Những bài học từ Milton Friedman
Đây là bài lược dịch trên trang Learning Economics từ blog Economics của John Taylor về hai quan điểm chính của Kinh tế học vĩ mô....
Đây là bài lược dịch trên trang Learning Economics từ blog Economics của John Taylor về hai quan điểm chính của Kinh tế học vĩ mô. Taylor (Giáo sư Stanford) chính là người đề xuất quy tắc Taylor và ủng hộ cho chính sách theo quy tắc
Chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều từ Milton Friedman, người được sinh ra 100 năm trước đây (31 tháng 7 năm 1912). Trong bài viết này, tôi tập trung vào vai trò của Milton trong các cuộc tranh luận kinh tế vĩ mô của những năm 1960 và 1970, bởi vì nó tương tự với các cuộc tranh luận đang diễn ra hiện nay.
Friedman, Samuelson, và “Quy tắc khác với tùy nghi”
(Chính sách tùy nghi cho phép các nhà lập chính sách phản ứng nhanh chóng với những tình huống xảy ra. Tuy nhiên, chính sách tùy ý dễ dẫn tới hiện tượng không nhất quán theo thời gian. Chẳng hạn, chính phủ có thể đã tuyên bố sẽ nâng lãi suất không hạn chế để kiềm chế lạm phát, nhưng sau đó lại không làm như vậy. Những hành động như thế sẽ khiến các cá nhân mất lòng tin vào chính phủ. Điều này có thể dẫn tới chính sách của chính phủ sẽ mất dần hiệu lực.
Chính sách có quy tắc sẽ giúp thu được lòng tin do nó minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn. Vấn đề là khó có thể tính toán chính xác khi xây dựng các quy tắc.)
Trước tiên, trở lại đầu những năm 1960. Trường phái Keynes bắt đầu được biết đến ở Washington, chủ yếu được dẫn dắt bởi Paul Samuelson, chính ông đã tư vấn John F. Kennedy trong suốt chiến dịch bầu cử năm 1960 và tuyển dụng những người như Walter Heller và James Tobin vào Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Kennedy. Thực ra, cách tiếp cận Keynes trong chính sách vĩ mô chính thức được giới thiệu ở Washington khi Heller, Tobin, và các đồng nghiệp soạn thảo Báo cáo kinh tế Tổng thống đầu tiên của chính quyền Kenedy được xuất bản năm 1962.
Báo cáo đã đưa ra một trường hợp rõ ràng liên quan đến chính sách tùy nghi thay vì quy tắc: chính sách ngân sách tùy nghi (discretionary). Để thúc đẩy sự ổn định kinh tế, chính phủ nên thay đổi một cách nhanh chóng tỷ lệ thuế hoặc các chương trình chi tiêu, và có thể đảo ngược hành động khi hoàn cảnh thay đổi. Tương tự cho chính sách tiền tệ, một chính sách tùy nghi (discretionary) là cần thiết, đôi khi để củng cố, đôi khi giảm thiểu, khắc phục, những hệ quả tiền tệ của các dao động ngắn hạn trong hoạt động kinh tế.
Cùng năm đấy, Milton Friedman xuất bản quyển sách “Chủ nghĩa tư bản và Tự do” (1962) đưa ra quan điểm khác về vai trò của chính phủ, mà sau đó ông đã tiếp tục ủng hộ trong suốt những năm 1960 và sau này. Ông lập luận rằng “các bằng chứng sẵn có cho thấy những nghi ngờ về khả năng điều chỉnh tốt các hoạt động kinh tế bằng cách điều chỉnh tốt chính sách tiền tệ, ít nhất là trong phạm vi kiến thức hiện có. Do vậy, chính sách tiền tệ tùy nghi có rất nhiều hạn chế, và, nguy hiểm hơn, một chính sách như vậy có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn chứ không phải là tốt đẹp hơn. Những khó khăn và hạn chế chính của chính sách tiền tệ cũng áp dụng tương tự với chính sách tài khóa. Áp lực chính trị để "làm một cái gì đó" rõ ràng là đang tồn tại rất mạnh trong thái độ công chúng. Lời răn chính từ hai điểm này chính là nhân nhượng với những áp lực này thường xuyên có thể gây hại nhiều hơn lợi. Có một câu nói rằng điều tốt nhất thông thường là kẻ thù của điều tốt, dường như có liên hệ trong hoàn cảnh này. Cố gắng làm nhiều hơn cái mà chúng ta có thể sẽ là một sự gây nhiễu làm gia tăng sự bất ổn định.
Giải quyết các bất đồng
Như vậy, có hai quan điểm khác nhau: Quan điểm của Samuelson – Quan điểm của Friedman. Sự bất đồng cơ bản không phải nằm ở điểm công cụ chính sách nào tốt hơn (tài khóa so với tiền tệ), mà là các chính sách nên theo quy tắc hay tùy nghi. Từ giữa những năm 1960 xuyên suốt những năm 1970, quan điểm Samuelson đã chiến thắng khi mà các chính sách tùy nghi được áp dụng vào thực tế.
