Từ lâu rất lâu, việc con trai khóc được xem là cấm kỵ, là yếu đuối. Dạo gần đây, tâm lí học bắt đầu mổ xẻ vấn đề này, hàng ngàn bài viết về việc con trai muốn khóc ra sao và phải kìm nén như thế nào. Tôi là người đơn giản, khóc cũng như cười, cũng như tức giận hoặc đôi khi so với việc ăn uống cũng chả sai lắm. Việc gì cũng vậy, thể hiện đúng là được, suy nghĩ nhiều làm gì.

Với kinh nghiệm một năm khóc vài ba lần, đối với tôi, mỗi giọt nước mắt rơi ra là một bài học, không hơn không kém.
Con trai khóc lần đầu khi mới chào đời, nhận ra mình vừa bị tống ra khỏi cái nơi ấm cúng thân thuộc suốt 9 tháng 10 ngày nên khóc. Đã vậy cái nơi ta vừa rơi ra lại chẳng thoải mái dễ chịu gì, và sau đấy một thời gian dài, chúng ta nhận ra lúc đấy thay vì khóc thì nên chui tọt trở lại mà ngủ tiếp cho sướng chứ cái nơi bao la rộng lớn mang tên "thế giới" này chỉ khiến ta phải khóc thêm nhiều lần nữa. Lần ấy ta khóc, có một người đàn ông khác vừa cười vừa khóc, khóc rồi lại cười.

Lớn lên một tí, bị mẹ đánh bố đánh, đau quá nên khóc. Ngay lúc này nếu khóc dai một tí thể nào cũng bị mắng cho vài câu rồi lại tủi thân khóc tiếp, mà cái thể loại vừa bị mắng nhẹ vài câu đã khóc thể nào cũng bị trêu là "con trai mà mít ướt", thế là lại khóc tiếp. Tuổi thơ con trai khóc nhiều hơn con gái là cái chắc, mà có khi lúc đấy khóc bù nên sau này khóc ít đi. Có thể lắm.
Lớn hơn một tí nữa, đi đánh nhau với mấy-thằng-hay-bị-mẹ-đánh-cho-khóc khác trong xóm, dù đau đến cách mấy cũng không khóc. Thật ra vẫn có một vài trường hợp khóc oe oe lên, và surevkl những bé trai ấy bị ăn hiếp suốt phần tuổi thơ còn lại. Tôi lúc nhỏ, chả sợ gì ngoài sợ mẹ đánh, nên thường đi nghịch phá rách hết cả người xong chả khóc, về mẹ đánh mới khóc. Có khi mẹ không đánh mà suýt xoa, tôi lại càng khóc to hơn nữa..

Khóc kiểu gì thì khóc, thể nào chả ăn chả ngủ, rồi chả lớn lên. Lớn lên thì có nhiều cái để khóc hơn. Lớn lên mẹ không đánh nữa (cái này cũng đáng khóc), nhưng đời nó lại vả liên tù tì vào mặt. Tất nhiên bọn con trai khi bị người lạ đánh sẽ chả bao giờ khóc, mà mặt sẽ đỏ lên, nắm đấm siết lại, adrenaline chạy vòng vòng cơ thể, thỉnh thoảng bật lại, thỉnh thoảng không. Con trai cái tuổi mười mấy thường khóc vì ấm ức, vì tức mà không làm gì được. Tôi còn nhớ rõ cái ngày bị ông thầy ghẹo trước lớp, cay mà không làm gì được. Tôi còn nhớ những lời buộc tội của ba mẹ về những việc tôi không làm, uất ức không biết nói sao cho vừa. Những lúc như vậy, nước mắt không tuôn ào ào như hồi bé mà nén lại từng hòn to tướng trên khóe mắt, chực chờ lăn xuống, chảy dài trên má dù tôi chả phát ra một âm thanh yếu đuối nào. Ngay cái lúc mà mặt nóng bừng bừng, một giọt nước ấm lăn xuống như xoa dịu đi phần nào. Vì tôi nhớ, đôi lần tôi tức mà không ra nước mắt, tôi đều làm một điều dại dột phía sau, rồi mới ra nước mắt.

Lớn hơn tí nữa, cảm xúc bắt đầu có phần phong phú. Tôi nhớ những năm cấp 2, tôi hay được mẹ chở đi thi cử vài ba cuộc thi vớ vẩn xa nhà. Lúc không làm bài được, tôi nghĩ đến mẹ mà mắt rưng rưng. Cảm giác khó chịu lắm, cái cảm giác làm người khác thất vọng. Những kì thi ấy, đối với tôi chả có ý nghĩa gì ngoài việc cảm thấy lãng phí công sức của những người đã đi theo hỗ trợ và kì vọng vào mình. Tôi cũng nhớ những năm đầu cấp 3 học xa nhà, có đợt tôi ốm, sau khi đã tự lo liệu chữa trị ổn thỏa mới gọi về nhà báo cho gia đình. Chả hiểu sao lúc đấy tôi xúc động lắm, nói câu nào câu nấy qua điện thoại không ra hơi, cảm giác nghèn nghẹn ở cuống họng, mặt nóng lên, nước mắt lại chực chờ tuôn ra khi tôi bảo "Mẹ ơi con ốm". Cái cảm giác khiến người khác phải lo lắng cho mình thật không dễ chịu tí nào. Tôi ốm chả sao, nhưng chả muốn báo cho ba mẹ tin ấy tí nào. Lúc ấy tôi như con nít, xấu hổ, tủi thân, yếu đuối và đáng thương biết mấy. Thật ra cho đến bây giờ, nghĩ đến chuyện người khác lo cho mình tôi cũng chả kiềm được, thế nên luôn cố gắng không làm ai phải lo cả.
Tôi chưa từng khóc khi tỏ tình thất bại. Vì tôi chưa từng thất bại lần nào cả. May mắn là thế. Nhưng tôi từng khóc trước lúc chủ động chia tay, vì nhận ra mình thật tồi tệ mà làm người khác buồn. Lúc đấy tôi như bị đặt vào catch-22, tiến không được, lùi cũng không xong. Buông thì bi kịch cho người khác, giữ thì bi kịch cho mình, mà chuyện tình cảm tôi không thích để chi phối nhiều. Thế nên tôi đã vô tình lắm, rồi khóc.
Đấy, là những lần quá là bình thường khi khóc, và chẳng có gì đáng nói cả.

Tôi đã từng đứng khóc cả buổi trong mưa khi bố mẹ bán con chó tôi thích vì nó quá phá (giống tôi), rốt cuộc thì nó vẫn bị bán. Tôi đã từng cay cay sống mũi khi xem Me before you, The intouchables, Boyhood, I am Sam,... Tôi đã từng ngẩn ngơ cả buổi vì những cuốn sách. Tôi đã từng vỡ òa khi đội esport của tôi (là của tôi nhé, không phải tôi hâm mộ) vô địch, từng rưng rưng khi đội bóng mình thích đăng quang. Tôi cũng từng nghẹn lòng khi chứng kiến những người đàn ông vĩ đại khác bật khóc như những đứa trẻ vì thành công, vì thất bại. Thậm chí trong một không gian vỡ òa của âm nhạc và ánh sáng, nước mắt có rơi là chuyện bình thường.
Tôi đã từng không kìm lòng nổi khi thấy bố, mẹ, anh và người yêu tôi khóc. Tôi cũng từng bồi hồi khôn tả khi thấy cô giáo chủ nhiệm của mình khóc trước lớp và kể về sự vô lễ của bọn học sinh lớp khác.
Và tôi biết rằng, bất kì một thằng con trai nào khác cũng cảm thấy như vậy.
Con trai khóc khi quá đau đớn, khi bất lực, khi tức, khi ấm ức, khi cảm giác mình không bảo vệ được cho người khác. Khóc chỉ là một bản năng, và bản năng thì chả có đúng hay sai.
Và đôi khi khóc vì quá hạnh phúc.

Nói đi vẫn phải nói lại, có nhiều anh chàng đụng chuyện là khóc. Thất nghiệp khóc. Thi rớt khóc. Đau tí cũng khóc. Bị chó đuổi, khóc. Deadline dí sấp mặt mà chả biết làm sao, khóc. Hết tiền tháng, khóc. Vấn đề ở đây không phải là khóc, mà vấn đề là sự giả tạo hay vô dụng. Lúc này khóc chỉ là phương tiện, không nên mổ xẻ vấn đề này làm gì.
Cuộc đời, khó tránh bi kịch xảy ra. Chúng ta không biết nó sẽ ra sao và lúc nào. Mỗi người, và nhất là một thằng con trai nên có sự chuẩn bị trước, để đến lúc gặp chuyện không phải ngồi khóc huhu.

Tôi nghĩ thằng nào cũng nên rèn luyện cơ thể thường xuyên. Cơ thể khỏe mạnh giúp ích rất nhiều. Tôi chả cần biết anh tài hoa ra sao, uyên bác thế nào, chỉ cần sức khỏe anh yếu là xem như vứt. Và thế nào, theo một cách nào đó, anh cũng sẽ trở thành gánh nặng cho người khác, lúc đấy thì đừng khóc. Cho nên hãy tích cực tập thể dục, mỗi ngày.
Thằng nào cũng nên sống trong môi trường áp lực về cả tinh thần lẫn thể chất trong một thời gian, và thường xuyên đẩy giới hạn của mình lên. Thế thì đến lúc gặp chuyện mới bình tĩnh và vững vàng được, không thì lại tranh thủ tìm váy mà chạy vào như một chú cún con ngoan ngoãn thì buồn cười lắm. Chúng ta, ai yếu đuối cũng đều kém cỏi cả, não bộ luôn biết tính toán và chỉ cho ta đường chạy khi không đủ sức. Thế thì hãy đủ sức, cố gắng mà đủ sức. 
Hãy khóc vào đúng lúc, bằng đúng cách và với đúng người. Điều này thể hiện sự thông minh của bạn. Và đừng nặng nhẹ khóc hay không khóc.
"Có mỗi chuyện khóc thôi mà cũng không biết thì làm được trò trống gì?!"