹ có lần đến nhà chơi, khen tôi khôi ngô tuấn tú, sau này chắc chắn sẽ tiến xa lắm trên con đường công danh, lại có chú bạn của bố bế lên cọ râu năm tôi đã 8 tuổi, nói rằng tôi nên được bố mẹ đầu tư nhiều hơn, để xứng với những gì tôi nên được và thênh thang trên quan lộ. Mẹ tôi là một cán bộ quản lý cấp bộ nhiều người nể, còn bố tôi chơi thân với nhiều chú sẽ về hưu với lon đại tá trên vai. Đương nhiên, tôi thành một cậu ấm, một quý tử, kiểu như vậy.
Năm tôi 14 tuổi, theo logic như một "con nhà quan" thông thường, tôi được xác định sẽ học ở nước ngoài, rồi về nước và làm việc như một chuyên viên. Chẳng mấy chốc, tôi sẽ ngồi ở một vị trí nào đó đủ cao để những người đã cầu cạnh mẹ tôi chuyển đối tượng sang mình, và làm sếp của những người hơn tuổi mà rất có thể đã có được vị trí nhân viên bằng thực lực. Mẹ tôi hài lòng với định hướng đó, còn bố tôi thì không hẳn. Ông chỉ đơn giản là luôn động viên tôi cố gắng, và sẽ bắt tôi dậy vào lúc 5h30 mỗi ngày nếu tôi và ông cùng ở nhà.
Rõ ràng, những người có địa vị và quyền lực trong xã hội hầu hết đều muốn duy trì ưu thế đó sang thế hệ tiếp theo mình. Không phải ai cũng leo lên được một vị trí đủ mạnh, và vì thế lẽ nào lại chẳng để hoàng lộc trường tồn. Duy trì địa vị ở con cái là một cách để họ gìn giữ, củng cố quyền lực cho bản thân, giữ gìn thể diện và cũng là một trong những cách hiệu quả để thể hiện tình thương yêu với con cái.
Con quan ra làm quan đối với nhiều dân tộc là một điều dễ bắt gặp. Hai vị tổng thống thứ 41 và 43 của Hoa Kỳ: George H.W. Bush và George W. Bush có cùng huyết thống, hoặc Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và giờ là ông Lý Hiển Long hẳn phải có tình phụ tử rất đặc sắc. Ông nội của Shinzo Abe từng là thủ tướng Nhật Bản, ngài Kishi Nobusuke, còn cha ông Abe thì đã từng đảm nhận vị trí Ngoại trưởng. Không ít hơn một ví dụ nữa có thể minh chứng cho chuyện này.
Trong thời đại mà năng lực mới là chân giá trị, và điều kiện giáo dục là bình đẳng, câu phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc có lẽ đã sai đi rất nhiều, nhưng ở một khía cạnh nào đó, quy luật được cổ nhân đúc kết vẫn có những điểm hợp lý. Một đứa trẻ sinh ra trong môi trường có điều kiện tốt, tiếp xúc với những thứ nhiều não hoặc những người có địa vị từ nhỏ, sẽ có dễ điều kiện tiếp thu tinh hoa và trở nên xuất sắc hơn so với một bạn khác sinh ra trong gia đình thông thường.
Số này tất nhiên không nhiều. Nhưng con nhà quan vị tất đã không có năng lực, và chấp nhận sự an bài của cha mẹ chúng. Nhiều người tôi biết, gia đình cực điều kiện nhưng năng lực chỉ có thể nói là xuất sắc trở nên. Họ thậm chí còn chẳng thèm công tác hay hoạt động ở lĩnh vực của cha mẹ mình mà vẫn thành công vang dội và nắm giữ những chức vụ, vị trí nhiều kẻ ghen tị. Có người với điều kiện vật chất của mình và gia đình đã dùng đó cống hiến cuộc sống với khoa học. Thầm lặng và chẳng lắng nghe ngoài kia ai đang đãi bôi về mình: Bọn con ông cháu cha!
Chúng ta khẳng định rằng việc con quan làm quan là có thể có ưu điểm và cũng có thể mang khuyết điểm, và khoong thể phủ nhận rằng phần lớn xã hội chúng ta đang có định kiến quá lớn với những người sinh ra trong các gia đình thượng lưu hoặc cha mẹ họ ít nhất có địa vị nào đó. Tâm lý này là sản phẩm của cả một quá trình tác động qua lại giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị của hai nghìn năm phong kiến đặc sắc. Những định kiến đó không phải không có cơ sở, bởi chuyện cậu ấm cô chiêu, cơ cấu ô dù, nhân sâm thì ít rễ tre thì nhiều, có người nâng đỡ càng ở trong xã hội hiện đại càng phổ biến và phô ra trơ trẽn, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ. Thiệt thòi hơn cả là những bạn sinh ra trong chăn ấm nhưng dứt khoát đi bộ trong tuyết lạnh trên đôi chân của mình.Ngồi đi, mình kể bạn nghe về một thanh niên lớn lên trong gia đình có địa vị và học thức, Nguyễn Tất Thành và thân sinh của anh, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Người thanh niên ấy, đã bôn ba mạo hiểm như thế nào, khước từ bao nhiêu vật chất để trở nên Hồ Chủ tịch vĩ đại trong lý tưởng của mình.
Như vậy, rồi còn mấy ai có năng lực sinh ra trong gia đình địa vị, thỉnh thoảng lại bị bạn bè và xã hội ném cho một ánh mắt nghi kị, vừa kính nể lại khinh bỉ xa cách, dám đứng ra cống hiến nữa?
Kể từ khi ý thức được mình có trách nhiệm với bản thân, tôi đã lựa chọn chống lại mẹ nhiều chuyện. Chống lại logic "con nhà quan" và quay lưng với nhiều cơ hội quan trọng. Trở thành một đứa ăn mặc xú xứa, tư duy bình thường và cạnh tranh lành mạnh với bạn bè, tôi thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Tôi tốt nghiệp đại học với một tấm bằng như các bạn, và sẽ làm ở một doanh nghiệp tư nhân hoặc ít nhất không phải một công chức được mẹ sắp đặt vào, một bác sĩ chữa bệnh thân thể hoặc "bệnh chính sách". Mẹ tôi rất bực, nhưng không thể làm gì hơn, dù mẹ vẫn cho rằng tôi làm mẹ mất mặt, tuy nhiên bà vẫn yêu thương tôi hết mực. Tách biệt hai chuyện.
Viết bình luận và xôn xao với một tư duy cảm tính, nhiều người trong chúng ta đang trực tiếp, nhưng hy vọng là không cố tình cố ý, làm tổn thương những người tài từ gia đình có địa vị. Bỉ bôi chuyện con ông cháu cha bắt đầu từ việc bất bình trước cái tiêu cực, nhưng đằng sau đó còn có thể lẫn vào chút ganh tỵ, ghen tức, thậm chí mong muốn. Khi người ta ở vào những vị trí khác nhau, người ta sẽ tận dụng hết mọi điều kiện mình có thể. Có mấy người dại dột bao giờ.
Cũng thật khó để kết luận rằng ai đó có năng lực kém khi họ mới bắt đầu làm một công việc, nhất là quản lý. Kết quả của quá trình này được thể hiện qua một thời gian đủ dài, nhưng phải nói rằng không quá khó để nhìn thấy đâu thực sự là một thằng vừa sinh ra đã hài lòng với việc ở vạch đích, ô dù võng lọng che kín đầu, trong khi người khác đang chạy thục mạng trên con đường công danh đó. Bạn của mẹ tôi, một ông chú làm bao nhiêu năm bên quản lý đất đai và quy hoạch đô thị, thất bại và dây kinh nghiệm thì nhiều như tơ nhện, nhưng vẫn còn có thể thăng tiến. Đúng quy trình.
Trong xã hội này, chuyện "lãnh đạo cần đếch gì tư duy, lãnh đạo là bẩm sinh từ cha tôi truyền lại cho tôi theo đúng quy trình" chỉ còn vế thứ hai có khả năng đúng cao hơn thôi, chứ vế thứ nhất, tôi e là chưa hẳn. Hạn chế xôn xao và quan sát sẽ là cách để bạn an toàn và nâng cao giá trị cho mình. Phán xét người khác một cách công tư phân minh, dựa trên bằng chứng cụ thể thì sẽ tốt cho xã hội hơn, còn nếu không, thì không chỉ có tác dụng phụ, mà thậm chí phản tác dụng.
Thỉnh thoảng, nghe những lời đồn không hay về bản thân, rằng đã được cơ cấu cho cái ghế nào đó, tôi chỉ chép miệng, phủi đít quần, rồi ngồi lên. Chúng ta không thể sống một cuộc đời như họ, khi chỉ tọc mạch xem ai đó sẽ làm gì. Thời gian đó, tôi có thể học được nhiều thứ họ chẳng biết. Ai đó chọn cách thanh minh thanh nga, tôi thì không. Tất nhiên, quan hệ, điều kiện của cha mẹ đôi khi cũng giúp ta nhiều thứ, như để trong một cuộc phỏng vấn khách mời nhận lời sớm hơn chẳng hạn. Nhưng cố gắng tách bạch hai thứ ra xa nhau nhất có thể, thì không cần thiết phải quá áy náy.
Không quan trọng bạn hay người khác sinh ra từ đâu, nếu như có năng lực, bạn hoặc họ được quyền ngồi lên những lời không hay về xuất phát điểm của mình. Với những đối tượng bạn cho là ngược lại, bạn cũng có quyền ngồi lên người ta trong tư tưởng, còn nếu là trong thực tế, bạn chỉ có thể là cô/anh bồ (nhí), hoặc mất việc.
Viết rất hay! Tâm đắc câu: "Khi người ta ở vào những vị trí khác nhau, người ta sẽ tận dụng hết mọi điều kiện mình có. Có mấy người dại dột bao giờ".
Ở cảnh con nhà quan, mới thấy được cái mặt tối của chốn quan trường. Những thứ mà người bình thường không thấy được. Vậy nên miệng đời thường chỉ nói theo cái họ nhìn thấy. Còn mình sẽ nói và làm theo cái mình thấy.
Mấy hôm trước có đọc bài về chuyện "Điểm số của con giáo viên", thấy quan điểm "con giáo viên được ưu ái điểm số là bất công", mình cho rằng công bằng. Công bằng giống việc "con quan thì lại làm quan". Người ta có lợi thế, có điều kiện thì người ta tận dụng thôi. Công bằng là khi người ta tận dụng tất cả năng lực và điều kiện có được để đạt mục tiêu. Thiếu điều kiện thì năng lực phải nhiều hơn để bù đắp lại.
Việc "không thèm tận dụng lợi thế" như bạn nói, về thực chất chỉ là không đi cái đích của người khác. Chứ từ điểm xuất phát, những chặng đầu hoàn toàn có lợi thế mà bản thân ta không nhận ra. Điều kiện học tập tốt hơn, được vào trường lớp tốt hơn, gặp gỡ giáo viên, bạn bè tốt hơn, những mặt trái trong quá trình giáo dục cũng ít tiếp xúc hơn... rất nhiều thứ hội tụ lại để đến 1 ngày bạn có thể tự tin nói rằng "con muốn đi theo con đường của riêng mình".
Người ta không được chọn nơi sinh ra, cũng chưa thể tự chọn cách lớn lên khi chưa đủ trưởng thành. Như 1 hạt giống không được chọn mảnh đất để nảy mầm. Nhưng khi hạt giống đó lớn thành cái cây, có thể ngẫm lại "được vậy là nhờ hạt hay nhờ đất?"
Từ đó ngẫm tiếp vấn đề "tình yêu" và "trách nhiệm". Yêu là ta cho đi không cần nhận lại, trách nhiệm là báo đáp cái ta được nhận. Lúc bạn còn trẻ thì trách nhiệm là bạn cần vững vàng trên đường đời, không phụ thuộc vào cha mẹ, ấy là báo đáp công dưỡng dục. Khi cha mẹ bạn già yếu, trách nhiệm là chăm sóc họ, ấy là báo đáp công sinh thành. Tình yêu cha mẹ dành cho con có thể không thể hiện ra họ đòi hỏi con "phải có trách nhiệm". Nhưng đó là kết quả của tình yêu. Chẳng ai muốn trồng 1 cái cây mà không cho ra quả ngọt.
btw, họ để yên cho bạn là bởi vì họ nhận thấy bạn bắt đầu ý thức được trách nhiệm của mình. Còn chặng tiếp theo thế nào, tùy khả năng của bạn. Nếu bạn vấp ngã và nhụt chí, họ sẽ ngay lập tức bốc bạn vào chuyến xe của họ, thay vì để bạn tự đi 1 mình.
Em cũng thích ý kiến của anh, có thể thấy nếu như ta lao lực cả 1 đời thì chỉ để gì nhỉ? Tất nhiên là dành những điều tốt nhất cho gia đình, vì vậy việc con quan thì lại làm quan nên được nhìn nhận và hiểu một cách khách quan.
Cảm ơn tác giả về bài viết từ quan điểm của một người có lợi thế về resources. Đọc Outliers của Malcolm Gladwell xong rồi thì thôi khỏi thắc mắc mấy vấn đề thuộc vể resources này. Vẫn nói với tụi học sinh hiện tại, các bạn muốn làm gì thì sẽ làm được, tuy nhiên so với những người có resources nhiều hơn các bạn (đồng nghĩa với xuất phát điểm cao hơn), thì các bạn phải cố gắng gấp 10, gấp 100 lần. Từ khi mới ra trường mình cũng được gia đình tạo điều kiện đẩy vào 1 tập đoàn lớn, nhưng nhất quyết không vào vì sợ phụ thuộc, vậy nên giờ đi làm lương thì thấp so với lũ bạn, ở ẩn miền biên giới lol, trong khi lũ anh em họ đã du học hoặc định cư hết. Tuy nhiên cũng ý thức được values và qualifications không đồng nhất với nhau, miễn vẫn chạy trên đường đua của chính mình là được rồi. Tận dụng resources mà làm việc tốt thì đáng quý rồi
Nội dung bài viết rất hay ạ. Nhưng mình phải đọc đến tận đoạn 6 của bài viết này mới hiểu ý của tác giả nói về định kiến của mọi người về những người là "con ông cháu cha". Nghĩa là cách vào đề của bạn dài quá, trong khi quan điểm của người viết nên được truyền tải từ ngay 1-2 đoạn đầu tiên để người đọc biết là bạn đang cố gắng nói về vấn đề gì.
Với những người kiên nhẫn thì ko nói, nhưng việc vào đề quá dài như vậy sẽ khiến nhiều người đọc cảm thấy có chút bối rối thậm chí là thoát khỏi bài của bạn trước khi họ đọc đến được phần bày tỏ quan điểm, nếu phần vào đề ko đủ hấp dẫn.
Chút góp ý của mình về cách triển khai nội dung bài viết. Cảm ơn bạn đã đọc.
bài viết hay, nói hộ những suy nghĩ của tôi. cái gì cũng có cái giá của nó.
"Con quan rồi lại làm quan, nhưng con quan người ta chưa chắc lại làm quan" :)
Cứ nhìn về cái thời nguyên thủy để nói về cái nền tảng bây giờ vẫn đúng.
Cha là trưởng bộ lạc vì có sức khỏe/ trí khôn abc....nên ông sẽ truyền lại những đức tính đó cho đứa con trai.
Nếu đứa con trai có những đức tính đó tiếp, sẽ kế vị ông.
Nếu nó ko có những đức tính của cha, nhưng nó học được đức tính đó, sẽ kế vị ông.
Còn nếu nó ko có + ko học được những đức tính của cha, ko thể kế vị ông.
Như ví dụ trên thì chắc chắn đứa con của người thủ lĩnh sinh ra đã được ân sủng, cân nhắc, lợi thế hơn những đứa khác. Nhưng có được kế vị hay không vẫn phụ thuộc vào bản thân nó.
Xét trong xã hội hiện đại, sự cạnh tranh rất gay gắt.....nên là con của quan hay gì thì đều có gánh nặng. Làm ăn lom com là bị cộng đồng bài trừ ngay. Chưa kể cha làm quan về hưu, con lên tiếp quản = tiếp quản luôn những cái tốt/ xấu abc từ đời cha để lại....hỏi có gánh nặng ko?
Theo mình, biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng. Mỗi người chúng ta tự nắm giữ vận mệnh của chính bản thân mình. Sống như thế nào, trở thành cái gì là do tự bản thân chúng ta.
1- Luận điểm bạn đưa ra cũng hay, nhưng tôi thấy nó ko sát với thực tế lắm. Cảnh báo trước: gia đình tôi thuộc diện có tí điều kiện ở tỉnh lẻ.
Hồi sinh viên, tôi hay so bì với đám con nhà trâm anh thế phiệt. Các cụ nhà tôi chỉ bảo, mày kêu lúc nào cũng thiếu tiền, nhưng khi mày hết tiền thì mày còn quay đầu được về nhà. Còn những đứa nhà chẳng có gì, hết tiền thì chết đói, nó ko tự tin như mày đâu.
Sau này nghĩ lại, cũng thấy phải. Gia đình thì ko bao giờ bỏ rơi nhau, và có gia đình chống lưng thì yên tâm bội phần. Kể cả chưa xin xỏ gì từ gia đình thì cũng vẫn tự tin làm và thất bại, ơ kìa, cùng lắm quay đầu là nhà. Xấu mặt tí nhưng chả chết.
Đa phần những người quay đầu là chết đói không có được sự tự tin mà lao vào trải nghiệm thất bại.
2- Tôi cao không tới mà thấp không cùng, nên nhận ra một điều nữa. Khi còn trẻ, chúng ta thường nói về năng lực. Nói chung chung thì cái đó là đúng. Tuy nhiên, năng lực gì, đo được không lại là một câu chuyện khác. Cuộc đời không như đi học, ko có thầy cô và cũng ko có điểm số. Đừng nghĩ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đã là oách, tôi chứng kiên rất nhiều trường hợp quay ra bất mãn vì tự thấy mình giỏi mà sao vẫn lẹt đẹt. Năng lực gì, có đo được ko?
Trong xã hội hiện nay, ngta chỉ quan tâm tới kết quả, còn con đường là sự trải nghiệm của bạn.
3- Có gia đình giới thiệu người quen biết, kể cả chả nhờ vả nhau gì thì vẫn lưu tâm hướng dẫn tận tình hơn, xảy ra lỗi nhỏ vẫn dễ bỏ qua hơn. Mà có gia đình hậu thuẫn về kinh tế thì có thể tập trung vào học lên cao, nâng cao tay nghề chuyên môn thay vì phải sốt sắng lo kiếm thêm mấy đồng trang trải.
4- Nhiều người da trắng ở Mỹ cũng ko hiểu họ được đối xử hơn gì so với người da đen, và cảm thấy việc người da đen kể lể việc họ sợ cảnh sát, họ bị đối xử bất công một cách tinh tế ở nơi làm việc,... là vô căn cứ. Nếu mấy vị da trắng đó muốn biết thì cứ di cư sang Nam Phi là hiểu liền.