Người Ấn Độ gọi kí hiệu 卍 theo tiếng Phạn là svastika (swastika). Ý nghĩa sâu xa của từ này là “vinh quang vĩnh cửu” (permanent victory). Tuy nhiên, kí hiệu này còn được gọi bằng các tên khác nhau ở các nước khác nhau như “chữ Vạn” tại Trung Quốc, ”Manji” tại Nhật Bản,”fylfot” tại Anh, “Hakenkreuz” ở Đức, “tetraskelion” hoặc “tetragammadion” ở Hy Lạp. Người Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nên cũng gọi kí hiệu này theo Hán văn là chữ Vạn.

Theo các nhà nghiên cứu, đây không phải là chữ mà là kí hiệu mang tính biểu tượng. Kí hiệu này đã từng được khắc trên một bức tượng bằng ngà voi tìm thấy tại Mezine, Ukraine có niên đại cách ngày nay hơn 12.000 năm. Nhiều nền văn hóa cổ ở Nam Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á và cả châu Mĩ đều có biểu tượng này. Trong Hy Lạp cổ đại, Pythagoras sử dụng hình này dưới tên “tetraktys” như một biểu tượng kết nối trời và đất, với cánh tay phải chỉ lên trời và cánh tay trái chỉ vào Trái đất (bạn thử bắt chéo hai cẳng tay mình xem). Tóm lại, biểu tượng này được lấy ý tưởng từ việc quan sát vũ trụ, hệ mặt trời, nó thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận, và sự vĩnh hằng.

Khoảng 2500 năm trước Công nguyên, trên lãnh thổ Ấn Độ ngày nay đã ra đời nhiều quốc gia cổ đại với diện tích nhỏ. Càng về sau những quốc gia này thôn tính lẫn nhau nên số lượng quốc gia giảm dần. Họ có đạo Bàlamôn đa thần giáo. Đến thế kỉ VI TCN, đạo Phật (độc thần – Phật) ra đời, góp phần thống nhất lãnh thổ Ấn Độ. Phật giáo hướng đến một vị thần kiểm soát vũ trụ nên muốn lấy kí hiệu 卍 làm biểu tượng cho mình. Cuối thế kỉ IV TCN, hoàng đế Hi Lạp Alếchxăng Makêđônia vượt qua Trung Đông chinh phục Ấn Độ. Cuộc chinh phục dở dang vì ông bị sốt rét mà mất, nhưng kí hiệu 卍 trên mũ của chiến binh Hi Lạp được coi như có thần linh phù hộ đã tác động tiếp đến người Ấn Độ. Từ thời vua Asôca (thế kỉ thứ III TCN), lãnh thổ Ấn Độ thống nhất, đạo Phật trở thành quốc giáo và lấy kí hiệu 卍 làm biểu tượng cho mình.

Đạo Phật vào Trung Quốc và phát triển dưới thời Đường. Năm 639, triều Võ Tắc Thiên, các nhà sư Trung Quốc mới gọi kí hiệu 卍 là chữ Vạn và cho rằng chữ này có ý nghĩa là nơi nhóm hợp của muôn điều tốt lành.


Đọc thêm:


Thời xưa, cư dân nhiều nơi trên thế giới đã biết sự vận động ngược chiều kim đồng hồ của vũ trụ. Kí hiệu 卍 (chữ Vạn) tạo ra một vòng tròn đang quay ngược chiều kim đồng hồ thể hiện sự vận động, sự trường tồn, sự sáng tạo vô tận của vũ trụ. Mặt trống đồng ở khu vực Trung Quốc, Đông Nam Á có hoa văn hình người và con vật vận động theo chiều quay của Trái Đất (ngược chiều kim đồng hồ). Khi chữ Vạn trong đạo Phật quay tròn ngược chiều kim đồng hồ, nó tượng trưng cho năng lượng, sức mạnh, sự thông thái, sự khoan dung, từ bi của đức Phật lan tỏa ra vũ trụ vô cùng vô tận để cứu giúp chúng sinh.

Tuy nhiên, đặt chữ Vạn quay xuôi chiều kim đồng hồ hay ngược chiều kim đồng hồ là do vị trí người nhìn. Giả sử, đặt chữ Vạn ở giữa cửa nhà, nếu ta đứng ngoài sân nhìn vào trong nhà thì chữ Vạn quay ngược chiều kim đồng hồ; nếu ta đứng trong nhà nhìn ra ngoài sân thì chữ vạn quay xuôi chiều kim đồng hồ. Thời xưa, Phật giáo ở nhiều nơi, nhất là vùng Tây Tạng – Trung Quốc, sử dụng cả chữ Vạn quay ngược chiều kim đồng hồ và chữ Vạn quay xuôi chiều kim đồng hồ. Khi dùng chữ Vạn quay tròn theo chiều kim đồng hồ, các nhà sư giải thích nó tượng trưng cho năng lượng, sức mạnh và sự thông thái của vũ trụ hội tụ vào đức Phật.

Như thế, khi chữ Vạn quay tròn ngược chiều kim đồng hồ, nó tượng trưng cho năng lượng, sức mạnh, sự thông thái, sự khoan dung, từ bi của đức Phật lan tỏa ra vũ trụ; khi chữ Vạn quay tròn theo chiều kim đồng hồ, nó tượng trưng cho năng lượng, sức mạnh và sự thông thái của vũ trụ hội tụ vào đức Phật.

Năm 1933, Ađônphơ Hitle thiết lập chế độc tài phát xít ở Đức, quốc hội Đức bị giải thể, các đảng phái bị giải tán và cấm hoạt động. Chỉ còn Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức (gọi tắt là Quốc Xã - State Social = SS) của Hitle nắm chính quyền. Khi đó, Hitle tạo ra Đảng kì hình chữ nhật nền đỏ, giữa là vòng tròn nền trắng, trong vòng tròn là hai chữ SS lồng vào nhau được cách điệu hóa như chữ Vạn nhưng quay xuôi chiều kim đồng hồ. Mặt khác, Hitle tham vọng bá chủ thế giới, như Mặt Trời chi phối cả vũ trụ nên biểu tượng 卐 vốn tồn tại lâu đời trong văn hóa nhiều dân tộc đã được chọn làm Đảng kì.

Từ đó, nhiều người không để ý kĩ đã nhầm lẫm biểu tượng 卍 (chữ Vạn) của Phật giáo với biểu tượng 卐 (chữ SS cách điệu hóa và cũng là chữ Vạn quay xuôi chiều kiem đồng hồ) của phát xít Hítle. Vì thế, sau sự kiện này, để tránh nhầm lẫn, Phật giáo chỉ dùng biểu tượng 卍 (chữ Vạn quay ngược chiều kim đồng hồ) mà không dùng biểu tượng 卐 (chữ Vạn quay xuôi chiều kim đồng hồ) nữa.


Thực ra, nhìn kĩ ta thấy có sự khác nhau: Biểu tượng chữ Vạn của nhà Phật thì màu vàng hoặc đỏ ngược chiều kim đồng hồ, được vẽ thẳng góc, nội tiếp trong một hình vuông tưởng tượng. Biểu tượng phát xít của Hítle là “chữ Vạn ” màu đen xuôi chiều kim đồng hồ, được vẽ xiên một góc 45 độ trong một vòng tròn màu trắng.

Nguồn: Fb Nguyễn Hữu Sơn (thầy giáo dạy Sử trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ)