Tôi đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp lần đầu khi 15 tuổi. Ở cái độ tuổi chưa trải sự đời ấy, tôi đọc văn ông giống như rơi vào hố sâu của huyễn hoặc quen lạ. Cái quen trong văn ông là những gì ở xung quanh chúng ta, một thứ văn hóa rõ ràng, những cảnh sắc sinh động, hoàn cảnh từng trải ở các gia đình, làng quê, nông thôn, trung du hay bất cứ đâu tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Còn cái lạ? Chính là nằm ở trong nhân tính của các nhân vật mà Nguyễn Huy Thiệp xây dựng. Đấy là một sự lạ lẫm nằm ngoài nhân sinh quan của tôi trước đó. Các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp không ai xấu hoàn toàn, cũng không ai tốt hoàn toàn. Một nhân vật điếm đàng vẫn có các hành động võ hiệp (như Đoài trong “Không có vua”), một bác sĩ học thức lại có những việc làm khiến người ta nghĩ đến phải ói mửa (người vợ của nhân vật Tôi trong “Tướng về hưu”). Sau này lớn lên tôi mới hiểu ra, cái chất man mác nửa chính nửa tà ấy mới đích thực là cuộc đời này. Cuộc đời này không có đen hoàn toàn, trắng hoàn toàn, cuộc đời là những gam màu xám. Và Nguyễn Huy Thiệp khoét sâu vào trong sâu kín của loài người, tô dày lên cái màu xám đắng ngắt ấy.
Có những truyện ngắn của ông, ta đọc vào như cắt từng thớ thịt.
Một câu nói ngắn, những tự sự dài, những xúc cảm của nhân vật tôi trong “Con gái của thủy thần” chính là cái dao cắt của câu chữ cứa lên tim người đọc. Trong những năm 70, 80, trong thời đại bao cấp ấy, văn của Nguyễn Huy Thiệp vươn mình lên hoàn toàn, nó là thế giới của tự do, là những chiêm nghiệm sâu sắc: “Tôi đã thấy tinh thần gia trưởng hủy hoại bao nhiêu số phận con người. Tôi cũng thấy những ngộ nhận giới tính và đạo đức giết chết vẻ diễm lệ trên các khuôn mặt thiếu nữ” (Trích “Con gái của thủy thần”). Hay “Vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục” (Trích “Vàng lửa). Và đặc biệt: tình dục. Nguyễn Huy Thiệp không ngại ngần trước chủ đề nhạy cảm ở thời đại lảng tránh sex ấy. Thậm chí ông còn nâng tầm nó lên thành những triết lý, ông mượn lời của một phụ nữ chơi trai bao để khẳng định “Tất cả bí mật của vũ trụ, xã hội, công danh, tiền bạc, nghệ thuật... ám ảnh cao nhất, rộng lớn nhất, trên cao và rộng lớn hơn các ám ảnh khác, kể cả tôn giáo, chính trị – là tình dục. Bọn đàn ông các anh loanh quanh vì các anh sợ hãi. Các anh không dám đam mê. Trật tự phụ quyền được đặt ra là một thứ trật tự tục tĩu, ở đấy đầy rẫy bạo lực, dối trá, chủ yếu không phải phục vụ con người mà là dùng để ngăn chặn thú tính trong bọn đàn ông với nhau.”
Không ít nhà văn đã sục sạo trong địa ngục, trong bần cùng, trong tăm tối để tìm ra ngọc. Còn Nguyễn Huy Thiệp còn dữ dội hơn thế. Ông sẵn sàng nhảy vào trong cứt, bới cứt để đi tìm Ngọc. Trong tác phẩm Trương Chi, ông để cho Trương Chi thốt lên mấy từ “Cứt” như thách thức, như phẫn uất, như từ cứt đi đến giọng hát thanh tao huyền thoại.
Ông yêu chữ, lại vừa căm thù câu chữ, ông thành danh nhờ chữ, nhưng lại sợ câu chữ : “Bác ơi, chữ nghĩa nó ghê gớm lắm. Nó là ma đấy. Yếu bóng vía là nó ám mình, nó làm đau đớn thê thảm mới thôi” (lời ông Đồ Ngạn trong “Giọt máu”). Chữ của Nguyễn Huy Thiệp không phải kiểu sang trọng, cũng không phải mỹ miều, nhưng chữ của ông khiến người ta phải sởn gai ốc như thấy “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”.
