Tết Việt: đôi điều ngẫm nghĩ
Lại một cái Tết nữa trôi qua, đầu năm xin chúc các ông ở Spiderum và gia đình sức khỏe dồi dào, tràn ngập niềm vui. Bài này tôi...
Lại một cái Tết nữa trôi qua, đầu năm xin chúc các ông ở Spiderum và gia đình sức khỏe dồi dào, tràn ngập niềm vui.
Bài này tôi viết về những suy nghĩ của mình với phong tục Tết cổ truyền Việt, và cũng là bài đầu tiên trong năm mới của tôi trên Spiderum.
Không biết các ông thế nào, chứ riêng về phần mình thì tôi cảm thấy dần dà cái gọi là cổ truyền trong dịp Tết nó chẳng được mấy tý nữa. Hay nói cách khác rằng rất nhiều người phản đối bỏ Tết vì họ nghĩ đó là đi ngược lại truyền thống dân tộc, nhưng lại không hề nghĩ rằng hai chữ truyền thống đang dần mất đi trong chính cách ăn Tết ngày càng tốn kém và mệt mỏi của chúng ta. Bắt đầu từ mấy năm nay hầu như tôi không ăn Tết gì cả, tuyền trốn nhà đi chơi.
Theo ý kiến của tôi thì Tết chỉ nên gói gọn trong 3 ngày: 29, 30, 1 với một số thứ nên giữ và phát huy. Các ông khoan chửi tôi hẵng, tôi không nói các ông chỉ nên nghỉ Tết ba ngày đâu.
1. Dọn dẹp nhà cửa, rước ông bà
Ngày 29 dọn dẹp quét tước sơn sửa nhà cửa, sáng ngày 30 thắp nhang hoặc lên chùa mời ông bà về ăn Tết chung với gia đình. Đây là lễ nghĩa truyền thống của dân tộc, hầu như bất kỳ ai cũng cần duy trì.
2. Chơi hoa/cây
Đây cũng là một phong tục cổ xưa, đúng ngày mùng 1 người ta sẽ nhìn hoa nở để đoán vận may gia đình năm sau. Tuy nhiên phong tục này ngày nay nhiều chỗ đã biến tướng thành chỗ để khoe của, hoặc chạy theo những mục đích kỳ quái. tức là cây hoa nhà tao phải hoành tá tràng hơn thằng bên cạnh, phải abc xyz con mẹ gì đó cơ.
Cái này nên đi kèm với treo nêu. Ngày ông Táo về trời, nên đi thỉnh 1 chậu hoa nhỏ trưng trong nhà và một cây nêu ngoài sân. Tất nhiên với điều kiện thành thị thì khó dựng nêu cao 6m lắm, dùng cây be bé thôi là đủ.
Nhà có người già thì phân công cho người già chăm hoa, bọn trẻ con thì bắt bọn nó chuẩn bị nêu. Trong lúc chuẩn bị thì có thể kể với bọn trẻ ranh sự tích và ý nghĩa những thứ phải treo lên cây nêu theo tục cổ. Nội dụng tôi không ghi vì nó quá nhiều, có thể hỏi anh Gồ.
3. Nấu bánh chưng
Rất may là tục lệ này hầu như còn được giữ gìn nguyên bản, nhà nào cũng thích. Tuy nhiên để đảm bảo PCCC và tạo không khí ngày Tết thì mỗi xóm nên dựng 1 bãi nấu bánh chưng chung với nhau. Tất nhiên vẫn để bọn trẻ ranh nó làm, người lớn chúng ta chỉ nên ngồi cắn hạt dưa và tám chuyện thôi, đúng không các ông. Nấu xong mỗi nhà cầm 2 cặp về để bàn thờ là đủ, nhà tôi năm nào cũng cả rọ bánh chưng ăn muốn lòi đậu xanh thịt mỡ, chả để làm gì.
Các xóm lân cận có thể thi xem ai gói bánh chưng đẹp nhất, hoặc tìm hoa hậu chưng xóm, mỹ nam tét xóm.
Thành phố có thể thi Chưng Hậu và Tét Vương.
4. Xin lộc
Tục này tôi thấy vẫn còn ở một số nơi, có điều bị biến tướng thành trò đi bẻ cây bẻ cành ở nhà chùa. Rất xấu tính, của chùa không có nghĩa là thích thì lấy, Tam Tạng còn phải đút hối lộ nhé. Cái này nên đi liền với xin chữ, xin câu đối sau giao thừa đêm 30.
Giống như nấu bánh chưng, mỗi xóm nên tổ chức 1 vài cụ già râu dài tới rún, văn hay chữ tốt ngồi cho lộc và chữ. Không thì có thể vào chùa xin sư thầy. Nếu không ai biết viết nữa thì cầm tạm chữ xấu về vậy, chủ yếu là cái ý nghĩa đúng hăm, hề hề.
5. Lì xì mùng một
Đây là thứ tục lệ bị biến tướng nhiều nhất he he. Chuyện nó như nào thì ai cũng biết rồi, tôi không nói nhiều. Lì xì lấy may chứ có phải khoe độ giàu với cả kiếm ăn hay bợ đỡ đâu, phỏng các ông?
Nhà nước có thể phát hành mảnh vàng giả, phía sau in những câu chúc Tết hay những câu nói may mắn. Mỗi nhà mua tầm trăm tấm về nhét phong bao xong trộn vào cái rổ, sáng mùng một phát cho trẻ con. Bọn nó sẽ buồn đấy, nhưng kệ xác bọn nó, cái gì rồi cũng sẽ quen, kể cả là áp bức.
Bạn bè cũng có thể mua mấy mảnh vàng có in mấy câu bựa bựa để rút thăm cho nhau, kiểu con bạn đang ế thì rút được câu năm sau đẻ 3 đứa hoặc thằng bạn đã có vợ thì rút được câu năm sau số đào hoa lắm.
6. Hạ nêu, cúng ông bà
Có thể làm mùng 1 hoặc mùng ba mùng bảy, tùy. Cái này xong coi như là hết Tết. Khoảng thời gian sau đó nên tận hưởng để nghỉ ngơi.
Ba ngày Tết là sống cho dân tộc, cho phong tục, những ngày sau đó nên dành cho bản thân. Chưa có gia đình thì có thể đi du lịch, lười thì có thể nằm nhà chơi game, luyện phim, tụ tập bạn bè. Có gia đình rồi thì có thể đi nghỉ dưỡng cả nhà. Hoặc đi du xuân, tới những nơi mình chưa biết, chưa từng tới.
Không nên và cũng không cần thiết phải làm phiền các gia đình khác bằng chuyện thăm hỏi này nọ, mệt đít. Cả năm 300 ngày muốn thăm hỏi nhau tình cảm thì thu xếp mà làm đi cứ gì phải đợi Tết.
Những thứ nên bỏ:
Đốt vàng mã: Cái này là của bọn Tàu, nên bỏ, lý do vì sao thì các ông tra Google. Công ty tôi năm nay đã không còn đốt vàng mã nữa.
Cỗ bàn: Cái này khổ như thế nào thì các chị em phụ nữ lên tiếng hộ tôi. Thế éo nào cả năm đã phải làm quần quật như 1 con chó cún rồi tới Tết lại phải bày cỗ dọn dẹp như 5 con chó cún vậy (chin nhỗi vd hơi thô nhưng chân thật, nhể). Chưa kể lãng phí vãi.
Nhậu: Cái này tôi éo nói nhiều, nên bỏ hẳn, bất kể bọn làm bia rượu có khóc lóc thế nào. Năm nay 2200 vụ đánh nhau vì nhậu Tết đã đủ chứng minh tính hăng máu của dân tộc VN, thứ luôn trường tồn từ 1 tỷ năm trước.
Cúng chùa: Tôi vừa nhận email của vp đại diện nhà Phật là Tết năm nào dưới này cũng đốt nhiều nhang khói quá đi, bọn tau mệt lắm, cứ phải đi thở oxy suốt. Và vp cũng nhắn luôn là bận lắm, không có thời gian giải quyết mấy vụ xin xỏ tài lộc này nọ của mấy tỷ người từ Tàu tới Việt đâu.
Cúng cho Thần Phật để mưu cầu danh lợi là việc vớ vẩn nhất, và Phật cũng không giải quyết mấy vụ đó. Ông nào có nghiên cứu tý về Phật giáo chắc hiểu. Thần thì tôi không biết. Vào chùa tịnh tâm sau một năm vất vả thì okê quá tốt.
Trang trí mua sắm quá đà: Cái này rất nhiều nhà mắc phải. Sẽ có ông nói không trang trí mua sắm thì không kích cầu tiêu dùng cuối năm. Cá nhân tôi thì thấy việc này không văn minh lắm. Tiền đó có thể dùng để đi chơi, tích trữ hoặc làm gì đấy thì tùy, chỉ không nên dùng để mua mấy thứ vô bổ bày cho ngập nhà ba tháng sau Tết ăn chưa hết.
Đây là một cái Tết đơn giản và truyền thống mà tôi nghĩ ra, thay thế cho cuộc chạy đua ăn Tết vô cùng mệt mỏi của cả dân tộc hiện nay. Các ông thấy thế nào?
Còn chuyện lao động hay năng suất trước và sau Tết thì tôi không bàn ở đây, vì rõ ràng nó là tâm lý của người lao động chứ tự thân dịp Tết chẳng có tội tình gì.
/quan-diem-tranh-luan
- Hot nhất
- Mới nhất