Tuy nhiên, Friedman vẫn giữ triệt để giữ nguyên quan điểm của mình. Tại một thời điểm trong những năm 1970, FA Hayek thậm chí dường như đứng về phía cách tiếp cận tùy nghi, ít nhất là trong trường hợp của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Milton Friedman đã không do dự. Thay vào đó, Milton đã gửi một lá thư cho Hayek vào năm 1975 như sau: “Tôi ghét nhìn thấy ông xuất hiện để ủng hộ cho điều mà tôi tin là một trong những vi phạm cơ bản nhất đối với các quy tắc của luật mà chúng ta có, đấy chính là các hoạt động tùy ý của các ngân hàng trung ương. “May mắn thay, theo quan điểm của tôi (quan điểm của Taylor), những lập luận của Friedman cuối cùng đã chiến thắng và chính sách kinh tế Hoa Kỳ đã không còn nhấn mạnh vào các chính sách tùy nghi như vậy trong năm 1980 và 1990.
Cuộc tranh luận trở lại
Nhưng hiện nay, cuộc tranh luận chính sách này đã trở lại. Nhiều nhà kinh tế ủng hộ và thúc đẩy nhiều hơn nữa các gói kích thích kinh tế tài khóa một cách tùy nghi. Họ lập luận rằng các gói kích thích kinh tế của năm 2008 và 2009 hoặc đã có tác động tích cực hoặc cần được mở rộng hơn. Họ cũng ủng hộ cho sự tùy nghi của chính sách tiền tệ, chẳng hạn như là những hành động nới lỏng tiền tệ – định lượng (Quantitative easing). Họ không lo lắng về chính sách cứu trợ tùy ý, coi nhẹ việc rủi ro đạo đức tăng lên do thiếu các quy tắc đáng tin cậy. Theo cách hiểu này, họ là những hậu duệ của trường phái Samuelson.
Những nhà kinh tế khác cho rằng chính sách tài khóa ổn định được dựa trên các cải cách thuế lâu dài và chính sách tự ổn định hóa. Cá nhà kinh tế này cũng thúc đẩy sự trở lại của chính sách tiền tệ theo quy tắc và có thể dự đoán. Họ lập luận rằng các gói kích thích kinh tế tùy nghi và các hành động nới lỏng định lượng đều không hiệu quả, chỉ ra những rủi ro của khoản nợ gia tăng hoặc vấn đề lưu hành tiền tệ của khoản nợ. Đi kèm với đấy là những lo lắng về hậu quả của các gói cứu trợ tùy ý. Ở khía cạnh này, họ là người ủng hộ trường phái Friedman.
Tất nhiên hiện nay có nhiều sắc thái khác nhau, một số liên quan đến khó khăn trong việc phân biệt giữa các chính sách theo quy tắc và tùy nghi. Ví dụ như, trong các cuộc thảo luận về mục tiêu GDP danh nghĩa, một số người cho rằng đó như một quy tắc và một số xem nó như là một giấy phép để tiến hành bất cứ hành động tùy ý nào. Thật thú vị khi cả hai đều hướng vào Milton Friedman đối với trường hợp của họ.
Giải quyết các tranh luận lần nữa
Trong khi các học giả vẫn là nhân vật chính, cuộc tranh luận không có nhiều tính học thuật. Thay vào đó là một cuộc tranh luận về hệ quả thực tế đối với phúc lợi của hàng triệu người liên quan. Liệu các bất đồng có thể được giải quyết? Milton có xu hướng thiên về phía lạc quan rằng chúng có thể được giải quyết, và tôi (Taylor) chắc chắn rằng đây là một trong những lý do tại sao Milton tiếp tục nghiên cứu và tranh luận về vấn đề này mạnh mẽ như vậy.
Ở đây, cả hai bên quan điểm đều có thể học hỏi từ Milton. Đầu tiên, dù là một người tranh luận mạnh, Milton là một người kính cẩn, luôn tránh các cuộc tấn công cá nhân và luôn trả lời mọi lá thư. Thứ hai, Milton có một niềm tin mãnh liệt rằng các bằng chứng thực nghiệm sẽ mang mọi người lại cùng nhau. Ông bị ảnh hưởng bởi nhà thống kê Leonard (Jimmie) Savage: Vâng, mọi người sẽ tiếp cận vấn đề với những niềm tin ban đầu khác nhau (prior beliefs), nhưng những niềm tin sau đó (posterior beliefs) của họ – sau khi bằng chứng được thu thập và phân tích- sẽ gần gũi nhau hơn nhiều. Như vậy, các bất đồng cuối cùng sẽ được giải quyết. Tôi (Taylor) nghĩ rằng chúng ta đã thấy điều này vào cuối những năm 1970 và những tán thành cơ bản đã kéo dài trong ít nhất hai thập kỷ.
Thật không may, những niềm tin sau (posterior beliefs) trong giới vĩ mô hiện nay có vẻ như xa nhau như những niềm tin trước (prior beliefs) như 50 năm trước đây. Rõ ràng là chúng ta có rất nhiều việc để làm, và rõ ràng chúng ta có thể học được rất nhiều từ Milton Friedman để quyết định làm thế nào để tiếp tục.
Xem bài gốc tại đây
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất