Sơn Hải Kinh là gì?

Trong số sách cổ của văn hóa Trung Quốc còn lại đến hôm nay, thì SƠN HẢI KINH là một bộ sách kỳ lạ, quái dị mà độc đáo, huyền bí mà khoa học, có một không hai. Được bao trùm bởi màu sắc linh thiêng, bí hiểm, sách ghi chép lại rất nhiều những truyền thuyết thần kỳ, thần thoại dân gian và cả kiến thức về địa lý, tôn giáo, động thực vật, khoáng sản, quỷ thần, nghi thức tế thờ, bộ lạc thị tộc, y lý, thảo dược… của thời đại cổ xưa. Đó là cuốn kỳ thư chứa đựng sự minh triết thâm sâu của cổ nhân, có thể xem là kho báu của thần thoại, văn hóa Trung Quốc thời thượng cổ.
SƠN HẢI KINH trước đây được cho là sách của Hạ Vũ (một vị vua huyền thoại tiêu biểu cho hình mẫu minh quân thời kỳ đầu Hoa Hạ, sánh cùng với vua Nghiêu, Thuấn) và Bá Ích (một nhân vật huyền sử Trung Quốc, cùng thời với Ngu Thuấn và Hạ Vũ) viết, nhưng căn cứ khảo sát của các học giả sau này, thì đây là sáng tác của nhiều người không rõ tên tuổi trong thời Chiến quốc.

Trải qua lịch sử lưu truyền dài dằng dặc và được chỉnh lý nhiều lần qua các thời Tần, thời Hán, bản SƠN HẢI KINH được biết đến hiện nay còn giữ được 18 thiên, khoảng hơn ba mươi mốt nghìn chữ. Chia ra: SƠN KINH 5 tập, HẢI KINH 13 tập. SƠN KINH còn có tên gọi là Ngũ Tàng Sơn Kinh, gồm NAM SƠN KINH, TÂY SƠN KINH, BẮC SƠN KINH, ĐÔNG SƠN KINH và TRUNG SƠN KINH. HẢI KINH gồm HẢI NỘI KINH 4 thiên, HẢI NGOẠI KINH 4 thiên. ĐẠI HOANG KINH 4 thiên. Ngoài ra còn một HẢI NỘI KINH nữa, ngắn, chỉ có một thiên.

Thế giới buổi bình minh

Trong SƠN HẢI KINH, mỗi ngọn núi, con sông, mỗi loài động vật thực vật đều được mô tả giản gọn mà gợi hình, trần tục mà bí hiểm, giải thích khó khăn, nội dung tản mạn, không thành hệ thống và có rất nhiều mô tả mang tính huyền ảo, linh thiêng. Động thực vật chưa được con người biết đến nhiều vô kể. Cảm giác nguy hiểm, bất an luôn toát lên từ chính địa hình, khí hậu, dị thú và sự phân tán của các bộ tộc kì lạ thiểu số rải rác khắp nơi.

Nội dung của SƠN HẢI KINH được chia theo từng khu vực địa lý riêng biệt, mỗi khu vực lại có phong thổ, sản vật đặc trưng và mối quan hệ riêng biệt của chúng trong lịch sử cổ đại. Trong đó, các thiên được sắp xếp phát sinh từ hướng Nam, sau đó mới dần lên hướng Tây, hướng Bắc, hướng Đông rồi tới Trung bộ (Cửu Châu) của đại lục. Cửu Châu được vây quanh bởi Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải, Bắc Hải.
Sơn Hải Kinh mô tả rất nhiều các chủng tộc kì lạ có tuổi thọ sống từ vài trăm cho tới ngàn năm

Đọc thêm:

Sách nói đến hơn 100 vương quốc, 550 ngọn núi, 300 con sông, mà phần lớn đều được định danh, xác định vị trí rõ ràng, ví dụ trong “Hải Nội Đông Kinh” có kể đến 25 con sông nổi tiếng phân bố trên lưu vực Liêu hà, Hoàng hà, Hoài hà, Trường giang, Châu giang. Về mặt y dược, sách ghi chép được trên 30 loại bệnh, 130 loại thuốc chữa trị cho mười loại bệnh tật. Về mặt kỹ thuật, khoa học cũng ghi được các phát minh sáng tạo như kỹ thuật làm tàu thuyền, đàn sắt, đúc chuông, cung tên. Trong sách còn chỉ rõ các phong tục, nghi lễ thờ cúng thời cổ xưa.
Những tư liệu này giúp phần nào phác họa được bức tranh tự nhiên, con người, phong tục thời cổ đại và có ảnh hưởng to lớn đối với việc phát triển khoa học kỹ thuật và văn hóa của Trung Quốc sau này.

Các loài dị thú

Dị thú trong SƠN HẢI KINH đa dạng và sống động. Điểm này có lẽ là nội dung đặc sắc và đáng nhớ nhất khi ai đó biết hay có cơ hội đọc qua SƠN HẢI KINH. Sách không phân loại dị thú mà được viết lần theo địa phận các vùng đất như đã nói ở trên, do đó để tiện bề theo dõi, xin mạn phép đề cập đến các nhóm chính như sau đây.
Những loài dị thú được con người dùng làm dược liệu chữa bệnh hoặc làm công cụ chiến tranh có thể kể đến như Toàn Quy, Loại, Điểu Cừ, Dục Bái, Lục, Quỳ, Thừa Hoàng… Ví dụ đoạn viết về một loài cá: “có con Hổ Giao 虎蛟, dạng nó thân cá mà đuôi rắn, tiếng nó như chim uyên ương, ăn vào thì không bị phù thũng, có thể khỏi bệnh trĩ”; hay một loài thú kỳ lạ: “trong Đông Hải có núi Lưu Ba 流, vào biển bảy nghìn dặm. Trên đó có thú, dạng như con trâu, mình xanh mà không có sừng, một chân, ra vào nước thì ắt có mưa gió, nó tỏa sáng như nhật nguyệt, tiếng nó như sấm, tên nó là Quỳ 夔. Hoàng Đế có được, lấy xương của lôi thú làm dùi, tiếng vang nghe năm trăm dặm, để uy với thiên hạ.”.
Con này xuất hiện trong Tru Tiên và Phàm Nhân Tiên Giới Thiên – Đoạn Trương Tiểu Phàm lần đầu tiên thi triển Đại Phạm Bát Nhã trước mặt quần hùng tại Lưu Ba Sơn và đoạn HLM luyện kiếm trong Lôi Hải - Nguồn ảnh: Internet
Còn có những dị thú nguy hiểm có thể ăn thịt con người, gọi là hung thú như Cửu Vĩ Xà, La La, Long Điệt, Thổ Lâu, Cùng Kỳ… Ví dụ như đoạn viết về Cùng Kỳ: Cùng Kỳ 窮奇 dạng như con hổ, có cánh, ăn thịt người gặm đầu trước, tóc tai cũng bị ăn luôn”; hay “có loài thú, dạng nó như cáo mà chín đuôi, chín đầu, móng cọp, tên là Long Điệt 蠪姪, tiếng nó như em bé, ăn thịt người được”.
Cùng Kỳ
... và Long Điệt











Những dị thú mà mỗi khi hiện thế sẽ ảnh hưởng đến thời tiết, gây ra thiên tai, địch họa hoặc thái bình, cát tường gồm Hoạt Hoài, Chu, Trường Hữu, Phì Duy… Ví dụ, “có loài chim, dạng nó như con cú tai mèo mà tay người, tiếng nó như tê liệt, tên nó là Chu 鴸, tên nó tự hô vậy, thấy được thì huyện đó phần nhiều bỏ đất”; hay “Có loài thú, dạng nó như người mà lông bờm lợn, sống ở huyệt mà ẩn náu mùa đông, tên nó là Hoạt Hoài 猾褢, tiếng nó như đẵn cây, thấy được thì huyện đó có điềm tốt lớn”
Chu
... và Hoạt Hoài











Lại có những dị thú được con người thờ bái, hiến tế, cung phụng, gọi là thần thú hay linh thú, như Kỳ Lân, Rồng, Phượng Hoàng… Còn có những dị thú khác loại, thường ẩn thân ở những nơi đặc thù, không hiển lộ trước mắt con người như Hoàng Điểu, Huyền Xà… “Có hòn núi Vu Sơn 巫山, phía tây có chim vàng. Đế Dược 帝藥, bát trai. Chim vàng ở Vu Sơn, cai quản rắn tuyền.” Đoạn này một lần nữa, được thể hiện rất sống động trong tác phẩm Tru Tiên, đoạn Lục Tuyết Kỳ sau 10 năm đằng đẵng tu hành khắc khổ hạ sơn đến đầm lầy Tử Trạch tìm kiếm dị bảo gặp lại Quỷ Lệ.
“Ở phía tây bắc hải ngoại, phía bắc sông Xích Hà 赤河, có ngọn núi tên Chương Vĩ 章尾. Có vị thần, mặt người, thân rắn, toàn thân đều là màu đỏ, cơ thể dài một ngàn dặm, con mắt dựng đứng, mí mắt hợp thành một cái khe, nhắm mắt lại chính là đêm đen, mở mắt ra chính là ban ngày, không ăn đồ vật không ngủ cũng không hô hấp, chỉ nuốt gió và mưa. Ông có khả năng soi sáng địa phương cực kỳ u ám tối tăm, chính là vị thần Chúc Long 烛龙 trong truyền thuyết.” – Có học giả tuyên bố rằng mô tả Chúc Long chính là hình ảnh cực quang ở Bắc Cực – Chúc Long cũng xuất hiện trong các đoạn nói về Âu Dương Khuê Sơn của Chúc Long Đạo trong Phàm Nhân Tiên Giới Thiên















Những câu chuyện thần thoại

Mặt đặc sắc không kém khác của SƠN HẢI KINH cần phải nói đến chính là các chuyện thần thoại. Sách kể khoảng hơn 400 chuyện về thần và thần thoại. Trong đó, hình thái thờ thần phi nhân (thần không phải hóa từ người) chiếm đại đa số. Hình tượng các vị thần này được hình thành từ hai tín ngưỡng là sùng bái tự nhiên (nature worship – thờ thần sấm, thần mưa…) và sùng bái vật thể (totemism – thờ các vật thể, động vật, thực vật nếu được người xưa cho là có liên quan đến tổ tiên của họ). 
Những vị thần được thờ là những hình thù lắp ghép: mình rồng mặt người, mình thú đầu người, mặt người thân rắn… Họ đều mang màu sắc thần bí của tôn giáo nguyên thủy, đồng thời cũng cho thấy ý thức đi tìm hiểu các hiện tượng tự nhiên và thần bí trong thế giới mà lớp người cổ đại đang sống. Truyền thuyết về Nữ Oa thời cổ đại cũng là từ Sơn Hải Kinh mà ra. Các kiệt tác trứ danh khác bao gồm: “Hậu nghệ bắn rụng chín mặt trời”, “Hoàng đế đại chiến Xi Vưu”, “Thần Cộng Công giận quá đập đầu vào Chu sơn dẫn đến cơn Đại hồng Thủy”, “Cổn trộm Tức nhưỡng trị thủy thành công”…
Nữ Oa đầu người thân rắn trong Sơn Hải Kinh, hẳn đâu có giống chút gì với hình tượng yểu điệu cung trang của Oa Hoàng Nữ Oa trong Vô Hạn Thự Quang
Bởi ghi lại hàng loạt chuyện thần thoại cổ đại, SƠN HẢI KINH đã trở thành một cổ thư bảo tồn tư liệu thần thoại phong phú nhất Trung Quốc. Người xưa trong cố gắng lý giải thế giới, đã khai thác triệt để các không gian xung quanh họ gồm các phương đông, tây, nam, bắc và chính giữa – trung ương, và cả không gian tưởng tượng. Quan niệm ngũ phương này được lồng ghép vào các câu chuyện thần thoại, và cũng là phương tiện của các thầy cúng nhằm lý giải cho các nghi thức của mình. Tương tự như các học thuyết trong khoa học hiện đại ngày nay, ở thời đại xa xưa ấy, thần thoại cần phải được hiểu như một khái niệm có ý nghĩa văn hóa, khoa học của con người. Nói cách khác, thần thoại lúc này đã bao hàm cả những tri thức mà con người đương thời có thể tiếp xúc và suy tưởng đến.

Đọc thêm:

Ảnh hưởng đến hậu thế

Rõ ràng kiến thức được mô tả trong sách hoàn toàn không phù hợp với thực tế, do vậy mà sách này bị xem là hoang đường và không được xếp vào hàng ngũ sách khoa học chính thống. Tuy nhiên, một điều không phải bàn cãi là những hình ảnh trong SƠN HẢI KINH đã được người đời sau lấy làm tiêu chuẩn, đồng thời cũng nhào nặn, biến hóa thành muôn hình vạn trạng, tạo nên ảnh hưởng rõ rệt đối với nền văn học nghệ thuật Trung Quốc sau này. Công lao này không thể thiếu vai trò của những đồ hình của SƠN HẢI KINH ĐỒ (đã thất truyền và khôi phục lại, gọi là “Cổ bản Sơn Hải Kinh đồ thuyết”) được vẽ bằng mực tàu, màu nước, đẹp tuyệt vời và vô cùng sáng tạo. Thủ pháp nghệ thuật độc đáo và hình thức ảo tưởng thần kỳ của các cốt truyện thần thoại, cùng với giá trị nhân đạo, thẩm mỹ cao đã trở thành kinh nghiệm không gì sánh được cho văn học đời sau.
Tỷ như mô tả về Cửu Vĩ Hồ như sau: “Nước Thanh Khâu 青丘 ở phía Bắc đó, người ở đó ăn ngũ cốc, áo tơ lụa. Nơi đấy có loài cáo bốn chân chín đuôi. Có lời bảo ở phía bắc Triều Dương.”, có lẽ bởi thế mà mỗi lần văn chương xuất hiện hồ ly chín đuôi thì đều được gắn liền với địa danh Thanh Khâu nào đó (Liêu Trai Chí Dị, Mao Sơn Tróc Quỷ Nhân). - Nguồn ảnh: Internet
Hay mô tả về Tây Vương Mẫu: "Phía Nam của Tây hải, bên cạnh bãi Lưu sa, đằng sau Xích thủy, phía trước Hắc thủy, có một ngọn núi lớn. Ở trong có thần nhân mình hổ, có vằn và đuôi, tất cả đều trắng, ngự tại núi ấy. Bên dưới có một vực xoáy sâu, bên ngoài lại có một ngọn núi rực lửa, có một người đeo đầu chim đái thắng, răng hổ, đuôi báo, ở trong hang, gọi là Tây Vương Mẫu". Hình tượng này hoàn toàn xa lạ với nữ thần hiền hòa, dung mạo diễm lệ, sống tại núi Côn Lôn, ngự bên cạnh bờ hồ tiên cảnh gọi là Dao Trì, chủ nhân của vườn đào tiên ai ăn vào sẽ trường sinh bất tử như mô tả trong Đạo giáo sau này.
Như vậy đủ thấy trong SƠN HẢI KINH chứa đựng một khối lượng thông tin văn hóa thời thượng cổ Trung Quốc khá lớn. Những thông tin đó có tầm ảnh hưởng không thể cân đo được đối với sự hình thành và phát triển của nền văn hóa Trung Quốc. Thậm chí, nó còn có tác dụng điều chỉnh sự hình thành tính cách của người Trung Quốc sau này.
Tổng quát lại, có thể nói SƠN HẢI KINH là một tập hợp phong tục con người tứ phương và chuyện thần kỳ từ thuở hồng hoang, bao nhiêu quái dị, bao nhiêu huyền ảo khôn lường, đề cập đến nhiều mặt từ số thuật đến địa lý, từ chuyện sơ khai của truyền thuyết đến những chuyện huyền hoặc của làng bói toán, nhưng đều chứa đựng những nhân tố đáng quí của trí tuệ và lòng nhân ái xuyên suốt các câu chuyện kể quá sức phi thường.
------------------------------
Tham khảo từ nhiều nguồn:
(1) Trung Quốc Nhất Tuyệt – Lý Duy Côn chủ biên – Sơn Hải Kinh – Một bách khoa toàn thư của nền văn hóa thượng cổ – Hoàng Phong Hiển

Đọc thêm: