Nơi đâu ta thực sự thuộc về? - Midnight in Paris
Nơi đâu ta thực sự thuộc về? Đó là một “thời kỳ hoàng kim” luôn khắc sâu trong lòng ta mà ta mong muốn được sống; hay ở hiện tại nơi mà có khi ta cảm thấy lạc lõng khôn cùng; hay nó ở đâu đó, nơi mà ta vẫn còn đang trên con đường tìm kiếm?
Không hiểu vì lý do gì mấy ngày gần đây câu hỏi này lại hiện ra trong tôi: “Nơi đâu ta thực sự thuộc về?”, và rồi luồng suy nghĩ miên man lại dẫn tôi quay về một bộ phim mà tôi đã xem khoảng hai năm về trước – bộ phim Midnight in Paris.
Vâng, dường như chính bộ phim ấy đã giúp tôi trả lời được câu hỏi đó. Nơi đâu ta thực sự thuộc về? Đó là một “thời kỳ hoàng kim” luôn khắc sâu trong lòng ta mà ta mong muốn được sống; hay ở hiện tại nơi mà có khi ta cảm thấy lạc lõng khôn cùng; hay nó ở đâu đó, nơi mà ta vẫn còn đang trên con đường tìm kiếm?
“Nơi đâu ta thuộc về?” – một bộ phim liệu có thể giúp ta trả lời được câu hỏi ấy?
Một cầu nối
Trong cuộc sống bộn bề, đâu thiếu những lúc ta vô tình không còn nhận ra bản thân ta đang sống ra sao nhưng rồi ở Midnight in Paris, bằng cách để ta dõi theo nhân vật chính hệt như thể đang nhìn nhận chính bản thân mình, qua hình ảnh mà nhân vật chính đã hiện lên, một điều gì đó dần dần rõ nét, để rồi dẫn dắt ta nhìn lại chính cuộc sống của ta: “Ta có đang thuộc về hiện tại này, hay ta đang ở đâu?” Biết đâu, nơi mà ta thuộc về lại chẳng phải là ở đấy, một con đường mưa ở thành phố Paris xinh đẹp?
Sự hoài niệm
Hoài niệm ở đây là gì, là hoài niệm về thời quá khứ đã qua của một người ư? Hoàn toàn không phải thế. Ở đây Gil, nhân vật chính của chúng ta hoài niệm về những năm 20 của thế kỷ trước (1920) – Paris những năm 1920 – với anh, đó là thời kỳ hoàng kim và đáng sống nhất. Thực sự tôi rất thích chủ đề hoài niệm này của bộ phim, nó chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với việc chỉ hoài niệm về quá khứ của riêng một ai đó. Ở đây, Gil – con người ấy ao ước được lùi về quá khứ, được sống trong thời kỳ mà đối với anh đấy là “thời kỳ hoàng kim” – thời kỳ của những con người mà anh ngưỡng mộ, có những Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, Pablo Picasso,.. . Anh khâm phục tài năng và sự cống hiến của họ để rồi anh muốn sống và sáng tạo cùng họ – điều đó cho ta biết rằng điều anh muốn là cuộc sống thực sự, chứ không phải là một sự tồn tại hời hợt, điều đã và đang diễn ra quanh anh.
Tính xác thực
Liệu cứ tô vẽ sự hào nhoáng ở bên ngoài có phải là cuộc sống thực sự mà ta mong muốn? Vâng ở đây phải chăng có cả câu trả lời cho một câu hỏi hiện sinh. Đấy là về tính xác thực của một người trong hành động: liệu một người có đang là chính họ, hay họ đang cố gắng để trở thành một ai đó không phải là chính mình; hay thậm chí cả về phạm trù nghệ thuật: như thế nào là hiểu biết về nghệ thuật đích thực, đó phải là cảm nhận của chính bản thân mình hay chỉ là những câu nói lặp lại để tô vẽ sự hiểu biết trong khi thực chất bên trong hoàn toàn trống rỗng? Câu trả lời sẽ xuất hiện qua hình ảnh của những nhân vật mà giá trị sống của họ không hề đồng điệu với nhân vật chính của chúng ta – những vẻ hào nhoáng bên ngoài, thực dụng, tôn sùng những giá trị vật chất, … – tất cả đều là những điều vô nghĩa đối với Gil, nhân vật mà ta đang theo dõi, và tôi tin rằng nó cũng vô nghĩa với chúng ta, những người muốn sống một cuộc sống thực sự.
Những mối quan hệ
Ở đây tôi muốn nhắc đến ba mối quan hệ chứa đựng sự thay đổi quan trọng nhất đối với nhân vật chính của chúng ta, với tôi ba mối quan hệ ấy đại diện cho những điều mà Gil cần nhận ra trong cuộc sống của anh, để từ đó trả lời được câu hỏi: “Nơi đâu anh thực sự thuộc về?”. Đấy là mối quan hệ giữa Gil và người vợ sắp cưới; với người mà anh gặp trong thời đại hoàng kim mà anh mơ ước được sống; và cuối cùng là với cô gái ở tiệm đồ cổ tại Paris.
Đầu tiên, mối quan hệ đã đầy vết rạn nứt – một điều rõ ràng mà chúng ta, những người quan sát có thể nhận ra được ngay từ những phần đầu của bộ phim – rằng anh và người vợ sắp cưới của mình dường như không hề thấu hiểu được nhau. Thứ hai, người mà anh đã yêu khi quay về “thời kỳ hoàng kim” – mối quan hệ này đại diện cho khao khát mãnh liệt nhất trong anh – hình ảnh về người có thể đồng điệu được với tâm hồn anh. Và cuối cùng, cô gái ở tiệm đồ cổ – người đại diện cho nơi mà anh thuộc về, nơi mà có người anh cần tìm thấy và nhận ra rằng: ở hiện tại, mới là nơi thuộc về anh. Để đến cuối hành trình, anh tìm thấy nơi anh thuộc về và chúng ta cùng hòa chung niềm vui ấy với anh, ước ao rằng rồi ai cũng sẽ tìm thấy nơi thuộc về mình – như anh vậy.
Đừng hiểu rằng những mối quan hệ ấy chỉ là những mối quan hệ yêu đương. Từ một mối quan hệ đã rạn nứt; đến mối quan hệ mà ở đó anh cảm nhận được có người có thể hiểu được anh, đồng điệu với những cảm xúc của anh, nhưng người ấy ở “thời đại hoàng kim” – một thời đại không thuộc về anh; cho tới mối quan hệ mà ở đó anh gặp một người ở hiện tại, có thể đồng điệu với con người của anh – nó đến sau khi anh đã đưa ra sự lựa chọn của mình, quyết định ở lại Paris và lựa chọn hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình tại nơi đây. Chính lúc anh đưa ra sự lựa chọn ấy, anh mới có thể tìm thấy người đồng điệu với mình, dù rằng anh đã quen biết cô trước đó một thời gian, để rồi anh nhận ra rằng anh không cô đơn, rằng cũng có người yêu những cơn mưa dưới bầu trời Paris như anh. Thực vậy, ở đây cái mà ta nhìn thấy không chỉ là tình cảm nam nữ. Nó nói lên với ta những ý nghĩa sâu hơn thế, rằng chỉ cần chúng ta lựa chọn đúng nơi mình thuộc về, rồi ta sẽ thấy những con người có tâm hồn đồng điệu với ta, những con người có cùng hệ giá trị với ta, và họ cũng tin vào những điều tốt đẹp giống ta,… rằng những con người ấy vẫn còn đó, vẫn xuất hiện hằng ngày quanh ta và vẫn luôn đợi ta tìm thấy.
Liệu có ai thấy nó thật quen thuộc với cuộc sống của tất cả mọi người như tôi không? Nhìn xung quanh, đâu thiếu những mối quan hệ như thế trong cuộc sống này. Những người luôn kề bên nhưng ta lại thấy xa lạ vô cùng, những người mà ta ngỡ ta với họ thật tương đồng cuối cùng lại quá khác nhau, ta cuối cùng sẽ phải nhận ra “điều ta cần nhận ra” và ta biết rằng ta với họ không còn chung con đường. Tiếp tục nhìn, đâu thiếu những người mà ta ao ước có họ ở bên, những người thấu hiểu ta biết bao nhiêu, và ta cũng có thể hiểu họ biết bao nhiêu nhưng cuối cùng thì họ và ta vẫn là những người ở hai thế giới. Và cuối cùng, mối quan hệ thực sự dành cho ta ở đúng nơi ta thuộc về. Có lẽ hành trình của tôi vẫn còn dài, tôi chưa đến được nơi có mối quan hệ như thế – cái mối quan hệ cuối cùng mà tôi vừa nhắc tới – nhưng nó có, nó tồn tại, bộ phim khiến tôi càng tin tưởng về điều đó.
Chỉ khi ta đứng đúng nơi ta thuộc về, ta sẽ nhìn thấy những con người đồng điệu với ta; ta và họ có thể thấu hiểu nhau và cùng chung những niềm mơ ước, khát vọng trong cuộc đời này; ta và họ, sẽ cùng đi chung một con đường. Khi đó chẳng ai sẽ phải cô đơn, tất cả đều có thể cùng nhau xây đắp nên thế giới mà ta và họ muốn sống, rồi những con người đồng điệu khác sẽ đến với ta, hòa chung con đường với ta. Cuối cùng, ta hóa ra cũng có thể nằm trong một “thời kỳ hoàng kim” của ai đó, phải vậy không? Và khi đó ta biết ta có thể giúp họ, những con người ở thế hệ sau đó hiểu được những điều mà ta vừa mới ngộ ra. Tất cả đều là một sự tiếp nối, nó dài vô tận.
Nếu …
Tôi tự hỏi rằng nếu Gil – nhân vật chính của chúng ta không tới Paris, nếu anh không có cơ hội được quay trở về “thời hoàng kim” ấy, để rồi nhận ra được vấn đề cốt lõi không phải ở thế hệ mà anh đang sống, mà ở sự lựa chọn của chính bản thân anh. Câu trả lời tôi đã có được cho mình và tôi tin rằng mọi người cũng sẽ có câu trả lời giống tôi khi xem bộ phim này: Mọi câu trả lời đều đã hiện diện trước mắt anh, trong hiện tại mà anh đang sống.
Vậy còn ta? Nếu ta có cơ hội quay trở về một “thời kỳ hoàng kim” trong lòng ta thì ta sẽ nhận ra được điều gì ở hiện tại này? Biết đâu trong giấc mơ đêm nay, tôi sẽ có chuyến đi đến “thời kỳ hoàng kim” của riêng tôi. Biết đâu, nơi mà tôi thuộc về lại không phải là đâu đó trên một con đường mưa dưới bầu trời thành phố Paris xinh đẹp?
Nơi đâu ta thực sự thuộc về? Trong ta luôn có sẵn mọi câu trả lời.
nhornaams.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất