(Trước khi đọc, mong bạn giữ sự tỉnh táo cũng như tinh thần sẵn sàng tranh luận, phản bác.)
Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) đến nay vẫn được xem là một trong những triết gia để lại nhiều tranh cãi và ấn tượng nhất, những phát hiện vĩ đại của ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Triết gia vĩ đại đã dám đem ra xét lại những giá trị được xem hiển nhiên, là chân lý suốt bao đời.
FRIEDRICH NIETZSCHE (1844 - 1900)
Mọi người chắc hẳn biết đến Nietzsche qua trích dẫn:
Chúa đã chết!
Nietzsche đương nhiên không có ý rằng Chúa đã qua đời. Mà rằng niềm tin vào Chúa đã không còn thích hợp, thế giới huyền bí chúng ta từng cho là do Người tạo ra, lại dần đang bị giải mã bởi những “quyền năng” mới của chính chúng ta. Con người đang từng bước làm chủ thế giới của Chúa.
Song, Nietzsche dường như đã suy tư một cách sâu xa hơn về cái chết của Chúa, ông khinh ghét Ki-tô, nhưng không vì thế mà hả hê trước thất bại của Chúa. Không như các triết gia đơn thuần mong muốn con người thoát khỏi cái mê tín dị đoan của tôn giáo và đạt đến tiến bộ nhờ sự khai minh, Nietzsche đã có những cái nhìn rất khác.

CÁC LỰA CHỌN:

Cái chết của Chúa sẽ khiến mọi điều răn mất đi sức mạnh của nó, con người không còn được chỉ lối để hành động, không còn ý nghĩa cao hơn nào của cuộc sống. Và họ có một vài sự lựa chọn:
Họ chấp nhận chủ nghĩa hư vô, xem đời là vô nghĩa và sống mà không có mục đích, dậm chân tại chỗ.Họ có thể ngay lập tức chạy theo tôn thờ những “tôn giáo” khác - chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chúng cũng hứa hẹn sự dẫn lối và giải thoát.Họ sẽ tự do và phải đảm nhận trách nhiệm vĩ đại là tự xác định mục tiêu cho cuộc sống của chính mình, và dốc toàn bộ ý chí, sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng và những giá trị riêng của bản thân.
Tại sao sự khai minh thường được khuyến khích lại mang những hệ quả lớn lao như vậy, và sao cái chết của Chúa lại đem đến sự sập đổ nghe có vẻ thật khủng khiếp đến thế? Chẳng phải đã có rất nhiều người vô thần sống xuyên suốt các thời đại sao?
Sự sập đổ của niềm tin vào Chúa đã đánh dấu thời khắc mà mọi luân lý trên đời, mọi giá trị đạo đức được xem là tốt đẹp bấy lâu, cần được đem ra xét lại, bởi cái thiện không còn là điều được Chúa đặt vào bên trong mỗi con người nữa.

ĐÂY LÀ LÚC ĐỂ NHÌN VÀO PHẢ HỆ CỦA LUÂN LÝ:

Con người đã sống phần lớn lịch sử của mình, kể từ khi họ bắt đầu tiến hóa hàng triệu năm về trước, như một loài thú vật. Bản năng tự nhiên là cái chỉ lối đúng đắn duy nhất mà tạo hóa đặt vào mỗi chúng ta, những con người ấy sống và bị chi phối bởi thể xác, bởi những đam mê, dục vọng và ham muốn bản năng – chúng lành mạnh!
Nhưng rồi, xã hội hình thành, con người bị ném vào một cuộc sống lạ lẫm. Chẳng còn chiến tranh, tranh giành, giết chóc, cướp đoạt - chỉ có nỗ lực để hòa bình chung sống. Ban đầu, các bậc anh hùng trong xã hội xưa còn giữ được bản tính hiếu chiến, mạnh mẽ, dũng mãnh của mình, họ cướp đoạt, chinh phục, chiến đấu và cai trị những kẻ thấp bé. Những anh hùng ấy xây dựng các giá trị của bản thân dựa trên sức mạnh và sự hoang dại, họ sống cuộc sống như là Dionysus - vị thần của rượu vang, đam mê, bản năng và sáng tạo, mà không bị bó buộc bởi những nền luân lý yếu hèn.
Còn những kẻ nô lệ thấp bé, họ yếu kém và không dám vùng lên đấu tranh như những con thú mạnh mẽ. Họ xây dựng các giá trị đạo đức tốt đẹp giả tạo, xuất phát từ sự yếu hèn. Đảo ngược các giá trị luân lý, trong đó thay vì tính chiến đấu mạnh mẽ, thì lòng vị tha, thương xót được ca ngợi.
Khi xã hội càng rộng lớn, bản năng của con người đã trở thành thừa thải. Không còn phải cảnh giác bị các bộ lạc kẻ thù xiên chết trong đêm, không còn những cuộc chiến đẫm máu để tranh giành thực phẩm, thì ta cũng chẳng cần bản năng của mình làm gì. Nỗ lực xây dựng trật tự xã hội dựa trên những nguyên tắc hướng đến sự khoan dung và hòa bình, đối với Nietzsche là nỗ lực giết chết những bản năng lành mạnh đã dẫn lối con người trong hàng thiên niên kỷ. Khao khát bạo lực và những đam mê, dục vọng không đơn thuần mất đi, nó quay lại làm hại ta theo cách này hay cách khác.
Đến thời Socrates và Plato, hai vị này đã mở đầu thời kỳ lầm lạc với việc tôn thờ lý tính con người. Bằng cách phát biểu rằng cuộc đời chỉ có ý nghĩa một khi con người còn suy tư về những việc họ đang làm, và sự tồn tại không có suy tư chỉ đủ với thú vật, còn con người thì không, Socrates đã vô tình chối bỏ nguồn gốc thật sự của con người – thú vật, và đồng thời tôn lên cái lý tính. Theo đó, mỗi hành động cần có một lý do, lý do này được xác định bởi tư duy, còn nếu không, nó là vô nghĩa.
Chủ nghĩa đạo đức của các triết gia Hy Lạp từ Plato trở về sau là bệnh hoạn [...]
Con người đã chẳng biết sống thế nào mà không có bản năng, họ đành lựa chọn để lý tính dẫn đường, và tiếp sau thầy trò Socrates, Plato, đến Ki-tô giáo ra đời. Nó đã chối bỏ hoàn toàn phần Dionysus bên trong con người, nó gieo rắc tư tưởng rằng cái thiện, lòng vị tha là những đức tính tốt. Còn thân xác là xấu xa, nó chi phối con người làm việc ác, mọi hành động buông thả theo bản năng là trụy lạc và vô đạo đức. Kỷ nguyên của sự thù ghét thân xác, của sự kiềm chế những đam mê, xem như đã bắt đầu.

CUỘC ĐỜI NHƯ CHÍNH NÓ LÀ:

Như đã nêu ở trên, Nietzsche không tôn trọng gì cái gọi là đạo đức, và càng ghét bỏ Ki-tô giáo, những nền luân lý đã ép con người phải sống ngược với bản năng lành mạnh của mình.
Ta muốn nói với những kẻ khinh miệt thân xác một lời. Họ không cần phải học lại hay thay đổi cách giảng dạy, mà chỉ cần từ giã chính thân xác mình, và như thế sẽ trở thành lặng câm.
Ki-tô giáo và những nền “luân lý bầy đàn” khác như thế đã trở thành sự thù ghét và chối bỏ cuộc sống. Nó vừa khiến người ta tin vào thế giới bên kia là thiên đường đầy lạc thú, để rồi sống một đời theo ý Chúa, một đời không có tự do và đam mê. Lại vừa khiến người ta phải kiềm nén những khao khát để sống theo cái nền luân lý nô lệ bắt nguồn từ sự yếu đuối. Con người tin rằng, nếu cố gắng làm thiện, cuộc đời sẽ có ý nghĩa, và họ sẽ được Chúa tưởng thưởng, nhưng không. Bản thân việc ta sống, ta cố gắng sinh tồn đã là tước đoạt và dành giật lấy những cái tốt đẹp của đời. Nhưng khao khát phát triển bản thân chẳng có gì là sai cả, và ta cũng không nên có suy nghĩ kiềm nén sự phát triển này.
"Chúa bị đóng đinh trên thánh giá" là sự nguyền rủa cuộc sống, là một chỉ dẫn đưa ngươi hướng đến sự giải thoát ra khỏi cuộc đời [...] Dionysus mới chính là sự hứa hẹn nơi cuộc đời này [...]
Ngoài ra, con người bản thân họ vốn không tốt đẹp. Có cố gắng bao nhiêu thì đời vẫn thế, vô nghĩa và đầy buồn đau. Nhưng với Nietzsche, ông khuyến khích ta chấp nhận và yêu lấy cuộc đời này một cách vô điều kiện, và nếu như mọi thứ đều chẳng có nghĩa lý gì, ta có quyền dốc hết ý chí và hi sinh vì lý tưởng riêng – cái mà kẻ khác không thể hiểu được, và ta làm nó với lòng nhiệt tình say mê, mà không màng đến những lời nhận xét, hay thậm chí là hạnh phúc của bản thân.
[...] Các ngươi hãy luôn luôn và vĩnh viễn yêu thương. Các ngươi cũng nói với niềm đau rằng:  Hãy qua đi, nhưng hãy trở lại!
“Siêu Nhân”, kẻ thực hiện được những điều trên, là kẻ tự chịu trách nhiệm, tự đặt ra luân lý cho chính mình, theo đuổi những giá trị mà không ai có thể thấu hiểu, là kẻ ôm hôn cả niềm vui lẫn nỗi buồn, và hắn yêu cuộc đời này – như là chính nó.
Tôi đem thần Dionysus Hy Lạp về đây: [...] sự chấp nhận cuộc sống, toàn bộ cuộc sống, không chối bỏ nó và không chỉ một nửa nó.
Nietzsche kêu gọi chúng ta hãy tự giải thoát mình khỏi mọi nền luân lý bầy đàn. Để một lần nữa được dẫn lối bởi những đam mê, ham muốn và bản năng của mình. Đương nhiên, ta không vứt bỏ lý trí, mà hãy để nó làm nhiệm vụ của mình là hỗ trợ cho những đam mê và thôi thúc bản năng bên trong chính chúng ta.

(Các trích dẫn được dựa theo bản tiếng Việt cuốn NIETZSCHE IN 60 MINUTEN của tác giả Walther Ziegler, dịch giả Nguyễn Lê Tiến)
#byPhiệu

Đọc thêm: