“Tình yêu là điều lý tưởng, hôn nhân là điều rất thực tế; ai nhập nhằng giữa thực tế và lý tưởng thì sẽ không bao giờ được yên thân.”
Nhân một ngày trời âm u, gió mưa vần vũ, giở quyển Nội tình sau hôn nhân của Tiến sĩ Janis Abrahms nên muốn biên vài dòng về chuyện ngoại tình.
Ngày xưa, tôi là kiểu người tôn thờ tình yêu hoàn mỹ (có lẽ một phần là do ảnh hưởng của phim thần tượng) nên vô cùng dị ứng với hai chữ “ngoại tình”. Nhưng sau này, khi trải qua nhiều chuyện, nhìn thấy nhiều điều khó nói thành lời, tôi nghĩ thoáng hơn, ít ra là bớt cay nghiệt và khách quan hơn khi nói về chuyện ngoại tình.
Do đó, nếu bạn vô cùng nhạy cảm với chủ đề này, có thể vì những tổn thương trong quá khứ, tôi mong rằng bạn cũng có thể bình tĩnh lại để cùng nhau mổ xẻ từng khía cạnh của câu chuyện mà ai cũng ngỡ quá quen thuộc này. Biết đâu bạn sẽ nhận ra nhiều điểm mới lạ mà mình chưa bao giờ nghĩ đến.
1/ Chúng ta đều lên án ngoại tình. Vậy thế nào là ngoại tình?
Có một quan điểm mà “giang hồ” vẫn hay lưu truyền, đại ý thế này “Phụ nữ cho rằng chung thủy là có thể tương tư về người đàn ông khác nhưng chỉ quan hệ tình dục với duy nhất chồng mình, còn đàn ông thì ngược lại, anh ta cho rằng chung thủy là chỉ yêu mỗi vợ trong khi thoải mái lên giường với các cô gái khác”. Tôi không bàn về chuyện đúng sai ở đây, tôi chỉ muốn cho các bạn thấy rằng chỉ mỗi việc “phân định ranh giới” giữa chung thủy và ngoại tình mà những người trong cuộc lắm khi còn vẽ ra những khu vực phân chia khác nhau.
Trong cơn say tình ái, chúng ta chỉ ký với nhau những giao ước “ngầm hiểu” về ngoại tình, có khi chỉ gói gọn trong một câu “Em/Anh mà bắt được ấy léng phéng với ai thì chết với em/anh nhé!”. Thế nên mới xảy ra chuyện, cô vợ bù lu bù loa lên, tổn thương các kiểu khi chồng thân thiết với em gái mưa nào đấy. Còn anh chàng thì cho rằng “Bọn anh chỉ là bạn thôi, sao em cứ làm quá lên thế?
Mọi người thường nói về chuyện quan hệ tình dục ngoài vợ ngoài chồng khi nghĩ về ngoại tình, chúng ta đa phần cảm thấy bị phản bội trước điều đó. Nhưng nếu như là một cái hôn, những buổi hẹn hò riêng,… thì sao? Có được xem là ngoại tình không?
Tôi rất thích cách định nghĩa về ngoại tình của tác giả khi bà cho rằng “điều gì quan trọng với bạn mới là điều đáng bàn”. Ngoại tình là những chuyện có yếu tố giấu diếm, phá vỡ những niềm tin của bạn về đối phương và mối quan hệ. Đã xưa rồi khi đồng hóa ngoại tình là việc quan hệ tình dục bị ngăn cấm. Quan niệm này phụ thuộc vào những ranh giới riêng của các cặp đôi.
Ví dụ như khi bạn mong chồng bạn là người đồng hành về cảm xúc với mình nên khi anh ấy có “kết nối trái tim” với ai đó khác, tìm người đó để san sẻ những chuyện thầm kín, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy tổn thương và có cảm giác bị phản bội.
Do đó, hãy thẳng thắn và rõ ràng những ranh giới này với nhau ngay từ đầu.
2/ Phải làm sao khi nửa kia ngoại tình?
Trong Phụ nữ chạy cùng sói, tiến sĩ Clarissa Pinkola Estés đã viết: “Có nhiều đoạn kết cho một chuyện tình.”
Kết quả của ngoại tình cũng vậy, không phải lúc nào cũng là đổ vỡ. Trong khi có người chọn kết thúc cuộc hôn nhân thì cũng có cặp đôi quyết định cùng nhau xây dựng lại từ đầu.
Một điều rất nhân văn ở Nội tình sau hôn nhân là tác giả không hướng chúng ta đến một kết cục cụ thể nào cả. Bạn không nhất thiết phải hàn gắn cuộc hôn nhân nếu điều đó làm bạn đau khổ mỗi ngày. Bạn cũng không nhất định phải kiên quyết ly hôn trong nỗi đau bị phản bội. Tác giả chỉ hướng hai người trong cuộc đến một quyết định khiến họ ít hối tiếc về sau khi nghĩ lại nhất.
Và dù bạn chọn con đường nào, cũng cần suy xét kỹ lưỡng chứ không chỉ dựa vào cảm xúc mãnh liệt hiện tại, đó có thể chỉ là những giả định chủ quan thiếu tính thực tế hoặc sai sự thật.
Thay vào đó, điều đầu tiên bạn cần làm là gọi tên, thấu hiểu cảm xúc của mình và đối phương.
Điều này hoàn toàn hợp lý với người bị phản bội, họ được mặc định là người bị tổn thương trong câu chuyện này, nhưng tại sao lại phải thấu hiểu cho một kẻ ngoại tình chứ?
Chúng ta vẫn thường áp đặt người ngoại tình và kẻ thứ ba là những người gây ra tổn thương mà không nhìn nhận một cách khách quan về những tổn thương của họ. Điều này vô tình khiến ta không đủ tỉnh táo và khách quan để nhìn nhận mọi chuyện mà để cho nỗi đau lấn át, dễ dẫn đến những quyết định không đúng đắn.
Và ngược lại, người ngoại tình với những mặc cảm và tổn thương của riêng họ như gánh nặng khi che giấu chuyện quan hệ ngoài luồng, mặc cảm với con cái, cảm thấy tội lỗi, bị cô lập… dễ trở nên cáu giận ngược lại khi không được chấp nhận dù đã “quay đầu là bờ.” Thậm chí thái độ trách móc và chỉ trích của người kia sẽ càng khiến họ xù lông tự vệ bằng cách đổ lỗi thông qua hàng tá lý do ngoại tình.
Tác giả đã đứng ở vị trí người ngoài cuộc, nhìn vào câu chuyện tình ái rối rắm này với sự khách quan và bao dung. Trong Nội tình sau hôn nhân, không có sự phán xét đúng sai, cũng không có kẻ phản bội, họ được gọi là “người bị tổn thương” và “người không chung thủy”. “Người bị tổn thương” là người đang có cuộc hôn nhân hợp pháp nhưng lại bị vi phạm chế độ một vợ một chồng. “Người không chung thủy” là người đã ngoại tình.
Khi đã thấu hiểu được cảm xúc của chính mình và đối phương, hãy chấp nhận mỗi người đều gánh phần trách nhiệm trong chuyện ngoại tình này, người trong cuộc sẽ đủ bình tĩnh để đưa ra những quyết định đúng đắn, nhân văn hơn.
Nội tình của hôn nhân không hẳn là một quyển sách chỉ nói về sự chữa lành sau cú sốc bị phản bội trong tình cảm. Một mối quan hệ bất chính dạy chúng ta rất nhiều thứ về hôn nhân - những gì chúng ta kỳ vọng, những gì chúng ta mong muốn, những gì chúng cảm thấy mình xứng đáng phải có. Chúng ta học cách dung hòa và bày tỏ tình yêu, dục vọng, cam kết tình cảm thông qua việc xem xét và đánh giá tình yêu vụng trộm dưới nhiều góc độ khác nhau.
Không cần những lời hoa mỹ, với góc nhìn khách quan và đầy thấu hiểu, tác giả đã mang đến một câu chuyện đầy đủ về ngoại tình. Không hề phiến diện, bênh vực hay cực đoan phán xét, Nội tình sau hôn nhân đem đến một cảm giác thật sự dễ chịu cho độc giả, như tham gia vào buổi trò chuyện nhẹ nhàng với một người thật lòng mong mỏi điều tốt đẹp cho ta vậy.
Tôi tin từ cuốn sách này chúng ta sẽ học được cách kiềm chế nỗi tuyệt vọng và tìm được bình yên, gắn kết cũng như hài lòng hơn với những người quan trọng trong cuộc sống của mình, cùng với trái tim mới đã được chữa lành.