Bước vào cánh cửa đại học, không ít thì nhiều, hẳn ai cũng có những “cú sốc văn hóa”. Mình cũng vậy, có lúc thấy bản thân kém cỏi, có lúc thấy lung lay đến mức muốn bỏ cuộc. Nhưng đó như là 1 vài bậc thang mà ai cũng phải bước qua trên con đường trưởng thành của mình. Và mình bước qua nó chỉ bằng 1 suy nghĩ: “không biết thì học, sai thì làm lại”.
À thì, cũng không đặc biệt cho lắm, nhưng nó là chỗ dựa vững chắc cho mình để mình đối mặt với những thiếu sót của bản thân. Ví như lần đầu tiên mình làm bài tập nhóm, không ai dám nhận làm  ppt. Mình đứng ra nhận với 1 chút tự hào (vì bản thân dũng cảm). Thực ra, cấp 3 của mình cũng như đa phần bạn trẻ, chưa bao giờ tự làm 1 bài thuyết trình hay làm việc với ppt. Lúc đó, mình chỉ nghĩ: không biết thì học, không ai làm thì mình làm. Và năm nhất, đa phần mình nhận làm ppt để thuần thục kĩ năng.
Đến năm 2, khi ppt đã làm ổn rồi thì mình nhận thuyết trình. Mình luôn có 1 cái tự tin là: chỉ cần mình cố gắng thì sẽ làm được. Thế là kì này mình lên thuyết trình được 3-4 môn gì đó (vẫn run như ngày đầu :>). Và thường thì những bạn thuyết trình quen hoặc  tự tin sẽ lên thuyết trình. Nên gần đây, khi mình lên thuyết trình xong, bạn mình có bảo: “Mày là đứa giọng run nhất trong những người thuyết trình hôm nay”. Mình chợt ngạc nhiên là mình không buồn hay nản vì câu nói đó, và mình chỉ bảo rẳng: Vậy có nghĩ tao là người cố gắng nhất trong những người thuyết trình hôm nay (tích cực đến đáng sợ ~~). 
Hơn nữa, mình luôn nghĩ rằng đại học là môi trường mà chẳng mấy ai biết mình là ai, cứ sai thì làm lại (nhưng đừng phạm vào sai lầm cũ là được), yếu chỗ nào thì mình khắc phục ở đó. Có những bạn có nền tảng tốt hơn, môi trường phát triển cũng đặc biệt hơn, nên bạn ấy có nhiều ưu thế hơn. Chúng ta xuất phát chậm hơn, nhưng đa phần mọi người đều như vậy mà, miễn ta cứ đi và tiến xa hơn ngày hôm qua là được. Hơn nữa, khi nghĩ đến việc thuyết trình, mình nghĩ: ở trường có lẽ điểm thuyết trình chỉ chiếm 1 phần nhỏ, giảng viên có khi còn cho điểm nỗ lực của mình; nhưng đứng trước đối tác kinh doanh thì sao?. Mình chỉ nghĩ 1 cách tích cực rằng: bây giờ mình còn được sai, nên phải thử nhiều lên. 
Thêm 1 cách hack tâm lý của bản thân nhé. 
Sau 1 số người thuyết trình trước, giảng viên gọi đến tên bạn. Cuối cùng cũng đến lượt bạn, tim bạn bắt đầu đập thình thịch và cảm tưởng như người kế bên cũng có thể nghe được. Bạn cố gắng tỏ ra bình tĩnh và bước lên sân khấu. Bạn vừa nói vừa nhìn vào khuôn mặt những người bạn trong lớp.
“Có phải thằng kia đang cười không?”, “Sao con bé kia hí hoáy viết gì vậy?”.
“Chết rồi, mình run quá. Tất cả mọi người đều thấy mình đang lúng túng”.
<i>Nguồn: Google</i>
Nguồn: Google
Càng nghĩ, mồ hôi bạn càng đổ ra và cho rằng “mình tiêu rồi”. Mọi lo lắng, run sợ của mình đều bộc lộ quá rõ rồi bị mọi người nhìn thấu. Và đây chính là “Ảo tưởng về sự minh bạch” (illusion of transparency). 
Năm 1998, 3 nhà khoa học Thomas Gilovich, Victoria Medve và Kenneth Savitsky đã công bố 1 nghiên cứu ảo giác về sự minh bạch. Nội dung là: “Trải nghiệm chủ quan là một thứ mạnh mẽ, rất khó để nhìn xuyên qua nó khi đang ở trong trạng thái hưng phấn”. Hiểu đơn giản là: “khi ở một tình huống đáng lo, con người thường cho rằng sự lo lắng đó sẽ được biểu lộ 1 cách rõ ràng trên mặt mình, trong khi thực tế không phải vậy” (trích sách "Bạn không thông minh lắm đâu")
Ví như ở tình huống trên, bạn lo lắng rằng mọi người có thể dễ dàng nhìn ra bạn đang run, lo lắng như thế nào, nhưng thực ra họ có chăng chỉ thấy trán bạn đang lấm tấm mồ hôi hay giọng bạn hơi run. 
Cuối cùng, mình rất mong các bạn trẻ hay những bạn sinh viên như mình có thể dũng cảm đối mặt với nhược điểm của bản thân và cố gắng khắc phục nó nha!