Đây có lẽ là một trong những cuốn sách khó đọc nhất mình từng đọc. Sách cho bạn mượn rồi nên một số trích dẫn là lên google search và số còn lại là viết theo đại ý mình nhớ được
Trong trích dẫn đằng sau sách có nói một ý, tỷ lệ người ta phán xét và đánh giá hành động tự tử thấp hơn nhiều so với ngoại tình, dù, xét về cơ bản, đó đều là hành vi của con người. Nếu đặt dưới lăng kính khoa học, cả 2 đều là kết quả của chuỗi xử lý phức tạp của não bộ và đều là "chủ đề" của môn khoa học nghiên cứu tâm lý con người.
Nhưng thử tưởng tượng trong một cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu nơi bàn cà phê hay quán cóc, khi chủ đề một người tự tử và một người ngoại tình được mang lên, các câu cảm thán sẽ khá khác biệt "Trời ơi tội quá" và "Má nó, đồ khốn nạn".
Quay lại việc khó đọc, sách khó đọc từ tựa đề, khi mua sách, mình dám cá tâm lý của nhiều người và trong đó có mình sẽ là "Để đọc coi người ta nói cái gì về cái việc quỷ yêu này" - "Việc quỷ yêu", "Tội lỗi không thể tha thứ", "Vấn nạn của hôn nhân - tình yêu", "Đừng nhắc cái đó, nhắc là sôi máu" - mình tin danh từ/động từ vỏn vẹn 2 chữ này có sức công phá mãnh liệt không thua gì một quả bom được thả nhẹ giữa một thành phố đông đúc người dân qua lại.
Chậm lại một chút (với mình, mình đã chậm lại rất nhiều chút, mình mang nó theo trong chuyến bỏ phố về núi, và quyết tâm đọc hết trong vòng 3 ngày ròng rã), chậm lại và thử suy nghĩ về những tính từ hay thiên kiến gắn liền với 2 chữ Ngoại tình này của bản thân mình từ đâu đến, tại sao mình lại có những điều đó? Nếu sau khi chậm lại, đặt câu hỏi (quả thực bạn đặt câu hỏi cho chính mình ở đoạn này, tức là mình tin bạn sẽ đọc, và thấy sách thực sự có ích) thì mời bạn ngồi xuống và lắng cô Esther Perel "thuyết trình" bằng câu chữ về một hành vi gắn liền với loài người từ thủa hồng hoang, với thái độ nghiêm túc của một nhà nghiên cứu và kinh nghiệm, vốn sống dồi dào từ hơn 20 năm làm chuyên gia tư vấn tình cảm và trị liệu hôn nhân, cô đã mang đến cho mình giá trị lớn hơn nhiều so với việc cung cấp thông tin về một lĩnh vực mới - đó là dạy cho mình tập nhìn sự vật, sự việc với cái nhìn khách quan, nhìn nó như chính là nó, việc này thực sự trong mỗi tình huống cuộc sống đời thường là đã khó, huống chi đến "ngoại tình" - một khái niệm kéo theo cả một trời định kiến cá nhân của bản thân, của nhận thức hệ, của những cảm xúc giới tính lấn át.
Như mình nói, cô tiếp cận và trình bày cuốn sách rất khúc chiết và khoa học, tựa tiếng việt dịch rất hay, tác giả muốn cùng độc giả của mình. - nhìn vào "bên trong" của sự việc, định nghĩa (tái định nghĩa) và phân tích việc ngoại tình dưới một góc nhìn khách quan thuần tuý của một nhà nghiên cứu, từ đâu ngoại tình xuất hiện, tại sao con người ta lại ngoại tình, liệu ngoại tình có phải là một phần của hôn nhân, hậu ngoại tình sẽ là gì, góc nhìn từ người thứ 3 trong hành vi ngoại tình ra sao, và thậm chí, tương lai của ngoại tình sẽ là gì....
Ngoại tình gây chấn động đến con người hiện đại mạnh mẽ như vậy, bởi vì nó gắn liền với những giá trị mà chúng ta dày công vun đắp, là niêm tin, là sự trung thực, là tình yêu, và hơn hết, là sự cam kết. Tổ tiên của chúng ta họ không nhìn vào mắt nhau và thốt lên lời hẹn rằng đời này kiếp này anh/em chỉ yêu một mình em/anh, họ bận tìm cách giữ mình sống sót và tìm cách sinh sản càng nhiều càng tốt để duy trì nòi giống. Hành vi tâm lý con người phức tạp dần theo sự tiến bộ của xã hội đã dẫn chúng ta đến hành động mà chúng ta tôn thờ và tạm cho đó là tiến bộ của chúng ta "Cam kết trong một mốt quan hệ" - và những chương đầu sách đã giải thích khá cặn kẽ việc ngoại tình đều xoay quanh việc "cam kết" đó.
Vì có cam kết, thì mới có ngoại tình - nên "khái niệm" về "ngoại tình" sẽ khác nhau tuỳ theo sự cam kết của bản thân bạn và đối tác trong sự cam kết của cả 2. Ví dụ, nhắn tin bông đùa lả lơi với một người khác trên mạng, có phải là ngoại tình? Hay xem phim pỏn trên mạng, có phải là ngoại tình? Hoặc ngủ và nằm mơ về người yêu cũ sau đó sáng hôm sau mặn nồng với người yêu hiện tại, có phải là ngoại tình?
Danh sách này của mỗi người còn được "cộng trừ" tuỳ vào kiến thức, lối sống, văn hoá và xã hội họ đang sống. Vấn đề quan trọng nhất là, đó là danh sách riêng tư nhất mà cũng "ủa em/anh tưởng chuyện này là hiển nhiên ai cũng biết" nhất. Thế nên, tác giả ở các chương "khó đọc" này, đều nhấn mạnh, không quan trọng việc bạn đã có những gì trong danh sách, quan trọng là, bạn và đối phương trong mối quan hệ, có chia sẻ với nhau danh sách này hay không? Hay đợi đến lúc vừa ném chảo xoong vào mặt nhau mới vừa gào lên những gì bạn/đối phương mong muốn (và tưởng rằng người kia cũng vậy) trong danh sách đóng, nhưng lại không có điểm kết này?
"Khi điều trị cho những cặp đôi gặp tổn thương vì ngoại tình, tôi thường cùng lúc quan tâm hai vấn đề: hậu quả của ngoại tình và ý nghĩa của ngoại tình. Nếu hậu quả là điều các cặp đôi luôn quan tâm khi chuyện ngoại tình xảy ra, thì ý nghĩa của việc ngoại tình lại là điều luôn bị lãng quên. Bạn biết đấy, chẳng điều gì trên đời này là vô nghĩa cả. Ngoại tình cũng vậy. Việc quá tập trung vào hậu quả chính là nguyên nhân chủ yếu khiến các cặp đôi tan vỡ, thay vì hàn gắn.
Trong tâm lý học, có một hiệu ứng mang tên "hiệu ứng đèn đường": Một người say rượu đánh rơi chiếc chìa khóa trong đêm. Anh ta không tìm cái chìa ở nơi đã đánh rơi, mà lại tìm ở nơi có ánh đèn. Con người có xu hướng tìm kiếm điều mình muốn ở những nơi dễ tìm thấy, hơn là ở những nơi có thể thực sự tìm thấy.
Theo cách lý giải này, khi chuyện ngoại tình xảy ra, những người trong cuộc chỉ tập trung "tấn công" vào bề mặt mối quan hệ bằng sự tranh cãi và phủ nhận trách nhiệm, thay vì tìm hiểu về lỗ hỏng ẩn sâu bên trong nó. Đổ lỗi cho một cuộc hôn nhân thất bại luôn dễ dàng hơn là phải vật lộn, đối mặt với những tham vọng/khát khao/nỗi chán nản của bản thân hoặc của đối phương - đây mới chính là nguyên nhân sâu xa, hàm chứa ý nghĩa và cách xử lý khủng hoảng hậu ngoại tình."
Để cân bằng cho một số diễn giải khá khô khan từ góc độ khoa học, cô đưa ra rất rất nhiều dẫn chứng sống từ những người khách hàng của cô (và với mình thì chính vì những câu chuyện này mà làm gián đoạn việc đọc một mạch của mình vì đọc xong tức khí xung thiên hoặc buồn thảm não quá, không đọc tiếp nổi) - những câu chuyện này thực ra là muôn vàn câu chuyện chúng ta được nghe, được đọc, được xem và thậm chí trong tưởng tưởng của chính bản thân mình. Nhưng nó là chính những dẫn chứng để tác giả khuyên rằng chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận việc này như một sự việc trong xã hội cần được quan tâm đúng mực chứ không chỉ dừng ở việc "giải trí" hoặc "chuyện ai nấy xử" vì cô tin đây là chuyện không chỉ của riêng ai, hoặc mượn lời bài hát của Hiền Hồ rằng "chuyện tình cảm chúng ta đừng nên nói trước, vì nói trước biết đâu mọi thử đảo ngược" =)
Theo mình, điều quan trọng nhất mình rút ra được từ sách, là việc tìm hiểu (và nghiêm túc hiểu) về ngoại tình, không phải chỉ để "phòng thân" (làm quái gì phòng được) sau này nếu có bước vào cuộc sống hôn nhân, mà là để hiểu chính mình, bởi ngoại tình, cũng như ghen ghét hay tự mãn, nó đều là phạm trù tâm lý học, đều là hành vi xuất phát và từ sự phức tạp của não bộ, và cũng là điều để mình tự "reflect" và nhìn sâu lại vào bên trong của mình.
"Những kì vọng ngất ngưởng về hạnh phúc cá nhân đã khiến chúng ta dễ dàng lừa dối nhau hơn. Rốt cuộc, con người có quyền ngoại tình không, nếu điều đó khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn?"
Trích dẫn từ sách
2 chương cuối của sách cập nhật cũng như mở ra một câu hỏi mở, lớn và nghiêm túc về việc, liệu hôn nhân một vợ một chồng có phải là mô hình gia đình lý tưởng nhất cho con người chúng ta? Và bà đưa ra các nhân chứng sống của những gia đình "mở" với nhiều cặp đôi cùng chung sống và nuôi dưỡng (hoặc không) con cái bình đẳng và đồng thuận.
Khép lại sách, mình thực sự được "mở mang đầu óc", mình vốn đã định kể một số câu chuyện về một số nhân vật trong sách với những người bạn của mình để "tám" và mổ xẻ, nhưng mình chợt nghĩ nếu làm vậy, mình lại càng tô đậm thiên kiến của bản thân về hành vi này. Nên nếu được, mình nghĩ sách rất đáng đọc cho mọi người, có thể xem nó như sách "self help", hoặc như đọc một chuyên đề dài trên tạp chí về tâm lý con người, khi cho bạn mình mượn sách, mình cũng cất công viết tay một đoạn review ngắn, vì mình đoán chừng bạn mình (cũng như mình) là một người phụ nữ đủ nhạy cảm và đủ từng trải sẽ thấy "sôi máu điên tiết muốn xé bà nó cuốn sách" khi đọc (dĩ nhiên mình đã khéo léo nhắc nó sách mà hư thì tình bạn chúng ta chấm dứt trong tờ giấy viết tay đó), vì mình biết, với phụ nữ, nhắc chuyện "ngoại tình" cũng như động đến cục mụn đang sưng trên mặt của họ vậy, nếu thấy, nếu biết, cách tốt nhất là nên giả vờ nó không tồn tại, thì tốt hơn.
Ôi me ơi đã là cuốn thứ 10 rồi <3 Còn 1 cuốn nữa thôi hú ỳe
Challenge viết review về 11 cuốn sách mình từng đọc. Cuốn.thứ.10