Tôi đọc nhiều truyện ngắn của nhiều nhà văn. Nhưng riêng truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp giữa văn đàn là làm tôi liên tưởng tới những ngọn núi mọc dựng đứng. Phải, đó là những ngọn "núi bay Avatar Hallelujah" tại Trương Gia Giới.
Ông có một sự xúc cảm đặc biệt với các nhân vật lịch sử. Đứng trước những dòng chính sử khô khốc được chép lại, Nguyễn Huy Thiệp như thấm lấy từng dòng, từng sự tích, từng đoạn lạnh lùng để cảm nhận nó bằng thứ xúc cảm đồng điệu của kẻ đời sau. Ví dụ, với Với Gia Long, ông miêu tả “Nhà vua là một khối cô đơn khổng lồ”, với Nguyễn Du, Nguyễn Huy Thiệp viết “Ông ta (tức Nguyễn Du) có sự thông cảm sâu sắc với nhân dân. Ông yêu nhân dân mình. Ông đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất.” Còn với trước Nguyễn Trãi, đó là “Nàng thông cảm những nỗi dày xé trong tâm hồn ông. Nàng biết ông đang chạy tế lên phía trước trong hệ thống tư tưởng đương thời, vừa hung hãn, vừa tuyệt vọng.”
Nói về lịch sử trong văn Nguyễn Huy Thiệp, sẽ là thiếu sót to lớn nếu không nói đến câu văn bất hủ của ông đã viết trong “Vàng lửa”. Một đoạn trích mà càng tìm hiểu sâu về văn hóa, lịch sử, về mối quan hệ uyên nguyên 4000 năm giữa Việt Nam-Trung Hoa, tôi lại càng thấm thúy. Đoạn văn đó như sau:
“Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đuơng thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau nguời ta mới thấy điều này vô nghĩa.”
Ông là một nhà văn gây tranh cãi. Bạn có tin nổi không? Vào cái thời đại mà internet, mạng xã hội, các hội nhóm antifan còn chưa phát triển, nhưng tôi đã được đọc một tờ trang đôi phê bình Nguyễn Huy Thiệp gay gắt trên tờ “Tiếp thị Gia đình”. Đúng sai ta không bàn vội, và kể cả đúng sai thì quan trọng nhất vẫn là ở bạn đi tìm ngọc. Ở đây xin xoáy sâu vào việc được người khác ghét cũng là một điều không đơn giản, được ghét đến độ phải đặt bút viết hẳn một bài dài như vậy trong cái thời đại quý chữ như vàng, quý báo như ngọc ấy lại càng không đơn giản. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã làm được việc phức tạp ấy. Điều đó càng nói nói lên ông rõ ràng là một nhà văn đa hình thái với đủ kẻ si mê, kẻ thù ghét, với đủ xúc cảm lẫn lộn. Ngày đó, thậm chí còn có người đòi bỏ tù ông. Hehe. Thỉnh thoảng trên mạng xã hội, tôi vẫn gặp đôi ba bài của hậu bối nói về ông, đánh giá ông như kẻ lạc thời.
Nhưng cũng là ông, được nhà thơ Chế Lan Viên cười hềnh hệch chỉ vào truyện “Không có vua” mà phán: “Nobel văn học cũng chỉ đến tầm này mà thôi”. Ông có hai tác phẩm là “Tướng về hưu” và “Những người thợ xẻ” đều được dựng thành phim, và đều là các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Mặc kệ người yêu kẻ ghét, Nguyễn Huy Thiệp cứ dần dần tạo ra những thành tựu đáng kinh ngạc trước kẻ bình phàm.
Lời kết:
Văn Nguyễn Huy Thiệp không phải quá đẹp, sự duy mỹ không phải là cái ông tìm về. Chính sự giải thoát, tình dục, bi kịch và đau khổ mới là cái ông quằn quại nhất. Đọc văn ông, là bạn phải sống chung với thứ màu xám lạnh lẽo ấy. Bởi nói như lời mào đầu của ông trong truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát”:
“Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tình người.”
(09/02/2021)
Không có mô tả ảnh.